06:04, 07/04/2016

Kỳ 2: Điều chỉnh dự án liên tục

Sự điều chỉnh dự án liên tục của chủ đầu tư đã ảnh hưởng khá nhiều đến công tác giải phóng mặt bằng của địa phương và đời sống nhân dân.

Sự điều chỉnh dự án liên tục của chủ đầu tư đã ảnh hưởng khá nhiều đến công tác giải phóng mặt bằng của địa phương và đời sống nhân dân.


Nhiều hộ bị giải tỏa 2 lần


Theo thống kê, toàn thôn Tây Nam 2, xã Đại Lãnh có 10 gia đình bị giải tỏa trắng 2 lần, trong đó chỉ có 3 hộ được đền bù nhà, đất và vật kiến trúc (ở ổn định từ trước khi có dự án).

 

Việc điều chỉnh dự án làm ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống người dân
Việc điều chỉnh dự án làm ảnh hưởng khá nhiều đến cuộc sống người dân


Bà Lê Thị Mỹ Dung (thôn Tây Nam 2) cho biết, gia đình bà thuộc diện giải tỏa để làm tuyến đường chính dẫn vào hầm Cổ Mã và hầm Đèo Cả. Ngay khi có quyết định thu hồi đất, bà đã nhận tiền đền bù và bàn giao mặt bằng. Trong quá trình chờ tái định cư (TĐC), bà mua gần 220m2 đất ở cùng thôn để xây căn nhà cấp 4 vào tháng 7-2014. Đến giữa năm 2015, bà nhận được thông báo thu hồi toàn bộ diện tích đất này để xây dựng hạng mục Trạm dừng nghỉ thuộc Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả. “Khi có quyết định thu hồi đất, tôi rất hoang mang, bởi trước đó gia đình tôi đã bị giải tỏa. Lần này, theo thông báo phương án đền bù, tôi chỉ được đền bù phần diện tích đất trồng cây lâu năm với giá 49.000 đồng/m2, đồng thời hỗ trợ mấy tháng tiền ăn. Tổng số tiền đền bù đất và hỗ trợ chưa tới 40 triệu đồng, trong khi căn nhà tôi xây dựng hơn 200 triệu đồng không được đền bù”, bà Dung nói. Được biết, trước đó, bà Dung được cấp 1 lô đất TĐC nhưng đã bán đi, cộng thêm khoản vay ngân hàng và vay “nóng” bên ngoài được hơn 70 triệu đồng mới đủ tiền làm nhà. Vì thế, gia đình bà gần như không có khả năng để mua đất cất nhà mới nếu tiếp tục bị thu hồi.


Cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, ông Nguyễn Văn Vinh (thôn Tây Nam 2) nói: “Ngày trước, nhà tôi ở ngay mặt đường lớn. Sau khi bị giải tỏa, gia đình tôi đã cùng mấy gia đình hàng xóm tìm mua đất mới để xây nhà. Trước khi mua, chúng tôi không hề có thông tin gì về việc quy hoạch, nay đã xây nhà ở lại tiếp tục nhận được thông báo bị giải tỏa lần 2. Đất TĐC của tôi chưa bán, nhưng đã cầm cố cho người ta để lấy tiền xây nhà. Còn bây giờ, hơn 200m2 đất của gia đình tôi chỉ được định giá hơn 11 triệu đồng. Rồi đây, không biết gia đình tôi sẽ đi đâu nếu Nhà nước thu hồi đất”.

 


Thông tin từ Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Vạn Ninh, có 78 trường hợp bị ảnh hưởng bởi hạng mục Trạm dừng nghỉ thuộc Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả. Trong đó, có 73 trường hợp bị ảnh hưởng đất đai, nhà ở; 5 trường hợp bị giải tỏa phần mộ; 63 trường hợp bị giải tỏa trắng, 10 trường hợp giải tỏa 1 phần. Ngày 8-3, trung tâm đã niêm yết phương án dự kiến đền bù;  đang lấy ý kiến của người dân để thẩm định phương án.


