12:03, 25/03/2017

Sức trẻ trên những nẻo đường

Không ngại khó, ngại khổ; quyết tâm vươn lên làm giàu, nhiều thanh niên đã thể hiện sức trẻ của mình trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Trên những nẻo đường của quê hương, chúng ta dễ dàng gặp những con người như vậy.

Không ngại khó, ngại khổ; quyết tâm vươn lên làm giàu, nhiều thanh niên đã thể hiện sức trẻ của mình trong phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp, sáng tạo trong lao động, sản xuất. Trên những nẻo đường của quê hương, chúng ta dễ dàng gặp những con người như vậy.


Bán xe lấy tiền lập nghiệp


Ở thôn Đại Điền Trung 3 (xã Diên Điền, huyện Diên Khánh), ai cũng biết chàng thanh niên tên Lê Đại Dương với câu chuyện bán xe máy lấy tiền làm ăn. Đến thăm anh giữa giờ nghỉ trưa, chúng tôi thấy anh vẫn miệt mài đi dọc bờ hồ cho cá ăn, rồi lại liền tay đi chặt chuối để  “tiếp tế” cho đàn heo đen đang đói.

 

Anh Lê Đại Dương chăm sóc cá trê lai
Anh Lê Đại Dương chăm sóc cá trê lai


Sinh ra trong gia đình nông dân, học đến lớp 5, vì điều kiện không cho phép, anh Dương nghỉ học, ở nhà phụ bố mẹ làm ruộng hoặc đi làm thuê cho người khác. Với kinh nghiệm học hỏi được sau thời gian dài đi làm thuê, cùng với kiến thức từ sách vở, Internet, năm 2006, anh Dương quyết định tự lập, làm kinh tế với mô hình nuôi ghép các loại cá trắm, cá chép, cá rô phi. 20 tuổi, có ý tưởng, nhưng chỉ có hai bàn tay trắng, anh quyết định bán chiếc xe máy đang đi. Có được 3 triệu đồng từ bán xe, cùng với tiền vay mượn từ người quen, được hơn 6 triệu đồng. Anh thuê lại một hồ nuôi cá bỏ không do người chủ trước đầu tư không hiệu quả với giá 3 triệu đồng/năm. Số tiền còn lại, anh đầu tư hệ thống dẫn nước, mua cá giống, thức ăn cho cá. Lấy ngắn nuôi dài, thời gian rảnh rỗi, anh đi làm phụ hồ, được bao nhiêu tiền lại dồn hết cho hồ cá.


Sau thời gian dài nỗ lực bằng cả tâm huyết, sức trẻ của mình, hồ cá của anh đi vào sản xuất ổn định, cá đến ngày xuất bán đã có thương lái đến tận hồ thu mua, không còn cảnh phải ra từng khu chợ để tìm kiếm người mua. Không ngừng ở đó, anh đầu tư phát triển giống cá trê lai, với đặc tính dễ thích nghi môi trường, thời gian thu hoạch nhanh hơn các loại cá khác, mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Tiếp đó, anh thử sức với mô hình nuôi kết hợp gà, heo đen, bò. Đến nay, anh đã có 7 hồ nuôi cá với diện tích hơn 1ha, đàn heo đen hơn 10 con, 5 con bò… “Đến nay, tôi đã trả hết các khoản nợ vay để phát triển mô hình. Sắp tới, tôi sẽ tiếp tục vay các nguồn vốn hỗ trợ thanh niên để phát triển trang trại của mình”, anh Dương chia sẻ.


Từ vùng đất khô cằn với một hồ cá bỏ không, bằng sức trẻ của mình, anh Lê Đại Dương đã biến nơi đây thành một trang trại nuôi heo, gà và bò, cá. Mô hình này mang lại thu nhập cho anh khoảng 150 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 2 lao động thường xuyên.


