10:04, 12/04/2016

Phim về xóm núi

Có dịp theo chân các anh đội chiếu phim lưu động về các bản làng vùng sâu, vùng xa, được nghe tâm sự của các anh, chứng kiến cảnh háo hức, mong chờ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi mới hiểu và cảm thông với nghề chiếu bóng đầy khó khăn, vất vả này.

Có dịp theo chân các anh đội chiếu phim lưu động về các bản làng vùng sâu, vùng xa, được nghe tâm sự của các anh, chứng kiến cảnh háo hức, mong chờ của bà con đồng bào dân tộc thiểu số, chúng tôi mới hiểu và cảm thông với nghề chiếu bóng đầy khó khăn, vất vả này.


Vượt khó làm nhiệm vụ


Đúng 16 giờ, tôi có mặt tại trung tâm huyện Khánh Vĩnh để cùng các thành viên của Đội chiếu phim số 2, Trung tâm Điện ảnh (TTĐA) Khánh Hòa đi chiếu phim phục vụ người dân ở xã Khánh Trung. Không có xe để vận chuyển, anh Trần Văn Minh - Đội trưởng phải thuê xe tải nhỏ để chở thiết bị (máy chiếu, loa, màn hình…) đến địa điểm chiếu. “Bây giờ đường sá còn đỡ, chứ ngày trước anh em toàn phải tự mang vác. Để tối có thời gian, anh kể cho nghe chuyện chiếu phim thời xưa ấy”, anh Minh nói.

 

Các thành viên Đội chiếu phim số 2 đang lắp phim để chiếu
Các thành viên Đội chiếu phim số 2 đang lắp phim để chiếu


Đoàn đến điểm chiếu ở thôn Suối Lách, xã Khánh Trung cũng đã gần 16 giờ 30 phút. Chỉ trong chốc lát, một rạp chiếu phim dã chiến được dựng lên ngay nhà cộng đồng thôn. Lắp xong loa, anh Nguyễn Văn Đông - thành viên của đội mở một đĩa nhạc cách mạng với những giai điệu hào hùng, vui tươi đã khuấy động không khí rộn ràng của xóm núi yên tĩnh. Bà con đi rẫy về vào ngó nghiêng, các em nhỏ hiếu kỳ đứng chỉ trỏ bàn luận về đống máy móc. “Thành lệ rồi, cứ đến điểm chiếu bật nhạc lên là bà con tự khắc sẽ biết rồi đến xem”, anh Đông nói. Nói vậy, nhưng anh vẫn cầm micro thông báo giới thiệu đội chiếu phim về phục vụ bà con nhân dịp kỷ niệm 41 năm ngày giải phóng tỉnh Khánh Hòa.


19 giờ, anh Minh chỉ đạo anh em bật chiếu phim tài liệu về 54 dân tộc anh em. Lúc này, bãi chiếu phim đã có khá đông khán giả, người ngồi bệt dưới đất, người ngồi ở bậc thềm nhà văn hóa thôn, người ngồi trên xe đạp… Có những em nhỏ vừa cõng em trên lưng vừa xem phim. Chị Cao Thị Riêng (40 tuổi, thôn Suối Lách) nói: “Nghe tiếng nhạc biết có đoàn chiếu phim đến nên mình ăn cơm sớm, dẫn các con đi xem phim. Lâu lâu mới có đoàn về chiếu phim nên tụi nhỏ thích lắm”. Còn bà Cao Thị Đinh (65 tuổi, thôn Suối Cá) cho biết: “Mình thích xem phim cách mạng lắm, bộ đội ta đánh giặc rất dũng cảm… Bây giờ, trên ti vi toàn chiếu phim yêu nhau nên mình không thích”.

 

Chuẩn bị các thiết bị để chiếu phim
Chuẩn bị các thiết bị để chiếu phim


Hôm sau, tôi theo đoàn ngược lên xã Khánh Thượng để chiếu phim phục vụ cho người dân nơi đây. Có cụ già khi xem phim “Những người viết huyền thoại” xong ra ôm chầm lấy anh em chiếu phim nói: “Con ơi, away (mẹ) xem phim này mới biết bộ đội Cụ Hồ ngày xưa gian khổ thế nào”, khiến các anh em vô cùng xúc động. Gắn bó với đồng bào suốt mấy chục năm, anh em trong đội hiểu được “cái bụng của đồng bào”. Bà con rất thích các phim cách mạng, nhất là các phim về đồng bào dân tộc thiểu số như: “Vợ chồng A Phủ”, “Đất nước đứng lên”, phim về anh hùng Cù Chính Lan… Thế nên khi đi chiếu phim, bao giờ các anh cũng đem theo các phim về đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn giỏi; các phim tuyên truyền về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước đến với đồng bào.


