11:05, 18/05/2015

Tháng Năm nhớ Bác!

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến văn nghệ sĩ, sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Mỗi khi gặp mặt, bao giờ Bác cũng động viên văn nghệ sĩ giữ gìn truyền thống nghệ thuật nước nhà, rèn luyện nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp. Bao nhiêu năm qua, các nghệ sĩ vẫn không quên kỷ niệm thiêng liêng trong những lần được gặp Người.

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến văn nghệ sĩ, sự phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà. Mỗi khi gặp mặt, bao giờ Bác cũng động viên văn nghệ sĩ giữ gìn truyền thống nghệ thuật nước nhà, rèn luyện nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp. Bao nhiêu năm qua, các nghệ sĩ vẫn không quên kỷ niệm thiêng liêng trong những lần được gặp Người.


3 lần được gặp Bác


Bà Phạm Bích Thuần (sinh năm 1941, nhà số 1B đường Lam Sơn, TP. Nha Trang) từng là diễn viên múa Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc. Nhắc đến chuyện được gặp Bác, biểu diễn văn nghệ cho Bác xem, bà Thuần rất xúc động, những kỷ niệm một thời tuổi trẻ lại ùa về. Đầu năm 1959, Bác Hồ lên thăm đồng bào Tây Bắc, Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc vinh dự được biểu diễn cho Bác xem. Bác đã trò chuyện rất thân mật, lại còn đặt tên cho diễn viên Tuyết Mai là “Hạt Mít” vì có dáng người thấp, tròn. Lần đó, bà Thuần bị bệnh, phải đi điều trị nên không được gặp Bác. Vài tháng sau, Đoàn Văn công Quân khu Tây Bắc lại vinh dự được gọi về Thủ đô Hà Nội phục vụ lễ tiếp Tổng thống Indonesia Sukarno sang thăm nước ta. Lần đầu tiên bước chân vào Phủ Chủ tịch, được gặp Bác Hồ, Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp... và rất nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, bà Thuần cùng những thành viên trong đoàn rất vui mừng, nhưng cũng lo lắng. “Hôm ấy, chúng tôi diễn tiết mục Múa chai (điệu múa dân tộc Thái). Trong khi múa, do bạn diễn của tôi không ăn ý nên cái chén trên đầu tôi bị rơi xuống sàn gỗ, may mà không bị vỡ. Lúc ấy, tôi rất run. Thấy vậy, Bác liền cúi xuống nhặt và nói nhỏ: “Cháu cứ bình tĩnh mà múa, Bác cầm cái chén này cho cháu”... Được Bác động viên, tôi lấy lại bình tĩnh biểu diễn trọn vẹn bài múa. Ngay sau khi tiết mục kết thúc, Bác đứng dậy và bước nhanh lên sân khấu khen ngợi tốp múa, đưa cho tôi cái chén và ân cần nói: “Bác trả lại cho cháu cái chén đây”. Đó là kỷ niệm không bao giờ quên trong những năm tháng hoạt động nghệ thuật của tôi”, bà Thuần kể.

 

1
Bà Phạm Bích Thuần xem lại những tấm ảnh kỷ niệm một thời


Một thời gian sau, vì lý do sức khỏe, bà Thuần chuyển về làm việc ở Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, Hà Nội. Tháng 3-1960, bà cùng một số nữ công nhân được đại diện cho nhân dân thủ đô ra sân bay Gia Lâm đón đoàn Chủ tịch Albani Hat-gi-Lê-si. Điều bà không ngờ tới đó là Bác vẫn còn nhớ đến mình. Bà Thuần nói: “Khi thấy tôi ôm hoa để chờ đón đoàn, Bác nhận ngay ra và hỏi: “Sao cháu lại ở đây?”. Tôi trả lời: “Thưa Bác, cháu chuyển ngành vì lý do sức khỏe”. Bác còn hỏi thêm về tình hình của “Hạt Mít”... Không ngờ trí nhớ của Bác tuyệt vời đến thế”. May mắn sao, khoảnh khắc bà Thuần đứng cạnh Bác Hồ tặng hoa cho Chủ tịch Albani đã được phóng viên Báo Nhân dân ghi lại. Tấm ảnh đó cùng những lời thăm hỏi ân cần của Bác trở thành một kỷ niệm không bao giờ quên trong cuộc đời bà. Cuối năm 1960, Bác đến thăm Nhà máy Dệt kim Đông Xuân, bà Thuần lại được gặp Bác. “Hôm đó, Bác xuống thăm tổ cào bông. Nhìn thấy dép, guốc của công nhân để ở ngoài cửa xưởng, Bác cởi dép ra rồi mới bước vào phòng. Mọi người đề nghị Bác cứ đi dép vào nhưng Bác không đồng ý. Bác nói, đã là quy định chung thì ai cũng phải chấp hành... Chỉ một hành động ấy thôi cũng cho thấy Bác luôn rất gần gũi và giản dị”, bà Thuần nhớ lại.


