07:04, 25/04/2015

Tiếp sức cho những ước mơ...

Chương trình tín dụng dành cho học sinh, sinh viên thời gian qua đã tiếp sức cho hàng ngàn học sinh, sinh viên được đến trường.

Chương trình tín dụng dành cho học sinh, sinh viên (HS-SV) thời gian qua đã tiếp sức cho hàng ngàn HS-SV được đến trường.


Tiếp sức đến trường


Điều vợ chồng ông Lương Văn Long (Cam Thành Bắc, Cam Lâm, Khánh Hòa) tự hào nhất là tuy nhà nghèo nhưng đã nuôi dạy được 4 người con ăn học thành tài. Đưa kết quả học tập mấy kỳ đạt giỏi hoặc xuất sắc của cậu con út cho cán bộ ngân hàng, ông Long hồ hởi: “Các cháu được học tập một phần nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH)”. Trước đây, gia đình ông thuộc diện hộ nghèo. Ông Long làm nghề mộc, vợ ông làm việc lặt vặt tại nhà. Khi người con đầu chưa ra trường thì cô con gái Lương Trần Ngọc Lễ cũng đậu Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh. Lúc đó, gia đình đã phải bán một phần đất để các con được tiếp tục học hành. Sau đó, Ngọc Lễ được vay 23 triệu đồng từ NHCSXH trong 3 năm học còn lại. Sau khi ra trường có việc làm ổn định, chỉ trong 2 năm Ngọc Lễ đã trả hết nợ. Hiện nay, Lễ là nhân viên chính thức của một công ty đa quốc gia ở TP. Hồ Chí Minh. Để nuôi cậu con trai út đang học đại học năm thứ ba, hiện gia đình ông Long vẫn tiếp tục vay NH. “Năm 2010 gia đình tôi mới thoát nghèo nhờ người con đầu ra trường và trở thành giảng viên đại học. Không nhờ nguồn vốn của NH, chắc nhà tôi còn phải tiếp tục bán đất để nuôi con ăn học”.

 

Giải ngân vốn vay chương trình tín dụng học sinh, sinh viên tại Cam Lâm.
Giải ngân vốn vay chương trình tín dụng học sinh, sinh viên tại Cam Lâm


Ngắm căn nhà khang trang mới xây khoảng 1 năm của gia đình ông Phạm Hùng Sơn (Cam Thành Bắc, Cam Lâm), chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi ông bảo chỉ mấy năm trước nhà ông thuộc diện hộ nghèo. Ông kể, năm 2006, ông trắng tay sau khi nuôi tôm, cá thất bát. Có bữa hai vợ chồng chia nhau 1 gói mì. Năm 2010, khi con nhập học Trường Trung cấp Kinh tế Khánh Hòa, gia đình rất khó khăn nên vợ chồng nửa mừng, nửa lo. Cũng may, vay được 18,9 triệu đồng từ chương trình cho vay dành cho SV của NHCSXH nên con ông yên tâm học hành. Gia đình ông còn vay NHCSXH 30 triệu đồng đầu tư nuôi dông sinh sản, rồi mở rộng thu mua, bán cho các nhà hàng. Gia đình ông là tấm gương điển hình về thoát nghèo ở địa phương. Cậu con trai ra trường đã có việc làm, thu nhập 6 triệu đồng/tháng.


Năm 2008, gia đình bà Lê Kiều Mai (Phương Sài, Nha Trang) bắt đầu vay chương trình tín dụng HS-SV cho con trai đầu là Lại Chính Trực học Trường Đại học dân lập Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh. Chồng thương binh, bà Mai bán tạp hóa nuôi 3 con ăn học. “Ba đứa tuổi sàn sàn nhau, học chung một trường đại học, tiền ăn, tiền học phí, tiền trọ cũng chóng mặt. Các con cũng phải tự làm thêm chứ thu nhập gia đình có đáng bao nhiêu. Cũng may, cả ba đều được vay tiền từ NHCSXH” - bà Mai chia sẻ.


Thu nhập mỗi ngày chỉ vài chục ngàn đồng từ quán bán ốc luộc, chồng lại bệnh tật thường xuyên nên khi cậu con trai duy nhất đậu Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, bà Lê Thị Mỹ Dung (tổ dân phố Dinh Thành 1, thị trấn Diên Khánh) rất lo lắng. Mắt rơm rớm khi bà Dung nhớ lại nỗi vất vả mấy năm trước và niềm vui hôm nay: “Gia đình thuộc diện hộ nghèo. Lúc con đi thi, mẹ đã vay mượn tằn tiện nên khi con đậu đại học, tôi không biết vay mượn ở đâu nếu không có nguồn vốn từ NHCSXH. May mắn là cháu ra trường có việc làm ổn định và phụ giúp mẹ trả tiền cho NH dù vẫn chưa đến hạn”.


Thu hồi nợ gặp khó


Chương trình tín dụng dành cho HS-SV thực sự có tính nhân văn sâu sắc, tính xã hội hóa cao và tạo sự gắn kết giữa kinh tế với xã hội trong công tác xóa đói giảm nghèo, an sinh xã hội, sự bình đẳng trong giáo dục, góp phần tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Nhờ nguồn vốn vay của NHCSXH, hàng ngàn HS-SV được tiếp tục đến trường, có việc làm ổn định cuộc sống, cùng gia đình trả nợ cho NH. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, một số trường hợp đang gặp khó khăn khi trả nợ.


