11:05, 13/05/2015

Luôn tâm niệm là bộ đội Cụ Hồ

Gặp lại tôi sau 1 năm, cựu chiến binh Lê Quang Dưỡng (trú thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vui vẻ cho biết, năm 2014, ông đã mở rộng quy mô sản xuất, vất vả hơn, nhưng cơ hội giúp mọi người cũng nhiều hơn.  

Gặp lại tôi sau 1 năm, cựu chiến binh (CCB) Lê Quang Dưỡng (trú thôn Tân Xương 1, xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa) vui vẻ cho biết, năm 2014, ông đã mở rộng quy mô sản xuất, vất vả hơn, nhưng cơ hội giúp mọi người cũng nhiều hơn.    


Lăn lộn khai hoang để làm giàu


Từ cuối con đường đất đỏ thuộc thôn Xuân Phú, xã Suối Tiên (Diên Khánh), ông Dưỡng dẫn tôi lên vùng đồi bát ngát đang trồng chuối, mía, keo, rồi ông cười, nói vui: “Nào, ta cùng thăm khách sạn của… heo!”. Đó chính là trang trại nuôi heo trong phòng lạnh được ông đầu tư xây dựng từ tháng 8-2014 với diện tích 1.400m2, quy mô dự kiến 1.200 heo thịt, vốn đầu tư 1,8 tỷ đồng (trong đó ông vay ngân hàng 1,2 tỷ đồng).

 

Vườn chuối của ông Dưỡng (áo sẫm) sẽ thu hoạch vào cuối năm nay.
Vườn chuối của ông Dưỡng (áo sẫm) sẽ thu hoạch vào cuối năm nay


Nhập ngũ năm 1967, một năm sau ông Dưỡng vào Nam chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, Quảng Nam, Quảng Ngãi và trở thành trung đội trưởng. Năm 1976, ông xuất ngũ, về làm Phó Bí thư Huyện đoàn Khánh Vĩnh rồi tổ trưởng tổ sản xuất đá Công trường đá Suối Dầu. Bắt đầu từ đó, vợ chồng ông ở nhờ nhà đồng đội và vật lộn mưu sinh trên vùng đất đầy sỏi đá, cỏ lác bằng hai bàn tay trắng. Ngày khai hoang, đêm trồng cây, lúc rảnh lại đi học tập mô hình làm ăn hiệu quả ở các địa phương, tìm hiểu tiến bộ khoa học kỹ thuật. 3 năm đầu về Cam Lâm khai hoang, gia đình ông trồng được 3ha mía và hơn 1.000 cây chuối. Năm 2000, được giao và mướn thêm đất, ông Dưỡng chuyên tâm trồng mía. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm canh tác, nhà máy đường lại thu mua muộn nên nhà ông ứ đọng mía rất nhiều, lỗ trắng. Dẫu vậy, ông vẫn không nản: “Đi chiến đấu một sống hai chết còn chẳng sợ, sao sản xuất lại chịu thua? Mình là bộ đội Cụ Hồ mà!”. Ông Dưỡng mạnh dạn vay ngân hàng, phá bỏ mía cũ, trồng mía mới, mướn hơn 40ha đất, tiếp tục đổ mồ hôi “tưới” đất. Và đất đã không phụ công người. Năm lời nhiều, ông thu về 200 - 300 triệu đồng, ít cũng được 100 triệu đồng. Năm 2013, gia đình ông đã có 35ha đất (thuê 15ha) trồng mì và mía. Năm 2014, ông trồng thêm 3.000 gốc chuối, 200 cây bưởi, 15ha mía, 7ha mì, doanh thu khoảng 950 triệu đồng, lãi chừng 150 triệu đồng. Ông bảo, năm nay đầu tư cho trại heo lạnh khá tốn kém, mì, mía cũng không đạt yêu cầu do thời tiết bất thường, nhưng ông vẫn vui vì từ năm 2015 chỉ sản xuất trên diện tích đất nhà 20ha, không phải thuê đất nữa.  


Tích cực giúp đỡ mọi người


Cùng với phát triển kinh tế, chăm lo cho người vợ bệnh tim và 3 con trai trưởng thành, có việc làm ổn định, ông Dưỡng không quên giúp đỡ những người gặp khó khăn. “Không chỉ là hội viên CCB làm kinh tế giỏi, ở địa phương, ông Dưỡng còn giúp đỡ mọi người, tích cực tham gia các phong trào nên luôn được bà con yêu mến”, bà Phạm Thị Vinh - Chi hội trưởng Chi hội CCB 1 thôn Tân Xương nhận xét.

 

Ông Thái Cao Bình - Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Cam Lâm: Ông Lê Quang Dưỡng là hội viên sản xuất giỏi cấp Trung ương nhiều năm liền. Mô hình sản xuất của gia đình ông là mô hình tiêu biểu ở Cam Lâm. Hội CCB huyện đã tổ chức cho hội viên đi học tập mô hình này.

Để giúp những hộ làm thuê cho mình đi lại thuận tiện, ông cho họ mượn tiền mua xe máy mà không cấn trừ vào tiền công. Năm 2014, ông hỗ trợ hơn 46.000 ngọn mía giống cho 7 hộ. Cô giáo Nguyễn Thị Đào - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Vành Khuyên cho biết, con đường dẫn vào trường bằng bê-tông, sử dụng từ tháng 7-2012 có được cũng là nhờ ông Dưỡng đứng ra thi công với tổng kinh phí khoảng 40 triệu đồng. Năm 2014, ông lại tiếp tục ủng hộ nhà trường 47 triệu đồng để làm tiếp đường nối đến khu phòng học mới và sân trường, diện tích chừng 1.000m2. “Cái được lớn hơn là việc làm này khiến các phụ huynh khác noi theo, góp phần làm công tác xã hội hóa của nhà trường thuận lợi”, cô Đào cho biết.


Đến nhà ông, tôi đếm được mấy chục giấy khen, bằng khen các loại về thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua CCB giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi dành cho ông. Mới nhất là bằng khen của UBND tỉnh về thành tích 5 năm tham gia phong trào xóa đói giảm nghèo của CCB và bằng khen của Tổng hội đường Trường Sơn về thành tích lao động sản xuất năm 2014. Đó là chưa kể danh hiệu hội viên Hội CCB, hội viên Hội Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp Trung ương từ năm 2002 đến nay. Ông Dưỡng tâm sự: Hiện chỉ cảm thấy băn khoăn vì giúp mọi người ít quá. Năm 2014, ông đầu tư lớn cho trại heo, trồng trọt không như ý nên tiền thu chỉ đủ trả lãi ngân hàng 10 triệu đồng/tháng và thuốc thang chữa bệnh cho vợ. “Hy vọng năm nay, trại heo lạnh được đưa vào hoạt động sẽ cho thu nhập ổn định, từ đó có cơ hội giúp mọi người nhiều hơn”, ông Dưỡng nói.


TIỂU MAI