08:06, 29/06/2013

Bài cuối: Sức sống ở Trường Sa

Trường Sa đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt. Những cảnh vật, con người nơi đảo chìm, đảo nổi đều cho thấy sức sống mãnh liệt đang vươn lên nơi biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Bài cuối: Sức sống ở Trường Sa

 

Trường Sa đang từng ngày, từng giờ thay da đổi thịt. Những cảnh vật, con người nơi đảo chìm, đảo nổi đều cho thấy sức sống mãnh liệt đang vươn lên nơi biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Một góc đảo Song Tử Tây nhìn từ trên cao.
Một góc đảo Song Tử Tây nhìn từ trên cao.


Đảo nổi rợp bóng cây xanh

 

Chăm sóc rau xanh ở đảo Đá Thị
Chăm sóc rau xanh ở đảo Đá Thị

 

Khi những tia nắng bình minh lan trên mặt biển, chúng tôi xuống xuồng CQ hành quân vào đảo Song Tử Tây. Nhìn từ biển vào, Song Tử Tây hiện rõ một màu xanh của cây lá tươi tốt. Khuất trong rừng cây phong ba, bão táp, bàng vuông, mù u… là những ngôi nhà ở, ngôi chùa với mái ngói đỏ tươi. Những con đường bê tông rợp bóng cây xanh nối dài từ khu nhà này qua khu nhà khác. Đi sâu vào khu nhà ở của quân, dân trên đảo, trong mỗi khu vườn, những luống rau muống, dền tía, mồng tơi, giàn bầu bí, cải mầm xanh mơn mởn. Trung tá Nguyễn Mạnh Hùng - Chỉ huy trưởng đảo Song Tử Tây cho biết: “Được thiên nhiên ưu đãi cho đảo có nguồn nước ngọt nên cây cối, rau, cỏ ở đảo quanh năm xanh tốt. Toàn đảo được sử dụng điện bằng hệ thống năng lượng pin mặt trời và quạt gió. Nhà dân nào cũng có tivi. Đời sống của quân, dân trên đảo không ngừng được cải thiện. Trong thực hiện nhiệm vụ, toàn quân, toàn dân trên đảo thường xuyên bổ sung, hoàn chỉnh các phương án chiến đấu sát với tình hình thực tế, tổ chức luyện tập thuần thục các phương án bảo vệ đảo trong mọi tình huống với quyết tâm sẵn sàng chiến đấu cao...”.

 

Canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Canh giữ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

 

Khi chúng tôi đặt chân lên đảo Sơn Ca cũng là lúc trời đổ mưa giông như trút nước, lính đảo thỏa thích dầm mình trong cơn mưa mát lạnh. Nơi cột mốc chủ quyền, anh lính Hải quân bồng súng đứng gác không rời vị trí, khuôn mặt trẻ trung và rắn rỏi. Sơn Ca là một trong những đảo không có nước ngọt. Sinh hoạt của quân, dân trên đảo chủ yếu dùng nước ngọt từ các bể chứa. Thổ nhưỡng chủ yếu trên đảo là cát, san hô. Trong điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt như vậy, kỳ lạ thay, đảo vẫn duy trì được một thảm thực vật đặc thù và hết sức phong phú gồm: cây phi lao, bàng thường, bàng vuông, phong ba, muống biển, dừa, đu đủ và rau xanh. Đi giữa đảo Sơn Ca hôm nay, chúng tôi có cảm giác như đi giữa một vùng quê yên bình, thi thoảng lại xao xuyến cõi lòng bởi một tiếng chim gù thương mến hay tiếng gà gáy trưa. Ông Lê Hồng Lệ (tỉnh Hải Dương) ra thăm con trai (Trung úy Lê Hồng Dũng) đang công tác ở đảo đã ngỡ ngàng trước cảnh đẹp của đảo Sơn Ca. Cảm xúc ùa về khiến ông viết bài thơ “Cảm xúc Trường Sa” tặng các anh lính đảo: … Sơn Ca quả thực thiên đường Trường Sa/Đứng ngẩn tưởng nghĩ đây là công viên/Con người thì sống trong tình thương dạt dào…

 

Đàn gia súc, gia cầm trên các đảo ở Trường Sa.
Đàn gia súc, gia cầm trên các đảo ở Trường Sa.

 

Trung úy Đặng Hùng Long - Phó Chỉ huy đảo Sơn Ca cho biết: “Việc cải tạo, mở rộng, xây mới các hệ thống vườn giàn, chuồng trại chăn nuôi gia súc, gia cầm, đa dạng hóa các loại cây trồng, vật nuôi luôn được đơn vị chú trọng. Hiện nay, khu chăn nuôi ở đảo có hơn 20 con heo, 650 con gia cầm các loại. Năm 2012 và 6 tháng đầu năm 2013, toàn đảo thu hoạch hơn 11.300kg rau xanh, 1.780kg thịt các loại, 2.340kg cá và 330kg đậu phụ. Tổng trị giá tăng gia sản xuất đạt gần 200 triệu đồng. Đặc biệt, toàn đảo có 1.685 cây xanh các loại, từ đầu năm đến nay đã trồng thêm 600 cây. Trồng cây là một tiêu chí thi đua của đảo nên Sơn Ca đã có được cảnh quan xanh, sạch, đẹp như ngày hôm nay”.

