09:02, 05/02/2013

Thêm khẳng định chủ quyền lãnh thổ Việt Nam

Để cung cấp thêm thông tin cho người dân và du khách về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển Đông, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mới đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành lắp đặt bộ bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa tại 15 điểm trên địa bàn tỉnh.

Để cung cấp thêm thông tin cho người dân và du khách về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển Đông, nhất là đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, mới đây, các cơ quan chức năng của tỉnh đã tiến hành lắp đặt bộ bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa tại 15 điểm trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Tư liệu quý

Bắt đầu từ ngày 2-2, người dân trong tỉnh và du khách nước ngoài đã được trực tiếp xem bộ bản đồ gồm 4 tấm, do nhà Nguyễn (Việt Nam), nhà Thanh (Trung Quốc) và Chính phủ Pháp ấn hành trong khoảng thời gian từ Thế kỷ XIX đến nửa đầu Thế kỷ XX. Bộ bản đồ này vừa được lắp đặt tại một số địa điểm như: Trung tâm Hội nghị tỉnh (46 Trần Phú), Viện Hải dương học, Cảng du lịch Cầu Đá, Ga Nha Trang, Trường Đại học Nha Trang (TP. Nha Trang), Cảng Hàng không quốc tế Cam Ranh (TP. Cam Ranh) và các cơ quan, đơn vị hành chính ở huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Những tấm bản đồ này là tư liệu quý, thể hiện rõ nét về chủ quyền lãnh thổ Việt Nam trên biển Đông đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, từ lâu đã được thế giới và chính quyền phong kiến Trung Quốc công nhận.

Các bạn trẻ xem bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa đặt tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.
Các bạn trẻ xem bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa đặt tại Trung tâm Hội nghị tỉnh.

4 tấm bản đồ được trưng bày, giới thiệu gồm: “Đại Nam thống nhất toàn đồ”, kích thước 1,22m x 0,7m do triều Minh Mạng (Việt Nam) ấn hành năm 1834, trên bản đồ có ghi Hoàng Sa và Vạn lý Trường Sa là của Việt Nam. “An Nam đại quốc họa đồ”, kích thước 1,22m x 2,44m, do tác giả Jean Louis Taberd (Pháp) vẽ năm 1838, trên bản đồ vẽ quần đảo Paracel Sen Cát Vàng (quần đảo Hoàng Sa) thuộc lãnh thổ Việt Nam. “Hoàng triều trực tỉnh địa dư toàn đồ”, kích thước 1,22m x 2,44m, đây là bản đồ đời nhà Thanh (Trung Quốc) ấn hành năm 1904, trên bản đồ ghi điểm cực Nam của lãnh thổ Trung Quốc là đảo Hải Nam, không đề cập đến 2 quần đảo Tây Sa và Nam Sa - tức Hoàng Sa và Trường Sa. “Bản đồ các đài khí tượng Đông Dương”, kích thước 1,22m x 0,7m, ấn hành năm 1940; trong bản đồ này, đài khí tượng Pattle (Hoàng Sa) và đài khí tượng Itu Aba (Trường Sa) là 2 đài khí tượng quan trọng nhất ở Đông Dương.

Vun đắp thêm tình yêu biển đảo

Sau 4 ngày trưng bày, giới thiệu, bộ bản đồ về Hoàng Sa, Trường Sa đã thu hút hàng trăm lượt khách du lịch đến xem và tìm hiểu. Nhiều người bày tỏ sự đồng tình với chủ trương tuyên truyền của tỉnh. Được xác định là tỉnh trọng điểm về tuyến biển, đảo, trong đó có huyện đảo Trường Sa, hàng năm, Khánh Hòa đón hàng ngàn khách quốc tế và trong nước đến làm việc, tham quan du lịch và nghỉ dưỡng. Vì vậy, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa ra những bằng chứng pháp lý về tài liệu, bản đồ khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa để mọi người hiểu, đồng thuận và ủng hộ là việc làm cần thiết.

Sau Thừa Thiên Huế, TP. Đà Nẵng, Khánh Hòa được chọn để lắp đặt, trưng bày, giới thiệu các tư liệu trên. Những thông tin được cung cấp từ bộ bản đồ giúp người dân, bạn bè trong nước và quốc tế hiểu hơn về lẽ phải trong cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. “Việc lắp đặt bộ bản đồ tại các địa điểm công cộng trong thời điểm này là cần thiết và kịp thời. Qua đó, chúng ta thấy rõ hơn vấn đề Hoàng Sa, Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, đây là điều đã được quốc tế và cả chính quyền Trung Quốc thừa nhận từ lâu”, ông Nguyễn Văn Phong (đường Hùng Vương, Nha Trang) nhận xét. Với các học sinh, sinh viên, được xem những tấm bản đồ này góp phần hun đúc trong họ tình yêu đối với biển, đảo quê hương. “Những tấm bản đồ này là tư liệu lịch sử có giá trị đối với chủ quyền biển, đảo nước ta. Đây cũng là chứng cứ xác đáng để khẳng định 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. Qua những tấm bản đồ này, lớp trẻ chúng tôi thêm hiểu, thêm yêu chủ quyền biển, đảo mà cha ông ta đã bao đời ra sức gìn giữ” - Bùi Thị Hạnh, sinh viên Khoa Kế toán - Tài chính, Trường Đại học Nha Trang chia sẻ.

Không chỉ người dân Nha Trang - Khánh Hòa, với những du khách nước ngoài, bộ bản đồ đã giúp họ hiểu hơn về chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa - Trường Sa. “Việc trưng bày các tư liệu bản đồ có giá trị lịch sử, khẳng định chủ quyền đã được nhiều nước trên thế giới thực hiện. Đây là cách tuyên truyền trực quan, dễ hiểu. Từ những kênh thông tin khác nhau, tôi biết vấn đề biển Đông đang có những diễn biến nhạy cảm, nhưng qua những tấm bản đồ này có thể thấy được lý lẽ chính đáng của Việt Nam” - bà Julia Thomson, du khách Thụy Điển đánh giá.

N.TÂM