12:11, 16/11/2013

Những cây đại thụ che mát buôn làng

Trong cuộc sống của đồng bào Raglai, T'rin, Ê đê… các già làng luôn giữ vai trò quan trọng trong việc động viên, khuyên nhủ người dân xây dựng đời sống tốt đẹp hơn.

Trong cuộc sống của đồng bào Raglai, T’rin, Ê đê… các già làng luôn giữ vai trò quan trọng trong việc động viên, khuyên nhủ người dân xây dựng đời sống tốt đẹp hơn.


Già làng Sà Đuốc (dân tộc T’rin) ở thôn Đá Trắng (xã Cầu Bà, huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) luôn được người dân kính trọng. Ông Cao Văn Nhỡ - người dân trong thôn cho biết: “Già Sà Đuốc vừa là già làng, vừa là mục sư. Ông nói toàn những điều hay lẽ phải nên được người dân ở đây quý lắm”. Gặp chúng tôi, già làng Sà Đuốc khoe: “Già vừa đi dự lễ hội già làng toàn huyện về, được lãnh đạo huyện tặng giấy khen, già vui lắm”. Qua trò chuyện với già làng Sà Đuốc, chúng tôi hiểu đối với người dân nơi đây, già làng có vai trò quan trọng như một thủ lĩnh tinh thần. Với trách nhiệm của một mục sư đạo Tin lành, già làng Sà Đuốc đã tích cực khuyên nhủ các tín hữu không du canh du cư, đấu tranh với những người cố tình truyền đạo trái phép, gây rối trật tự tại địa bàn khu dân cư.


Hiện tại, xã Cầu Bà có hơn 86% dân số chủ yếu là người dân tộc thiểu số theo đạo Tin lành, mục sư Sà Đuốc là người quản nhiệm ở đây. Để người dân và tín hữu nghe theo lời khuyên của mình, già làng Sà Đuốc luôn đi đầu noi gương trong mọi lĩnh vực. Gia đình già là một trong những gia đình có kinh tế ổn định với 3ha trồng keo, ngoài ra còn chăn nuôi nhiều heo, bò, thu nhập mỗi năm khoảng 150 triệu đồng. Con cháu của già đều được ăn học tử tế, có người đang theo học lớp thần học ở TP. Hồ Chí Minh để theo nghiệp già. Thực hiện lời dạy “sống tốt đời đẹp đạo”, những năm qua, già làng Sà Đuốc đã phối hợp chặt chẽ với chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể ở địa phương tuyên truyền, vận động giáo dân thực hiện tốt tín ngưỡng tôn giáo; đẩy mạnh phong trào người lớn gương mẫu, trẻ em chăm ngoan. Bên cạnh đó, già còn động viên người dân tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, xây dựng quê hương giàu mạnh.

 

Các già làng tiêu biểu được khen tặng tại Lễ hội già làng huyện Khánh Vĩnh lần thứ 4 năm 2013. (Ảnh: CTV)
Các già làng tiêu biểu được khen tặng tại Lễ hội già làng huyện Khánh Vĩnh lần thứ 4 năm 2013.


Già làng Trương Văn Đình (dân tộc Nùng) ở tổ 4, thị trấn Khánh Vĩnh lại luôn nổi bật trong việc vận động người dân giúp nhau phát triển kinh tế và đưa trẻ em đến trường. Già đã đứng ra vận động bà con tham gia các đợt tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật; hỗ trợ giúp đỡ nhau về vốn, giống cây trồng, vật nuôi; động viên thanh niên tham gia học nghề… Đến nay, đời sống của các hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây đã từng bước ổn định, không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm 15%, có 60 thanh niên đi học nghề và có việc làm ổn định. Trong công tác khuyến học, già làng Trương Văn Đình luôn đi đầu trong việc phối hợp với các tổ chức, đoàn thể, nhà trường vận động học sinh có nguy cơ bỏ học. Để làm được điều đó, già đã đi sâu tìm hiểu hoàn cảnh của từng em, từ đó có biện pháp giúp đỡ. Điều già làng Trương Văn Đình băn khoăn hiện nay là “vẫn còn một số gia đình điều kiện kinh tế khó khăn, nên chưa quan tâm đúng mức đến việc học tập của con em. Vì vậy, việc học tập đôi lúc chưa được chuyên cần, ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học”.


Ở huyện Khánh Vĩnh còn có nhiều già làng có uy tín với người dân như già Cao Sáu (thôn Suối Cát, xã Khánh Thượng), già H’trây Y Pranh (thôn Soi Mít, xã Khánh Hiệp), già Hà Ma (thôn Gia Rích, xã Giang Ly), già Cao Ri Nâng (thôn Giồng Cạo, xã Khánh Thành), già Pi Năng Ma Da (thôn Đông, xã Sông Cầu)… Các già làng thực sự đã trở thành những cây đại thụ tỏa bóng mát cho cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số. “Các già làng ở Khánh Vĩnh đã có nhiều đóng góp vào hai cuộc kháng chiến. Ngày nay, trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước, các già làng lại tiếp tục phát huy vai trò của mình, động viên người dân trong mỗi buôn làng đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc. Các già làng là cầu nối quan trọng giữa chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể với người dân”, bà Pi Năng Thị Thượng - Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Khánh Vĩnh nhận xét.


Để tiếp tục phát huy vai trò của các gia làng, thời gian tới, huyện Khánh Vĩnh chú trọng các nội dung: Phát huy truyền thống đoàn kết các dân tộc; giáo dục, động viên con cháu hưởng ứng các phong trào cách mạng; thực hiện tốt cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”; động viên con cháu tham gia phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc...


GIANG ĐÌNH - BÍCH LA