Chuyện nghề…


Những ngày bám theo đội chiếu phim lưu động, tôi thêm hiểu nỗi vất vả của nghề này. Với những người trẻ, chuyện vác máy trèo đèo lội suối gần như không còn mấy khi phải gặp. Thế nhưng, với những người trên dưới 30 năm trong nghề như: anh Minh, anh Trần Kim Thịnh (đội số 2), Nguyễn Lanh (đội số 4 - Khánh Sơn)… chuyện đó không có gì xa lạ. Ngay ở địa bàn Khánh Vĩnh, khi đường sá còn chưa được đầu tư, cầu treo qua suối còn chưa được xây dựng như bây giờ, mỗi lần về các điểm chiếu xa như: thôn Giang Biên (Sơn Thái), Tà Gộc (Khánh Thượng)… anh em rất vất vả. Thường thì họ phải thuê xe chở máy móc đến các điểm trung tâm xã, sau đó phải tự mang vác thiết bị đến điểm chiếu. Từ trung tâm huyện đến điểm chiếu xa nhất lên đến hơn 30km, nên các anh cứ phục vụ “cuốn chiếu”, từ bản xa cho đến bản gần, có khi về đến nhà mới sực nhớ mình đã xa gia đình cả 15 - 20 ngày. “Hồi đó, bà con mê phim lắm nên khi mình nhờ, bà con đều cử người đến khuân vác thiết bị giùm. Có những lần đang phục vụ thì mưa ập đến, máy móc thì được che chắn để tiếp tục chiếu, còn người thì cứ dầm mưa mà xem… Có khi lũ về bất chợt, anh em cắm bản được đồng bào sẻ chia từng bữa cơm đạm bạc, từng củ sắn, củ khoai, từng tô mì gói…”, anh Minh kể. Nói đâu xa, mới cách đây chừng 10 năm, khi đường vào thôn 4 xã Thành Sơn (huyện Khánh Sơn) chưa có, tôi từng chứng kiến đội chiếu phim số 4, do anh Nguyễn Lanh làm đội trưởng dùng xe bò chuyển thiết bị vào để chiếu phim phục vụ bà con. Tất cả máy móc chất lên xe bò vượt qua suối, men theo đường núi đá lổm nhổm để vào thôn 4. Mỗi lần nhìn máy móc bị xóc lên xóc xuống là các anh nhăn nhó, xót của trông đến tội nghiệp.

 

Người dân xã Khánh Thượng xem phim
Người dân xã Khánh Thượng xem phim


Bây giờ, đời sống của người dân đã thay đổi nhiều, giao thông thuận lợi hơn trước, chỉ có công việc của các anh vẫn vậy. Hàng đêm, các anh vẫn âm thầm lặng lẽ mang ánh sáng văn hóa đến phục vụ cho bà con. Mỗi năm, một đội chiếu khoảng 220 đêm để phục vụ người dân, những ngày lễ, Tết các anh phải chiếu liên tục. “Từ khi ti vi có hàng chục kênh phát sóng phim, các đội chiếu bóng không còn ở thời kỳ mà bà con háo hức chờ đợi đội chiếu về rồi í ới gọi nhau đi xem từ lúc 15 giờ, dù 19 giờ mới chiếu. Nhưng tôi vẫn cảm thấy vui, thấy hạnh phúc với công việc. Dù không mang lại lợi ích kinh tế, nhưng vẫn mang đến những kiến thức, hiểu biết xã hội tới người dân. Với những phim tài liệu về xây dựng nông thôn mới, về lao động sản xuất giỏi... bà con đã học tập được nhiều kinh nghiệm hay, áp dụng vào sản xuất”, anh Thịnh tâm sự.

 

Ông Lê Văn Hoa - Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Ý nghĩa công việc của những đội chiếu phim lưu động mang đến với bà con không chỉ là phim ảnh giải trí, mà còn là những kiến thức về giáo dục, y tế, văn hóa bên ngoài buôn  làng hay của dân tộc họ. Ngoài ra, những buổi chiếu phim đó còn tạo sự gắn kết những người dân với nhau, nơi diễn ra sinh hoạt văn hóa cộng đồng rất hữu ích và thiết thực, thay vì nhà nào biết nhà đấy, thanh niên thì không có gì giải trí, dẫn đến tụ tập gây mất trị an. Các đội chiếu phim đã mang lại nét văn hóa đẹp và rất văn minh cho các vùng quê.

Hiện tại, TTĐA Khánh Hòa có 6 đội chiếu phim lưu động phục vụ ở địa bàn: Khánh Sơn, Cam Ranh, Cam Lâm, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Ninh Hòa, Vạn Ninh và một số điểm đảo của TP. Nha Trang. Ông Đinh Văn Láng - Phó Giám đốc TTĐA Khánh Hòa cho biết, hiện nay, trung tâm chỉ có một chiếc xe nên các đội gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận chuyển máy móc. “Anh em ở cơ sở rất mong muốn được trang bị xe để phục vụ công tác hiệu quả hơn, xe có băng rôn trang trí tuyên truyền… chứ như hiện nay cứ “ăn đong” theo kiểu gặp đâu thuê xe đó thì sẽ rất khó khăn và giảm hiệu quả”, ông Láng chia sẻ. Bên cạnh khó khăn về xe, hiện tại, 4/6 đội không có trụ sở nên việc bảo quản máy móc gặp rất nhiều khó khăn. Nguồn phim để chiếu cũng khá ít, sử dụng phim cũ thì bà con không hào hứng. “Theo tôi, để thu hút người xem, các đội cần được cấp nhiều phim hơn, không chỉ có phim về đề tài cách mạng mà cần có thêm các phim giải trí để thu hút bà con, khi đó các chương trình tuyên truyền lồng ghép mới có hiệu quả”, anh Đông bày tỏ.


Chuyện trò với những người chiếu phim lưu động, tất thảy đều chung một nỗi niềm mong muốn có thêm chế độ bồi dưỡng cho anh em. Trong khi nhiều tỉnh, thành khác áp dụng mức bồi dưỡng 50.000 đồng/người/đêm phục vụ, thì các thành viên của đội chiếu phim lưu động trong tỉnh chỉ được hưởng phụ cấp khu vực với khoảng 500.000 đồng/tháng. Mỗi tháng, các đội đi về thôn bản thực hiện từ 18 đến 22 buổi chiếu để phục vụ bà con, nhưng cũng không được hưởng phụ cấp xăng xe.


Chia tay các thành viên đội chiếu phim lưu động, tôi cứ nhớ mãi hình ảnh những nụ cười hồn hậu của họ. Tôi tin, dù vẫn còn khó khăn nhưng họ sẽ không bỏ cuộc giữa chừng.



XUÂN THÀNH