10:06, 02/06/2017

Khoảng trống nơi hàng công

Đội tuyển U20 Việt Nam đã kết thúc vòng chung kết World Cup U20 tổ chức tại Hàn Quốc với rất nhiều sự khen ngợi, động viên từ người hâm mộ bóng đá nước nhà.

Đội tuyển U20 Việt Nam đã kết thúc vòng chung kết World Cup U20 tổ chức tại Hàn Quốc với rất nhiều sự khen ngợi, động viên từ người hâm mộ bóng đá nước nhà. Với sự tiến bộ rất rõ ràng từ các cầu thủ U20, đã có 7 cái tên U20 đã được huấn luyện viên Hữu Thắng gọi lên tập trung đội tuyển quốc gia chuẩn bị cho vòng loại Asian Cup. Như vậy, đã có sự giao thoa nhất định giữa U20 và U23 trong đội hình đội tuyển quốc gia, khiến cho người ta không khỏi phải nhìn nhận lại sự giống và khác nhau giữa 2 lớp cầu thủ này.
 
Thông qua những trận đấu tại vòng chung kết World Cup U20, người ta rất dễ nhận ra khác nhau giữa U20 Việt Nam và U23 Việt Nam là rất nhiều. Xét về mặt chiến thuật, khác với việc tập trung vào bóng nhỏ, phối hợp nhỏ của U23, lứa U20 dưới bàn tay huấn luyện của huấn luyện viên Hoàng Anh Tuấn đã có những “bài miếng” phong phú hơn nhiều. Trên cơ sở vẫn sử dụng phối hợp nhỏ để tấn công, thì U20 Việt Nam còn có thể tấn công biên, chuyền dài vượt tuyến, tạt cánh đánh đầu, làm tường nhả bóng cho tuyến sau dứt điểm… Không bị giới hạn nhiều trong bóng nhỏ, lối tấn công của U20 Việt Nam tỏ ra uyển chuyển, phong phú hơn, là tiền đề để tiếp cận với các dạng đối thủ khác nhau.
 
Về mặt con người, các cầu thủ U20 mang đến cho người hâm mộ ấn tượng mạnh về tính kỷ luật, hệ thống phòng ngự chắc chắn và thể lực khá tốt. Khác với lứa cầu thủ U23 thường mang đến cho người hâm mộ bóng đá cảm giác yếu về thể lực và khả năng tranh chấp bóng, thì lứa U20 đã được tập trung rèn luyện khá kỹ về mặt thể lực. Với một huấn luyện viên đề cao tinh thần tập thể và tính kỷ luật như ông Hoàng Anh Tuấn, lối chơi đồng đội mới là ưu điểm mang lại sức mạnh của đội bóng, chứ không phải là kỹ thuật cá nhân của mỗi cầu thủ. Có kỷ luật, có tinh thần đồng đội, có thể lực và khả năng tranh chấp, việc U20 có một hệ thống phòng ngự chắc chắn cũng có thể dễ dàng lý giải.
 
Tuy điểm khác nhau có nhiều, nhưng giữa U20 và U23 không phải là không có những điểm chung. Mà điểm chung có thể thấy rõ nhất, và đáng tiếc đó lại là điểm chung mà không người hâm mộ nào muốn thấy, bởi đó lại là một khuyết điểm chung không đáng có, chính là sự khuyết thiếu một chân sút có khả năng biến cơ hội thành bàn thắng, một “sát thủ vòng cấm địa” thực thụ. Nghe qua thì thật đáng buồn nhưng trên thực tế chính là như vậy. Kể từ khi tiền đạo Lê Công Vinh giải nghệ, khoảng trống của cầu thủ này để lại ở đội tuyển quốc gia vẫn là… mênh mông, vẫn không có sự thay thế tương xứng. Đó là mẫu tiền đạo biết tì đè, đánh đầu, làm tường cho đồng đội, đủ tốc độ và sự nhạy cảm để phá bẫy việt vị của đối phương, có khả năng hoạt động độc lập trong vòng cấm địa, có khả năng dứt điểm một chạm, “đánh hơi” xuất hiện ở những điểm nóng để có thể tận dụng được thời cơ ghi bàn… Đó là những tố chất mà một mẫu tiền đạo cắm thuần túy cần có.
 

 

Đội tuyển quốc gia Việt Nam vẫn thiếu một mẫu tiền đạo “sát thủ vòng cấm địa”.
Đội tuyển quốc gia Việt Nam vẫn thiếu một mẫu tiền đạo “sát thủ vòng cấm địa”.
 
U20 Việt Nam không phải không có cơ hội ghi bàn tại vòng chung kết World Cup U20 vừa qua, vô số cơ hội đã được tạo ra nhưng số bàn thắng vẫn chỉ là một con số 0 tròn trĩnh. Điều đó đồng nghĩa với việc, các chân sút của U20 Việt Nam vẫn chưa đủ độ sắc bén cần thiết, vẫn chưa đủ bản lĩnh để trở thành “sát thủ vòng cấm địa”. Còn U23 cũng chẳng khá gì hơn, khi những chân sút như Công Phượng, Văn Toàn, Tuấn Tài… còn chưa thể tỏa sáng tại đấu trường V-League, chứ đừng nói gì tới đấu trường thế giới khi chịu hạn chế rất nhiều về mặt thể lực, thể hình cũng như lối chơi.
 
Một tiền đạo thi đấu theo kiểu kỹ thuật luôn khiến cho người hâm mộ thích thú hơn, bởi tính “đã mắt” là rất cao. Nhưng trừ khi đó là một thiên tài, hoặc là một siêu sao có tầm cỡ, còn không gặp những hàng thủ “tường đồng vách sắt” có thể hình vượt trội, xuyên thủng được hệ thống phòng ngự hay không đã là vấn đề, chứ đừng nói gì đến việc ghi bàn. Vào những thời điểm như vậy, một mẫu tiền đạo thực dụng, có khả năng làm tường hỗ trợ đồng đội là hết sức cần thiết. Nó sẽ khiến cho lối chơi của đội bóng biến hóa hơn, nhiều mảng miếng hơn, đa dạng hơn, và dĩ nhiên bất cứ đội bóng nào cũng cần một mẫu tiền đạo như vậy. Khoảng trống nơi hàng công vẫn là hết sức… mênh mông, dù cho trong tay huấn luyện viên Hữu Thắng có thêm 7 sự bổ sung từ các cầu thủ U20 Việt Nam. Có lẽ hiện tại, người hâm mộ chỉ có thể kỳ vọng vào sự phát triển của Hà Đức Chinh, bởi phong cách thi đấu của cầu thủ này tương đối phù hợp. Được gọi lên đội tuyển quốc gia lần này sẽ là cơ hội để Đức Chinh tích lũy kinh nghiệm, tìm hướng phát triển trong tương lai.
 
Duy Duy