12:04, 28/04/2015

Trở lại đèo Phượng Hoàng

Phượng Hoàng là đường đèo hiểm trở giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. 40 năm trước, đèo Phượng Hoàng đã ghi chiến công của Sư đoàn 10 đập tan "lá chắn thép" của địch, mở toang cửa ngõ Tây Nguyên xuống đồng bằng ven biển, tiến về giải phóng Nha Trang…

Phượng Hoàng là đường đèo hiểm trở giáp ranh giữa tỉnh Đắk Lắk và Khánh Hòa. 40 năm trước, đèo Phượng Hoàng đã ghi chiến công của Sư đoàn 10 đập tan “lá chắn thép” của địch, mở toang cửa ngõ Tây Nguyên xuống đồng bằng ven biển, tiến về giải phóng Nha Trang…


Một thời oanh liệt


Cuối tháng 4, trong không khí cả nước rộn ràng những hoạt động kỷ niệm 40 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4), chúng tôi cùng Đại tá Nguyễn Quang Lâm - nguyên Phó Chính ủy Trung đoàn 24 và ông Lê Thuận Kha - nguyên Tiểu đội trưởng Tiểu đội hỏa lực, Đại đội 4, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 66 của Sư đoàn 10 trở lại đèo Phượng Hoàng - nơi ghi dấu chiến công của Sư đoàn 10 năm xưa.

 

Đại tá Nguyễn Quang Lâm và cựu chiến binh Lê Thuận Kha thăm lại đèo Phượng Hoàng.
Đại tá Nguyễn Quang Lâm và cựu chiến binh Lê Thuận Kha thăm lại đèo Phượng Hoàng


Tuy đã không ít lần trở lại chiến trường xưa, nhưng tâm trạng của các cựu chiến binh (CCB) Sư đoàn 10 vẫn rất phấn khích xen lẫn bồi hồi. Suốt dọc đường đi từ Nha Trang đến Ninh Hòa, các ông không ngừng kể về những trận đánh, những kỷ niệm một thời oanh liệt, đặc biệt là những trận đánh ác liệt đã trải qua khi phá tan tuyến phòng thủ đèo Phượng Hoàng dài đến 12km này.


Mùa xuân năm 1975, Sư đoàn 10 là một trong những đơn vị tham gia Chiến dịch Tây Nguyên. Đơn vị được giao nhiệm vụ trực tiếp đánh vào thị xã Buôn Ma Thuột, mục tiêu chính là Sở Chỉ huy Sư đoàn 23, Quân đoàn 2 của ngụy. Sau khi hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, đơn vị tiếp tục được lệnh đánh địch vừa đổ quân xuống khu nông trại Phước An (cách thị xã Buôn Ma Thuột khoảng 5km về phía Đông) với ý đồ tái chiếm Buôn Ma Thuột. Cả 3 trung đoàn quân ngụy đã bị lực lượng Sư đoàn 10 đánh phủ đầu. Cuộc chiến diễn ra ác liệt suốt 3 ngày đêm (ngày 15, 16 và 17-3-1975). Sư đoàn 10 đã tiêu diệt, loại khỏi vòng chiến đấu cả 3 trung đoàn này, đập tan ý đồ tái chiếm Buôn Ma Thuột. Thừa thắng, Sư đoàn 10 tiếp tục tấn công địch trên đường 21 (nay là Quốc lộ 26). Để chặn đường tiến công của quân ta theo đường 21 từ Tây Nguyên xuống đồng bằng, địch đổ Lữ đoàn Dù số 3 của ngụy quân cùng một số lực lượng lập tuyến phòng thủ mạnh tại đèo Phượng Hoàng.


Đứng giữa đỉnh đèo Phượng Hoàng hùng vĩ, Đại tá Nguyễn Quang Lâm kể: “Chúng tôi được tin địch đã đổ xuống một lữ đoàn dù hòng lập cánh cửa thép chặn đường tiến công quân chủ lực của ta từ Tây Nguyên xuống đồng bằng. Dọc con đèo quanh co, hiểm trở, quân địch có lợi thế là đã đổ quân trước, bố trí hỏa lực mạnh ở những điểm cao, lập sở chỉ huy cùng các trận địa pháo, xe tăng ở trên cao quan sát tầm xa và rộng. Tuy nhiên, đây cũng là bất lợi của địch, bởi các vị trí lộ ra là mục tiêu cho pháo ta “dội lửa”. Vì thế, pháo của đơn vị và pháo của chiến dịch đã bắn dồn dập vào sở chỉ huy và các trận địa pháo của địch”.


