09:11, 25/11/2016

Cám cảnh "con nhà nghèo"

Chuyện thể hình, thể lực của một cầu thủ không thể đạt được chỉ một sớm một chiều, mà phải là sự đầu tư lâu dài, bài bản và đặc biệt rất tốn kém. Trong khi các tuyến cầu thủ trẻ từ hầu hết các địa phương lại đang thiếu thốn trăm bề.

Chuyện thể hình, thể lực của một cầu thủ không thể đạt được chỉ một sớm một chiều, mà phải là sự đầu tư lâu dài, bài bản và đặc biệt rất tốn kém. Trong khi các tuyến cầu thủ trẻ từ hầu hết các địa phương lại đang thiếu thốn trăm bề.


“Chạy ăn từng bữa thì đừng nghĩ tới thành công”. Đó là nhận định của Huấn luyện viên (HLV) trưởng đội tuyển bóng đá U.19 Việt Nam Hoàng Anh Tuấn khi nói về chế độ dinh dưỡng cho các vận động viên nói chung và cầu thủ bóng đá nói riêng. Khi đề cập đến vấn đề thể lực, thể hình của lứa cầu thủ U.19 vừa giành vé đến World Cup U.20 thế giới vào năm sau, HLV Hoàng Anh Tuấn thẳng thắn: “Đây là lứa cầu thủ có thể hình rất tốt. Hầu hết đều có chiều cao khá lý tưởng, thể lực xếp vào diện tốt. Yếu tố thể hình, thể lực chính là nền tảng cho mọi chiến thuật”. Nhìn vào lứa U.19 năm nay, phần lớn các cầu thủ xuất thân từ lò đào tạo của VPF, Viettel, Hoàng Anh Gia Lai, Hà Nội T&T. Đây đều là những trung tâm đào tạo trẻ khá bài bản và tất nhiên là tốn kém hơn nhiều so với phần lớn các địa phương còn lại. Ngay từ khâu tuyển lựa, các trung tâm này đã vươn đến cả nước, chọn ra những gương mặt nhí xuất sắc nhất, thường là xuất sắc về thể hình, cơ địa rồi mới đến năng khiếu. Để rồi các cầu thủ có tố chất ấy được tạo điều kiện tối đa về học tập, sinh hoạt và tập luyện. Bởi vậy, nhìn chung cầu thủ từ các lò đào tạo này có thể lực, thể hình tốt hơn so với phần còn lại cũng là điều dễ hiểu.

 

Các tuyến trẻ cần được quan tâm nhiều hơn về chế độ dinh dưỡng
Các tuyến trẻ cần được quan tâm nhiều hơn về chế độ dinh dưỡng


Vậy là ngay chuyện “cao to” cũng chỉ có thể đạt được bằng sự đầu tư, đặc biệt là sự đầu tư cho các tuyến trẻ. Nhưng có một thực tế khá tréo ngoe, đó là phần lớn các đội bóng hiện nay đang tập trung những điều kiện tốt nhất cho đội tuyển đại biểu. Đặc biệt, có một khoảng cách rất xa giữa chế độ ăn uống của cầu thủ đang thi đấu ở V-League và các cầu thủ trẻ. Trong khi đúng ra các cầu thủ trẻ phải được chăm lo về dinh dưỡng không kém gì các cầu thủ đàn anh vì họ đang tuổi ăn tuổi lớn, là giai đoạn rất quan trọng trong quá trình tích lũy thể hình, thể lực”. Và có vẻ như, vì chưa được “ăn tới nơi tới chốn” nên nhiều lò đào tạo ở các địa phương không mạnh về tiềm lực tài chính đang tỏ ra hụt hơi so với phần còn lại. Ngay cả những địa phương có truyền thống đào tạo trẻ rất tốt như Sông Lam Nghệ An vài năm trở lại đây đã tỏ ra đuối sức, vắng bóng tại các vòng chung kết giải trẻ. Họ chẳng thể đua tranh với T&T Hà Nội, VPF hay Viettel… không hẳn vì khả năng chuyên môn mà dường như đang có sự hụt hơi về thể hình, thể lực. Còn ở Khánh Hòa, chuyện bữa ăn, giấc ngủ luôn là vấn đề “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”.


Nhìn xa hơn, bóng đá Việt Nam bây giờ đã đi vào thời kỳ hội nhập sâu rộng. Đối thủ mà các cầu thủ Việt Nam đối diện không chỉ gói gọn trong khu vực Đông Nam Á mà đã là châu lục, thế giới, nơi có những cầu thủ không chỉ giỏi hơn về trình độ, đẳng cấp mà còn “to khỏe” hơn nhiều. Và nếu không muốn tiếp tục bị bỏ lại quá xa, không gì khác hơn ngoài tập trung đầu tư vào thể hình, thể lực trước khi nghĩ đến kỹ, chiến thuật. Thêm một điều mà hầu hết các HLV nước ngoài sau quá trình huấn luyện tại Việt Nam đều có nhận định chung đó là các cầu thủ Việt có kỹ thuật, tư duy rất tốt, không kém cạnh so với các cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc... nhưng lại chưa đủ thể lực cũng như hạn chế về thể hình. Điều này đang níu chân bóng đá Việt có thể đường hoàng đối diện với các cầu thủ đến từ nền bóng đá phát triển ở châu Á.


Theo một cầu thủ kỳ cựu của bóng đá Khánh Hòa, bóng đá của nhiều thập niên trước người ta thi đấu chủ yếu bằng đam mê, các cầu thủ có thể ăn cơm độn khoai mà vẫn thi đấu ngon lành. Nhưng đó là lúc cả nước đang như thế. Còn bây giờ, ngoài đam mê và tinh thần cống hiến, cầu thủ còn phải có thể lực, thể hình tốt mới có thể đua tranh được với đối thủ, chí ít là trong cuộc đua thể lực. Mà điều này chỉ có thể được cải thiện thông qua dinh dưỡng. Trong khi đó, các cầu thủ trẻ của không ít địa phương, trong đó có Khánh Hòa đang thụ hưởng suất ăn 70.000 đồng/ngày. Trong thời điểm hiện nay, con số đó không thể đủ cho các cầu thủ có thể phát huy tối đa thể chất của mình. “Bởi thế nên ở Khánh Hòa có chuyện cầu thủ U.17 vẫn chưa được đụng đến hoạt động tập tạ, vì nếu tập sẽ dẫn tới quá sức, phản tác dụng”, một HLV tuyến trẻ của bóng đá Khánh Hòa khẳng định.


Cùng chung cảnh ngộ với không ít các địa phương khác, thể thao Khánh Hòa đang được xếp vào diện “con nhà nghèo”. Trong bối cảnh các môn thể thao nói chung, trong đó có bóng đá không thể mãi trông chờ vào nguồn kinh phí hạn hẹp từ Nhà nước, sự chung tay của các doanh nghiệp là điều cần thiết, chí ít cũng giúp cho các vận động viên có được một chế độ dinh dưỡng hợp lý, bởi đó là nền tảng cho sự phát triển.


H.Đ