04:03, 15/03/2017

Hồi ức Trường Sa

Với những công binh hải quân kỳ cựu, ký ức về một thời gian khó "vác đá xây Trường Sa" vẫn vẹn nguyên. Để có một Trường Sa hôm nay, những người lính đã phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt…

Với những công binh hải quân kỳ cựu, ký ức về một thời gian khó “vác đá xây Trường Sa” vẫn vẹn nguyên. Để có một Trường Sa hôm nay, những người lính đã phải đánh đổi bằng cả máu và nước mắt…


Từ những căn nhà ghép…


Bao năm đã qua, Đại úy Mai Thanh Vảng (phường Cam Phúc Nam, TP. Cam Ranh) - nguyên Trưởng ban tác chiến và Trưởng tiểu ban thi công Trung đoàn 83 (nay là Lữ đoàn 83) vẫn nhớ về những ngày đầu tiên đi xây dựng đảo. Dấu ấn những ngày gian khó vẫn còn hằn in trên đôi bàn tay chai sần của người lính già. Nhắc lại chuyện xưa, ông kể: “Khoảng tháng 9-1975, đơn vị tôi được Bộ Tư lệnh Hải quân điều động ra xây dựng quần đảo Trường Sa. Đặt chân lên đảo An Bang, trước mắt chúng tôi chỉ là những dải cát vàng óng trải dài, phẳng lỳ, bốn bề không có nhà cửa, cây cối gì. Chim hải âu quá nhiều, trứng chim xếp dày đến đầu gối chân người, không có chỗ để ngồi ăn cơm. Rệp chim bám vào làm ghẻ lở khắp người. Anh em đều phải chấm thuốc xanh toàn thân”. Cuộc sống gian khó là thế nhưng tất cả đều quyết tâm xây dựng đảo. Theo lệnh cấp trên, tất cả phục vụ cho việc xây dựng, càng nhanh càng tốt để bộ đội có chỗ ở và chiến đấu. Đầu tiên là xây dựng hầm chiến đấu, phía trên là nhà ở. Bê tông hình vuông cạnh 25cm được đúc sẵn trong bờ chuyển ra đảo, lính công binh phải dùng tay kéo xuồng cao su vào đảo, rồi chuyển lên bờ để xây dựng. Mỗi ngày, những người lính chỉ được ngủ chừng 3 tiếng, thay phiên nhau làm suốt ngày đêm.

 

Một góc đảo Tốc Tan A
Một góc đảo Tốc Tan A


Trong suốt 8 năm gắn bó với Trường Sa, ông Vảng đã tự tay thiết kế, xây dựng các công trình cho 19 đảo từ An Bang, Trường Sa, Sinh Tồn, Nam Yết... Mỗi đảo cần một thiết kế khác nhau, trong đó khó nhất là đảo Thuyền Chài (ban ngày nổi, đêm chìm) nên phải xây nhà cao cẳng. Lớp dưới cùng được trồng các trụ bê tông tránh nước, còn 2 lớp trên ghép thành nhà ở, chiến đấu. Chỉ vào đôi cánh tay nhăn nheo, đầy những vết sẹo dài, ông bảo đó là những kỷ niệm sau nhiều năm “vác đá xây đảo” để lại. Cho đến giờ ông vẫn nhớ như in lần cứu chiếc tàu chở vật liệu bị chìm cách đảo Trường Sa hơn 100 hải lý vào năm 1978. Khi ấy, quân chủng đã quyết định cho hủy tàu, nhưng những người lính công binh hải quân vẫn muốn tìm cách cứu tàu để có phương tiện chở vật liệu xây dựng đảo. “12 ngày liền, tôi đã đi khắp các đảo từ An Bang, Sinh Tồn, Nam Yết để tham khảo ý kiến, tìm cách cứu tàu. Cuối cùng, tôi giao cho một anh trung đội trưởng tên Tạo tìm cách lặn xuống biển, tiếp cận tàu để tính toán đánh bộc phá. Rất may là khi đánh bộc phá thì tảng đá bị nổ và tàu không vỡ, sau đó dùng tàu HQ5 cẩu được tàu. Sau này, anh Tạo được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất”, ông kể rành rọt.

