10:05, 05/05/2015

Chuyện những "ông từ"

"Ông từ" theo cách gọi dân gian trước đây là để chỉ những người trông coi, hương khói ở các nơi thờ tự. Những "ông từ" hầu hết là người đứng tuổi, có tâm huyết và coi việc trông nom, chăm sóc, hương khói cho các bậc tiền hiền… là niềm vui trong cuộc sống.

“Ông từ” theo cách gọi dân gian trước đây là để chỉ những người trông coi, hương khói ở các nơi thờ tự. Những “ông từ” hầu hết là người đứng tuổi, có tâm huyết và coi việc trông nom, chăm sóc, hương khói cho các bậc tiền hiền… là niềm vui trong cuộc sống.


Cha truyền con nối


Đến tham quan Văn miếu Diên Khánh vào một ngày đầu tháng 5, trong khi chúng tôi đang loay hoay không biết gọi ai vì cửa đã được khóa, thì có cụ ông từ trong miếu đi ra hỏi khách. Đó chính là “ông từ” Trần Sáu - người bảo vệ Văn miếu này. Vừa tiếp chuyện chúng tôi, ông Sáu vừa nhào nặn đất sét cho vào khuôn để đúc những chiếc bệ chân đèn thờ.

 

Ông từ Văn Bán chăm lo hương khói cho các anh hùng liệt sĩ thờ trong đình Phú Cang
Ông từ Văn Bán chăm lo hương khói cho các anh hùng liệt sĩ thờ trong đình Phú Cang


Ông Sáu cho biết, bác ruột của ông đã trông coi, phụ trách các công việc cúng tế tại Văn miếu Diên Khánh từ rất lâu mà ông không nhớ rõ thời gian nào. Sau khi bác ruột mất, cha của ông tiếp quản. Ngay từ thời còn nhỏ, ông Sáu đã theo cha phụ việc, chạy giấy tờ, sắp xếp, lau chùi bàn ghế, lo trà nước cho các vị quan khách trong các dịp Văn miếu tổ chức lễ hội. Sau ngày đất nước giải phóng, khi cha ông mất, ông tiếp nối việc bảo vệ, coi giữ nơi đây. “Tôi làm bảo vệ, coi giữ Văn miếu từ lúc đứa con gái lớn của tôi mới vừa 2 tuổi, đến giờ nó đã được 46 tuổi”, ông Sáu nói.


Công việc thường ngày của ông Sáu bắt đầu từ rất sớm. Tầm 4 giờ sáng, ông đã dậy quét dọn sân miếu, bàn thờ, thắp nhang cho Thánh, sau đó tưới nước chăm sóc vườn hoa, cây cảnh, cây ăn trái bên trong khuôn viên Văn miếu. Sau khi làm xong các việc chính trong ngày, thời gian rảnh rỗi, ông Sáu làm thêm nghề tạo khuôn đúc kệ đèn thờ để bán kiếm tiền trang trải cho sinh hoạt hàng ngày của mình, hoặc lấy tiền mua các vật dụng cần thiết cho việc thờ cúng. Vì vậy, dù đã có nhà riêng, ông Sáu vẫn quyết định ở hẳn trong Văn miếu để tiện việc bảo vệ, đón tiếp khách tham quan cũng như trông coi hương khói cho Thánh.

 

Ông từ Trần Sáu vệ sinh Văn miếu Diên Khánh.
Ông từ Trần Sáu vệ sinh Văn miếu Diên Khánh


Theo ông Sáu, hàng ngày, công việc trông coi, bảo vệ Văn miếu chỉ là quét dọn, vệ sinh, mở cửa đón khách tham quan. Nói ra nghe có vẻ nhàn hạ, nhưng không phải ai cũng có thể làm được nếu không có đức tin và sự kiên nhẫn. Bởi lẽ, với số tiền hỗ trợ cho những người làm công tác bảo vệ, trông coi đình, miếu như ông (kể từ năm 2012 về trước được hỗ trợ 200.000 đồng/tháng, nay lên được 600.000 đồng/tháng) thì không thể đủ để trang trải cuộc sống.


Trong hơn 40 năm trông coi, bảo vệ Văn miếu, có 2 năm (từ năm 2012 đến 2014) vì công việc riêng của mình, ông Sáu đã xin nghỉ. Nhưng sau đó, Ban quản lý Văn miếu tiếp tục giao việc trông coi, bảo vệ Văn miếu (đầu năm 2015) cho ông, ông đã không chút do dự khi nhận lại công việc này...  