Đam mê sáng tạo


Anh Bùi Thanh Trọng là gương mặt quen thuộc trong phong trào thi đua sáng kiến cải tiến khoa học kỹ thuật của Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh. Công tác tại đơn vị gần 8 năm ở bộ phận lái cẩu tàu, phụ trách xếp dỡ hàng hóa, chàng thanh niên sinh năm 1986 đã có 3 sáng kiến cải tiến kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất chất lượng chuyên môn, mang lại lợi ích kinh tế cho đơn vị. Trong đó, 1 sáng kiến đã được áp dụng vào sản xuất. Anh vinh dự được Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam tặng bằng khen vì có nhiều sáng kiến cải tiến chất lượng công việc; đạt danh hiệu Người thợ trẻ giỏi cấp tỉnh năm 2014; được Tỉnh đoàn tặng bằng khen Thanh niên tiên tiến làm theo lời Bác…

 

Anh Bùi Thanh Trọng với nhiều sáng kiến cải tiến trong công việc
Anh Bùi Thanh Trọng với nhiều sáng kiến cải tiến trong công việc


Anh Trọng chia sẻ, những sáng kiến của anh đều xuất phát từ những khó khăn trong công việc. Có thể kể đến sáng kiến về công cụ thu gom dăm gỗ rơi vãi trong quá trình vận chuyển từ băng chuyền lên tàu. Anh Trọng chia sẻ, trong quá trình vận chuyển dăm gỗ từ các xe tải lên tàu chở hàng bằng băng chuyền, rất nhiều dăm gỗ bị rơi vãi ra cầu cảng, đơn vị phải cắt cử từ 4 đến 6 người làm công tác thu dọn sau mỗi ca làm việc. Do đó, anh có ý tưởng làm ra dụng cụ hỗ trợ thu gom dăm gỗ, làm từ các thanh gỗ, cao su tái chế. Công cụ thu gom dăm gỗ của anh đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho đơn vị, giảm bớt số nhân công phải dọn dẹp sau ca làm việc, chỉ cần từ 1 đến 2 người.


Tiếp đó, nhận thấy việc mỗi khi chuyển hàng lên tàu vận chuyển phải có ca trực phụ trách việc đếm, kiểm tra số lượng hàng, gây lãng phí nhân công, anh lại mày mò, đưa ra ý tưởng sử dụng mắt thần điện tử, có chức năng đếm số để kiểm tra số lượng hàng mỗi khi chạy qua băng chuyền. “Ý tưởng này tôi phát triển tương tự như chức năng của máy đếm tiền, mỗi kiện hàng đều được đóng mã số, khi chạy qua, mắt thần sẽ ghi lại các mã số này, đếm số lượng hàng, không cần phải cử bộ phận để đếm hàng nữa”, anh Trọng nói.


Bận rộn với công việc, kiêm thêm công tác thanh niên, lại là tổ trưởng công đoàn của tổ sản xuất, nhưng dường như trong đầu anh Trọng luôn đầy ắp các ý tưởng. Anh Võ Đình Quốc Bảo - Bí thư Chi đoàn Công ty Cổ phần Cảng Cam Ranh nhận xét: “Anh Trọng là thanh niên tiêu biểu trong toàn công ty về tinh thần lao động, sản xuất, có nhiều ý tưởng, sáng kiến áp dụng trong thực tiễn. Với những anh em làm công việc như anh Trọng, để nỗ lực vượt khó trong sản xuất, lại vừa có nhiều sáng kiến đóng góp cho công ty, không phải ai cũng làm được”.


Người giữ “hương mắm” truyền thống


Cởi mở, vui vẻ, anh Lê Huỳnh Như Thiện (phường Vĩnh Trường, TP. Nha Trang) nói anh yêu hương vị nước mắm truyền thống quê nhà từ lúc còn nhỏ, khi được nếm giọt nước mắm của ông nội, rồi đến bố mình làm ra. Nhưng nếu chỉ có thế thì không đủ để gia đình anh có một người nối nghiệp làm mắm, nếu không xuất phát từ niềm đam mê thực sự.

