04:08, 27/08/2013

Thêm 10 nghề được hỗ trợ học phí đào tạo

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định bổ sung mức hỗ trợ học phí đào tạo nghề cho lao động nông thôn  trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về vấn đề này.

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa ban hành quyết định bổ sung mức hỗ trợ học phí đào tạo nghề (ĐTN) cho lao động nông thôn (LĐNT) trên địa bàn tỉnh. Phóng viên Báo Khánh Hòa đã phỏng vấn ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về vấn đề này.

 

Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.
Ông Mai Xuân Trí, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội.


- Xin ông cho biết, vì sao phải bổ sung mức hỗ trợ học phí ĐTN cho LĐNT?


- Triển khai “Đề án ĐTN cho  LĐNT đến năm 2020”, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định về mức hỗ trợ học phí cho 52 nghề được chọn để ĐTN cho LĐNT theo nhu cầu. Thế nhưng, sau hơn 3 năm triển khai (2010 - 2013) đề án, đã có thêm 10 nghề nữa được LĐNT chọn học. Do đó, để tạo điều kiện hỗ trợ người học, chúng tôi đã tham mưu UBND tỉnh bổ sung thêm 10 nghề nữa vào danh sách 52 nghề được hỗ trợ. Từ đó, nâng tổng số nghề được hỗ trợ từ chính sách ưu đãi của đề án lên 62 nghề. Như vậy, hiện nay, khi LĐNT trên địa bàn tỉnh đăng ký học những nghề nằm trong danh mục 62 nghề đã được phê duyệt thì sẽ được hỗ trợ học phí trong quá trình tham gia học nghề.  


- Ông có thể cho biết cụ thể mức hỗ trợ của 10 nghề đã bổ sung?


- 10 nghề mà UBND tỉnh đã có quyết định bổ sung mức hỗ trợ học phí đào tạo cụ thể gồm: Nghề công nghệ sợi, chăn nuôi bò, heo, gà, trồng rừng và chăm sóc rừng lấy gỗ có mức hỗ trợ là 2,2 triệu đồng/khóa học (thời gian đào tạo 3 tháng); nghề chế biến thủy sản, nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm hùm lồng, ốc hương thương phẩm, mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/khóa học (thời gian đào tạo 2,5 tháng); nghề cắt tóc, mức hỗ trợ là 1,2 triệu đồng/khóa học (thời gian đào tạo 1,5 tháng).


Để triển khai quyết định này, UBND tỉnh đã giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm tăng cường công tác kiểm tra, giám sát để đảm bảo việc hỗ trợ đúng đối tượng quy định, thực hiện đầy đủ nội dung và chất lượng đầu ra ngành nghề đào tạo đã được phê duyệt.


- Ông có thể cho biết một số kết quả việc triển khai “Đề án ĐTN cho LĐNT đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh?


- Năm 2010, Đề án “ĐTN cho LĐNT đến năm 2020” được Thủ tướng Chính phủ ban hành triển khai trên toàn quốc. Ngay sau đó, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành đẩy mạnh triển khai thực hiện đề án nhằm nâng cao tay nghề, kỹ thuật và tạo việc làm cho LĐNT. Đến nay, sau hơn 3 năm triển khai đề án, toàn tỉnh đã có gần 10.000 LĐNT được ĐTN, với tổng kinh phí hỗ trợ hơn 14 tỷ đồng. Việc ĐTN đã tiến hành theo mô hình liên kết với doanh nghiệp và các làng nghề truyền thống. Nhờ đó, tỷ lệ lao động sau học nghề có việc làm đạt trên 75%, mức thu nhập trung bình từ 1,5 đến 3 triệu đồng/tháng. Người học nghề đã tiếp cận được kiến thức chuyên môn, biết cách làm nghề, giảm chi phí sản xuất, tăng năng suất lao động, có cơ hội vào làm việc tại các doanh nghiệp. Ở một số nơi, nhất là các xã thí điểm, các mô hình dạy nghề đã góp phần hình thành mô hình sản xuất mới với những nông dân đã qua ĐTN là lực lượng nòng cốt. Bên cạnh đó, từ nguồn kinh phí của đề án đã đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở dạy nghề công lập của tỉnh.


Để hoạt động ĐTN cho LĐNT thực sự đem lại hiệu quả, trong thời gian tới, chúng tôi sẽ chú trọng đào tạo những ngành nghề theo nhu cầu của doanh nghiệp và dựa trên nhu cầu thực tế của người dân. Quan điểm chung là ĐTN phải gắn với giải quyết việc làm, chuyển dịch cơ cấu lao động, thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới. Chính vì vậy, rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị địa phương.


- Xin cảm ơn ông!


VĂN GIANG (Thực hiện)