Chỉ những khúc cua cùi chỏ dọc đoạn đèo, CCB Lê Thuận Kha nhớ lại những ngày ác liệt tại đèo Phượng Hoàng khi ông còn là Tiểu đội trưởng Tiểu đội hỏa lực: “Ở những khúc cua quanh co, địch đã bố trí pháo, xe tăng để gây khó khăn cho bộ đội ta. Với quyết tâm tiêu diệt địch, bộ đội ta đã vừa đánh thọc 2 bên sườn vừa dùng lực lượng mạnh phối hợp với xe tăng, pháo đánh thẳng vào đội hình địch. Pháo của ta đã tiêu diệt địch ở nhiều trận địa, khiến chúng rối loạn”.


Suốt 3 ngày đêm (từ ngày 30, 31-3 đến chiều 1-4-1975), bộ đội ta nhanh chóng cơ động lần lượt đánh các mục tiêu. Chỉ cho chúng tôi nơi từng là sở chỉ huy của địch 40 năm về trước, Đại tá Nguyễn Quang Lâm kể: “Cuộc chiến giằng co quyết liệt suốt dọc đường đèo bởi địch cố giữ, còn ta quyết tiến; nhưng ác liệt nhất là giai đoạn cuối, khi đánh vào sở chỉ huy của Lữ đoàn Dù số 3 vào chiều 1-4. Sau khi các điểm chốt bị tiêu diệt, chúng dồn hết quân về đây. 3 tiểu đoàn (2, 5 và 6) của Lữ đoàn Dù số 3 ngoan cố chống đỡ. Trung đoàn 24 được nhận nhiệm vụ bọc cánh Nam, đánh địch rút chạy về Ninh Hòa hoặc quân chi viện của địch từ Ninh Hòa lên. Trận đánh diễn ra ác liệt, đến 17 giờ ngày 1-4-1975, bộ đội ta làm chủ hoàn toàn đèo Phượng Hoàng, tiêu diệt, bắt sống toàn bộ lực lượng Lữ đoàn Dù số 3 với 4.000 tên; thu toàn bộ vũ khí, xe pháo, đạn dược, mở thông cánh cửa xuống vùng đồng bằng ven biển”.


Trên đà thắng lợi, quân ta tiến xuống chiếm Trung tâm huấn luyện Lam Sơn - căn cứ biệt kích đóng quân Dục Mỹ và huyện lỵ Ninh Hòa. Sáng 2-4-1975, sau khi làm chủ huyện lỵ Ninh Hòa, Sư đoàn 10 đã tranh thủ thời cơ nhanh chóng tổ chức lực lượng đột phá bằng binh chủng hợp thành tiến theo Quốc lộ 1A vào giải phóng Nha Trang ngay trong chiều 2-4, rồi tiếp tục tiến quân cùng các lực lượng tham gia tiến công giải phóng Sài Gòn…


Tiếp nối cuộc sống hôm nay


40 năm sau, trở lại đèo Phượng Hoàng, các CCB Sư đoàn 10 không khỏi bồi hồi khi nhớ đến những đồng đội đã hóa thân vào đất, cho những vùng rừng núi trơ trọi vì chiến tranh, vì chất độc hóa học năm nào giờ  trở nên xanh ngắt ngút ngàn. Dưới chân đèo, tiếp nối màu xanh của núi rừng là màu xanh bình yên của những rẫy chuối, đồng mía, ruộng lúa. Cuộc sống người dân xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa) - địa phương nằm sát chân đèo nay đã có nhiều đổi thay.


Ông Lê Xuân Tuyên - Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết: “Xã có 5.200 nhân khẩu là người Ê đê, Raglai và Kinh. Những năm qua, đời sống người dân đã có nhiều khởi sắc, cơ bản nhà ở đã được Nhà nước đầu tư, 100% hộ dân có điện. Xã đã có 3 cấp học mầm non, tiểu học, THCS; y tế được quan tâm đầu tư. Hiện nay, Ninh Tây là vùng nguyên liệu mía lớn nhất của tỉnh với 2.200ha, năng suất đạt hơn 50 tấn/ha. Tỷ lệ hộ nghèo dưới 10%. Đảng ủy, chính quyền địa phương đoàn kết, tạo điều kiện cho người dân vay vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới”.


K.N