 

 

Đã nghe kể nhiều về Nam Yết, song chúng tôi thật sự ngạc nhiên trước sức sống ở nơi đây. Nam Yết có rất nhiều cây cối xanh tươi, trong đó có những cây mù u hàng trăm năm tuổi và cây bàng 8 nhánh, thu hút nhiều người đến xem. Tại đây còn trồng được đu đủ, dừa, xoài và một loài cây “đặc sản” - cây nhàu mà quả, lá, rễ của nó đều làm thuốc chữa bệnh. Hiện nay, Nam Yết được đánh giá là đảo đẹp nhất về cảnh quan môi trường trong quần đảo Trường Sa với sân bóng chuyền, bãi thể thao, công trình tường chắn sóng, trạm thu phát tín hiệu truyền từ vệ tinh, hệ thống năng lượng gió và mặt trời cùng nhiều phương tiện khác phục vụ đời sống bộ đội. Giữa đại dương mênh mông, đảo Nam Yết luôn xanh tươi, làm điểm tựa cho những con tàu của ngư dân đến trú chân sau những hải trình dài. Trung tá Trần Minh Thuần - Chỉ huy trưởng đảo cho biết: “Nam Yết từ lâu đã là mái nhà chung của ngư dân Việt Nam khi ra đánh bắt hải sản tại vùng biển này. Từ đầu năm đến nay, đảo đã giúp hơn 640 lượt tàu cá của ngư dân; tổ chức sửa chữa, khắc phục hỏng hóc thông thường cho 6 lượt tàu thuyền, giúp đỡ nhu yếu phẩm, nước ngọt cho ngư dân, động viên ngư dân bám biển, làm ăn, góp phần khẳng định chủ quyền và giữ vững ổn định vùng biển trong khu vực”…


Sức sống vươn cao nơi đảo chìm

 

Đảo chìm Len Đao.
Đảo chìm Len Đao.

 

Khi con tàu HQ 996 đưa chúng tôi đến các đảo chìm mới thấy đảo càng chìm sâu dưới nước bao nhiêu thì nơi ấy, khát vọng, ý chí và lòng quyết tâm của con người lại vươn cao lên bấy nhiêu. Nhìn từ xa, những đảo chìm Đá Nam, Đá Thị, Cô Lin, Len Đao, Đá Lớn… như ngọn hải đăng giữa sóng biển Trường Sa với lá cờ đỏ sao vàng tung bay phấp phới. Những diện tích xung quanh đảo đều được tận dụng thiết kế làm nơi đặt thùng gỗ, khay nhựa để trồng rau xanh, xây bể chứa nước ngọt.

 


Có nhiều năm công tác ở đảo chìm, Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng - Đảo trưởng đảo Len Đao chia sẻ. “Ngày trước, những cánh thư phải chờ đợi đến 6 tháng mới đến được tay lính đảo. Rau xanh, nước ngọt thiếu thốn. Nhưng giờ đây, cuộc sống ở đảo chìm đã thay da đổi thịt, chiến sĩ đã có tivi, truyền hình kỹ thuật số, karaoke để giải trí. Rau xanh được trồng quanh đảo, bể chứa nước ngọt được xây dựng rộng lớn hơn, hệ thống năng lượng được nâng công suất, nhà tiếp dân xây mới khang trang, tạo thuận lợi cho việc cứu chữa, hỗ trợ ngư dân ở ngư trường Trường Sa…”. Đặc biệt, hiện nay, ở hầu hết những điểm đảo chìm đều đã được Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel phủ sóng điện thoại di động giúp bộ đội có thể liên lạc với gia đình, người thân và bạn bè bất cứ lúc nào trong ngày. Bên cạnh đó, nhờ có vệ tinh Vinasat phủ sóng rộng khắp, cán bộ, chiến sĩ được cập nhật những thông tin mới nhất ở khắp nơi trên thế giới qua các kênh truyền hình. Quan trọng hơn, với tình cảm “Trường Sa vì cả nước, cả nước vì Trường Sa”, hầu như không lúc nào bộ đội trên đảo thiếu vắng các đoàn công tác đến thăm, làm việc, động viên tinh thần và chăm lo đời sống vật chất…

 


Thượng úy Lê Văn Nam - Đảo trưởng đảo Đá Thị khẳng định: “Lính đảo chìm không có ngày nghỉ. Nâng cao cảnh giác, sẵn sàng chiến đấu là nhiệm vụ hàng đầu của chúng tôi. Bên cạnh đó, cán bộ, chiến sĩ trên đảo thường xuyên học tập, rèn luyện chuyên môn, kỹ thuật cũng như thể lực để có thể đáp ứng xuất sắc mọi nhiệm vụ. Hàng ngày, kịp thời ghi nhận mọi động tĩnh trên biển để báo cáo chuẩn xác với cấp trên nhằm có phương án xử lý hiệu quả nhất...”. Những lúc rảnh rỗi, những người lính lại bắt tay vào những công việc hết sức đời thường và giản dị là chăm sóc vườn rau xanh, vật nuôi cho mau lớn để cải thiện bữa ăn; lãng mạn hơn nữa là ôm đàn ghi-ta hát cho nhau nghe. Thậm chí, thỉnh thoảng, các anh còn tổ chức thi hát karaoke...

 

Ca hát cùng chiến sĩ trên đảo Đá Lớn A.
Ca hát cùng chiến sĩ trên đảo Đá Lớn A.

 

Khi con tàu HQ 996 thu neo và kéo 3 hồi còi dài tạm biệt Trường Sa để về đất liền, trong bóng chiều hoàng hôn, nhìn về phía quần đảo Trường Sa, tôi vẫn thấy những người chiến sĩ Hải quân bồng súng tuần tra, canh giữ vùng biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Và hình bóng người giữ đảo ấy thật đẹp, thật hiên ngang, vững chãi, tô điểm thêm cho sức sống mãnh liệt của Trường Sa.

 


VĂN GIANG

 

Bài 1:  Nước mắt, nụ cười hạnh phúc

 

Bài 2: Điểm tựa của ngư dân giữa trùng khơi

 

Bài 3: Tưởng nhớ  những người đã hòa mình vào sóng nước