12:05, 20/05/2015

Thanh bình Trường Sa

Sau 40 năm giải phóng (29-4-1975 - 29-4-2015), huyện đảo Trường Sa đang từng ngày thay da đổi thịt, nhiều công trình phục vụ dân sinh được xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo
được nâng lên đáng kể.

Sau 40 năm giải phóng (29-4-1975 - 29-4-2015), huyện đảo Trường Sa đang từng ngày thay da đổi thịt, nhiều công trình phục vụ dân sinh được xây dựng, đời sống vật chất, tinh thần của quân và dân trên đảo được nâng lên đáng kể.


Kỳ 1:  Làng quê yên bình nơi đảo xa


Trong chuyến công tác tại các xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa (huyện đảo Trường Sa) vào giữa tháng 4, chúng tôi cảm nhận được những làng quê thanh bình nơi huyện đảo với cuộc sống đang ngày càng tốt đẹp hơn.


Chồng lo cá, vợ chăm rau


Trường Sa - hai tiếng thiêng liêng, sâu nặng nghĩa tình trong trái tim của bao thế hệ người dân Việt Nam nói chung và người dân Khánh Hòa nói riêng. Những hình ảnh người dân ở các xã đảo âm thầm, lặng lẽ xây đắp hạnh phúc nơi đầu sóng, ngọn gió là bằng chứng về sức sống mãnh liệt của đất nước, con người Việt Nam. Nhìn những ngôi nhà nằm san sát nhau ở xã đảo Song Tử Tây, chúng tôi khá bất ngờ bởi sự khang trang, kiên cố chẳng kém gì trong đất liền. Đưa chúng tôi vào thăm nhà, vợ chồng anh Đoàn Duy Kiệt và chị Phạm Thị Bích Luyện khoe: “Tuy sống ở đảo nhưng điều kiện của chúng tôi không kém gì đất liền. Nhà có đầy đủ tiện nghi như: tivi để giải trí và thường xuyên cập nhật tình hình ở đất liền; tủ lạnh để giữ thức ăn. Trong vườn, vợ chồng còn trồng rau, nuôi gà đủ để phục vụ cuộc sống gia đình”.

 

Đồng chí Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh thăm hỏi,  động viên người dân trên đảo Trường Sa.
Ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa thăm hỏi, động viên người dân trên đảo Trường Sa.


Tôi cùng chị Luyện đi băng qua ngôi nhà lát nền gạch hoa mát rượi. Dừng lại ở khu vườn phía sau nhà, chúng tôi thấy vườn rau xanh tốt mặc dù chịu nhiều thời tiết khắc nghiệt của biển. Trong vườn, phía dưới là rau muống, rau cải, rau mùng tơi, bụi sả, cây ớt...; ở trên là giàn khổ qua, bí xanh đung đưa... Chị Luyện tâm sự: “Ở đây có khi nắng nóng kéo dài, hơi nước biển bốc lên ngùn ngụt, có khi mưa bão..., nhưng nhờ có kinh nghiệm nên tôi đã cẩn thận che chắn, chăm sóc chu đáo để vườn rau luôn xanh tốt”. Anh Kiệt cho biết: “Vợ có nhiệm vụ ở nhà chăm sóc con, trồng rau, nuôi gà, còn tôi thì đi biển bắt cá. Cứ tối đi, sáng về, chồng lo cá, vợ chăm rau cũng đủ trang trải cuộc sống gia đình, lo cho con ăn học”.

 

Anh Nguyễn Thành Chung (đảo Song Tử Tây) chăm sóc vườn rau của gia đình.
Anh Nguyễn Thành Chung (đảo Song Tử Tây) chăm sóc vườn rau của gia đình


Ở xã đảo Sinh Tồn, cuộc sống cũng tương tự. Vừa hái những lá mồng tơi xanh tốt ngoài vườn, chị Trần Thị Tiệm vừa tâm sự: “Hôm nay, có đoàn công tác ở đất liền ra nên chị em trong xóm tập trung lên hội trường xã để nhận quà, xong rồi lại chạy vội về nấu cơm cho kịp để cậu quý tử đi học vào buổi chiều. Chúng tôi thấy cuộc sống ngoài đảo cũng như trong đất liền. Vợ chồng yêu thương, đùm bọc nhau, xóm làng đoàn kết giúp đỡ cùng phát triển...”.


