11:05, 12/05/2015

"Phiêu" cùng dù lượn

Dù lượn không hẳn là một môn thể thao, cũng hơi khiên cưỡng khi coi đó là thú chơi hay trò mạo hiểm. Có lẽ phải kết hợp cả 3 yếu tố này mới tạo thành dù lượn, đó cũng chính là thứ hơi men làm say mê bất kỳ ai trót một lần trải nghiệm bộ môn này.

Dù lượn không hẳn là một môn thể thao, cũng hơi khiên cưỡng khi coi đó là thú chơi hay trò mạo hiểm. Có lẽ phải kết hợp cả 3 yếu tố này mới tạo thành dù lượn, đó cũng chính là thứ hơi men làm say mê bất kỳ ai trót một lần trải nghiệm bộ môn này.


Chinh phục bầu trời


Dịp nghỉ lễ 30-4 vừa qua, gần 30 thành viên của Câu lạc bộ (CLB) Hàng không phía Bắc và phía Nam đã tìm đến 2 điểm bay mới tại Khánh Hòa là núi Chín Khúc (xã Vĩnh Thái, TP. Nha Trang) và đèo Khánh Lê (huyện Khánh Vĩnh). Để chinh phục 2 điểm bay mới này, đòi hỏi các phi công dù lượn phải dạn dày kinh nghiệm. Đây là dịp để những phi công dù lượn hàng đầu Việt Nam hiện nay hội tụ về Nha Trang.

 

1
Làm chủ bầu trời - niềm đam mê của những ai ưa thích môn dù lượn


Tại điểm đèo Khánh Lê, cơn gió nhẹ kéo đến, cánh dù đợi sẵn bung lên, phi công bước lùi 2 nhịp, rồi quay đầu chạy 3 bước, vút bay vào không trung. Một pha cất cánh hoàn hảo. Do nhảy đôi, lại ở điểm nhảy mới nên trong lần đầu tiên, phi công chỉ cất cánh và hướng ngay đến điểm hạ cánh cách đó khoảng 4km. Nói đúng hơn, đó mới chỉ là bay chứ chưa lượn.


Sau khi gặp lại ở điểm hạ cánh, một người khách lần đầu tiên nhảy dù cho biết: “Khi xuất phát, trống ngực tôi đánh liên hồi, toàn thân như căng ra hết mức có thể, đôi mắt nhắm nghiền... Rồi tôi chợt cảm nhận đôi chân mình nhẹ bỗng, chới với. Phải mất khoảng 5 phút như thế, tôi mới hé mắt ra và phải một lúc sau mới có thể quan sát được xung quanh, ngắm nhìn từng cụm mây xa xa, từng con đường lượn quanh chân núi, những chiếc ô tô vượt đèo Khánh Lê chỉ bằng hộp diêm… Mọi thứ được nhìn từ trên cao cho chúng ta cảm giác hoàn toàn khác so với những gì mà hàng ngày vẫn hình dung. Một cái nhìn toàn cảnh, mới mẻ và rất thích thú”.

 

Điểm nhảy dù Khánh Lê được các phi công đánh giá cao ở mọi điều kiện.
Điểm nhảy dù Khánh Lê được các phi công đánh giá cao ở mọi điều kiện


