11:10, 03/10/2013

An toàn hồ, đập

Bão số 10 đi qua, để lại những thiệt hại vô cùng to lớn về người, tài sản và cơ sở vật chất hạ tầng xã hội ở các tỉnh miền Trung.

Bão số 10 đi qua, để lại những thiệt hại vô cùng to lớn về người, tài sản và cơ sở vật chất hạ tầng xã hội ở các tỉnh miền Trung.


Song, hiện vẫn còn một nỗi ám ảnh ghê gớm đối với những người dân trong khu vực, đó là nạn tràn hồ, vỡ đập. Các tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa… ở vùng hạ lưu các con sông có hàng chục ngàn nhà dân, hàng ngàn héc-ta hoa màu ngập chìm trong biển nước. Nguyên nhân, một phần do mưa dồn dập, các hồ chứa xả nước với lưu lượng lớn; phần khác do vỡ đập. Những túi nước khổng lồ như vậy cứ treo lơ lửng ngay ở trên đầu, không biết sẽ trút xuống lúc nào.


Theo các chuyên gia nông nghiệp, các hồ, đập thủy lợi là những công trình rất dễ bị tổn thương khi  có mưa lũ lớn. Và, trên thực tế ở nước ta trong nhiều năm qua, những hư hỏng, sự cố và vỡ đập phần lớn xảy ra ở những hồ chứa, đập vừa và nhỏ. Nguyên nhân do phần lớn hồ chứa nhỏ đã được xây dựng từ rất lâu, một số chưa được đầu tư tu bổ, nâng cấp đúng mức, công tác quản lý, khai thác chưa đúng quy trình… khiến khả năng chịu đựng rất hạn chế.


Không có nhiều hồ đập so với các tỉnh Bắc miền Trung, Khánh Hòa cũng có nhiều hồ có dung tích trên 10 triệu m3 nước như: Đá Bàn, Hoa Sơn, Suối Dầu, Cam Ranh; nhiều hồ có dung tích từ 1 đến dưới 10 triệu m3nước như: Suối Trầu, Tiên Du, Đá Đen, Suối Sim, Suối Hành, Am Chúa, Láng Nhớt, Hòn Khói; còn lại là các hồ có dung tích dưới 1 triệu m3nước như: Suối Luồng, Suối Lớn, Bà Bác, Cây Bứa, Đồng Bò, Cây Sung…


Vừa qua, qua kiểm tra của các ngành chức năng, có một số hồ vẫn trong giai đoạn hoàn thiện như hồ Suối Hành đang làm tràn xả lũ, hồ Đá Đen đang trồng cỏ bảo vệ mái hạ lưu, tràn xả lũ chưa bố trí được máy đóng mở cửa van... Cạnh đó, do được xây dựng đã lâu, nhiều hồ có dấu hiệu xuống cấp, xói lở như: Suối Trầu, Láng Nhớt, Đồng Bò… Được biết, các đơn vị quản lý đang kiến nghị tỉnh, trung ương bố trí vốn để nâng cấp các hồ Suối Trầu, Láng Nhớt….


Như vậy, trên thực tế, hiện có nhiều hồ chứa nước ở Khánh Hòa đang rất cần được hoàn thiện, tu bổ, nâng cấp kịp thời để có thể bảo đảm an toàn khi khai thác, vận hành trong mùa mưa bão.


Cạnh đó, bên cạnh việc tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát hồ để phát hiện sớm các sự cố tiềm ẩn; có biện pháp giảm lượng nước chứa trong hồ… chúng ta phải tăng cường hoạt động cảnh báo khi có mưa lũ xảy ra để nhân dân vùng hạ du đỡ bị bất ngờ khi có sự cố.


Bão, lũ ngày càng trở nên khủng khiếp và khó lường. Như cơn bão số 10 vừa rồi chẳng hạn, nhiều cơ quan dự báo có uy tín trên thế giới đã cho những kết quả rất khác nhau về hướng đi, thời gian đổ bộ của bão. Không chỉ vậy, bão số 10 vừa tan, Quảng Bình lại hứng chịu thêm cả lốc xoáy. Và, ngoài biển khơi, đã thấy ngấp nghé một vùng áp thấp mới.


Trong điều kiện đó, công tác nghiên cứu, đánh giá an toàn hồ, đập; triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn cho hồ, đập cũng như tăng cường hiệu quả cảnh báo… là thật sự cấp bách.


PHONG NGUYÊN