11:05, 18/05/2015

Thi đua dạy tốt - học tốt

Thực hiện lời Bác dạy về đẩy mạnh thi đua dạy tốt - học tốt, 5 năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.

Thực hiện lời Bác dạy về đẩy mạnh thi đua dạy tốt - học tốt, 5 năm qua, ngành Giáo dục tỉnh Khánh Hòa đã đạt được những kết quả đáng khích lệ.


Để thi đua dạy tốt - học tốt trở thành phong trào thường xuyên, các đơn vị, trường học đã kết hợp, lồng ghép các đợt thi đua trong suốt năm học gắn liền với các chủ điểm lớn như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Dân chủ - Kỷ cương - Tình thương - Trách nhiệm”, “Xây dựng trường học thân thiện - học sinh tích cực”; xây dựng nhà trường nề nếp kỷ cương, xanh - sạch - đẹp... Trường THPT Lý Tự Trọng (TP. Nha Trang) đã xây dựng các tiêu chí và quy trình đánh giá thi đua cho giáo viên và học sinh. Đối với giáo viên, nội dung thi đua gắn liền với việc tích cực đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng phát huy trí tuệ, tính tích cực, sáng tạo của học sinh, giáo dục lòng nhân ái, kỹ năng sống cho học sinh, tự giác học tập nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ... Đối với học sinh, bên cạnh việc tích cực học tập, rèn luyện kỹ năng sống, cần tích cực tham gia các phong trào do nhà trường, đoàn thể phát động. Tại Trường THPT Ngô Gia Tự (TP. Cam Ranh), những năm qua, công tác quản lý, dạy và học, sinh hoạt tổ chuyên môn từng bước được đổi mới. Trường còn tổ chức nhiều hoạt động như giáo dục kỹ năng sống, giáo dục hướng nghiệp, tổ chức các câu lạc bộ bộ môn, tuần trí tuệ vàng, tích cực tham gia các hội thi giáo viên dạy giỏi, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật...

 

Phong trào thi đua dạy tốt - học tốt tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục. Ảnh: T.H
Phong trào thi đua dạy tốt - học tốt tạo động lực nâng cao chất lượng giáo dục


Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục đều thực hiện việc sơ kết, tổng kết thi đua theo tuần, theo đợt, học kỳ, theo từng chủ điểm để đánh giá những mặt làm được và chưa làm được của từng lớp, từng chi đoàn và từng cá nhân. Đối với cán bộ, công chức, viên chức, công tác thi đua được theo dõi, đánh giá hàng tháng, theo học kỳ và cuối năm học. Kết quả các đợt thanh tra chuyên đề hoặc thanh tra chuyên ngành đều được sử dụng vào việc đánh giá, xếp loại thi đua các đơn vị, từng cán bộ, công chức, viên chức...


Trong phong trào thi đua dạy tốt - học tốt, ngành Giáo dục tỉnh đặc biệt chú trọng xây dựng và phát huy các nhân tố mới, các điển hình tiên tiến trong giai đoạn mới. Mỗi cấp học đều có các tập thể điển hình, được lựa chọn là lá cờ đầu về thi đua như: các trường mầm non: Hương Sen, 8-3, Lý Tự Trọng (Nha Trang), Hoa Phượng (Diên Khánh), Hoa Mai, 2-4 (Cam Ranh), 2-9 (Ninh Hòa); các trường tiểu học: Lộc Thọ, Phước Tiến (Nha Trang), Tiểu học Thị trấn 1, Diên Điền (Diên Khánh), Tiểu học số 3 Ninh Hiệp, Ninh Đa (Ninh Hòa); các trường THCS: Thái Nguyên, Nguyễn Hiền (Nha Trang), Lê Hồng Phong, Nguyễn Thị Minh Khai (Cam Ranh), Hùng Vương (Ninh Hòa); các trường THPT: chuyên Lê Quý Đôn, THPT Lý Tự Trọng, Nguyễn Văn Trỗi (Nha Trang), Ngô Gia Tự, Trần Hưng Đạo (Cam Ranh), Hoàng Hoa Thám (Diên Khánh)... Ngoài ra, còn có các cá nhân điển hình góp phần tích cực trong phong trào thi đua của từng đơn vị và của toàn ngành. Thực hiện xã hội hóa giáo dục, ngành đã vận động được nhiều doanh nghiệp, các nhà hảo tâm hỗ trợ, phối hợp với các cấp quản lý giáo dục tuyên dương, khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân tiêu biểu. Theo thầy Võ Đức Cao Cường, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Vạn Ninh), việc phát động các phong trào thi đua, xây dựng điển hình tiên tiến đã có sức lan tỏa sâu rộng trong mọi hoạt động của nhà trường, tạo động lực để các cá nhân, tập thể phấn đấu vươn lên, nâng cao chất lượng dạy và học.


Nhờ đẩy mạnh các phong trào thi đua nên chất lượng giáo dục trên địa bàn tỉnh những năm qua đã có nhiều chuyển biến. Đội ngũ giáo viên của tỉnh đã được đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn về trình độ, đáp ứng yêu cầu sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo trong giai đoạn hiện nay. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ở mỗi địa phương được tăng cường theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, đồng bộ hóa, cảnh quan môi trường sư phạm ngày càng được cải thiện. Mạng lưới trường lớp phát triển đa dạng, tăng 25 trường so với năm 2010 (mầm non tăng 11 trường, THCS tăng 14 trường). Các đề án xây dựng mới trường học và cơ sở giáo dục cũng đang được triển khai tích cực.


Theo ông Phan Văn Dũng, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, phong trào thi đua trong toàn ngành còn có những khó khăn như: Các điều kiện dạy và học, đời sống một bộ phận cán bộ giáo viên còn thiếu thốn; trình độ của giáo viên chưa đồng đều, chất lượng học tập của một bộ phận học sinh ở các địa bàn vùng sâu vùng xa và các trường ngoài công lập còn nhiều mặt hạn chế, ảnh hưởng nhất định đến việc tổ chức, duy trì công tác thi đua trong một số trường học. Thời gian tới, ngành tiếp tục đổi mới các hoạt động thi đua, khen thưởng để tạo động lực nâng cao chất lượng, hiệu quả giáo dục.


T.V



Hiện toàn tỉnh có 172 trường đạt chuẩn quốc gia, tăng 89 trường so với năm 2010. Trong 5 năm qua (2011 - 2015), tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt từ 98 đến 99,6%; tốt nghiệp bổ túc THPT đạt từ 72,9 đến 91,6%; học sinh giỏi cấp tỉnh cấp THCS có 474 học sinh, cấp THPT có 471 học sinh; học sinh giỏi cấp quốc gia có 51 học sinh. Năm 2014, tỉnh Khánh Hòa xếp thứ 8/63 tỉnh, thành trên toàn quốc về kết quả thi đại học (năm 2010 đứng vị trí thứ 32); có 3 trường trong tốp 150 trường THPT có điểm thi đại học cao nhất toàn quốc là: THPT chuyên Lê Quý Đôn (xếp thứ 19), THPT Lý Tự Trọng (xếp thứ 100), THPT Nguyễn Trãi (xếp thứ 140).