10:05, 20/05/2015

Kỳ 2: Đổi thay trên đảo

40 năm qua, quân và dân huyện đảo Trường Sa đã chung sức xây dựng các đảo ngày một kiên cố, vững chãi, góp phần bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

40 năm qua, quân và dân huyện đảo Trường Sa đã chung sức xây dựng các đảo ngày một kiên cố, vững chãi, góp phần bảo vệ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.


Cán bộ, chiến sĩ đảo chìm vượt khó


Đến đảo Đá Tây A, chúng tôi ấn tượng với 2 vườn rau thanh niên xanh ngắt. Nhìn những ô rau cải, mùng tơi lá to bằng bàn tay, xanh mơn mởn, chị Phan Hồng Hạnh - Phó Bí thư Tỉnh đoàn Vĩnh Long thốt lên: “Ở đất liền, tôi cũng không chăm được rau tốt như vậy. Ở đảo, điều kiện khắc nghiệt mà trồng rau tốt thế này, thật đáng khâm phục”. Trung úy Lê Ngọc Bộ cho biết, toàn đảo có 150 hộp đất, chia làm 2 vườn rau. Ở đây, các chiến sĩ chia nhau chăm sóc hoặc bằng hình thức thi đua xem đội nào trồng rau xanh tốt hơn, thu hoạch sản lượng nhiều hơn. Ở đảo, mùa mưa tuy nhiều nước nhưng lại sóng gió to, mùa nắng thì khan hiếm nước ngọt nên rất khó khăn để chăm sóc vườn rau. Rau xanh đối với cán bộ, chiến sĩ (CB-CS) trên đảo rất quý. Với 2 vườn rau thanh niên, nhìn chung đã đáp ứng được cơ bản nhu cầu rau xanh của CB-CS công tác trên đảo.

 

Một góc Trường Sa nhìn từ cầu cảng.
Một góc Trường Sa nhìn từ cầu cảng


Ngoài vườn rau, đảo Đá Tây A còn có khu chăn nuôi heo, gà, vịt... cung cấp thực phẩm để bồi dưỡng cho CB-CS trên đảo. Thiếu tá Nguyễn Văn Quý - Chính trị viên đảo Đá Tây A cho biết: “Nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước nên đảo đã được đầu tư nhiều công trình kiên cố, xây dựng hệ thống bể chứa nước ngọt, phục vụ tốt hơn nhu cầu của CB-CS, chăm sóc tốt vườn rau xanh. Có thể nói, đời sống vật chất và tinh thần trên đảo đã ngày càng tốt hơn, giúp CB-CS yên tâm công tác”.


Các đảo: Đá Nam, Len Đao..., tuy điều kiện không bằng đảo Đá Tây A nhưng cũng có vườn rau xanh, khu chăn nuôi gia súc để phục vụ nhu cầu của CB-CS trên đảo. Bên cạnh đó, hệ thống điện năng lượng mặt trời, điện gió, bể chứa nước ngọt... cũng được đầu tư từ nhiều năm nay. Trung úy Vũ Quang Khắc - Chính trị viên đảo Đá Nam cho biết: “Từ ngày giải phóng đến nay, đảo Đá Nam được quan tâm đầu tư thêm rất nhiều về cơ sở vật chất. So với trước kia, đời sống CB-CS trên đảo được cải thiện rất nhiều”.


Đảo nổi khang trang, sạch đẹp


Vườn rau xanh hay khu chăn nuôi gia súc đã trở thành điều bình thường ở những đảo nổi như: Song Tử Tây, Sinh Tồn, Trường Sa... Điều khiến chúng tôi thấy khá thú vị khi đến các đảo nổi là màu xanh bạt ngàn của những cây phong ba, bão táp, bàng vuông, xa xa thấp thoáng những mái nhà. Một phóng viên Báo Đồng Khởi ví von: “Khác với đất liền, nhà ở đây cảm giác như được lợp bằng những tấm pin năng lượng mặt trời”. Xen lẫn vào đó, các trụ điện gió chạy dài từ khu dân cư đến cầu cảng...

 

Hệ thống điện gió trên đảo Song Tử Tây
Hệ thống điện gió trên đảo Song Tử Tây

 

Theo Thượng tá Nguyễn Mạnh Hồng - Chính trị viên đảo Song Tử Tây, so với trước, hiện nay, đảo đã được xây dựng khang trang, sạch đẹp. Nhà ở, các công trình dân sinh xây dựng kiên cố. Đường sá được quy hoạch khoa học và bê tông hóa 100%. Những công trình như: chùa Song Tử Tây, tượng đài Trần Hưng Đạo trở thành nơi tâm linh để nhân dân, CB-CS đến viếng, thắp nhang vào những ngày rằm, mùng một, lễ, Tết. Bên cạnh đó, hệ thống năng lượng sạch được đầu tư mạnh, cơ bản đáp ứng được nhu cầu trên đảo. Hệ thống thông tin liên lạc thông suốt giúp nhân dân và CB-CS thường xuyên nắm bắt thông tin, tạo sự gần gũi hơn với đất liền.


