07:09, 23/09/2013

Phối hợp đảm bảo an toàn giao thông

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện chỉ có trên 2.600km đường sắt chính tuyến nhưng có tới hơn 6.000 đường ngang, các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Trong số này, có khoảng 5.000 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, những đường ngang do người dân tự mở.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, mạng lưới đường sắt Việt Nam hiện chỉ có trên 2.600km đường sắt chính tuyến nhưng có tới hơn 6.000 đường ngang, các điểm giao cắt giữa đường sắt và đường bộ. Trong số này, có khoảng 5.000 đường ngang dân sinh bất hợp pháp, những đường ngang do người dân tự mở.


Riêng Khánh Hòa có 150km đường sắt đi qua nhưng có đến  271 vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, trong đó có tới 186 đường ngang dân sinh bất hợp pháp. Điều đáng nói, trong số các vụ tai nạn giao thông đường sắt, có tới 90% xảy ra tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Chính vì vậy, để đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải đã ký kết Quy chế phối hợp đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt.


Theo quy chế này, hai bên phối hợp đảm bảo trật tự ATGT tại các điểm giao cắt cùng mức giữa đường bộ và đường sắt gồm: Các đường ngang có người gác, đường ngang không có người gác (phòng vệ bằng biển báo, cảnh báo tự động) và các lối đi dân sinh hiện có; bảo vệ công trình đường sắt và đất trong phạm vi hành lang an toàn đường sắt; rà soát, điều chỉnh quy hoạch các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, xây dựng đường gom, hàng rào cách ly giữa đường sắt và đường bộ nhằm đảm bảo trật tự ATGT. Trước mắt, trong thời gian chờ xóa bỏ các điểm giao cắt cùng mức, hai bên phối hợp rà soát, thống kê các đường ngang, lối đi dân sinh hiện có để cùng thống nhất biện pháp quản lý, nhằm vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, vừa đảm bảo giao thông thông suốt, thuận lợi, an toàn. Bên cạnh đó, thực hiện đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng và mức độ an toàn tại các đường ngang, lối đi dân sinh như: Nâng cấp, cải tạo các đường ngang, cử người chốt gác hoặc cảnh giới, cải tạo tầm nhìn, cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc, tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận.


Có thể nói, với việc ký kết và ban hành quy chế phối hợp nói trên, UBND tỉnh đã thể hiện quyết tâm lập lại trật tự ATGT trên tuyến đường sắt đi qua địa bàn, đặc biệt tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt. Để quy chế đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả, UBND tỉnh đã có văn bản yêu cầu các đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện tốt quy chế nhằm hạn chế tối đa các vụ tai nạn.


Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của cơ quan quản lý, người dân, đặc biệt là người tham gia giao thông cần nâng cao ý thức chấp hành các quy định của pháp luật về ATGT. Bởi thực tế cho thấy, nguyên nhân cơ bản dẫn đến hầu hết các vụ tai nạn giao thông đường sắt thời gian qua là do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông khi đi qua đường ngang như: Không chú ý quan sát biển báo, tín hiệu tại đường ngang, tín hiệu của nhân viên gác chắn; không làm chủ tốc độ, đâm vào tàu khi tàu đang chạy qua đường ngang hoặc cố tình vượt qua đường ngang khi thiết bị tín hiệu cảnh báo tự động đã báo hiệu có tàu sắp đến... Với những lỗi vi phạm trên, nếu người tham gia giao thông không nâng cao nhận thức để chủ động phòng tránh thì việc thực hiện quy chế phối hợp giữa UBND tỉnh và Bộ Giao thông vận tải sẽ khó đạt hiệu quả cao.


NGỌC KHÁNH