04:03, 01/03/2012

Duyên nợ cùng tiểu thuyết

Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhà văn quê gốc xứ Thanh - Mai Văn Trọng mới “chập chững” bước vào làng văn. Tuy nhiên, với 4 cuốn tiểu thuyết được xuất bản trong vòng 3 năm qua đã chứa đựng nhiều duyên nợ của cá nhân ông với quê hương, bạn bè và cuộc đời.

Ở độ tuổi “xưa nay hiếm”, nhà văn quê gốc xứ Thanh - Mai Văn Trọng mới “chập chững” bước vào làng văn. Tuy nhiên, với 4 cuốn tiểu thuyết được xuất bản trong vòng 3 năm qua đã chứa đựng nhiều duyên nợ của cá nhân ông với quê hương, bạn bè và cuộc đời.

Nghe về ông đã nhiều, tác phẩm của ông chúng tôi cũng đã đọc, vậy nhưng khi tiếp xúc với ông tại căn nhà số 15A đường Dương Vân Nga (TP. Nha Trang), chúng tôi vẫn thấy ở ông ẩn chứa một điều gì đó khiến người khác phải suy nghĩ. Không quá cầu kỳ, khách sáo, nhà văn Mai Văn Trọng kể cho chúng tôi nghe nhiều điều về cuộc đời cũng như con đường đến với văn chương của ông. Sinh năm 1940 ở huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa), ông vốn là một cán bộ lâm nghiệp. Năm 1972, ông nhập ngũ, vào chiến trường miền Đông Nam bộ chiến đấu. Chiến tranh kết thúc, năm 1979, ông trở về quê hương với cuộc mưu sinh thường nhật. Có lẽ vì thế, ông đến với văn chương khá muộn. “Tôi vốn không phải là dân văn chương, cùng với điều kiện cuộc sống nhiều trở ngại nên văn chương đến với tôi khá muộn màng. Tuy niềm yêu thích văn chương có sẵn nhưng phải đến lúc vào Nha Trang, tôi mới thực sự đi vào lĩnh vực này”.

 Nhà văn Mai Văn Trọng
Nhà văn Mai Văn Trọng

Bước vào ngưỡng cửa của tuổi thất thập, ông mới bắt tay vào viết những dòng đầu tiên trên con đường văn chương của mình. Cuộc đời đầy những thăng trầm của cá nhân đã hun đúc vốn sống, lẽ đời để ông có những cách nhìn, cách cảm về con người, về cuộc đời một cách khá sâu sắc và tinh tế. Ước mong ghi lại những điều mình đã biết, đã thấy luôn thôi thúc ông cầm bút. “Tôi viết, đầu tiên cũng nghĩ để thỏa mãn nhu cầu tinh thần của cá nhân. Nhưng để viết được, bản thân tôi cũng phải đọc rất nhiều và tự học rất nhiều. Bởi dù sao tôi cũng không được trải qua một trường lớp, hay được trang bị chút kỹ năng văn chương nào. Tôi viết từ chính những gì cuộc đời mình đã trải qua, viết về những gì mình thấy và cảm nhận được”. Quả thật, với những tác phẩm của nhà văn Mai Văn Trọng, điều độc giả dễ dàng cảm nhận chính là mạch cảm xúc chân thành cùng lối dẫn dắt câu chuyện một cách tự nhiên.

Tuy muộn màng, nhưng trong vòng 3 năm từ 2009 đến 2011, nhà văn Mai Văn Trọng đã xuất bản 4 cuốn tiểu thuyết với những đề tài khác nhau. Đầu tiên là cuốn tiểu thuyết Gió bụi đường đời gồm 2 tập được Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2009. Gió bụi đường đời kể về cuộc đời của một người phụ nữ thành đạt vốn xuất thân từ cuộc sống lang thang bụi đời. Đây là một nhân vật có thật đang sinh sống ở TP. Hồ Chí Minh, qua ngòi bút của nhà văn Mai Văn Trọng, cuộc đời người phụ nữ này đã hiện lên với tất cả những gì của tột cùng đau khổ cũng như nghị lực mạnh mẽ vượt lên trên số phận để đóng góp những điều hữu ích cho đời. Để viết nên cuốn tiểu thuyết này, ông đã phải vào tận TP. Hồ Chí Minh để tìm gặp nhân vật. Năm 2009, nhà văn Mai Văn Trọng còn tiếp tục cho in tập tiểu thuyết Năm tháng đợi chờ, ghi lại một cách chân thực tình cảm của bản thân ông với những người bạn cùng trang lứa. Đó là cuốn tiểu thuyết mang dấu ấn cá nhân, nhưng lại mang hình bóng của một thế hệ thanh niên Việt Nam hăng say lao động, chiến đấu để cống hiến cho Tổ quốc.

Năm 2010, nhà văn Mai Văn Trọng gửi tới độc giả cuốn tiểu thuyết lịch sử Lời thề độc lập. Cuốn sách kể về những chiến công của các chiến sĩ mặt trận 23-10 Nha Trang trong kháng chiến chống Pháp; cùng với đó là tình cảm thắm thiết quân dân trong những ngày máu lửa trên quê hương xứ Trầm. Một người con xứ Thanh vừa vào đất Nha Trang sinh sống nhưng đã có những trang sách đầy ý nghĩa về lịch sử của con người và vùng đất Khánh Hòa chính là một lời tri ân của tác giả đối với mảnh đất này. Vào khoảng thời gian cuối năm 2011, tập tiểu thuyết tự sự Quê hương yêu dấu được nhà văn Mai Văn Trọng cho xuất bản. Dung lượng tập tiểu thuyết chỉ hơn 250 trang, nhưng ở đó chứa đựng tất cả những kỷ niệm sâu lắng, nghĩa tình của tuổi thơ ông. Ở độ tuổi 70, những hoài niệm của ông về thời thơ ấu càng trở nên đằm thắm, da diết, có sức lay động lòng người một cách sâu sắc. Hai cuốn sách này của ông đã nhận được giải thưởng văn học nghệ thuật tỉnh vào các năm 2010 và 2011.

4 cuốn tiểu thuyết chưa phải là con số cuối cùng của nhà văn Mai Văn Trọng. Bởi khi chúng tôi đến, ông vẫn đang miệt mài bên tập bản thảo cuốn tiểu thuyết Chuyện một người lính được ông dự kiến cho xuất bản trong năm 2012. Tiểu thuyết của nhà văn Mai Văn Trọng là những trang viết gần gũi, mộc mạc, chân thành. Ở đó, người đọc thấm được những giá trị của cuộc sống đời thường. Với ông, viết tiểu thuyết là một nhu cầu tự thân nhưng đó cũng là cách để ông trả nợ nghĩa tình với bạn bè, quê hương và cuộc đời.

NHÂN TÂM