Mới đây, Viện Khoa học kỹ thuật nông nghiệp miền Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã đầu tư Dự án Sản xuất thử nghiệm một số giống cây trồng, vật nuôi tại Trường Sa. Dự án đã đầu tư 2 nhà lưới trồng rau sạch tại đảo Song Tử Tây. Nhà trồng rau này giúp chống mặn, chống gió, cung cấp rau sạch cho đảo quanh năm, kể cả mùa mưa bão. Trung bình mỗi năm, 2 nhà rau cung cấp hơn 1 tấn rau sạch các loại cho đảo.

 

1
Chiến sĩ chăm sóc vườn rau thanh niên trên đảo Đá Tây A


Trong khi đó, theo Trung tá Phạm Văn Dũng - Chính trị viên đảo Sinh Tồn, đổi thay lớn nhất trên đảo là các công trình dân sinh được đầu tư hiện đại, kiên cố. Đời sống của nhân dân và CB-CS được cải thiện đáng kể. Trên đảo đã xuất hiện nhiều cây ăn trái như: chanh, dừa, đu đủ...


Điểm tựa cho ngư dân bám biển


Không chỉ phát triển để đáp ứng tốt đời sống của quân và dân trên đảo, các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa hiện nay còn là điểm tựa vững chắc cho ngư dân đánh bắt xa bờ. Những đảo nổi như: Trường Sa, Song Tử Tây, Sinh Tồn... đều có những âu tàu lớn, đáp ứng tốt nhu cầu tránh trú bão của ngư dân. Đối với ngư dân các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Quảng Ngãi, Vũng Tàu..., đây như là những ngôi nhà để họ trở về mỗi khi giông tố hoặc tàu gặp nạn, thiếu lương thực, nước ngọt...

 

Âu tàu trên đảo Sinh Tồn là điểm tựa cho ngư dân bám biển
Âu tàu trên đảo Sinh Tồn là điểm tựa cho ngư dân bám biển


Trung tá Lương Quốc Anh - Chỉ huy trưởng đảo Sinh Tồn cho biết, năm 2014 và 4 tháng đầu năm 2015, đảo đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 200 tàu cá của ngư dân các tỉnh: Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận... hoạt động khai thác hải sản trong khu vực. CB-CS trên đảo còn thường xuyên hỗ trợ nước ngọt, cấp lương thực, thực phẩm và cứu chữa kịp thời cho ngư dân đánh bắt xa bờ bị ốm đau, gặp nạn. Với âu tàu rộng lớn, đảo Sinh Tồn chính là điểm tựa vững chắc cho hàng trăm lượt tàu cá mỗi năm.


Còn tại đảo Song Tử Tây, âu tàu cũng đưa vào sử dụng nhiều năm nay với sức chứa hơn 100 tàu công suất lớn. Trong cơn bão Hải Yến năm 2013, âu tàu ở đảo đã giúp 64 tàu đánh bắt xa bờ cùng 786 ngư dân tránh trú bão. Tại đây, ngư dân được cấp miễn phí nước ngọt, mua nhiên liệu bằng với giá trên đất liền. Từ khi âu tàu được xây dựng, các hoạt động đánh bắt cá của ngư dân ở ngư trường Song Tử Tây cũng như trên quần đảo Trường Sa tăng mạnh, bởi các tàu không còn phải đi xa để tránh trú bão.

 

Những ngôi nhà được “lợp” bằng hệ thống pin năng lượng  mặt trời trên đảo Song Tử Tây.
Những ngôi nhà được “lợp” bằng hệ thống pin năng lượng mặt trời trên đảo Song Tử Tây


Ngư dân Đào Minh Phụng (tỉnh Phú Yên) chia sẻ: “Mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ thường kéo dài 1 - 2 tháng. Trên biển nhiều khi thiếu nước ngọt, hết lương thực, anh em đau ốm, chúng tôi lại tìm về các âu tàu trên đảo. Giữa trùng khơi, có một nơi để về đã cho chúng tôi cảm giác huyện đảo Trường Sa là hậu phương vững chắc của ngư dân nơi đầu sóng”.


VĂN KỲ

 

Kỳ 1: Làng quê yên bình nơi đảo xa

Kỳ cuối: Chung tấm lòng hướng về đảo xa