 

Anh Lê Huỳnh Như Thiện với mong muốn phát triển  nghề mắm truyền thống
Anh Lê Huỳnh Như Thiện với mong muốn phát triển nghề mắm truyền thống

 

Anh Nguyễn Văn Nhuận - Bí thư Tỉnh đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh: Những năm qua, phong trào thanh niên sáng tạo trong lao động, sản xuất; tiên phong lập thân, lập nghiệp đã có bước phát triển. Nhiều mô hình mới lạ, hiệu quả đã xuất hiện như: trồng rong nho, nấm, rau hữu cơ… Nhiều mô hình hợp tác của thanh niên cũng đã dần hình thành, đi vào hoạt động. Các cơ sở Đoàn cũng đã đẩy mạnh hỗ trợ thanh niên trong vay vốn sản xuất, phát triển kinh tế. Đến nay, số dư nợ thanh niên toàn tỉnh được vay qua kênh ngân hàng chính sách đạt gần 108 tỷ đồng. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện nhiều chương trình hỗ trợ tích cực hơn cho thanh niên trong phong trào sáng tạo khoa học kỹ thuật; làm kinh tế, lập thân, lập nghiệp.

Bỏ dở con đường học vấn khi đang theo học trung cấp kinh tế, 20 tuổi, anh Thiện quyết tâm về nhà tìm cách phát triển nghề làm mắm truyền thống của gia đình. Trong thời gian dài, anh mạnh dạn tìm tòi, nâng cao chất lượng sản phẩm nước mắm bằng cách nâng cao chất lượng sản phẩm cá làm mắm, thay thế một số công đoạn làm mắm thủ công sang làm bằng máy móc như: công đoạn đảo trộn, bơm mắm… Cứ thế, anh kiên trì và cuối cùng đã thành công: nước mắm của gia đình anh không chỉ sạch hơn, sản lượng cao hơn mà vẫn giữ được hương vị truyền thống và đặc trưng của địa phương. Từ khi anh bắt đầu với nghề, gia đình chỉ có 20 bể làm mắm với sản lượng 20.000 lít/tháng, đến nay, cơ sở sản xuất mắm của anh đã đạt công suất hơn 70.000 lít/tháng với 80 bể mắm.

 

Kết quả đạt được khiến anh Thiện rất vui vì đã phát triển được nghề mắm truyền thống. Anh cho biết: “Tôi không trực tiếp làm tất cả các khâu từ muối cá, đảo mắm, rút mắm… nhưng suốt quá trình thực hiện, tôi luôn bám sát để có được mẻ mắm ngon. Thậm chí, việc chọn cá đầu vào, tôi luôn trực tiếp là người đi chọn để đảm bảo chất lượng. Bây giờ, cơ sở sản xuất nước mắm của tôi thường xuyên cung cấp mắm thô cho các nhà sản xuất, doanh thu đạt khoảng 300 triệu đồng/tháng”.


Đến cơ sở nước mắm của anh, chúng tôi tận mắt chứng kiến cơ ngơi do anh phát triển. Anh cũng đang cải tạo, nâng cấp để tăng công suất hoạt động của cơ sở. Anh bộc bạch: “Khi nghe thì đơn giản lắm nhưng vào nghề mới thấy vất vả. Người làm mắm cũng phải đam mê, luôn trăn trở, tìm cách để nhập nguyên liệu với giá rẻ, lên kế hoạch số lượng sản phẩm cụ thể cho việc mở rộng thị trường, đáp ứng nhu cầu”. Được biết, cơ sở của anh đang tạo việc làm thường xuyên cho 5 lao động, khi vào mùa cao điểm còn tạo việc làm cho khoảng 20 lao động thời vụ với mức lương 500.000 đồng/ngày.


Cơ sở đã phát triển ổn định, nhưng anh Lê Huỳnh Như Thiện luôn cố gắng để khẳng định giá trị thương hiệu nước mắm sạch truyền thống của mình.


HẠ PHONG