Thắm tình quân dân


Ở thị trấn Trường Sa, khi hỏi đến gia đình chị Lê Thị Trúc Hà và anh Nguyễn Thành Hưng, hầu hết những chiến sĩ trẻ đang đóng quân trên đảo đều biết đến. Vốn biết nghề may vá, trong nhà có chiếc máy khâu nên thời gian rảnh rỗi, chị Hà nhận vá quần áo miễn phí cho các chiến sĩ. Chị Hà tâm sự: “Thấy mấy chiến sĩ trẻ vất vả luyện tập, có đôi lúc quần áo bục chỉ hoặc bị rách nhưng lại không biết vá nên mình nhận về làm giúp. Những cậu lính trẻ mới xa nhà làm nhiệm vụ cũng như em út trong nhà nên mình rất thương...”. Nhìn chị Hà miệt mài bên chiếc máy khâu, bên cạnh là mấy bộ quần áo hải quân, chúng tôi mới thấy hết nghĩa tình quân dân nơi đầu ngọn sóng... Chị Phạm Thị Như Trinh - Chủ tịch Hội Phụ nữ thị trấn Trường Sa cho biết, những dịp 8-3, 20-10 hoặc đón năm mới, phụ nữ trên đảo đều có các chương trình văn nghệ, tổ chức trò chơi, thi nấu ăn và mời đại diện cán bộ, chiến sĩ trên đảo tham gia, thưởng thức các món ăn do chị em nấu. Đặc biệt, hội thường xuyên tổ chức cho chị em tập văn nghệ để cùng với chiến sĩ trên đảo phục vụ, giao lưu với các đoàn công tác ở đất liền ra thăm.

 

Chị Hà vá áo cho chiến sĩ trên đảo Trường Sa.
Chị Hà vá áo cho chiến sĩ trên đảo Trường Sa


Ông Đỗ Đức Huy - Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam xã Sinh Tồn cho biết, Mặt trận thường xuyên phối hợp với UBND xã tổ chức tuyên truyền, vận động người dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư. Nhìn chung, người dân ở đảo chấp hành tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. “Vào những ngày lễ, Tết, chúng tôi đều tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể thao giữa người dân với cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Ngoài ra, Đoàn Thanh niên xã cũng thường phối hợp với liên chi đoàn bộ đội trên đảo tổ chức thi đấu thể thao, gói bánh chưng đêm giao thừa... Những hoạt động giao lưu càng làm thắm tình quân dân xã đảo”.


Đời sống được đảm bảo


Hiện nay, ở các xã đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn và thị trấn Trường Sa đều có hệ thống trường học, khu vui chơi cho trẻ em. Bên cạnh đó, điện gió, điện mặt trời, hệ thống bể chứa nước mưa, giếng đào... cũng được Đảng, Nhà nước và các tổ chức, cá nhân quan tâm đầu tư xây dựng để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trên đảo. Anh Lê Thanh Lâm - người dân thị trấn Trường Sa tâm sự: “Từ nhiều năm trước, hệ thống điện gió và điện năng lượng mặt trời đã được đầu tư trên đảo, về cơ bản có thể đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của người dân như: điện chiếu sáng, quạt máy, xem tivi và dùng tủ lạnh. Ở đây, mỗi gia đình đều đầu tư một bể ngầm chứa nước mưa để dùng phục vụ ăn uống quanh năm, còn nước tắm giặt thì dùng nước giếng khoan”.


Ngoài ra, trên các đảo, điều kiện về y tế, chăm sóc sức khỏe ngày càng được quan tâm. Đại úy Trịnh Mỹ Hòa - bác sĩ đang công tác tại Trạm xá thị trấn Trường Sa cho biết, đội ngũ y, bác sĩ và thiết bị kỹ thuật tại đây đáp ứng đủ điều kiện chăm sóc sức khỏe cho quân, dân, ngư dân và công nhân xây dựng trên đảo. Nếu có trường hợp bệnh phức tạp, Trạm xin lệnh chuyển viện điều trị để đưa bệnh nhân vào đất liền bằng trực thăng hoặc tàu.


Đến thăm từng hộ gia đình trên các đảo, ông Đào Công Thiên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã động viên, thăm hỏi đời sống nhân dân, chuyện ăn học của các cháu. Ông nhìn nhận: “Điều đáng mừng nhất là đời sống người dân ngày càng tốt hơn, điện, nước ngọt, lương thực được đảm bảo. Bên cạnh đó, hệ thống trường học đã được xây dựng kiên cố, trẻ em có khu vui chơi giải trí, hệ thống trạm y tế đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng đi lên. Để có được thành quả như ngày hôm nay, bên cạnh sự cố gắng phấn đấu của người dân còn có sự quan tâm sâu sắc, luôn hướng về Trường Sa thân yêu của Đảng, Nhà nước và các tỉnh, thành trong cả nước”.


VĂN KỲ


Kỳ 2: Đổi thay trên đảo

Kỳ cuối: Chung tấm lòng hướng về đảo xa