06:10, 15/10/2016

Mong những cây cầu

Theo khảo sát của Sở Giao thông vận tải, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 40 cầu dân sinh cấp xã cần được sửa chữa, làm mới. Tuy nhiên, do các xã không có kinh phí nên nhiều năm nay, người dân phải tự làm cầu tạm hoặc lội suối để đi dẫn đến nhiều nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ.

Theo khảo sát của Sở Giao thông vận tải, toàn tỉnh Khánh Hòa có gần 40 cầu dân sinh cấp xã cần được sửa chữa, làm mới. Tuy nhiên, do các xã không có kinh phí nên nhiều năm nay, người dân phải tự làm cầu tạm hoặc lội suối để đi dẫn đến nhiều nguy hiểm, nhất là vào mùa mưa lũ.


Nỗi lo mùa lũ


Từ Quốc lộ 26, men theo con đường lởm chởm đất và đá dài gần 1km, chúng tôi mới đến được cống tràn Suối Mít, nằm ở xã Ninh Tây (thị xã Ninh Hòa). Cống tràn được đắp tạm bằng đất và đá dài 12m, rộng hơn 2m là con đường độc nhất nối cánh nam của thôn với cánh bắc và các thôn khác của xã. Trời không mưa nhưng nước dưới cống chảy khá xiết, có lúc còn tràn qua mặt cống.

 

Cầu tuyến 3000 sẽ được xây dựng thêm một chiếc cầu cao bên cạnh
Cầu tuyến 3000 sẽ được xây dựng thêm một chiếc cầu cao bên cạnh


Ông Ngô Sáu - người dân ở đây cho biết: “Nước thế này còn đi lại được, nhưng chỉ cần mưa khoảng nửa tiếng, nước lũ trên thượng nguồn tràn về dâng cao gần 4m thì khu vực này bị chia cắt hoàn toàn. Có khi chỉ 3, 4 tiếng nước rút, nhưng có khi mất cả ngày. Năm nào ở đây cũng có người bị lũ cuốn trôi, may đều được cứu kịp thời”. Theo ông Sáu, để tránh bị nước cuốn, vào mùa lũ, người dân cánh nam khi qua cống tràn thường đi thành từng đoàn, giăng dây từng đoạn dọc con suối phòng khi có người bị lũ cuốn trôi có nơi bám víu.


Ông Bùi Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã Ninh Tây cho biết, xã Ninh Tây có 5 cầu dân sinh thiết yếu cần được xây dựng. Trong đó, có 3 cây cầu cần được làm sớm là: Suối Chình 1, 2 và Suối Mít. Riêng Suối Mít là bức thiết nhất vì ở khu vực này có hơn 50 hộ với hơn 150 khẩu sinh sống, chưa kể có khoảng 50 hộ có rẫy sản xuất ở các thôn khác cũng thường xuyên qua lại. “Để hạn chế người dân gặp nguy hiểm khi qua suối, cách đây 3 năm, xã vận động bà con đóng góp làm cống tràn. Tuy nhiên, cống tràn này chỉ đi được vào mùa khô, còn mùa mưa gặp rất nhiều khó khăn. Mong muốn của bà con là sớm có được cây cầu kiên cố để đi lại, nhưng kinh phí của xã không có”, ông Hưng chia sẻ.

 

Khu vực cầu Suối Mít được xã đổ đất, đá cho người dân đi tạm
Khu vực cầu Suối Mít được xã đổ đất, đá cho người dân đi tạm


Không chỉ khó khăn trong đi lại, nhiều người dân ở đây cho biết, do không có cầu kiên cố, xe thu mua nông sản không vào được nên khi đến mùa thu hoạch, bà con phải tăng bo bằng xe cọc cạch, cộ bò dẫn đến chi phí vận chuyển tăng, gây thất thu cho bà con.  


Theo hướng dẫn của người dân xã Ninh Tân (thị xã Ninh Hòa), chúng tôi đến tuyến 2200. Đây là đường đi vào khu vực sản xuất cây lương thực trọng điểm của xã, rộng khoảng 700 - 800ha với hơn 200 hộ canh tác. Nơi này chia cắt khu dân cư bởi con suối sâu hơn 5m, rộng khoảng 13m. Theo người dân, trước đây ở khu này có cầu gỗ, nhưng đã bị lũ cuốn hơn 2 năm nay. Chỉ vết tích 2 móng cầu gỗ còn lại ở 2 bên suối, ông Nguyễn Văn Tuấn - một hộ dân cho biết: “Bình thường, nước ở đây ngập đến mắt cá hoặc đầu gối. Nhưng khi lũ về nước dâng rất nhanh và cao, có khi lên đến 4m”. Mặc dù biết nguy hiểm, nhưng nhiều người dân vẫn lội bộ qua suối để đến khu sản xuất.

