01:04, 16/04/2016

Vượt lên số phận

Người khuyết tật thường mặc cảm, tự tin. Nhưng những nhân vật trong bài viết này lại mang đến cho chúng tôi một cách nhìn khác, họ mạnh mẽ, tràn đầy nghị lực sống và luôn có ý chí vượt qua mặc cảm tật nguyền để trở thành người có ích cho xã hội...

Người khuyết tật (NKT) thường mặc cảm, tự tin. Nhưng những nhân vật trong bài viết này lại mang đến cho chúng tôi một cách nhìn khác, họ mạnh mẽ, tràn đầy nghị lực sống và luôn có ý chí vượt qua mặc cảm tật nguyền để trở thành người có ích cho xã hội...


“Cô giáo làng” thầm lặng


Buổi sáng, không gian tĩnh lặng của làng biển Xuân Tự 2 (xã Vạn Hưng, huyện Vạn Ninh) trở nên vui tươi hơn bởi tiếng trẻ đọc bài phát ra từ lớp học tại nhà “cô giáo làng” Trương Thị Phúc (62 tuổi). Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, nép mình bên bờ biển, bà Phúc dành phần lớn không gian để dạy học cho hơn 10 học sinh trong làng, từ mẫu giáo đến lớp 5. 

 

Bà Trương Thị Phúc và trẻ nhỏ trong làng
Bà Trương Thị Phúc và trẻ nhỏ trong làng

 
Nói về hoàn cảnh của mình, bà Phúc kể, khi mới được 2 tuổi, bà bị cơn sốt kéo dài dẫn đến bại liệt chân phải. Vì thế, cuộc sống thời niên thiếu của bà gặp muôn vàn khó khăn. “Thú thật, kể từ khi biết nhận thức, tôi thấy rất mặc cảm về bản thân. Đi học, đi chơi đều không đủ tự tin để đối diện với mọi người. Lúc đó, tôi chỉ ước có đôi chân lành lặn để được nô đùa cùng bạn bè... Để vượt qua những ánh mắt thương hại, vượt lên nỗi buồn, tôi luôn tự nhủ chỉ có con đường duy nhất là học và học”, bà Phúc tâm sự. Thế nhưng, vì điều kiện gia đình quá khó khăn, bà chỉ được học hết lớp 12 rồi phải dừng lại do bố mẹ qua đời, ước mơ vào đại học đành bỏ dỡ.


Không gục ngã trước hoàn cảnh, tuy đơn thân nhưng bà Phúc vẫn quyết tâm vươn lên để sống bằng nghề vá lưới thuê. Đồng thời, vào mỗi buổi tối, bà mở lớp dạy học miễn phí cho trẻ em trong làng. Cứ thế, bà lặng lẽ dạy học từ ngày đó đến nay đã gần 20 năm. Kể đến đây, bà Phúc chợt ngân lên câu thơ: “Tôi không nghĩ mình là người bất hạnh/Mỗi đóa hoa tự nở một cách riêng…”. Rồi bà cho biết: “Điểm tựa để tôi vươn lên chính là những tấm giấy khen đạt học sinh khá, giỏi của các cháu. Rồi những lúc ốm đau phải nằm viện, cha mẹ các cháu lại đến thăm nuôi…”.  

 

 Ông Ngọc trong vườn cây nhà mình
Ông Ngọc trong vườn cây nhà mình


Không thể kể hết có bao nhiêu học sinh trong làng đã được bà Phúc dạy học. Chỉ biết rằng, hầu hết người dân ở đây ai cũng quý mến bà vì đã âm thầm gieo chữ cho con em họ. Em Nguyễn Vân Phong (học sinh lớp 4 Trường Tiểu học Vạn Hưng 1) cho biết: “Em được bà Phúc dạy học từ mẫu giáo. Bà rất thương yêu trẻ nhỏ, tận tình chỉ dạy giúp chúng em tiếp thu và hiểu được nhiều kiến thức bổ ích. Những phép toán, câu, từ… học trên trường chưa rõ, em đều hỏi bà Phúc và được bà chỉ dạy tận tình. Em hứa sẽ cố gắng học thật giỏi, để sau này trở thành người có ích cho xã hội”.


Được biết, để nắm bắt những kiến thức mới, bà Phúc thường xuyên lên mạng cập nhật, học hỏi qua sách báo. Đặc biệt, bà còn tự học tiếng Anh, đã thi và lấy được 2 chứng chỉ A, B loại giỏi. Hiện nay, bà đang tiếp tục học để thi lấy chứng chỉ C. Bà Phúc tâm sự: “Hầu hết học sinh trong làng còn rất yếu môn tiếng Anh, nên tôi quyết tâm học để dạy cho các cháu. Mong sao tất cả học sinh trong làng học đều các môn, có đủ kiến thức bước vào đời”.

