06:09, 29/09/2013

Chuyện nước sạch

Hiện nay, ở một số vùng nông thôn trong tỉnh, nguồn nước người dân sử dụng để sinh hoạt chủ yếu là ở ao, hồ, bể chứa nước mưa và nước ngầm từ giếng khơi, giếng khoan...

Hiện nay, ở một số vùng nông thôn trong tỉnh, nguồn nước người dân sử dụng để sinh hoạt chủ yếu là ở ao, hồ, bể chứa nước mưa và nước ngầm từ giếng khơi, giếng khoan. Nguồn nước không đảm bảo vệ sinh sẽ gây nguy cơ mắc các bệnh đường ruột, bệnh ngoài da và một số bệnh khác. Chính vì thế, việc xây dựng các công trình nước sạch đảm bảo vệ sinh môi trường không chỉ giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt,bảo vệ sức khỏe người dânmà còn ổn định và từng bước thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống.

Với mục tiêu 95% người dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh theo tiêu chí nông thôn mới vào năm 2015, những năm qua, các địa phương trong tỉnh Khánh Hòa đã đầu tư nhiều công trình cấp nước sạch phục vụ cuộc sống dân sinh. Tuy nhiên, không phải ở đâu, địa phương nào có công trình cấp nước sạch thì người dân ở đó được hưởng lợi từ nước sạch. Bởi, đối với người dân nông thôn, chi phí lắp đặt và sử dụng cao là một trong những nguyên nhân khiến nhiều hộ chưa mặn mà với nước sạch.
Hệ thống cấp nước tập trung Phước - Lạc - Thọ tại xã Diên Phước, huyện Diên Khánh có vốn đầu tư lên đến trên 19 tỷ đồng nhưng hiện nay, công suất sử dụng chỉ đạt khoảng 400m3/ngày, tương đương 40% thiết kế ban đầu. Nguyên nhân khiến hệ thống cấp nước này chưa bao giờ hoạt động đúng công suất là do giá thành lắp đặt cao (gần 1,7 triệu đồng/đồng hồ) nên người dân không thiết tha sử dụng. Riêng xã Diên Phước - xã điểm xây dựng nông thôn mới - hiện chỉ có trên 20% người dân sử dụng nước sạch. Đây là bài toán khó của xã trong việc thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới.
Đáng nói, trong khi hệ thống cấp nước tập trung Phước - Lạc - Thọ hoạt động không hiệu quả, thì nhà máy nước Võ Cạnh (xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang) lại trong tình trạng chạy quá tải nhiều năm qua. Nhà máy được thiết kế chạy 58.000m3/ngày đêm nhưng hiện nay, công suất hoạt động đã lên đến trên 80.000m3/ngày đêm. Hiện nhà máy đang thực hiện kế hoạch nâng cấp công suất hoạt động lên 98.000m3/ngày đêm để đảm bảo cung ứng đầy đủ, an toàn nước sạch sinh hoạt cho người dân TP. Nha Trang và một phần huyện Diên Khánh.
Thực trạng ở 2 đơn vị cung cấp nước nói trên cho thấy, quá trình lắp đặt, cung ứng nước sạch sinh hoạt ở một số địa phương trong tỉnh vẫn còn bất cập. Trong đó, vướng mắc lớn nhất là làm thế nào để hạ giá thành lắp đặt, mà theo đánh giá của các địa phương là đang quá sức chi trả của người dân nông thôn.
Để thực hiện tốt việc cung ứng nước sạch cho người dân, theo các nhà chuyên môn, nên để doanh nghiệp tư nhân có điều kiện tham gia, tự hoạch toán kinh tế trong quá trình cung ứng nước. Một khi giao cho doanh nghiệp tổ chức đầu tư, khai thác, họ sẽ chịu trách nhiệm về hiệu quả sử dụng nước. Bên cạnh đó, tỉnh cần có giải pháp để có thể hài hòa lợi ích giữa đơn vị cung cấp nước và người sử dụng; đồng thời có phương án hỗ trợ xây dựng đường ống và giảm chi phí lắp đặt cho hộ nghèo, hộ chính sách để người dân được hưởng lợi từ nước sạch.

Ngọc Khánh