 

Mỗi lần mưa lũ, khu vực cầu Suối Mít bị ngập hoàn toàn, các hộ dân bị cô lập
Mỗi lần mưa lũ, khu vực cầu Suối Mít bị ngập hoàn toàn, các hộ dân bị cô lập


Ông Võ Ngọc Phi Vũ - Chủ tịch UBND xã Ninh Tân cho biết, xã có 3 địa điểm cần xây cầu dân sinh. Trong đó, tuyến 3000 đi vào thôn Suối Sâu, thôn đặc biệt khó khăn của xã đã có cầu tràn. Ở tuyến 2200, 5 năm trước, UBND xã có làm cầu gỗ để bà con đi lại, hàng năm đều có gia cố. Tuy nhiên, cách đây 2 năm, nước lũ tràn về cuốn trôi cây cầu. “Đến mùa lũ, các khu vực này bị chia cắt hoàn toàn với bên ngoài, gây khó khăn trong đi lại và sản xuất của bà con. Mỗi khi có lũ, xã phải cắt cử người canh gác không cho người dân qua lại. Nhờ áp dụng triệt để các biện pháp trên, 10 năm nay, ở các khu vực này chưa xảy ra trường hợp đáng tiếc nào”, ông Vũ nói.


Người dân sống ở khu vực Suối Khao, thôn Suối Thơm, xã Khánh Đông (huyện Khánh Vĩnh) vẫn nhớ như in trường hợp một người dân bị lũ cuốn trôi mất tích khi đi từ khu vực sản xuất về cách đây 10 năm. Được biết, đây là đường dẫn qua khu vực sản xuất rộng 80ha của người dân thôn Suối Thơm. Để có thể đi qua suối vào mùa mưa, người dân ở đây cắm các cọc vịn nối từ bên này qua bên kia suối. Chị Lê Thị Thu An - người dân sống gần khu vực này cho biết: “Trong một lần lùa bò qua khu vực sản xuất, nước lũ dâng đột ngột, tôi bị cuốn trôi 30 - 40m. May mà tôi được người dân cứu kịp thời. Chúng tôi mong Nhà nước sớm xây cầu để bà con an tâm qua lại canh tác, thu hoạch vào mùa lũ”.


Cú hích cho giao thông nông thôn


Hiện nay, có không ít công trình giao thông thuộc cấp xã quản lý đã hư hỏng, xuống cấp, nhưng do điều kiện kinh phí của địa phương hạn hẹp nên không được sửa chữa kịp thời.

 

Những chiếc cầu tạm sẽ được thay thế bằng cầu bê tông
Những chiếc cầu tạm sẽ được thay thế bằng cầu bê tông

 

*Dự án LRAMP có tổng mức đầu tư 408,93 triệu USD, gồm 385 triệu USD vay vốn ODA từ WB và 23,93 triệu USD vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam. Dự án sẽ nâng cấp, cải tạo 676km đường; bảo dưỡng thường xuyên 61.109km đường tại 14 tỉnh; xây dựng 2.174 cầu dân sinh tại 50 tỉnh trong thời gian từ năm 2016 - 2021. Đây là dự án hạ tầng đường bộ vay vốn WB lớn nhất từng được triển khai tại Việt Nam với mục tiêu xây dựng cầu dân sinh, đảm bảo an toàn giao thông vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2014 - 2021.

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt danh mục Dự án Xây dựng cầu dân sinh và quản lý tài sản đường địa phương (gọi tắt Dự án LRAMP) trên cả nước. Theo đó, tỉnh Khánh Hòa là một trong 50 tỉnh, thành phố trong cả nước được thụ hưởng từ dự án này. Tại hợp phần cầu, tỉnh Khánh Hòa được đầu tư xây dựng 20 cầu dân sinh cấp xã; trong đó có 14 cầu được ưu tiên đầu tư với tổng mức khoảng 28 tỷ đồng, 6 cầu sẽ được đầu tư khi cân đối lại nguồn vốn dự án. Các cầu được đầu tư nằm trong danh mục dự án gồm: Vạn Ninh (3 cầu); Ninh Hòa (4 cầu); Khánh Vĩnh (2 cầu); Cam Ranh (5 cầu); Khánh Sơn (1 cầu).


Ông Chu Văn An - Giám đốc Ban quản lý dự án giao thông nông thôn, Sở Giao thông vận tải cho biết: “Để triển khai thực hiện dự án, sở đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn phối hợp với các địa phương trong tỉnh tập trung công tác chuẩn bị các bước của dự án; thực hiện chuẩn xác danh mục, vị trí, quy mô cầu nhằm đảm bảo số lượng và tiêu chí của dự án. Tại Khánh Hòa, dự án chia thành hai gói thầu, một gói 8 cầu và một gói 6 cầu. Các khu vực Suối Mít (xã Ninh Tây), tuyến 3000 và 2200 (xã Ninh Tân) và Suối Khao (xã Khánh Đông) đều nằm trong 2 gói thầu này. Hiện nay, sở đã bán hồ sơ mở thầu tư vấn thiết kế. Dự kiến đầu năm 2017, sở sẽ thực hiện đấu thầu, triển khai thi công và hoàn thành trong năm”.


Có thể nói, Dự án LRAMP có ý nghĩa quan trọng giúp các địa phương, nhất là ở cấp xã phát triển hạ tầng giao thông, giảm gánh nặng trong việc huy động nguồn vốn, ngân sách để xây dựng mới các cầu dân sinh đã xuống cấp, hư hỏng nặng. Đây được xem như một cú hích cho giao thông nông thôn trên cả nước nói chung và tỉnh Khánh Hòa nói riêng.


THẢO LY - CẨM VÂN