10:11, 22/11/2012

Gặp khó vì quy định xe chính chủ

Khách đến cửa hàng chủ yếu để hỏi thủ tục sang tên đổi chủ do đã mua xe trước đó, còn rất hiếm người tới mua xe...

Những ngày qua, việc xử phạt xe không chính chủ (Nghị định 71) có hiệu lực đã làm cho các cửa hàng mua, bán, trao đổi xe cũ trên địa bàn TP. Nha Trang (Khánh Hòa) bị tê liệt hoàn toàn. Khách đến cửa hàng chủ yếu để hỏi thủ tục sang tên đổi chủ do đã mua xe trước đó, còn rất hiếm người tới mua xe.

Giảm giá cũng chẳng ai mua

Tại cửa hàng Hiệp chuyên mua, bán, trao đổi các loại xe gắn máy trên đường 2-4, TP. Nha Trang sáng 21-11, chúng tôi ngồi cả tiếng đồng hồ mới thấy một người khách ghé vào cửa hàng nhưng là để bán lại chiếc xe máy ông đang sử dụng. Nhìn chiếc xe hiệu Attila còn khá mới nhưng giá mà người khách đưa ra chỉ 5 triệu đồng. Thế nhưng, sau khi xem giấy tờ xe, ông Trần Hùng Hiệp - chủ cửa hàng liền lắc đầu từ chối, bởi giấy đăng ký xe ở mãi Quảng Bình. Theo ông Hiệp, nếu là trước đây chiếc xe này mua vào có giá khoảng 8 triệu đồng, sau khi “tút” lại, bán ra khoảng 10 - 11 triệu đồng, trừ mọi chi phí lãi khoảng 800 ngàn - 1 triệu đồng. Còn bây giờ, biết rẻ nhưng cũng không dám mua, vì mua vào cũng không bán được. “Trước đây, bình quân mỗi tháng tôi bán được 6 - 7 chiếc xe, tháng cao điểm bán được 10 - 12 chiếc. Từ hôm có quy định xử phạt xe không chính chủ, cửa hàng của tôi không bán được chiếc nào mà cả ngày cũng chẳng thấy ai đến hỏi mua. Sáng dắt xe ra, chiều lại dắt vào, ế ẩm quá!” - ông Hiệp cho biết.


Khách hàng chủ yếu tới nhờ làm thủ tục sang tên, rất ít người hỏi mua.
Khách hàng chủ yếu tới nhờ làm thủ tục sang tên, rất ít người hỏi mua.

 

Cách tiệm ông Hiệp chừng 500m, chị Hà - chủ một cửa hàng mua, bán xe cũ cũng buồn rầu: “Cả ngày chờ hoài chẳng có ai đến hỏi mua. Giờ chỉ mong có người tới hỏi mua, tôi chấp nhận bán lỗ, thu được đồng vốn nào hay đồng đó chứ kiểu này chết chắc!”.

Tại cửa hàng xe máy Huy Phương - số 60 đường 2-4, Vĩnh Hải, Nha Trang, không khí đỡ trầm lắng hơn nhưng cũng không khá mấy so với các cửa hàng xe cũ khác. Chỉ trong vòng 30 phút, cửa hàng đã bán được 2 chiếc xe nhưng chiếc nào cũng bị lỗ. Cụ thể, chiếc xe Nouvo được anh Phương - chủ cửa hàng mua vào với giá 7 triệu đồng nhưng giờ bán ra chỉ có 5,7 triệu đồng. Còn chiếc xe EliZabeth có giá 14 triệu đồng, giờ bán ra 12 triệu đồng nhưng anh chỉ mới nhận 5 triệu đồng, còn lại bao giờ làm được giấy tờ sang tên mới được nhận. Anh Phương lý giải: “Tuy buồn vì lỗ nhưng có người mua cũng coi như thu được một phần tiền vốn. Trước đây, bình quân mỗi tháng cửa hàng của tôi bán từ 20 - 30 chiếc, trừ mọi chi phí lãi từ 800 ngàn - 1 triệu đồng/xe. Còn 11 ngày nay, tôi bán được 4 chiếc nhưng xe nào may mắn thì hòa vốn còn không bị lỗ”. Do không bán được nên hiện hầu hết các cửa hàng đều rất hạn chế mua vào.