Bộ môn dù lượn được chia thành 3 nhánh cơ bản gồm: nhảy dù, dù lượn có động cơ (paramotor) và dù lượn (paragliding). Với nhảy dù, đây là những pha rơi dần từ trên cao xuống thấp theo dạng cưỡng bức, nó đòi hỏi phải có máy bay. Dù lượn có động cơ cũng chẳng khác mấy so với một chiếc máy bay thô sơ, nó đòi hỏi khá nhiều về điều kiện hoạt động cũng như những vấn đề về quân sự nên không được chú trọng phát triển… Trong khi đó, dù lượn không đơn thuần chỉ là chọn một điểm thật cao, dựa vào sức gió để cất cánh và từ từ hạ cánh, đây còn là quá trình chinh phục thiên nhiên, đắm mình với từng cột khí nóng đưa mình lên cao hay “bầu bạn” với luồng gió thổi ngược từ vách núi để nương theo mà tung hoành. Đó cũng là yếu tố làm nên nét thú vị, hấp dẫn của môn chơi này. Sau quá trình thuần thục giữa cất cánh và hạ cánh, khi đã vượt qua được những lo âu, hồi hộp ban đầu cũng là lúc sự khao khát chinh phục tăng lên. “Đã gọi là dù lượn thì không thể chỉ bay một đường thẳng theo chiều hạ dần từ điểm xuất phát đến điểm hạ cánh được” - một thành viên của Câu lạc bộ Dù lượn Vietwings Hà Nội chia sẻ.


Ông Hoàng Mộng Long - một trong số ít thành viên đầu tiên của bộ môn dù lượn tại Việt Nam, hiện là huấn luyện viên dù lượn của CLB Hàng không phía Bắc cho biết: “Những cột khí nóng được hình thành khi mặt trời đốt nóng mặt đất. Bằng kỹ năng và kinh nghiệm của mình, các phi công dù lượn sẽ tìm thấy những cột khí nóng đó và biến nó thành lực nâng cánh dù. Có một nguồn nâng cánh dù khác nữa, đó là khi gió thổi ngang gặp vách núi sẽ thốc ngược lên, các phi công lợi dụng lực nâng này để bay cặp vách núi. Bởi vậy, thú vị nhất của dù lượn chính là việc tìm ra và di chuyển giữa những cột khí nóng này qua cột khí nóng khác, giữa các vách núi. Thời gian để các phi công có thể bay lượn trên bầu trời phụ thuộc vào lượng cột khí của khu vực bay, thường thì kéo dài từ 1 đến 2 giờ bay, có những phi công có thể làm bạn với bầu trời tới 4 giờ. Tổng quãng đường bay lượn lên đến hàng trăm cây số”.

 

Một số du khách trên đường đi từ Nha Trang lên Đà Lạt đã ghé xem dù lượn và tỏ ra rất thích thú.
Một số du khách trên đường đi từ Nha Trang lên Đà Lạt đã ghé xem dù lượn và tỏ ra rất thích thú.


Lúc này, khi thú vui đã biến thành đam mê, những vùng núi đá, đồng bằng trở thành địa chỉ vàng được các phi công kiếm tìm. Việc vờn quanh những cột khí nóng bốc lên đến tận mây xanh đã trở thành nhu cầu không thể thiếu cho mỗi lần bay. Để rồi những chuyến đi xa, những người đam mê dù lượn lại chinh phục bầu trời.


Loại hình du lịch tiềm năng


Hiện nay, cả nước có chưa tới 200 thành viên được gọi là phi công dù lượn. Thành viên bay thường xuyên cũng chỉ khoảng 50 người. Việc manh nha phát triển bộ môn này ở Khánh Hòa không chỉ phục vụ cho những thành viên yêu thích môn dù lượn Việt Nam, mà còn hướng đến hàng triệu phi công trên thế giới, nhất là ở những nước châu Âu - nơi có môn dù lượn rất phát triển. Được biết, thời tiết ở châu Âu không thực sự thuận lợi cho bộ môn này, nên mỗi năm, các phi công chỉ có thể thỏa mãn đam mê của mình trong khoảng một vài tháng có nắng…


Còn tại Khánh Hòa, sau khi bay lượn, các phi công đánh giá rất cao 2 điểm bay nói trên. Với những bãi biển tuyệt đẹp, cảnh sắc hữu tình, con người thân thiện, họ có thể đến đây để tắm biển, ngắm cảnh, lặn biển và còn để bay. Mặt khác, nhiều người không phải là phi công cũng sẽ muốn một lần được thử bay lượn như chim trên trời thông qua hình thức bay dịch vụ. Đó là một trong những mục tiêu chính để 2 điểm bay tại Khánh Hòa trở thành nơi cho những ai muốn được chinh phục bầu trời.