Vừa gặp cán bộ NHCSXH tỉnh, tổ trưởng tổ tiết kiệm và vay vốn, bà Nguyễn Thị Uyên (tổ 8 Lư Cấm, Ngọc Hiệp, Nha Trang) đã rầu rĩ kể: Gia đình bà vay vốn cả kênh hộ nghèo, chương trình nước sạch và chương trình tín dụng dành cho HS-SV. Chồng bà đạp xe ba gác nhưng dạo gần đây không có việc lại đang nằm viện, còn bà ai kêu gì làm đó. Mấy năm trước, gia đình bà vay chương trình tín dụng dành cho HS-SV cho con trai là Lê Minh Sang học Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang. Chỉ còn vài tháng nữa học xong nhưng do hoàn cảnh gia đình, Sang đành bỏ dở việc học để đi làm vì bố bệnh. Hiện nay, Sang đã lập gia đình và có con nhỏ. Bà Uyên than: “Bố bệnh dài ngày, con nhỏ mới vài tháng cũng bệnh suốt, vợ lại mới mổ nên hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Số tiền vay 18,9 triệu đồng và lãi tồn 4,5 triệu đồng gia đình vẫn chưa trả được đồng nào”.


Chồng bị tai biến, cô con gái tốt nghiệp Trường Đại học Nha Trang chưa xin được việc làm ổn định, đồng thời, vẫn đang phải nuôi đứa con thứ hai đang là SV năm cuối trường này khiến bà Trần Thị Mười (tổ dân phố Dinh Thành 1, Diên Khánh) lo lắng khi nghĩ đến món nợ sắp phải trả NHCSXH. Gặp cán bộ NH, bà mong muốn được gia hạn thời gian trả nợ...


Nhiều nguyên nhân dẫn đến hộ gia đình vay vốn nợ quá hạn. Theo ông Phan Văn Ninh, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Cam Lâm, từ khi triển khai chương trình, NH cho vay 115 tỷ đồng với 4.500 hộ vay. Đến nay, đã có 2.000 hộ trả nợ, NH đã thu hồi nợ 50,1 tỷ, còn 2.500 hộ có dư nợ 65 tỷ đồng. Có 134 triệu đồng nợ quá hạn của 24 hộ gia đình, chiếm 0,2%. Hầu hết, các gia đình trả nợ tốt nhưng một số vịn cớ con chưa có việc làm để chưa trả nợ. NH đã tuyên truyền để hộ vay hiểu rằng, phụ huynh đứng ra vay và trách nhiệm trả nợ là của hộ gia đình chứ không chỉ là của cá nhân HS-SV. Bên cạnh đó, NH đôn đốc thu hồi nợ và huy động gửi tiết kiệm để trích lãi hàng tháng...


Bà Nguyễn Thị Ngọc Huyền, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Diên Khánh cho biết, sau hơn 7 năm triển khai, doanh số chương trình cho vay đạt hơn 88 tỷ đồng với hơn 16.000 lượt HS-SV vay vốn. Đến nay, dư nợ trên địa bàn đạt gần 48 tỷ đồng với gần 2.300 HS-SV vay, chưa có trường hợp nào NH không cho vay vì thiếu thủ tục, hồ sơ. Chương trình đã giúp một bộ phận không nhỏ HS-SV có hoàn cảnh khó khăn theo học các bậc học khác nhau. Đến nay, một số SV ra trường có việc làm cùng gia đình trả nợ đúng hạn, góp phần bổ sung nguồn vốn cho vay.

 

Sau hơn 10 năm triển khai thực hiện, NHCSXH tỉnh đã giải ngân hơn 780 tỷ đồng cho hơn 41.000 HS-SV được vay vốn tiếp tục đến trường học tập theo chủ trương của Chính phủ không để HS-SV nào vì khó khăn về tài chính mà phải bỏ học. Dư nợ đến ngày 31-3-2015 là 469 tỷ đồng, nợ quá hạn 1,5 tỷ, chiếm 0,33% dư nợ của chương trình.

Theo bà Phan Phước Thảo, Trưởng phòng Kế hoạch - Nghiệp vụ tín dụng NHCSXH tỉnh, cơ bản hộ vay đều có ý thức và trách nhiệm trả nợ khi đến hạn. Tuy nhiên, những trường hợp HS-SV khi ra trường không có việc làm, không có thu nhập, trong khi gia đình thuộc diện hộ nghèo, hộ khó khăn thì việc thu hồi nợ đến hạn gặp rất nhiều khó khăn. Đối với HS-SV mồ côi, sau khi ra trường, rất ít trường hợp liên hệ với NHCSXH nơi cho vay để trả nợ, đối tượng này có tỷ lệ nợ quá hạn rất cao. Bên cạnh đó, công tác kiểm tra, giám sát, thông tin tuyên truyền thiếu thường xuyên, chưa đi vào chiều sâu, chủ yếu mới chỉ tuyên truyền về chính sách tín dụng ưu đãi, đối tượng thụ hưởng, chưa quan tâm nhiều đến việc quản lý, sử dụng vốn vay đúng mục đích và đặc biệt là trách nhiệm trả nợ tiền vay khi đến hạn.  

         
Để nâng cao chất lượng tín dụng, thu hồi nợ, theo bà Phan Phước Thảo cần nâng cao chất lượng thực hiện dịch vụ ủy thác với các tổ chức chính trị - xã hội; phát huy vai trò kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay của người vay, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của tổ tiết kiệm và vay vốn; thường xuyên tuyên truyền để người vay nâng cao ý thức trong việc sử dụng vốn cũng như nghĩa vụ trả nợ khi đến hạn, làm tốt công tác phối hợp trong việc xử lý nợ đến hạn, nợ bị rủi ro. Đối với HS-SV mồ côi, NHCSXH cho vay trực tiếp phải nắm bắt thông tin kịp thời, thông báo đến chính quyền địa phương nơi HS-SV cư trú để phối hợp thu hồi nợ.


N.D