 

Ông Cao Xuân Ngọc từng được nhận bằng khen do Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tặng
Ông Cao Xuân Ngọc từng được nhận bằng khen do Trung ương Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ em mồ côi Việt Nam tặng


Ông Nguyễn Văn Lộc - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Hưng cho biết, bà Phúc là một tấm gương sáng. Nhiều năm qua, bà dạy học cho rất nhiều học sinh trong làng, giúp các cháu bổ sung kiến thức. Người dân ở làng chài ai cũng quý mến gọi bà là “cô giáo làng”.


Vươn lên làm giàu chính đáng


“Giữa sự mặc cảm, ái ngại và cuộc sống hiện thực, con người phải biết nén lại nỗi buồn để vươn lên phía trước”. Đó là những lời tâm sự chân thành của ông Cao Xuân Ngọc (53 tuổi, người dân tộc Raglai, thôn Hòn Dù, xã Khánh Nam, huyện Khánh Vĩnh).

 

Theo lãnh đạo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, toàn tỉnh hiện có khoảng 39.000 NKT. Trong đó, đã cấp giấy chứng nhận khuyết tật đặc biệt nặng và nặng cho gần 20.000 người; có gần 15.000 người và hơn 2.200 gia đình chăm sóc NKT đặc biệt nặng được hưởng trợ cấp hàng tháng, với mức từ 405.000 đồng đến 1.080.000 đồng/tháng; hầu hết NKT được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí hàng năm.

Nhìn vào căn nhà bề thế của ông Ngọc, ít ai biết trước đây gia đình họ đã có một thời sống trong căn nhà gỗ ọp ẹp. Những hồi ức ông kể lại cho chúng tôi thấy được nghị lực sống mãnh liệt của ông. Năm 12 tuổi, ông tham gia đội du kích địa phương, rồi được giao nhiệm vụ cùng một số anh em trong xã lên núi vận chuyển gỗ về làm hầm chống địch. Trong khi làm nhiệm vụ, ông trượt chân ngã và bị gỗ đè làm vẹo cột sống. Kể từ đó ông không thể đứng thẳng được, sức khỏe suy giảm đến 80%. Bị tật nguyền, trở thành gánh nặng cho gia đình, có lúc ông không còn thiết sống, muốn quên hết tất cả để về với hư vô. Song, đó có lẽ chỉ là những suy nghĩ thoáng qua. Với sự động viên của mẹ và ý chí của bản thân, ông đã lấy lại cân bằng, phấn đấu vươn lên trong cuộc sống.


Để chứng minh mình tàn nhưng không phế, ông cần mẫn khai khẩn được hơn 2ha đất đồi, đưa vào trồng lúa, bắp, mì, rồi sau này trồng keo. Tranh thủ lúc nhàn rỗi, ông học thêm nghề sửa xe đạp để có thêm thu nhập. Với nghị lực ấy, ông đã chiếm trọn tình cảm yêu thương của bà Nguyễn Thị Anh rồi họ nên duyên vợ chồng. Ông Ngọc kể: “Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, gia đình chúng tôi đã phát triển theo mô hình vườn đồi, chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Cuộc sống đã không phụ lòng người, từ chỗ nghèo khó, nay gia đình đã có nhà cửa khang trang, mỗi năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng. Vợ chồng tôi có 4 người con đều được ăn học và đã có 2 con lập gia đình”.


Ông Trần Minh - Chủ tịch UBND xã Khánh Nam cho biết, ông Cao Xuân Ngọc là một NKT điển hình về nghị lực vươn lên trong cuộc sống. Ông Ngọc thường xuyên hướng dẫn, giúp đỡ tận tình về vốn, cây con giống cho những hộ khó khăn phát triển kinh tế. Không chỉ vậy, ông còn rất nhiệt tình tham gia bàng tác địa phương, gương mẫu đi đầu các phong trào do xã phát động...


“Tôi nghĩ, có quyết tâm, kiên trì thì bất kỳ NKT nào cũng có thể vượt lên chính mình để hòa nhập với cộng đồng. Nghị lực và thành bàng sẽ bù đắp vào những khiếm khuyết trên cơ thể, qua đó chứng minh mình tàn nhưng không phế”. Lời tâm sự của ông Cao Xuân Ngọc có lẽ cũng là suy nghĩ chung của những NKT đã, đang và không ngừng vươn lên, khẳng định những điều họ có thể làm được cho bản thân và xã hội.



 VĂN GIANG


 



Ông Mai Xuân Trí - Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Những năm qua, NKT trên địa bàn tỉnh đã được hỗ trợ học nghề, việc làm và các dịch vụ xã hội cơ bản. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của họ trong xã hội dần được cải thiện. Tuy nhiên, trên thực tế, số lượng người được học nghề còn quá ít; tỷ lệ tìm được việc làm sau đào tạo còn rất thấp; hầu hết doanh nghiệp chưa tạo điều kiện tuyển dụng lao động là NKT… Do đó, Trung ương, tỉnh cần có chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp tuyển dụng NKT; hỗ trợ phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng cho NKT; thực hiện tốt và kịp thời chế độ trợ cấp thường xuyên; hỗ trợ vốn để NKT tự lực vươn lên, hòa nhập với cộng đồng…