11:11, 21/11/2013

Luôn tâm niệm là bộ đội Cụ Hồ

Đến thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), hỏi về cựu chiến binh Lê Quang Dưỡng (62 tuổi), người dân trong thôn ai cũng nhắc đến ông với sự kính phục vì những nỗ lực vượt qua đói nghèo và làm kinh tế giỏi.

Đến thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát (huyện Cam Lâm, Khánh Hòa), hỏi về cựu chiến binh (CCB) Lê Quang Dưỡng (62 tuổi), người dân trong thôn ai cũng nhắc đến ông với sự kính phục vì những nỗ lực vượt qua đói nghèo và làm kinh tế giỏi.


“Có sức người, sỏi đá cũng thành cơm”


Nhập ngũ năm 1967, từ năm 1968, ông Lê Quang Dưỡng vào Nam chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và trở thành trung đội trưởng. Năm 1976, ông xuất ngũ, về làm Phó Bí thư Huyện đoàn Khánh Vĩnh rồi tổ trưởng tổ sản xuất đá Công trường đá Suối Dầu. Hồi ấy, cả vùng toàn cỏ dại, tranh tre. Không vốn liếng, vợ chồng ông bắt đầu vật lộn mưu sinh trên vùng đất mới. Ông Dưỡng tâm sự: “Ngày đầu lập nghiệp, gia đình tôi phải ở nhờ nhà đồng chí, đồng đội. Nhưng với mong muốn vượt qua đói nghèo, tôi quyết tâm vươn lên phát triển kinh tế”.


Với ý chí đó, ngày khai hoang đồi núi, đêm trồng cây, rảnh lúc nào, ông đi học tập mô hình làm ăn hiệu quả ở các địa phương, tìm hiểu các tiến bộ khoa học kỹ thuật. 3 năm đầu về Cam Lâm khai hoang, gia đình ông trồng được 3ha mía và hơn 1.000 cây chuối. Từ năm 2000, sau khi được giao và mướn thêm đất, ông chuyên tâm trồng mía. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm canh tác, nhà máy đường lại thu mua mía muộn nên nhà ông ứ đọng mía rất nhiều, bị lỗ trắng. Nhưng ông không nản: “Đi chiến đấu một sống hai chết còn chẳng sợ, sao lại chịu thua trong sản xuất. Mình là bộ đội Cụ Hồ mà, có sức người, sỏi đá cũng thành cơm!”. Thế là ông mạnh dạn vay ngân hàng, phá bỏ mía cũ, chăm sóc gốc mía, đồng thời mướn hơn 40ha đất, tiếp tục đổ mồ hôi “tưới” đất. Và đất đã không phụ công người. Việc trồng trọt dần thuận lợi. Đến nay, gia đình ông đã có 35ha đất (thuê 15ha) trồng mì và mía. Năm lời nhiều, ông thu về 200 - 300 triệu đồng, ít cũng được 100 triệu đồng. Kinh nghiệm của ông là kiên trì, chịu khó, dám nghĩ dám làm, ham học hỏi, thường xuyên tiếp cận giống mới, không đầu tư nửa vời...

Hết làm rẫy, ông Dưỡng lại lo chăm sóc vườn cây ở nhà.
Hết làm rẫy, ông Dưỡng lại lo chăm sóc vườn cây ở nhà.


Tích cực giúp đỡ mọi người

 

Ông Thái Cao Bình - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Cam Lâm: Ông Lê Quang Dưỡng là hội viên sản xuất giỏi cấp Trung ương nhiều năm liền. Mô hình sản xuất của gia đình ông đang là mô hình tiêu biểu ở Cam Lâm. Mới đây, Hội CCB huyện đã tổ chức cho hội viên đi học tập mô hình này.

Không chỉ phát triển kinh tế, vợ chồng ông cũng chú ý chăm lo cho 3 con trai ăn học nên người. Và ông cũng không quên những ngày tháng cơ cực để đồng cảm với khó khăn của người khác. “Không chỉ là hội viên CCB làm kinh tế giỏi, ở địa phương, ông Dưỡng còn biết chia sẻ, giúp đỡ mọi người, tích cực tham gia các phong trào nên luôn được bà con yêu mến”, bà Phạm Thị Vinh - Chi hội trưởng Chi hội 1 thôn Tân Xương nhận xét. Để giúp những hộ làm thuê cho mình có điều kiện đi lại thuận tiện, ông cho họ mượn tiền mua xe máy nhưng chưa cấn trừ tiền công của ai. Cô giáo Nguyễn Thị Đào - Hiệu trưởng Trường Mầm non Vành Khuyên cho biết, con đường dẫn vào trường bằng bê-tông, sử dụng từ tháng 7-2012 có được là nhờ ông Dưỡng tự đứng ra thi công với tổng kinh phí khoảng 40 triệu đồng. Có đường mới, việc đi lại của cô và trò thuận lợi hơn nhiều, môi trường học tập cũng đỡ bụi bặm hơn. “Nhưng cái được lớn hơn là việc làm này đã trở thành điểm sáng cho các phụ huynh khác noi theo, góp phần làm cho công tác xã hội hóa của nhà trường thuận lợi hơn. Năm học 2012 - 2013, có phụ huynh đã ủng hộ nhà trường 5 triệu đồng, nhiều cây xanh, trang thiết bị... phục vụ việc dạy và học”, cô giáo Đào cho biết. Ông Dưỡng chia sẻ: “Thấy các cháu đi lại cực quá, vả lại, mình là bộ đội, đã hứa thì phải làm, nên tôi quyết tâm giúp trường”.


Tới nhà ông Dưỡng, chúng tôi đếm thấy trên tường treo khoảng 25 giấy khen các loại dành cho ông, 1 bằng khen của Trung ương Hội CCB Việt Nam về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi 5 năm 2007 - 2011” cùng bằng chứng nhận Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh giai đoạn 2006 - 2009. Năm 2012, ông được Hội CCB huyện khen thưởng về thành tích sản xuất kinh doanh giỏi. Liên tục từ năm 2002 đến nay, ông được công nhận là hội viên Hội CCB, hội viên Hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương. Ông đang dự định hợp đồng với Công ty Cổ phần Chăn nuôi C.P. Việt Nam để nuôi heo theo quy trình sản xuất an toàn và ước muốn làm từ thiện nhiều hơn nữa. Ông bảo: “Xem ti vi, thấy có người ở Trung ương Hội làm từ thiện hàng tỷ đồng mà ao ước. Tôi phải cố gắng hơn nữa, kiếm được nhiều tiền để có cơ hội làm từ thiện nhiều hơn”.


TIỂU MAI