Lấy việc chăm nom làm niềm vui


Là một nghệ nhân cây cảnh, bonsai với mức thu nhập khá cao, nhưng ông Mai Hoàng (phường Ninh Hiệp, thị xã Ninh Hòa) đã bỏ nghề để nhận việc bảo vệ, trông coi Di tích lăng Bà Vú. Thoạt đầu tiếp xúc với ông, nhìn dáng vẻ hom hem, khắc khổ, ít ai nghĩ rằng ông Hoàng mới ở tuổi 46. Vì nhà sống gần lăng nên từ 4 giờ sáng, ông Hoàng đã thức dậy quét dọn sạch sẽ khuôn viên lăng, sau đó tưới nước, cắt tỉa các chậu cây cảnh, túc trực mở cửa đón du khách vào tham quan..., công việc cứ cuốn mãi cho đến chiều. Trong khuôn viên lăng, ở những khu đất còn trống, cỏ dại mọc, ông Hoàng tiến hành phát quang, tự mình đi khắp nơi tìm các loại hoa mang về trồng. Thường ngày, cổng lăng luôn được đóng kín để ngăn chặn những người thiếu ý thức vào xâm hại nơi thờ tự linh thiêng. Tuy nhiên, du khách hay người dân muốn tham quan Di tích lăng Bà Vú, chỉ cần lấy số điện thoại được gắn trên cổng để liên lạc, ít phút sau, ông Hoàng đã có mặt mở cửa. Sau khi khách tham quan, ông luôn ghi vào cuốn sổ lưu về thời gian và số người vào thăm lăng. Công việc ngày thường là vậy, còn đến ngày lễ cúng Bà Vú (ngày 16 tháng Giêng), ông Hoàng phải chạy đôn chạy đáo lo hương khói, tổ chức tiệc đón tiếp các đoàn đại biểu tỉnh, thị xã đến viếng lăng. Được biết, hàng tháng, ông Hoàng được hỗ trợ tiền bảo vệ, chăm sóc lăng khoảng 1,2 triệu đồng, không đủ để mua các vật dụng vệ sinh, chăm nom lăng. Vậy nhưng, với ông, được bảo vệ Di tích lăng Bà Vú là niềm vui. “Hiện nay, thời gian của tôi chỉ làm công việc ở lăng. Tôi rất vui khi được giao trách nhiệm trông coi, bảo vệ, hương khói cho Bà Vú”, ông Hoàng nói.

 

Ông từ Mai Hoàng trồng cây cảnh cho lăng Bà Vú.
Ông từ Mai Hoàng trồng cây cảnh cho lăng Bà Vú


Cũng lấy việc bảo vệ, chăm lo hương khói cho các bậc tiền hiền, anh hùng liệt sĩ làm niềm vui trong cuộc sống hàng ngày, ông Văn Bán (76 tuổi) - người bảo vệ Di tích lịch sử đình Phú Cang (xã Vạn Phú, huyện Vạn Ninh) đã có hơn 14 năm làm nghề này. Mặc dù hiện nay, ông vẫn chưa nhận được sự hỗ trợ về tiền công của tỉnh cho công việc này, nhưng hàng ngày, ông vẫn thường xuyên thăm nom, quét dọn, chăm sóc hương khói cho các bậc tiền hiền. Được biết, trước đây, khi mới nhận công việc bảo vệ đình, ông Bán được Ban quản lý Di tích lịch sử đình Phú Cang cấp cho 5 sào đất lúa để canh tác bù vào việc trả công cho ông. Tuy nhiên, hơn 10 năm nay, do không còn sức lao động, thời tiết hạn hán, thiếu nước tưới nên ruộng lúa được cấp phát thường bị bỏ hoang. Dẫu cuộc sống còn vất vả, tuổi cao, sức yếu, nhưng ông Bán chưa một lần có ý định từ bỏ công việc chăm nom, bảo vệ đình làng. Ông Bán tâm sự: “Tôi rất vui vì được phục vụ cho công việc của dân làng”.


Theo ông Nguyễn Văn Thích - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh, thuật ngữ “ông từ” theo cách gọi dân gian trước đây để chỉ những người trông coi, hương khói ở các nơi thờ tự. Hiện nay, các điểm di tích đình, lăng, miếu đều có một ban quản lý phụ trách, trong ban sẽ chọn ra một người có những điều kiện phù hợp (như: phẩm chất, gần nơi thờ tự, có tâm...) cho việc bảo vệ, túc trực tại những điểm này. Những “ông từ” đều là người có tâm huyết với nghề, rất tích cực trong công tác bảo tồn các di tích lịch sử, văn hóa để phục vụ nhu cầu đời sống tâm linh của người dân.


PHÚC HIẾU