 

Lính công binh xây dựng Trường Sa năm 1988
Lính công binh xây dựng Trường Sa năm 1988. Ảnh: Viết Thái


Cùng thời điểm với ông Vảng, Thiếu tá Trần Văn Thế - nguyên Chủ nhiệm Công binh Lữ đoàn 146 cũng có hơn 11 năm tham gia xây dựng Trường Sa. Ông Thế kể, hồi mới ra đảo, anh em vác đá không có tấm bảo hộ kê vai như bây giờ nên chỉ sau ba ngày là vai áo rách bươm, anh em phải gấp chiếc vỏ bao xi măng lót vào vai cho đỡ đau.. “Lính công trình chúng tôi không ở cùng với bộ đội trên đảo mà phải căng bạt làm nhà. Nắng thì nóng cháy da, nhưng khi mưa xuống thì dột tứ bề, rất khổ. Xây được một hàng gạch ở đảo bằng xây cả bức tường ở đất liền, nhiều lúc phải dành cả khẩu phần nước uống để trộn vữa”, ông Thế nhớ lại.

 

Xây nhà kiên cố ở đảo Tiên Nữ năm 1988
Xây nhà kiên cố ở đảo Tiên Nữ năm 1988. Ảnh: Viết Thái


… Đến “loa thành” giữa biển


Sau sự kiện Gạc Ma năm 1988, việc kiên cố các công trình chiến đấu cũng như nhà ở bộ đội được Nhà nước quan tâm đầu tư. Cũng từ đây, những ngôi nhà lâu bền bắt đầu được xây dựng nhiều ở Trường Sa. Cách đây không lâu, chúng tôi có dịp gặp Thiếu tướng Hoàng Kiền - Tư lệnh Công binh và đã nghe ông kể về việc xây dựng ở Trường Sa ngày đó. Năm 1991, ông là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 83, được quân chủng giao nhiệm vụ xây thí điểm nhà 2 tầng đầu tiên ở đảo Nam Yết. Khi ấy, ông về quê (xã Giao Thịnh, Giao Thủy, Nam Định) động viên, tuyển chọn được 9 người thợ nề đi xây dựng đảo Nam Yết. Ra đến nơi, ông còn yêu cầu những người thợ vừa làm vừa truyền nghề cho bộ đội.

 

Đảo Sinh Tồn nay đã khang trang xanh tươi hơn rất nhiều
Đảo Sinh Tồn nay đã khang trang xanh tươi hơn rất nhiều


Để xây dựng các nhà kiên cố ở Trường Sa, toàn bộ vật liệu cũng như nước phải chở từ bờ ra. Việc vận chuyển vật liệu rất khó khăn vì ngoài đảo Trường Sa, các đảo còn lại không có cầu cảng, lại bị cản bởi các vòng san hô. “Để xây dựng được nhà cấp 1 trên đảo chìm phải chở ra khoảng 15.000 tấn vật liệu. Ban đầu anh em toàn kéo xuồng bằng tay, sau này tôi đặt Nhà máy Z753 đóng các thuyền máy để chuyển vật liệu”, ông Kiền nói. Thời điểm đầu việc thi công toàn bằng tay, sau này đơn vị ông Kiền đặt mua từ Nhật Bản các máy cắt sắt, cuốn sắt, máy đầm, trộn bê tông loại nhỏ nên việc thi công nhanh hơn, chất lượng hơn.

 

Ông Mai Thanh Vảng
Ông Mai Thanh Vảng


Trong quá trình xây dựng ở Trường Sa, Trung đoàn 83 còn được giao nhiệm vụ làm một con kênh lớn để tàu vào đảo Đá Lớn. Thiếu tướng Hoàng Kiền cho biết: “Tháng 3-1990, tôi trực tiếp đưa quân ra. Thời tiết khắc nghiệt, gió bão liên tục nhưng anh em vẫn quyết tâm làm nhanh. Chúng tôi dùng thuốc nổ để mở luồng, quả nổ lớn nhất là 110 tấn, khi nổ xong khói bốc lên cả ngày không tan. Sau hơn 2 tháng, chúng tôi đã đào được một con kênh trên nền san hô dài 750m, rộng 50m, sâu 6m, tiêu tốn hết 1.600 tấn thuốc nổ; vượt tiến độ trên giao gần 3 tháng. Vừa hoàn thành xong, 2 tàu chở xe tăng lội nước vào đảo an toàn thì một cơn bão mạnh cấp 10 đổ bộ vào đảo. Chúng tôi mừng rơi nước mắt vì đã hoàn thành nhiệm vụ”.

 

Ông Trần Văn Thế
Ông Trần Văn Thế


Trường Sa hôm nay với 21 đảo, 33 điểm đóng quân đã đổi thay rất nhiều. Những căn nhà tạm một thời đã được thay thế bởi những công trình kiên cố, khang trang, hiện đại. Tự hào với sự đổi thay của Trường Sa, không thể quên đóng góp của những người lính một thời bám đảo. “Vác đá xây Trường Sa” mãi được khắc ghi như một bản hùng ca nơi tuyến đầu Tổ quốc.


XUÂN THÀNH - THÀNH NAM