Truy tìm chính chủ

Ghi nhận tại các cửa hàng xe đã qua sử dụng trên địa bàn TP. Nha Trang cho thấy, cửa hàng nào có khách hàng lui tới chủ yếu là khách cũ trở lại hỏi thủ tục giấy tờ để sang tên đổi chủ, rất ít người tới hỏi mua xe. Thực tế, khá nhiều xe cũ hiện đã qua tay nhiều đời chủ nên các chủ cửa hàng cũng bó tay. Bà Đặng Ngọc Dâu (phường Vĩnh Hải) cho biết: “Tôi mua chiếc xe cho cậu con trai cách đây 2 tháng tại cửa hàng Huy Phương, xưa nay cửa hàng này làm ăn uy tín nên khi mua tôi cũng không có ý định sang tên. Bây giờ, có quy định xử phạt xe không chính chủ nên tôi tới nhờ cửa hàng làm giấy tờ sang tên hộ. Mua xe giá rẻ giờ thành đắt, vì phải đóng thêm tiền thuế, giấy tờ công chứng và thuê người đi tìm chủ cũ, ít nhất cũng mất 700 - 800 ngàn đồng/xe”.

Theo các chủ cửa hàng, trước đây, khi khách hàng mua xe máy cũ, hầu hết chỉ lấy giấy tờ xe của chủ cũ, cửa hàng viết giấy tay hoặc biên nhận bán xe cho khách là xong. Thực tế, người mua chỉ quan tâm đến giá cả và chất lượng chiếc xe, hầu như không có yêu cầu sang tên đổi chủ. Bởi, việc sang tên đổi chủ vừa mất thêm một khoản chi phí từ 500 ngàn - 1 triệu đồng/xe, vừa mất rất nhiều thời gian; nhất là những dòng xe cũ giá rẻ. Chỉ những loại xe có giá trên 13 triệu đồng, người mua mới quan tâm đến việc sang tên, đổi chủ... nhưng cũng rất ít. Chính vì thủ tục đơn giản nên các cửa hàng cũng ăn nên làm ra. Còn bây giờ, hầu hết khách tới hỏi mua, điều họ quan tâm nhất là “xe có chính chủ không” hay “có bao sang tên được không”... Nếu xe nào sang được tên còn cơ may bán được, còn xe nào không sang được tên, giá bán rẻ mấy cũng hiếm người mua.

Trước những khó khăn đó, một số chủ cửa hàng tìm ra giải pháp, đó là thuê người đi tìm các chủ cũ của xe. Nếu xe nào mới bán nhờ họ đi làm giấy tờ giùm, còn xe nào chưa bán được thì viết giấy ủy quyền. Tuy nhiên, việc đi tìm các chủ cũ cũng không đơn giản. Bởi, có những xe đã bán sang tay nhiều người, tuy xe có giấy tờ đầy đủ nhưng người đứng tên trên giấy tờ cũng không dễ gì tìm được. Anh Nguyễn Thống Nhất - nhân viên bán hàng tại cửa hàng Huy Phương cho biết: “Việc tìm kiếm chính chủ như mò kim đáy biển. Mấy hôm nay, ngày nào tôi cũng rong ruổi đi tìm chính chủ của các chiếc xe nhưng không dễ. Có người khi tìm được đến nơi thì họ đã chuyển chỗ ở đi nơi khác hoặc đã chết; có người tìm được rồi nhưng chưa chắc họ đã chịu giúp mình. Những trường hợp này, tôi phải mất cả buổi để thuyết phục và còn phải trả 400 - 500 ngàn đồng tiền công cho họ, họ mới chịu viết giấy ủy quyền và đi công chứng giùm mình”.

“Đâm lao thì phải theo lao chứ còn cách nào khác, phải tìm mọi cách để gỡ gạc được chút nào hay chút đó. Thực tế, giờ có chuyển nhượng cửa hàng cũng chẳng ai dại gì mà ôm cục nợ. Trong khi đó, bao nhiêu vốn liếng của gia đình đổ hết vào đây. Ngoài gần 2 tỷ đồng tiền vốn, hiện mỗi tháng, tiền thuê mặt bằng, tiền thuế, nhân công và tiền trả lãi ngân hàng lên đến cả chục triệu đồng. Hầu hết các cửa hàng đều trong tình trạng sống dở, chết dở chứ không riêng cửa hàng tôi” - anh Phương nói.

CẨM VÂN