Huấn luyện viên Nguyễn Ngọc Linh (CLB Hàng không phía Bắc) cho biết: “Khánh Hòa có những điều kiện tuyệt vời để phát triển bộ môn dù lượn như: có nắng quanh năm, độ ẩm thấp, nhiều khu vực tạo thành cột khí nóng, giao thông thuận tiện…” Điểm bay ở Khánh Lê tuyệt vời vì có những khu vực khá dễ dàng cho người mới tập chơi, cũng có những khu vực đầy thách thức mà các phi công dù lượn thành thạo muốn chinh phục. Chỉ cần đi theo đường đèo Khánh Lê khoảng 12km là đến điểm dừng chân, leo núi chưa đầy 10 phút là đã tới điểm bay có độ cao lý tưởng (755m so với mực nước biển). Ngay tại điểm cất cánh, các phi công đã có thể nhận ra một khoảng bình nguyên rộng lớn, những khe núi đầy mê hoặc, những mảng nương rẫy vừa mới phát dọn… Tất cả đều hết sức lý tưởng cho hành trình chinh phục điểm bay này. Với điểm bay núi Chín Khúc, mặc dù con đường lên đỉnh núi vừa mới san ủi, còn nhiều khó khăn, phải có xe chuyên dụng mới đi được, nhưng bù lại, khi làm bạn với bầu trời nơi đây, các phi công có cơ hội được ngắm nhìn vịnh Nha Trang trong xanh, xinh đẹp với những hòn đảo lớn nhỏ, bãi cát trắng dài chạy xa tít tắp, xa xa là những sân golf của các khu du lịch Diamond Bay và Vinpearl, và hình ảnh thành phố đầy năng động nghiêng mình bên biển…


Được biết, cả nước hiện có khoảng 20 điểm bay được cấp phép. Tuy nhiên, một số thành viên dù lượn của CLB Hàng không phía Bắc và CLB Hàng không phía Nam nhận định, các điểm ở miền Bắc có tính chất phía dưới là những ruộng nước, nhiều cây cối, ít tạo thành cột khí nóng. Còn điểm Sơn Trà (Đà Nẵng), ngoài yếu tố quân sự đều có 3 phía giáp biển, trong khi trên mặt biển không phải là nơi lý tưởng để bay dù lượn. Ở điểm xuất phát từ đỉnh Lang Biang (tỉnh Lâm Đồng), dù cảnh sắc đẹp, nhưng thời điểm có thể bay trong năm không nhiều do điều kiện thời tiết không thuận lợi. Ngược lại, 2 điểm bay tại Khánh Hòa được giới phi công dù lượn đánh giá là không thể bỏ qua. Không chỉ cảnh sắc đẹp mà điều kiện thời tiết hết sức phù hợp cho môn dù lượn.


Hiện nay, CLB Dù lượn Nha Trang đang trong quá trình hình thành. Trong tương lai gần, bên cạnh việc huấn luyện các thành viên mới để phát triển phong trào, các huấn luyện viên và thành viên dù lượn có đủ năng lực sẽ kiêm luôn việc phát triển du lịch tại 2 điểm bay này theo hình thức bay dịch vụ. Khi điều đó thành hiện thực, chắc hẳn sẽ có rất nhiều người dân và du khách tìm đến để thỏa mãn nhu cầu được rong ruổi trên bầu trời và tận hưởng hết nét kỳ thú của môn dù lượn.


Hồng Đăng

 



Các thiết bị cần thiết của dù lượn gồm: dù, đai ngồi, dù dự phòng, các thiết bị điện tử (bộ đàm, máy định vị toàn cầu GPS, máy đo độ cao), mũ bảo hiểm, áo quần bảo hộ, giày cao cổ. Giá một bộ dù khoảng từ 30 đến 80 triệu đồng, tùy chủng loại và mức độ cũ, mới.