12:12, 30/12/2012

Chia tài sản và quyền nuôi con khi ly hôn

Bà Đặng Minh Tú (mimi_hiltop@...) kết hôn năm 2004 và có một con trai 7 tuổi. Hiện nay bà Tú muốn ly hôn, bà đề nghị được hướng dẫn về việc phân chia tài sản và quy định về quyền nuôi con.

Bà Đặng Minh Tú (mimi_hiltop@...) kết hôn năm 2004 và có một con trai 7 tuổi. Hiện nay bà Tú muốn ly hôn, bà đề nghị được hướng dẫn về việc phân chia tài sản và quy định về quyền nuôi con.

Trước khi kết hôn, bà Tú có một số tiền, sau khi kết hôn vợ chồng bà đã tiến hành xây nhà bằng số tiền trên. Sau này, vợ chồng bà có mua 1 căn nhà khác đang ở hiện nay và đã bán căn nhà thứ nhất. Thu nhập của bà Tú là 17 triệu đồng/tháng, chồng bà là 4 triệu đồng/tháng.

Bà Tú hỏi: Khi vợ chồng bà ly hôn, việc phân chia tài sản được thực hiện như thế nào (tài sản của 2 vợ chồng ở mức 400-800 triệu đồng)? Nếu bà Tú có nguyện vọng nuôi con và ở lại căn nhà này thì bà cần làm gì? Bà có thể đưa tiền hàng tháng cho chồng nếu ở lại căn nhà này không?

Hiện vợ chồng bà Tú đang vay vốn của ngân hàng có thế chấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đứng tên cả 2 vợ chồng. Bà Tú muốn được biết, trường hợp bà nhận tiếp tục trả tiền vay cho ngân hàng thì thủ tục sang tên căn nhà sau này như thế nào? Tiền án phí do bà hay chồng bà chi trả?

Luật sư Lê Văn Đài, Văn phòng Luật sư Khánh Hưng - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội trả lời vấn đề bà Tú hỏi như sau:

Nếu tình trạng vợ chồng mâu thuẫn trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được, mà vợ chồng thỏa thuận ly hôn, thỏa thuận người trực tiếp nuôi con chưa thành niên, thỏa thuận việc phân chia tài sản chung thì đương sự yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi vợ chồng cư trú ra quyết định công nhận việc thuận tình ly hôn.

Trường hợp không thỏa thuận được, thì vợ (hoặc chồng) có thể làm đơn khởi kiện gửi Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị kiện cư trú đề nghị Tòa án giải quyết.

Xác định tài sản chung và riêng

Điều 32 Luật Hôn nhân và Gia đình (HNGĐ) quy định vợ, chồng có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người trước khi kết hôn, tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng từ tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; đồ dùng, tư trang cá nhân. Vợ chồng có quyền nhập hoặc không nhập tài sản riêng vào khối tài sản chung.

Theo Điều 27 Luật HNGĐ, tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận là tài sản chung.

Quyền sử dụng đất mà vợ chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng. Quyền sử dụng đất mà vợ hoặc chồng có được trước khi kết hôn, được thừa kế riêng chỉ là tài sản chung khi vợ chồng có thoả thuận.

Trong trường hợp tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà pháp luật quy định phải đăng ký quyền sở hữu (như nhà ở, quyền sử dụng đất…) thì trong giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng phải ghi tên của cả vợ chồng. Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên thì tài sản đó là tài sản chung.

Chia tài sản khi ly hôn do các bên thỏa thuận

Điều 95 Luật HNGĐ quy định, việc chia tài sản khi ly hôn do các bên thoả thuận, nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết. Tài sản riêng của bên nào thì thuộc quyền sở hữu của bên đó.

Việc chia tài sản chung được giải quyết theo các nguyên tắc:

- Tài sản chung của vợ chồng về nguyên tắc được chia đôi, nhưng có xem xét hoàn cảnh của mỗi bên, tình trạng tài sản, công sức đóng góp của mỗi bên vào việc tạo lập, duy trì, phát triển tài sản này. Lao động của vợ, chồng trong gia đình được coi như lao động có thu nhập.

- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật hoặc theo giá trị, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần giá trị chênh lệch.

- Việc thanh toán nghĩa vụ chung về tài sản của vợ, chồng do vợ, chồng thoả thuận; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết.

Vợ, chồng thỏa thuận người trực tiếp nuôi con

Khoản 2 Điều 92 Luật HNGĐ quy định khi ly hôn vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi mọi mặt của con; nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

Về nguyên tắc, con dưới 3 tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, nếu các bên không có thỏa thuận khác.

Về mức án phí

Theo mục 1 và điểm c, mục 2, Danh mục mức án phí, lệ phí Tòa án (Ban hành kèm theo Pháp lệnh số 10/2009/PL-UBTVQH12), án phí dân sự sơ thẩm đối với vụ án về tranh chấp hôn nhân và gia đình không có giá ngạch là 200.000 đồng và mức án phí sơ thẩm đối với các vụ án về tranh chấp dân sự có giá ngạch từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng là 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, đối với các vụ việc tranh chấp dân sự, đương sự có nghĩa vụ đưa ra chứng cứ để chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ và đúng pháp luật. Nếu không đưa ra được chứng cứ hoặc không đưa ra đủ chứng cứ thì phải chịu hậu quả của việc không chứng minh được hoặc chứng minh không đầy đủ đó.

Toà án sẽ đánh giá từng chứng cứ, sự liên quan giữa các chứng cứ và khẳng định giá trị pháp lý của từng chứng cứ, phân tích những căn cứ để chấp nhận hoặc không chấp nhận yêu cầu của đương sự bằng bản án.

Cụ thể, bà Đặng Minh Tú cần thu thập đầy đủ tài liệu, chứng cứ về tài sản riêng, tài sản chung, nghĩa vụ trả khoản nợ chung vay ngân hàng, điều kiện nuôi con… để giao nộp cho Tòa án. Trên cơ sở đánh giá cụ thể, khách quan, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, Tòa án sẽ áp dụng pháp luật để tuyên bản án ly hôn, giao người trực tiếp nuôi con, phân chia tài sản, nghĩa vụ trả nợ khoản tiền vay chung và mức nộp án phí cụ thể đối với vợ và chồng.

Theo CP