02:02, 04/02/2013

Chuyện ở phố nhỏ

Mỹ Ca, Nghĩa Cam là 2 tổ dân phố thuộc phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa). Một ngày cận kề Tết Quý Tỵ 2013, tôi hẹn bạn về thăm  phố nhỏ này...

Mỹ Ca, Nghĩa Cam là 2 tổ dân phố (TDP) thuộc phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh (Khánh Hòa). Một ngày cận kề Tết Quý Tỵ 2013, tôi hẹn bạn về thăm  phố nhỏ này...

 Các chiến sĩ Trường Sa đọc báo trong giờ giải lao
Các chiến sĩ Trường Sa đọc báo trong giờ giải lao

Ông Nguyễn Hùng Cường - Bí thư Chi bộ và ông Nguyễn Đức Ninh - tổ trưởng TDP Mỹ Ca đưa tôi đi thăm phố và một số gia đình có chồng con đang công tác ở quần đảo Trường Sa. Phố nhỏ vắng hoe, tôi vui miệng ứng khẩu: “Làng nhỏ này thiếu vắng đàn ông/Bởi các anh đang đảo xa trấn ải”. Nghe thế, ông Cường “đính chính”: “Mỹ Ca và Nghĩa Cam bây giờ không còn là làng nhỏ nữa đâu mà là phố lớn đấy. Riêng TDP Mỹ Ca có tới 492 hộ, 1.732 khẩu, đông nhất phường. Đó là chưa kể Nghĩa Cam, phía Bắc đường, dân cư cũng suýt soát”. Tôi phân bua: “Không hiểu sao tôi cứ thích gọi Nghĩa Cam và Mỹ Ca là làng, vì gọi như thế nghe đầm ấm và gần gũi hơn…”.

Mỹ Ca là đoạn phố phía ngoài Cổng 1. Đây là nơi chuẩn bị, đảm bảo lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bộ đội ở bán đảo Cam Ranh và cả quân, dân huyện đảo Trường Sa. Ông Lê Ngọc Thạch, Chủ tịch UBND phường Cam Nghĩa cho biết, phường có 18 đầu mối quân đội đứng chân, đặc biệt là có 3 tổ TDP mà ở đó hầu hết gia đình quân nhân. Theo ông Thạch, khu dân cư đặc biệt này hình thành từ năm 2006, tập trung ở hai bên đường Đải Đảo (từ Cổng số 1 đến Cổng 2). Ông Thạch còn cho biết hiện giờ ở phường này đang hình thành một khu dân cư mới ở đó hầu hết là gia đình quân nhân của 18 đơn vị đầu mối và một số cựu chiến binh đang sinh sống trên địa bàn, có khó khăn về nhà ở.

1
Chiến sĩ đón Tết

Tổ trưởng TDP Nghĩa Cam là ông Nguyễn Đặng Hùng Cường, người gốc Cam Nghĩa, nguyên là lính của đảo Nam Yết, ra quân năm 1998. Ông Cường cho biết: Bí thư Chi bộ của TDP bây giờ là Đại tá Đỗ Đình Nhu, nguyên Lữ đoàn trưởng Lữ Đoàn 957 bảo vệ Căn cứ Cam Ranh. Bên cạnh Đại tá Nhu còn có Đại tá Đỗ Như Phú, nguyên Phó Chỉ huy trưởng - Tham mưu trưởng Lữ đoàn 146 Trường Sa. Ông Phú là Chủ tịch UBND huyện đảo từ năm 2000 đến ngày nghỉ hưu. Ông có cậu con trai là Đỗ Như Thọ, sinh 1980, nhập ngũ năm 2000, hiện là sĩ quan thông tin đã 2 tăng ra Đá Nam và Tốc Tan, nay vừa bổ túc nghiệp vụ xong, đang sẵn sang ra đảo. Ông còn có con rể là Đại úy Hoàng Thế Luận, hiện là Trợ lý quân lực Đoàn 146. Vợ Luận là dược sĩ đang công tác ở Đội điều trị 486, thuộc đoàn Trường Sa.

1
 

Ông Cường cùng tôi vào nhà ông Phạm Đức Trọng, đồng đội của Đại tá Phú. Ông Trọng sinh 1956, quê Nam Định, đi bộ đội năm 1974. Sau giải phóng, ông được cấp trên cho đi học Trường Chính trị ở Bắc Ninh rồi trở thành sĩ quan Hải quân. Năm 1983, ông vác ba lô ra Trường Sa với quân hàm Trung úy. Lúc đầu, ông làm Chính trị viên ở Trường Sa Đông; sau đó được điều sang An Bang. Năm 1985, cấp trên điều ông vào bờ. Năm 2005, ông lại ra làm Chính trị viên đảo Song Tử Tây. Năm 2007, do tình hình sức khỏe, ông được trên cho nghỉ hưu với quân hàm Thượng tá.  

Chiến sĩ đón Tết
Phía sau các chiến sĩ Trường Sa luôn có một hậu phương vững chắc

Vui chân, tôi ghé thăm nhà “lão tướng” Nguyễn Hùng Cường.  Ông Cường sinh năm 1952, quê Quảng Trị. Năm 1972, ông nhập ngũ. Sau 3 tháng huấn luyện, ông cùng Đoàn 125 đặc công nước vào Cửa Việt “chia lửa” với các đơn vị quân giải phóng 81 ngày đêm bám trụ thành Quảng Trị. Năm 1988, sau khi tốt nghiệp Học viện Đà Lạt, ông mới được mặc áo Hải quân và đóng quân ở đảo Nam Yết. Được 2 năm, ông vào bờ đảm nhận Chủ nhiệm pháo binh Lữ đoàn 146, rồi đến Vùng 4 cho đến ngày nghỉ hưu. Con trai ông đầu của ông là Nguyễn Hồng Kiên, làm báo vụ đã 4 lần ra đảo. Con trai thứ 2 là Nguyễn Hoa Cương, sinh năm 1984, sĩ quan hàng hải, hiện đang công tác ở một đơn vị tàu tên lửa hiện đại của Vùng 4.

Tuy ghé thăm phố nhỏ chỉ một thoáng thôi, nhưng điều mà tôi tâm đắc nhất vẫn là thế đứng của Trường Sa hôm nay. Đó là một thế đứng liên hoàn vững chắc, có hậu phương là mẹ, anh, vợ con ruột thịt...; có những đảng viên trung kiên, những cựu chiến binh đã một thời tôi luyện trong khói lửa và thử thách của thời gian đang sát cánh cùng cán bộ, chiến sĩ nơi Trường Sa gìn giữ bình yên cho biển, đảo quê hương…

Hoàng Quân