08:02, 24/02/2018

Mở ra cơ hội cho trẻ dị tật bẩm sinh

Triển khai từ năm 2014, đến nay dự án theo dõi và can thiệp sớm trẻ có nguy cơ tàn tật cao tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã giúp nhiều trẻ mắc dị tật bẩm sinh có lại cuộc sống bình thường

Triển khai từ năm 2014, đến nay dự án theo dõi và can thiệp sớm trẻ có nguy cơ tàn tật cao tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã giúp nhiều trẻ mắc dị tật bẩm sinh có lại cuộc sống bình thường.


Bà Trần Lan Anh - Bác sĩ điều trị khoa Nhi, BVĐK tỉnh cho biết, ở Khánh Hòa hàng năm có khoảng 20.000 ca sinh, trong đó, có 240 - 250 trẻ sinh non. Riêng tại BVĐK tỉnh, số ca sinh là 5.000, trong đó, tỷ lệ trẻ sinh non chiếm 11,6%. Đối với những trẻ sinh non rất dễ mắc các khuyết tật bẩm sinh. Những năm trước, tại Khánh Hòa nói riêng và cả nước nói chung thường chú trọng mảng điều trị, ít quan tâm hoặc bỏ trống mảng theo dõi, tầm soát dị tật bẩm sinh cho trẻ, nhất là đối với những trẻ có nguy cơ cao. Chính vì thế, nhiều trẻ khi phát hiện mắc bệnh thì đã khá muộn, di chứng nặng nề, dẫn đến quá trình điều trị phục hồi ít thành công. “Có trẻ sinh ra đã có dấu hiệu bất thường, có trẻ sinh ra vẫn bình thường nhưng thời gian sau những dấu hiệu bất thường mới xuất hiện. Trong 2 năm đầu đời, nếu trẻ được theo dõi, phát hiện kịp thời, điều trị sớm thì tỷ lệ thành công rất cao”, bác sĩ Lan Anh chia sẻ.

 

Khám tầm soát cho trẻ sơ sinh tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Khám tầm soát cho trẻ sơ sinh tại Khoa Nhi, Bệnh viện Đa khoa tỉnh.


Tháng 6-2014, dưới sự tài trợ của Tổ chức phi chính phủ L’Appel (Pháp), tại Khoa Nhi - BVĐK tỉnh triển khai Dự án “Theo dõi và can thiệp sớm trẻ có nguy cơ tàn tật cao” với mục tiêu phát hiện sớm khuyết tật trẻ trong nhóm nguy cơ cao, can thiệp sớm, giảm thiểu di chứng; phối hợp các chuyên khoa điều trị cho trẻ; hỗ trợ gia đình có trẻ khuyết tật về tâm lý, kiến thức chăm sóc và điều trị cho trẻ. Dự án đã tiến hành hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn trong việc tầm soát, theo dõi, can thiệp sớm dị tật bẩm sinh cho đội ngũ y, bác sĩ của khoa và tài trợ một phần kinh phí cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Đồng thời, đưa các trẻ có nguy cơ cao mắc dị tật bẩm sinh sinh tại BV (như: trẻ sinh non dưới 33 tuần; trẻ sinh ra thở không được, tím tái; trẻ có cân nặng dưới 1,5kg; trẻ bị đa dị tật; trẻ có bất thường về não, thần kinh, vàng da nặng)... vào chương trình tầm soát, theo dõi.


Những trẻ này được khám, theo dõi định kỳ từ lúc sinh ra cho đến 24 tháng tuổi. Qua quá trình theo dõi, nếu phát hiện trẻ bị mắc dị tật bẩm sinh, Khoa Nhi sẽ phối hợp với các chuyên khoa khác để tiến hành can thiệp, điều trị cho trẻ. Sau gần 4 năm triển khai, có 306 trẻ được đưa vào chương trình, trong đó, trẻ sinh non dưới 33 tuần tuổi chiếm gần 1/2. Qua tầm soát, dự án phát hiện 58 trẻ bất thường tâm vận động, đã can thiệp điều trị trở về bình thường cho 34 trẻ, số còn lại bị đa dị tật nặng đang tiếp tục điều trị, có dấu hiệu cải thiện; phát hiện 19 trẻ có vấn đề về mắt, chủ yếu là bệnh lý võng mạc, một số hồi phục chậm được gửi lên tuyến trên điều trị, đến nay đã có 16 trẻ phục hồi hoàn toàn.

 

Để tránh cho trẻ không bị dị tật bẩm sinh, các bác sĩ tham gia dự án khuyên các sản phụ nên tiêm chủng đầy đủ, uống axit folic trước khi mang thai 3 tháng; khám thai theo định kỳ; trong quá trình mang thai phải giữ gìn vệ sinh tốt; khi trẻ được sinh ra, không để trẻ bị nhiễm trùng sơ sinh. Ngoài ra, 2 năm đầu đời, phụ huynh cần quan sát, theo dõi kỹ trẻ, nếu phát hiện yếu tố bất thường hãy đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, tầm soát và can thiệp kịp thời.

Chị Trần Hoàng Linh (phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh) kể: “Tôi mang song thai, sinh non ở tuần 33 thai kỳ, cân nặng một bé 1,4kg, một bé 1,3kg phải nuôi lồng kính. Theo lời tư vấn của bác sĩ Khoa Nhi, BVĐK tỉnh, gia đình cho trẻ tham gia vào chương trình. Qua thời gian tầm soát, bác sĩ phát hiện 1 bé bị mắc bệnh lý võng mạc ở mức độ nặng, nguy cơ mù lòa rất cao, bé còn bị dị tật chân khoèo. Bé được chuyển vào Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP. Hồ Chí Minh) can thiệp bằng phẫu thuật mắt. Sau phẫu thuật, mắt cháu phục hồi tốt. Hiện nay, bé đang được các bác sĩ BVĐK tỉnh bó bột, tập vật lý trị liệu để điều trị bàn chân khoèo”.


Theo bác sĩ Lan Anh, sau thời gian triển khai, dự án đã hình thành được mạng lưới phối hợp nhiều chuyên khoa thực hiện tầm soát, điều trị tốt cho trẻ tại BV. Từ kết quả đạt được, nhiều cơ sở y tế tuyến dưới đã liên kết gửi trẻ đến chương trình, có một số trẻ sinh tại các BV lớn ở TP. Hồ Chí Minh (mẹ ở tỉnh Khánh Hòa nhưng vào TP. Hồ Chí Minh để sinh) được chuyển về đây để theo dõi.


Khó khăn của dự án hiện nay là nhân lực thiếu, lại kiêm nhiệm nhiều việc; mạng lưới theo dõi can thiệp cho trẻ chưa mở rộng ra tuyến cơ sở; gia đình có trẻ khuyết tật đa số hoàn cảnh nghèo khó nên không có điều kiện tái khám, can thiệp thường xuyên cho trẻ, dẫn tới tỷ lệ bỏ khám còn nhiều; các dụng cụ trợ giúp cho chương trình quá cũ; chương trình tái khám chưa được bảo hiểm y tế thanh toán...


CÁT ĐAN