Những kỷ niệm không quên


Nghệ sĩ Phạm Thị Như Quỳnh (sinh năm 1945, hiện ở số 7 đường Sư Vạn Hạnh, TP. Nha Trang) cũng may mắn được gặp Bác Hồ nhiều lần. Bước vào phòng khách nhà bà, tôi đã bị hút ngay bởi tấm ảnh bà và các bạn diễn chụp với Bác Hồ được treo trang trọng trên tường. Hỏi về nguồn gốc bức ảnh, bà cho biết: “Tấm ảnh này chụp khi tôi 15 tuổi, trong buổi lễ Bác đón Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai”. Theo nghệ sĩ Như Quỳnh, bà gặp Bác lần đầu tiên vào năm 12 tuổi, khi Bác đến thăm Câu lạc bộ Thiếu nhi ở Thủ đô Hà Nội. “Ngày ấy, được chọn vào nhóm các thiếu nhi đón Bác Hồ là một vinh dự lớn. Chị gái tôi đã thức suốt mấy đêm liền may cho tôi chiếc áo mới để đón Bác... Lần đầu tiên được gặp Bác, trong chúng tôi, ai cũng háo hức. Tôi được ngồi bên cạnh Bác, tận mắt ngắm bộ râu dài, trắng như cước của Người. Lúc đó, tôi thấy Bác thật giống ông tiên trong giấc mơ của mình”, nghệ sĩ Như Quỳnh kể.

 

Ảnh bà Phạm Bích Thuần tặng hoa cho Chủ tịch Albani đăng trên Báo Nhân dân năm 1960.
Ảnh bà Phạm Bích Thuần tặng hoa cho Chủ tịch Albani đăng trên Báo Nhân dân năm 1960


Năm 1959, cô bé Như Quỳnh trở thành sinh viên khóa I của Trường Múa Việt Nam. Từ đây, nghệ sĩ Như Quỳnh còn gặp Bác nhiều lần, nhưng để lại ấn tượng sâu sắc nhất chính là lần vào Phủ Chủ tịch để biểu diễn vở múa ba lê “Người đẹp ngủ trong rừng” của Tchaikovsky cho Bác xem. Nghệ sĩ Như Quỳnh nhớ lại: “Trong Phủ Chủ tịch có căn phòng có các vách ngăn bằng gương, vì chưa quen nên khi đi lại tôi đã bị va đầu vào gương. Thấy vậy, Bác Hồ liền xoa đầu tôi rồi nói rất ân cần: “Để bác xem cháu có bị sao không nào?”... Khi ra về, Bác lấy kẹo cho mọi người, riêng tôi được nhiều hơn. Bác nói: “Bác cho cô bé lúc nãy bị đập đầu vào gương 2 gói kẹo”. Những cái kẹo ấy tôi giữ rất lâu mới ăn...”.  


Năm 1960, Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai sang thăm Việt Nam, bà Quỳnh lại vinh dự có mặt trong đoàn đến tặng hoa cho các đại biểu. “Sau khi tặng hoa xong, Bác đưa hoa cho tôi và bảo “cô bé bị va đầu vào gương” chụp ảnh chung với Bác nhé. Tôi thật sự bất ngờ, cảm động vì Bác vẫn nhớ mặt và chuyện tôi bị va vào gương ở Phủ Chủ tịch trước đó...”. Tấm ảnh chụp với Bác năm 15 tuổi ấy được nghệ sĩ Như Quỳnh trân trọng gìn giữ suốt bao năm qua.

 

Nghệ sĩ Như Quỳnh (thứ 2 từ trái sang) và các bạn chụp ảnh chung với Bác Hồ trong lần đón Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.
Nghệ sĩ Như Quỳnh (thứ 2 từ trái sang) và các bạn chụp ảnh chung với Bác Hồ trong lần đón Thủ tướng Trung Quốc Chu Ân Lai.