Quản lý lỏng lẻo  

 
Trong quá trình tìm hiểu, chúng tôi phát hiện có 23 căn nhà tại thôn Tây Nam 2 xây dựng không phép trên đất nông nghiệp, thời gian chủ yếu trong 2 năm 2014 và 2015. Chính quyền địa phương dù biết nhưng làm ngơ cho người dân dựng nhà. Trong khi đó, huyện Vạn Ninh có quyết định thu hồi đất đối với từng hộ bắt đầu từ tháng 8-2015 (hộ đầu tiên vào ngày 10-8-2015). Đồng thời, nếu so thời điểm người dân xây nhà với quyết định phê duyệt dự án ban đầu của Bộ Giao thông vận tải (ngày 6-1-2012) thì cách nhau hơn 3 năm.


Ông Huỳnh Hồng Quang, thôn Tây Nam 2 cho biết: “Tôi làm nhà từ tháng 8-2014, khi đó chưa được cấp đất TĐC. Trước khi làm nhà, chúng tôi lên xã hỏi thì được trả lời đất không thuộc dự án. Trong quá trình làm nhà, thôn và xã đều biết nhưng không cấm cản”. Qua tìm hiểu được biết, nhiều hộ tại thôn Tây Nam 2 có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Tuy nhiên, toàn bộ diện tích trong giấy chứng nhận là đất trồng cây lâu năm, không phải đất thổ cư. Đồng thời, hầu hết các hộ xây xong nhà mới có sổ đỏ. Như vậy, chưa kể đến việc xây dựng trên đất dự án, việc xây nhà trên đất trồng cây lâu năm đã sai quy định. Hậu quả của việc quản lý đất đai không chặt chẽ khiến 23 hộ xây dựng trên đất nông nghiệp chỉ được đền bù về đất, còn lại toàn bộ nhà cửa, vật kiến trúc trên đất không được đền bù (theo Luật Đất đai mới năm 2013). Và thực tế, số tiền đền bù đất nông nghiệp chẳng đáng là bao so với tiền người dân bỏ ra mua đất, xây nhà.


Ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh thừa nhận, nhiều hộ nằm trong diện giải tỏa của dự án đường dẫn giữa 2 hầm Cổ Mã và Đèo Cả đã được đền bù, giải tỏa và TĐC. Tuy nhiên, khi giải tỏa thì cơ sở hạ tầng tại khu TĐC chưa hoàn thành, người dân không thể xây dựng. Chính vì thế, người dân đã mua đất, xây nhà ở thôn Tây Nam 2. “Ngày ấy, gần 200 hộ bị giải tỏa, các gia đình không có chỗ để thuê ở do số lượng quá đông. Vì thế, nhiều người đã mua đất trồng cây lâu năm để xây nhà. Chúng tôi biết nhưng cũng đành lơ đi, vì nếu không làm vậy người dân không có nơi để ở, trong khi chủ đầu tư hối thúc giao mặt bằng từng ngày”, ông Thú phân trần.


Chủ đầu tư điều chỉnh dự án


Trạm dừng nghỉ thuộc Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt ban đầu vào tháng 6-2012, với tổng diện tích 4,1ha. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, dự án đã được chủ đầu tư điều chỉnh 2 lần.

 

Ông Võ Lục Phẩm - Phó Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh: Quy trình thẩm định niêm yết phương án dự kiến đền bù giải tỏa hạng mục Trạm dừng nghỉ thuộc Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả được huyện thực hiện đúng theo quy định pháp luật. Dự kiến trong thời gian tới, huyện sẽ tổ chức họp để nghe ý kiến, nguyện vọng của người dân. Nếu những kiến nghị thuộc thẩm quyền huyện sẽ giải đáp, những ý kiến vượt thẩm quyền như giá đền bù thấp chúng tôi sẽ ghi nhận và kiến nghị tỉnh xem xét hướng giải quyết.

