06:03, 30/03/2016

Chuyện về ngôi nhà hoang ở Đại Lãnh

Biển Đại Lãnh là một trong những danh thắng nổi tiếng của xứ Trầm Hương, từng được vua Minh Mạng cho khắc lên Tuyên Đỉnh - 1 trong 9 chiếc đỉnh đặt ở sân Thế Miếu trong Kinh thành Huế. Thế nhưng, ngay tại đây, hàng chục năm nay tồn tại một khu nhà hoang rộng hàng trăm mét vuông.

Biển Đại Lãnh là một trong những danh thắng nổi tiếng của xứ Trầm Hương, từng được vua Minh Mạng cho khắc lên Tuyên Đỉnh - 1 trong 9 chiếc đỉnh đặt ở sân Thế Miếu trong Kinh thành Huế. Thế nhưng, ngay tại đây, hàng chục năm nay tồn tại một khu nhà hoang rộng hàng trăm mét vuông.


25 năm bỏ hoang


Một ngày cuối tháng 3, chúng tôi tìm đến khu nhà bỏ hoang ở khu vực biển Đại Lãnh.  Khu nhà nằm dọc Quốc lộ 1A, cách trụ sở UBND xã Đại Lãnh khoảng 100m, được thiết kế như một khách sạn rộng lớn. Để vào được bên trong khu nhà, chúng tôi phải len lỏi qua những bụi cây, cỏ dại mọc um tùm; hàng trăm bơm kim tiêm ngổn ngang ngay lối ra vào. Nhà được thiết kế 2 phần liên hoàn, phần trước là khối nhà gồm 4 tầng với hàng chục phòng tách biệt, mặt sau là khối nhà hình tròn, nhìn như không gian sinh hoạt của một quầy bar. Toàn bộ khu nhà phủ rêu xanh, cây dại khiến cho bất kỳ ai nhìn thấy cũng phải tiếc nuối về sự lãng phí.

 

Lầu 4 ngôi nhà xây dựng dở dang
Lầu 4 ngôi nhà xây dựng dở dang


Theo quan sát của chúng tôi, khu nhà được xây dựng dở dang, nham nhở, chưa có phần nào tô trát. Vì bỏ hoang quá lâu nên khu nhà bị xuống cấp trầm trọng, các bậc cầu thang bong tróc để lộ sắt thép, nhiều lối đi bị sập, gãy. Hệ thống dầm, trụ nhà sau nhiều năm lộ thiên nên kết cấu sắt đã bị gỉ sét. Bà Mai Thị Bích, người dân sống gần khu nhà này cho biết, gia đình bà từ tỉnh Quảng Bình vào Đại Lãnh sinh sống đã hơn 25 năm. Từ ngày đó, bà đã thấy ngôi nhà bỏ hoang và không biết ai là chủ sở hữu. “Khu nhà thực sự là nỗi ám ảnh với người dân địa phương. Bởi nhiều năm nay, nơi đây đã trở thành tụ điểm của các đối tượng nghiện ma túy”, bà Bích nói.


Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Đình Thú - Chủ tịch UBND xã Đại Lãnh cho biết, khu nhà bỏ hoang đến nay đã 25 năm. Dường như năm nào cử tri cũng kiến nghị, đề nghị tỉnh và huyện có hướng giải quyết để trả lại vẻ đẹp cho biển Đại Lãnh. “Hiện tại, khu nhà nằm sát khu dân cư và đã xuống cấp nghiêm trọng, có thể đổ sụp bất cứ lúc nào. Không chỉ ảnh hưởng tới người dân, khu nhà còn tạo ra điểm đen trên địa bàn xã. Các đối tượng trộm cắp, nghiện hút xem nơi đây là địa bàn trú ẩn để hoạt động”, ông Thú lo ngại.

 

Khu nhà bỏ hoang án ngữ hướng nhìn ra biển Đại Lãnh
Khu nhà bỏ hoang án ngữ hướng nhìn ra biển Đại Lãnh


Ai là chủ sở hữu?


Để tìm hiểu về chủ sở hữu của khu nhà này, chúng tôi đã hỏi nhiều cán bộ nguyên là lãnh đạo huyện Vạn Ninh và xã Đại Lãnh nhưng không ai nhớ rõ; đến Trung tâm Công nghệ thông tin (Sở Tài nguyên và Môi trường) mới biết, hiện nay, trung tâm còn lưu giữ giấy tờ liên quan đến khu đất này. Theo đó, năm 1987, Xí nghiệp Liên hợp trục vớt cứu hộ (TP. Hồ Chí Minh) được UBND tỉnh Phú Khánh cấp hơn 10ha đất ở khu vực ven biển xã Đại Lãnh để xây dựng Trạm lặn - hợp tác với Cộng hòa Nhân dân Hungary. Đến năm 1988, đơn vị này đã liên kết với UBND huyện Vạn Ninh xây dựng khách sạn mang tên VAVISAL tại thôn Đông, xã Đại Lãnh và được UBND tỉnh Phú Khánh chấp thuận. Theo đó, khách sạn được xây dựng trên diện tích 7.800m2, quy mô 4 tầng với tổng vốn đầu tư hơn 2,8 tỷ đồng, do UBND huyện Vạn Ninh làm chủ đầu tư và đóng góp 1/4 kinh phí xây dựng.   

