09:09, 27/09/2013

Thiếu kinh phí đầu tư cho trường học

Hiện nay, huyện Vạn Ninh đang gặp khó khăn về kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đạt chuẩn theo quy định của Chương trình xây dựng nông thôn mới.

Hiện nay, huyện Vạn Ninh đang gặp khó khăn về kinh phí để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học đạt chuẩn theo quy định của Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM).

 

Ông Phan Văn Dũng - Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo: Ngành Giáo dục đã có nhiều cố gắng, nhưng so với thực tế vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là từ khi chuyển từ mầm non dân lập sang công lập. Đối với huyện Vạn Ninh, hiện nay vẫn có nhiều điểm trường lẻ và do nhiều yếu tố tác động nên cơ sở vật chất của trường học bị xuống cấp, đang rất cần nguồn kinh phí để sửa chữa. Để các trường học trên địa bàn tỉnh nói chung và ở huyện Vạn Ninh nói riêng đạt chuẩn, rất cần sự quan tâm của tỉnh về kinh phí.

Theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia về XDNTM, trường học là tiêu chí bắt buộc phải hoàn thành với yêu cầu cao. Ngoài hệ thống trường lớp khang trang, sạch sẽ, đảm bảo yêu cầu diện tích tối thiểu 10m2/học sinh, các xã tham gia Chương trình XDNTM phải đảm bảo cả về hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học đạt chuẩn. Ông Nguyễn Hồng - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Vạn Ninh cho biết: “Để được công nhận đạt chuẩn quốc gia, các trường học phải thực hiện rất nhiều tiêu chuẩn theo quy định. Trong đó, tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học rất khó đạt. Nguyên nhân là do cơ sở vật chất chưa bảo đảm, muốn xây dựng mới đòi hỏi kinh phí rất lớn. Trong khi hầu hết các trường học từ mầm non đến trung học cơ sở (THCS) trên địa bàn huyện đang thiếu vốn đầu tư cho các công đoạn như: Nâng cấp điểm trường, trang thiết bị dạy học, cổng rào, sân chơi, nhà vệ sinh, nhà ăn bán trú, các hạng mục nhỏ...”.


Để xây dựng 53 trường học đạt chuẩn, huyện Vạn Ninh cần số vốn hơn 202 tỷ đồng. Trong đó, khối mầm non 63 tỷ đồng, tiểu học 104,2 tỷ đồng, THCS 35 tỷ đồng. Ông Nguyễn Từng - Phó Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Vạn Ninh cho biết: “Thời gian qua, việc đầu tư cho lĩnh vực giáo dục còn ít. Do thiếu kinh phí nên toàn huyện mới chỉ có 12/53 trường được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia. Phần lớn các trường học chưa được đầu tư xây dựng, nâng cấp khu phục vụ học tập; khu phòng bộ môn còn thiếu; các phòng học đang xuống cấp; hàng rào, cổng còn tạm bợ, các lối đi trong sân trường chưa được bê tông... Cụ thể, khối mầm non mới chỉ có 5/14 trường đạt yêu cầu; tiểu học 8/26 trường; THCS 5/13 trường. Thực tế này khiến cho hiệu quả trong công tác giáo dục của huyện còn hạn chế.

Trường Mẫu giáo xã Vạn Phú đang được xây dựng.
Trường Mẫu giáo xã Vạn Phú đang được xây dựng.


Bà Nguyễn Thị Xuân - Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo xã Vạn Phú cho biết: “Trường chúng tôi có 5 điểm trường đặt tại 5 thôn của xã với hơn 250 cháu. Hầu hết các điểm trường chưa thể dạy bán trú vì cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu. Vừa qua, nhờ nguồn vốn của Đề án phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi đầu tư hơn 5,3 tỷ đồng nên trường bắt đầu xây dựng cơ sở mới; còn nguồn vốn từ Chương trình XDNTM đến nay vẫn chưa có, trong khi Vạn Phú là 1 trong 3 xã điểm XDNTM, phải hoàn thành các tiêu chí vào năm 2015”.  


Ông Nguyễn Hồng cho biết, hiện nay, nhiều xã vẫn chưa có trường đạt chuẩn quốc gia. Vì thế, Ban chỉ đạo XDNTM Trung ương, tỉnh nên xem xét, hỗ trợ cho huyện nguồn kinh phí xây dựng trường lớp. UBND tỉnh và UBND huyện Vạn Ninh cần tạo cơ chế thu hút doanh nghiệp đầu tư cho các xã điểm về XDNTM, đẩy mạnh công tác xã hội hóa trong các hoạt động xây dựng trường lớp nhằm tháo gỡ khó khăn về kinh phí xây trường học cho các xã. Còn theo ông Nguyễn Từng, việc gặp khó ở tiêu chí trường học trong XDNTM không chỉ là thách thức với các xã, mà còn với chính lộ trình của huyện và tỉnh đề ra. Vì vậy, để 100% xã điểm đạt và hoàn thành 19/19 tiêu chí XDNTM cần có sự hỗ trợ, vào cuộc tích cực của ngành Giáo dục cũng như các cấp. Để giải quyết “nút thắt” trường chuẩn, ngoài việc huy động, tranh thủ kinh phí từ các nguồn dành cho giáo dục, Ban chỉ đạo XDNTM từ cấp xã, huyện đến tỉnh cần kiến nghị Chính phủ dành cho lĩnh vực giáo dục một cơ chế đặc thù về đất xây trường, mua sắm trang thiết bị dạy học. Có như vậy, tiêu chí về trường học mới có thể bắt kịp các tiêu chí khác trong quá trình XDNTM.


PHÚ VINH