Theo thiết kế ban đầu, trạm dừng nghỉ được đặt tại Km10+250, trên tuyến đường chính dẫn từ hầm Cổ Mã tới hầm Đèo Cả. Đến tháng 5-2015, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục phê duyệt điều chỉnh dự án theo đề xuất của chủ đầu tư, trạm dừng được xác định tại vị trí Km10+180. Tuy nhiên, khi khảo sát thực tế, chủ đầu tư đã dịch chuyển trạm dừng về phía hầm Cổ Mã 38m, tức là ở vị trí Km10+218. Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quỳnh Mai - Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Đèo Cả cho biết: “Ban đầu, khi phê duyệt dự án chúng tôi xác định trạm dừng nghỉ trên bản đồ. Tuy nhiên, khi khảo sát thực tế, toàn bộ nghĩa trang của địa phương nằm trong khu đất của trạm dừng. Vì thế, chúng tôi đã dịch chuyển về phía hầm Cổ Mã mấy chục mét, trạm dừng bị thu hẹp diện tích còn 2,7ha”.


Chính sự điều chỉnh này ảnh hưởng khá nhiều đến công tác giải phóng mặt bằng của địa phương và đời sống nhân dân. Không chỉ thế, khi triển khai toàn Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả, các hạng mục công trình được thực hiện theo thứ tự ưu tiên: hầm, đường dẫn và cuối cùng mới đến trạm dừng nghỉ. Vì vậy, dự án khởi công từ năm 2012 nhưng mãi đến năm 2015 phía chủ đầu tư mới tiến hành phối hợp cùng các cơ quan chức năng của địa phương kiểm kê khối lượng đền bù, giải tỏa hạng mục trạm dừng. Điều này dẫn đến tình trạng người dân thực hiện xây dựng trên đất dự án (mới thay đổi) mà không hề hay biết. Lãnh đạo xã Đại Lãnh cũng cho rằng, một phần nguyên nhân dẫn đến tình trạng nhùng nhằng trong đền bù giải tỏa là do chủ đầu tư không thực hiện trạm dừng nghỉ cùng lúc với các hạng mục công trình khác.


 THÀNH NAM

 


 

Tỉnh thành lập hội đồng thẩm định độc lập


Ngày 6-4, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa làm việc với lãnh đạo các sở, ban, ngành, huyện Vạn Ninh và chủ đầu tư Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả về việc thi công nứt nhà dân.  


Ông Đào Công Thiên chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì thành lập hội đồng thẩm định đột xuất, gồm các sở, ngành, địa phương liên quan thực hiện giám định độc lập việc nứt nhà người dân trong quá trình thi công Dự án hầm đường bộ qua Đèo Cả và giá tiền đền bù tại 2 xã Đại Lãnh, Vạn Thọ. Chủ đầu tư nhanh chóng giao lại toàn bộ 530 hồ sơ đã giám định cho hội đồng thẩm định của tỉnh trước ngày 30-4, số còn lại báo cáo kế hoạch giám định cho tỉnh trước ngày 10-4. Đối với 18 hộ phát sinh đề nghị đền bù với lý do nứt nhà tại khu TĐC Dự án hầm đường bộ Đèo Cả tại xã Đại Lãnh, chủ đầu tư phải hỗ trợ cho tất cả các trường hợp này. Trước ngày 15-4, UBND huyện Vạn Ninh phải tổ chức họp dân, lắng nghe những kiến nghị và giải thích cho người dân hiểu việc nhà đầu tư cam kết đền bù hư hại. Ngoài ra, Công an tỉnh phối hợp với chủ đầu tư, huyện Vạn Ninh, Sở Giao thông vận tải lên kế hoạch hỗ trợ bảo vệ thi công khi cần thiết.


Ông Đào Công Thiên nhấn mạnh, sau khi có kết quả từ hội đồng giám định của tỉnh và đơn vị giám định, phía bảo hiểm dự án sẽ đưa ra mức đền bù hợp lý nhất cho người dân.


Tại cuộc họp này, chủ đầu tư báo cáo: chỉ có 600 trường hợp ở 2 xã Đại Lãnh, Vạn Thọ bị ảnh hưởng do thi công tuyến đường dẫn, chứ không phải 707 trường hợp như báo cáo ban đầu; sở dĩ số liệu chênh lệnh là do sau khi rà soát lại có nhiều hộ gửi đơn kiến nghị 2 lần.

 


 

 

Kỳ 1: Thi công làm nứt nhà dân