 

Rất nhiều bơm kim tiêm được các đối tượng nghiện ma túy vứt tại khu nhà bỏ hoang
Rất nhiều bơm kim tiêm được các đối tượng nghiện ma túy vứt tại khu nhà bỏ hoang


Tuy nhiên, đến năm 1989, khi công trình khách sạn xây dựng xong phần khung thì bị thiếu vốn, nên không thể tiếp tục triển khai. Năm 1990, UBND tỉnh gửi công văn xin kinh phí của Trung ương để tiếp tục đầu tư nhưng không được chấp thuận. Đến tháng 11-1994, UBND tỉnh đồng ý cho UBND huyện Vạn Ninh bán đất và công trình đang xây dựng dở dang cho cá nhân hoặc tổ chức có nhu cầu để lấy tiền trả các khoản nợ mà trước đây UBND huyện Vạn Ninh vay. Tháng 12-1994, ông Nguyễn Thanh Tùng (nhạc sĩ Thanh Tùng) - Tổng Giám đốc Công ty Nước khoáng Tu Bông cùng với ông Hà Hùng Dũng và bà Phùng Trịnh Thị Vinh (cùng Công ty TNHH Thương mại Việt Hà) mua lại với giá hơn 2 tỷ đồng. Trong đó, ông Nguyễn Thanh Tùng 50% cổ phần, còn ông Dũng và bà Vinh mỗi người 25% cổ phần.


Tuy nhiên, sau khi mua lại khu đất và công trình khách sạn dở dang này, bên mua cũng không đầu tư gì mà tiếp tục bỏ hoang cho đến nay.


Tâm nguyện người nhạc sĩ


Biển Đại Lãnh được người xưa đánh giá là một trong những danh thắng đẹp của đất nước. Minh chứng là vua Minh Mạng cho khắc lên Tuyên Đỉnh - 1 trong 9 chiếc đỉnh đặt ở sân Thế Miếu trong Kinh thành Huế “để làm báu nước muôn đời” (Quốc sử quán triều Nguyễn). Không chỉ vậy, Đại Lãnh cũng từng được Tổ chức Du lịch thế giới đánh giá là một trong những thắng cảnh đẹp nhất ở Đông Nam Á. Đại Lãnh có một bãi biển dài khoảng 3km, cát mịn trắng phau, thoai thoải. Nơi đây còn có cảnh núi rừng trùng trùng, điệp điệp. Phía bắc là 12km đèo Cả quanh co, phía nam là đèo Cổ Mã nhìn xa như dáng một chú ngựa đang lao mình xuống tắm Biển Đông. Thế đất “biển một bên và núi một bên” ấy đúng là sơn thủy, hữu tình được thiên nhiên ban tặng cho Đại Lãnh.

 

Cây dại mọc um tùm ngay trong khuôn viên khu nhà
Cây dại mọc um tùm ngay trong khuôn viên khu nhà

 

Lẽ ra, với thế mạnh này, Đại Lãnh phải là một điểm du lịch sầm uất. Tiếc là đến nay, địa chỉ du lịch này vẫn chưa được đánh thức. Đặc biệt, với khu nhà bỏ hoang nhiều năm qua đã gây nhếch nhác, lãng phí. Huyện Vạn Ninh đã nhiều lần kiến nghị tỉnh tìm hướng giải quyết, tạo bộ mặt mới cho du lịch biển Đại Lãnh. Nhưng vì khu đất này thuộc sở hữu cá nhân nên đến nay vẫn chưa có hướng giải quyết hợp lý.


Ông Trần Đình Thú cho biết, khi hầm Đèo Cả và hầm Cổ Mã đi vào hoạt động sẽ hạn chế xe cộ lưu thông trên tuyến Quốc lộ 1A cũ để tạo bộ mặt mới cho địa phương, từ đó kích thích du lịch phát triển. Bên cạnh đó, hiện nay, dự án Khu du lịch nghỉ dưỡng Năm Sao Đại Lãnh đang được chủ đầu tư xây dựng. Đối với khu nhà bỏ hoang lâu nay, phía huyện, tỉnh cũng cần can thiệp, yêu cầu chủ sở hữu có hướng đầu tư xây dựng hoặc bán cho cá nhân, tổ chức khác để phát triển du lịch.


Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Bách, con trai nhạc sĩ Thanh Tùng cho biết: “Trước khi qua đời, cha tôi có nói đến khu nhà ở Đại Lãnh xây dựng dở dang rồi bỏ hoang khá lâu, nhưng vì nhiều lý do khác nhau nên đến nay vẫn chưa thể đầu tư xây dựng. Thời gian tới, tôi sẽ liên hệ với những người đồng sở hữu để họp bàn đưa ra hướng giải quyết. Nếu các bên thỏa thuận đầu tư du lịch thì sẽ sớm triển khai. Còn nếu không có kinh phí đầu tư thì sẽ bán lại cho người khác, chứ để lâu năm cũng làm ảnh hưởng đến sự phát triển của địa phương. Tuy nhiên, tôi rất muốn đầu tư xây dựng một khu khách sạn tại nơi này để lưu giữ kỷ niệm của cha. Chính vì vậy, trong năm 2016, chúng tôi sẽ đưa ra hướng giải quyết hợp lý nhất”.


VĂN GIANG - MẠNH HÙNG