10:04, 19/04/2016

Siết chặt quản lý kinh doanh đa cấp

Trước thực trạng "cơn bão đa cấp" quét qua hầu hết tỉnh, thành, trong đó có Khánh Hòa, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiên quyết gỡ vướng, không để loại hình kinh doanh đa cấp trá hình tiếp tục gây thiệt hại cho người dân.

Trước thực trạng “cơn bão đa cấp” quét qua hầu hết tỉnh, thành, trong đó có Khánh Hòa, lãnh đạo UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan liên quan kiên quyết gỡ vướng, không để loại hình kinh doanh đa cấp trá hình tiếp tục gây thiệt hại cho người dân.


Muôn vàn “bẫy” đa cấp  


Thời gian qua, Báo Khánh Hòa đã có nhiều loạt bài điều tra phản ánh một số công ty trá hình bán hàng đa cấp (BHĐC) để lừa đảo, như các công ty: Hưng Thời Đại, Hoàng Kim Thế Gia, Cổ phần Đầu tư xây dựng và phát triển Hiển Vinh, Cổ phần Phát triển rừng Toàn Cầu… Mới đây nhất là Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo 68, sau này là 868, gọi tắt là PGB (đăng báo Khánh Hòa Chủ nhật ngày 27-3). Hiện tại, Công an tỉnh đã tiếp nhận hàng chục đơn tố cáo dấu hiệu lừa đảo của PGB. Kết quả xác minh bước đầu cho thấy, từ tháng 9-2015 đến nay, PGB đã ký hơn 1.800 hợp đồng tại Khánh Hòa với số tiền hơn 59 tỷ đồng. Sau vài tháng trả lãi đúng hạn, PGB đã dừng chi trả tiền gốc và lãi, khiến hàng trăm người dân khốn đốn.

 

Thông báo ngày 1-12-2015 của Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo cho gói 36,6 triệu đồng với mức lợi nhuận đầy hấp dẫn
Thông báo ngày 1-12-2015 của Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo cho gói 36,6 triệu đồng với mức lợi nhuận đầy hấp dẫn


Từ tháng 6-2015, tại Khánh Hòa lại xôn xao về khuất tất quanh việc “Trung tâm Hỗ trợ người nghèo trong phát triển nông thôn mới” (mở chi nhánh ở đường Hà Thanh, TP. Nha Trang) vận động người dân tham gia chương trình từ thiện “Trái tim Việt Nam” bằng cách góp tiền để được hưởng khoản hỗ trợ gấp 5 lần. Người tham gia phải được giới thiệu bởi người chơi trước theo kiểu đa cấp, cứ giới thiệu 1 người được 500.000 đồng. Chỉ khi không đòi được đồng nào, người chơi mới giật mình…


Bộn bề vướng mắc quản lý


Theo số liệu của Sở Công Thương, toàn quốc có 67 DN được cấp giấy chứng nhận đăng ký hoạt động BHĐC, trong đó, tại Khánh Hòa có 30 DN, nhưng chỉ 6 DN thông báo địa điểm hoạt động! Cả 30 DN trên đều có trụ sở chính ở ngoài tỉnh, không có chi nhánh, văn phòng đại diện hoạt động tại Khánh Hòa; một số cơ sở đăng ký hộ kinh doanh làm đại lý ký gửi hàng hóa của DN BHĐC. Các cơ sở hạch toán phụ thuộc nên không thể thống kê được kết quả hoạt động BHĐC tại Khánh Hòa như: doanh thu, hoa hồng, tiền thưởng, số người tham gia…!. Bà Lê Thu Hải - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết: “Pháp luật chưa quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của sở trong quản lý, kiểm tra, giám sát các hoạt động BHĐC tại địa phương. Theo quy định, DN BHĐC cũng chỉ phải thông báo hoạt động, không bắt buộc có địa điểm, nếu có chỉ là nơi hội họp, giới thiệu sản phẩm… Sở Công Thương chỉ thực hiện 2 thủ tục là xác nhận tiếp nhận hồ sơ thông báo hoạt động BHĐC và xác nhận hồ sơ thông báo tổ chức hội nghị, hội thảo, đào tạo về BHĐC của các DN. Cơ quan Quản lý thị trường thì chỉ xử lý được người BHĐC, còn DN BHĐC vi phạm thuộc thẩm quyền xử lý của Cục Quản lý cạnh tranh - Bộ Công Thương”.

 

Thẻ uống cà phê VIP miễn phí của các nhà đầu tư vào Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo
Thẻ uống cà phê VIP miễn phí của các nhà đầu tư vào Công ty Cổ phần Thương mại đầu tư Phúc Gia Bảo


Bà Nguyễn Thị Hà - Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư thì nêu, chỉ nơi cấp chứng nhận đăng ký kinh doanh mới có quyền dừng hoạt động của DN nếu phát hiện vi phạm, nhưng tất cả DN BHĐC tại Khánh Hòa đều đăng ký kinh doanh nơi khác.