Nhớ Bác lòng ta trong sáng hơn


Trong đời làm phim của mình, Nghệ sĩ Ưu tú - đạo diễn Phạm Việt Tùng đã vinh dự được nhiều lần đi phục vụ Bác. Trong những chuyến đi ấy, ông và đồng nghiệp nhiều lần chứng kiến sự giản dị, thân tình của Bác. Đầu năm 1960, gia đình Luật sư Francis Henry Loseby - ân nhân của Bác trong vụ án Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông sang thăm Việt Nam. Bác Hồ đưa các vị khách quý đến thăm Nhà máy Công cụ số 1. Nhà quay phim Tô Cương cầm máy, ông Tùng làm ánh sáng phụ quay. “Trong lúc đang quay phim, đột nhiên máy quay bị hỏng. Bác nghe xoạch một tiếng, biết là máy quay không chạy được. Bác chủ động dừng lại, quay ra nói chuyện với các vị khách, tạo thời gian cho anh em sửa máy...”, ông Tùng nhớ lại.


Theo ông Tùng, Bác Hồ có thói quen đi rất nhanh. Anh em quay phim nhiều khi không bắt kịp hình ảnh của Bác, nhưng ngại, không biết làm thế nào. Một hôm, trong lúc nói chuyện, Bác quay sang hỏi nhà quay phim An Sơn: “Hôm nay các chú có làm được việc không?”. Lúc này, nhà quay phim mới mạnh dạn bộc bạch với Bác: “Thưa Bác, Bác đi nhanh quá ạ. Phim nhựa mang theo người nặng lắm, mà Bác đi nhanh như thế, cháu không quay được ạ”. Từ đó, khi máy quay hướng vào Bác, Bác chủ động đi chậm lại, tạo thuận lợi để thu được những thước phim về Bác... “Sau này, khi làm việc, tôi cũng giúp đỡ các anh em trẻ rất nhiều, chủ động, gần gũi... Tôi học Bác những điều giản đơn như vậy”, ông Tùng chia sẻ.


Cho đến bây giờ, nghệ sĩ Thanh Cảnh - nguyên diễn viên Đoàn Dân ca kịch Liên khu V, người vinh dự được nhiều lần biểu diễn phục vụ Bác vẫn nhớ những cảm xúc về ngày Bác mất: “Ngày 3-9-1969, nghe tin Bác mất, cả khu văn công Mai Dịch đã khóc như mưa! Tôi tự hứa với mình, hứa với Bác là sẽ nỗ lực hết mình để thực hiện những lời Bác dặn khi xưa”. Để giữ lời hứa đó, nghệ sĩ Thanh Cảnh đã xung phong vào chiến trường. Trong những năm chiến tranh chống Mỹ ác liệt nhất, người nghệ sĩ mảnh mai ấy đã có mặt ở tuyến lửa Vĩnh Linh để biểu diễn phục vụ đồng bào, chiến sĩ. Cũng với tinh thần ấy, năm 1971, vợ chồng nghệ sĩ Như Quỳnh gửi con gái 4 tuổi ở lại Hà Nội với ông bà ngoại, vượt Trường Sơn vào công tác ở liên khu V. “Cuộc sống ở chiến trường cực kỳ gian khổ, nhưng cứ nghĩ đến mong muốn nước nhà được độc lập của Bác là mình lại thấy phấn chấn hẳn lên. Thế hệ chúng tôi ai cũng mong muốn được góp sức nhỏ bé của mình vào việc đấu tranh thống nhất đất nước để thỏa lòng mong ước của Người...”, nghệ sĩ Như Quỳnh nói.


“Bao nhiêu người chiến đấu anh dũng mong muốn một lần được gặp Bác mà không được, còn tôi được gặp Bác nhiều lần, diễn cho Bác xem là điều vinh dự không dễ gì có được. Được gặp Bác, học những điều tốt đẹp từ Bác, với tôi thế đã là hạnh phúc lắm rồi”, lời tâm sự của bà Phạm Bích Thuần có lẽ cũng là tâm sự chung của những nghệ sĩ đã có dịp phục vụ Bác Hồ ngày ấy.


XUÂN THÀNH