11:11, 24/11/2016

Phong trào quần vợt: Cần cú hích trong đào tạo tuyến trẻ

Theo đánh giá của giới chuyên môn, phong trào quần vợt trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển ấy chỉ mang tính bề nổi về số lượng, còn chất lượng hầu như không có, công tác đào tạo tuyến trẻ của bộ môn này gần như bỏ ngỏ.

Theo đánh giá của giới chuyên môn, phong trào quần vợt trên địa bàn tỉnh phát triển khá mạnh. Tuy nhiên, sự phát triển ấy chỉ mang tính bề nổi về số lượng, còn chất lượng hầu như không có, công tác đào tạo tuyến trẻ của bộ môn này gần như bỏ ngỏ.


Ông Nguyễn Cảnh Thân, thành viên Ban chấp hành Liên đoàn Quần vợt Việt Nam, Trưởng Câu lạc bộ (CLB) quần vợt 20-8 cho biết, toàn tỉnh hiện có hơn 30 CLB quần vợt đang hoạt động tại các địa phương với 800 - 1.000 hội viên tham gia tập luyện thường xuyên. TP. Nha Trang tập trung nhiều CLB, điểm tập thu hút hội viên như: CLB 20-8, Trung tâm Thể thao Lạc Hồng, CLB Phước Hòa, CLB Hàn Thuyên, Công an Khánh Hòa… Bên cạnh đó, hàng năm, tỉnh duy trì từ 3 - 5 giải quần vợt phong trào, trong đó có 2 giải mở rộng cấp tỉnh được coi là có quy mô, chất lượng khá, tạo sức hút không chỉ ở các CLB trong tỉnh mà còn hướng đến các tỉnh bạn như: Giải quần vợt truyền thống Cúp Thép miền Nam, giải quần vợt tỉnh mở rộng Cúp Mê Trang.

 

Một giải quần vợt phong trào được tổ chức tại TP. Nha Trang
Một giải quần vợt phong trào được tổ chức tại TP. Nha Trang


Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là các CLB, đơn vị, địa phương trong tỉnh thường tiếp cận vận động viên (VĐV) lứa tuổi trung niên để xây dựng và phát triển phong trào, chưa chú trọng đến công tác đào tạo từ tuyến dưới. Tại một giải quần vợt tỉnh mở rộng diễn ra cách đây chưa lâu, hơn 130 tay vợt của 20 CLB trong và ngoài tỉnh tham dự. Theo ghi nhận, ở hầu hết các đoàn quần vợt tỉnh bạn, trong số các VĐV tham dự giải có khá nhiều VĐV trẻ lứa tuổi từ 16 - 25, vừa thi đấu các giải trẻ toàn quốc; trong khi các CLB ở tỉnh phần lớn là những tay vợt tuổi từ 35 trở lên. Chính vì vậy, khi giải đấu kết thúc, hầu hết các thứ hạng cao đều thuộc về các đơn vị khách mời, trong khi các tay vợt của các CLB trong tỉnh chỉ được coi là “quân xanh” với trình độ được đánh giá ở hạng trung bình.

 

Ông Võ Ngọc Hùng, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao: Ở Khánh Hòa, nếu có đơn vị, CLB, địa phương nào có kế hoạch xây dựng, đào tạo tuyến VĐV quần vợt trẻ, ngành Thể thao tỉnh sẽ hỗ trợ và tạo điều kiện để họ phát triển.

Theo ông Thân, nguyên nhân của tình trạng trên là do hiện nay, quần vợt phong trào tỉnh được hình thành chủ yếu dựa trên cơ sở tự phát, chưa có định hướng rõ rệt, trong đó công tác đào tạo tuyến VĐV trẻ hầu như bỏ ngỏ. Đó cũng chính là lý do vì sao đến cuối năm 2015, bộ môn quần vợt đã chính thức bị đưa ra khỏi các môn thể thao thành tích cao của tỉnh. Theo một lãnh đạo ngành Thể thao tỉnh, không chỉ riêng môn quần vợt gặp khó khăn trong công tác xây dựng, đào tạo tuyến VĐV trẻ mà đây là thực trạng chung của không ít môn thể thao phong trào. Nguyên nhân chủ yếu là do tâm lý các bậc phụ huynh không muốn con em theo thể thao mà bỏ bê việc học văn hóa. Trong khi đó, các sân chơi phong trào môn quần vợt tỉnh hầu như không mấy chú trọng đến đối tượng thanh, thiếu niên; lực lượng huấn luyện viên có trình độ chuyên môn ở các CLB, trung tâm, địa phương lại không nhiều nên việc xây dựng tuyến VĐV trẻ là điều không dễ.


Được biết, CLB quần vợt 20-8 do ông Nguyễn Cảnh Thân phụ trách hiện có ý định xây dựng một lớp VĐV quần vợt trẻ lứa tuổi từ 8 - 15 với số lượng từ 5 - 10 em. “Hiện nay, nhiều phụ huynh sẵn sàng đầu tư thời gian, kinh phí để chúng tôi tổ chức một lớp đào tạo dành riêng cho lứa tuổi này. Nếu không có gì thay đổi, đầu năm sau lớp học sẽ chính thức được triển khai”, ông Thân cho biết. Hy vọng, với cú hích này, phong trào quần vợt tỉnh sẽ khởi sắc trong thời gian tới.


AN NHIÊN