Đại tá Trần Nhân Nghĩa - Trưởng phòng An ninh kinh tế Công an tỉnh cho hay, đơn vị đã nhiều lần theo dõi các hoạt động kinh doanh đa cấp ở Nha Trang. Nhưng pháp luật không cấm hình thức kinh doanh này, lại không có người tố cáo nên chưa đủ căn cứ xử lý.


Kiên quyết gỡ vướng


Nói về những vấn đề trên, ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh khẳng định, BHĐC đúng quy định được nhà nước khuyến khích phát triển, nhưng lợi dụng đa cấp để huy động vốn bất hợp pháp, thậm chí lừa đảo thì cần kiên quyết xử lý. Đồng chí thẳng thắn nhìn nhận, có quá nhiều vướng mắc trong quản lý kinh doanh đa cấp ở mọi cấp, ngành liên quan. Nhưng chúng ta phải kiên quyết gỡ vướng với tinh thần “phòng ngừa hơn xử lý”, nghĩa là không ngồi chờ kinh doanh đa cấp sai phạm, trá hình gây thiệt hại cho dân mới lo xử lý.


Được biết, UBND tỉnh đã giao Sở Công Thương chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan rà soát, phát hiện các vướng mắc để kiến nghị, nhất là về đăng ký hoạt động, người đại diện DN, thẩm quyền xử lý, kê khai và nộp thuế, giá bán, chất lượng, xuất xứ hàng hóa, những hành vi vi phạm bị xử lý cần được làm rõ thêm… Sau khi thực hiện 2 thủ tục xác nhận cho DN BHĐC theo quy định, Sở Công Thương nghiên cứu sao gửi hồ sơ liên quan cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh, UBND cấp huyện, Cục Thuế tỉnh và các đơn vị liên quan để phối hợp quản lý. Sở cũng cần phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các hoạt động đào tạo, tập huấn cho cán bộ trực tiếp quản lý hoạt động BHĐC và xử lý vi phạm trong lĩnh vực này; tăng cường kiểm tra các thông báo hoạt động BHĐC, hội nghị, hội thảo, đào tạo của DN BHĐC trên địa bàn; phối hợp tuyên truyền về hoạt động BHĐC và các quy định quản lý hoạt động này.


Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Khánh Hòa phối hợp với các đơn vị liên quan, tùy vào lĩnh vực quản lý, nghiên cứu các quy định để có biện pháp phối hợp quản lý BHĐC sát thực tế, kịp thời phát hiện vướng mắc, khó khăn để kiến nghị. Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng phối hợp Sở Công Thương và các hội, đoàn thể tuyên truyền các hình thức BHĐC biến tướng, sai quy định để người dân  phòng ngừa, giảm thiểu thiệt hại.


Được biết, Bộ Công Thương đang tiến hành kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHĐC của 7 DN lớn trên cả nước, trong đó có 4 DN có thông báo hoạt động BHĐC tại Khánh Hòa (Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Công ty TNHH Amway Việt Nam, Công ty TNHH Unicity Marketing Việt Nam, Công ty Cổ phần Liên kết Tri thức). Chúng tôi sẽ thông tin đến bạn đọc khi có kết quả kiểm tra chính thức.


N.V - H.D

 



Ông Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh: Ngay trong tháng 4 và 5, Chi cục Quản lý thị trường tập trung kiểm tra chất lượng, giá cả, xuất xứ hàng hóa kinh doanh đa cấp, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trên địa bàn và công khai danh tính trên các phương tiện thông tin đại chúng; công bố số điện thoại để người dân phản ánh kịp thời các dấu hiệu vi phạm trong BHĐC và kinh doanh đa cấp trái phép.


Ông Phạm Văn Hữu - Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường: Năm 2015, theo chỉ đạo của Sở Công Thương, chi cục đã giao Đội Quản lý thị trường cơ động phối hợp Phòng Quản lý thương mại (Sở Công Thương) kiểm tra 10 cơ sở của 4 DN BHĐC trên địa bàn. Kết quả: 7 cơ sở của Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy đều chấp hành đúng quy định. Một cơ sở không biển hiệu ở số 221 đường 2-4 (Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang) được Công ty TNHH MTV New Image Việt Nam (ở TP. Hồ Chí Minh) thuê để tổ chức giao lưu, hội nghị, hội thảo, giới thiệu hàng hóa của nhà phân phối; không kinh doanh hàng hóa nên không có hàng hóa đang bày bán hay lưu kho. Địa điểm Nhà nghỉ dưỡng 378 (48 Nguyễn Bỉnh Khiêm, Xương Huân, TP. Nha Trang) chỉ được Công ty Cổ phần Đầu tư sản xuất và thương mại MLM Việt Nam (Hà Nội) thuê tổ chức hội thảo 1 ngày, không có hoạt động BHĐC. Chỉ có Công ty TNHH Sức Sống Mới (31 Củ Chi, Vĩnh Hải, TP. Nha Trang) thuộc Công ty TNHH Thương mại Lô Hội (ở TP. Hồ Chí Minh) bị xử phạt 3 triệu đồng do không xuất trình được giấy khám sức khỏe định kỳ và tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định về kinh doanh thực phẩm chức năng.