10:09, 30/09/2016

Lối về

Tìm lại được niềm tin, sự lạc quan yêu đời và nỗ lực thay đổi cuộc sống là những gì mà chúng tôi thấy được ở họ - những người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.

Tìm lại được niềm tin, sự lạc quan yêu đời và nỗ lực thay đổi cuộc sống là những gì mà chúng tôi thấy được ở họ - những người đang tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone.


Lạc lối


Khi chúng tôi đến nhà, anh C.M.T. (Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) đang cho tôm ăn ở đìa nuôi gần nhà. Nhìn người đàn ông rắn rỏi, mạnh khỏe và sạm đen vì nắng gió, không ai nghĩ anh T. đã nghiện ma túy hơn chục năm nay. Kéo chiếc thuyền thúng lên bờ, lau vội giọt mồ hôi, anh T. kể về những tháng ngày đen tối trong cuộc đời của mình khi phiêu cùng “nàng tiên nâu”. “Là con trai duy nhất trong gia đình, tiền bạc không thiếu nên khi bạn bè rủ rê, lôi kéo, tôi đã tìm đến ma túy khi mới 25 tuổi. Từ đó, tôi chìm trong những cơn ảo giác do ma túy gây ra”. Khi gia đình biết thì anh đã nghiện nặng và không thể nào dứt ra được. Mẹ của anh không chịu nổi cú sốc này đã tìm đến cửa Phật để mong anh hồi tâm chuyển ý; vợ con anh luôn sống trong không khí nặng nề, mệt mỏi.  

 

Sau khi cai nghiện thành công, anh C.M.T. (Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) đã tìm được công việc canh đìa tôm, cho thu nhập ổn định
Sau khi cai nghiện thành công, anh C.M.T. (Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa) đã tìm được công việc canh đìa tôm, cho thu nhập ổn định


Theo lời giới thiệu của nhóm Bồ Công Anh, chúng tôi tìm gặp anh L.Đ.H. (TP. Nha Trang) - người nghiện chích ma túy hơn 20 năm nay. Trước kia, anh H. là con một trong gia đình khá giả, theo lời rủ rê của bạn bè nên anh nghiện hút từ khi còn ngồi ghế nhà trường. Cha mẹ van nài anh cũng cai nghiện vài lần nhưng cũng lại tái nghiện. Dường như sự quyết tâm của bản thân chưa đủ kéo anh ra khỏi những cơn thèm thuốc gây ra. Chỉ khi anh phải đối mặt với cú sốc tinh thần về nỗi đau mất mát người thân, anh mới chợt tỉnh ngộ. “Tôi đã trải qua những tháng ngày đau khổ. Khi tôi đang mải mê “phê” với thuốc thì bố mẹ tôi lần lượt bệnh nặng rồi qua đời. Tôi vô cùng ân hận, vì tôi là con một trong gia đình, đã không chăm sóc cho bố mẹ già lại còn làm ông bà khổ tâm đến lúc chết. Giá như tôi tỉnh ngộ sớm hơn, có lẽ đã không ra nông nỗi này…”, anh H. thở dài. Sau khi bố mẹ qua đời, bao nhiêu tiền của bố mẹ để lại, anh đều nướng hết vào ma túy. Hết tiền, không còn người thân bên cạnh, bạn bè xa lánh, anh H. sống bơ vơ, lạc lõng giữa đời.


Cũng như bao thanh niên khác, N.V.T. sinh năm 1991 (xã Vạn Lương, huyện Vạn Ninh) từng là người sống hoài bão và ước mơ. Trong một lần liên hoan cuối năm, nghe bạn bè lôi kéo sử dụng chất kích thích để cuộc chơi thêm phần vui vẻ, T. đã dính vào ma túy lúc nào không hay. Từ đứa con ngoan hiền, T. trở thành người lừa dối bố mẹ, người thân để có tiền mua thuốc. Quãng thời gian địa ngục đến với cả gia đình khi T. không còn tỉnh táo nhận biết đúng sai, làm bất cứ chuyện gì miễn sao để đáp ứng cơn thèm thuốc của mình. Bao nhiêu đồ đạc có giá trị trong nhà đều đã “đội nón ra đi” để đổi lại là cảm giác “phê” thuốc. T. cho biết, có ngày cơn nghiện lên cao, anh phải bỏ ra hàng triệu đồng cho việc mua thuốc. Khi lên cơn nghiện, anh cùng đám bạn đi trộm cắp, đã nhiều lần bị đánh đập, vào tù ra tội...


Thắp niềm hy vọng


Trong căn phòng do nhóm Bồ Công Anh cho mượn ở tạm, anh H. sắp xếp lại các đồ vật cho gọn, rồi khoe: “Hơn 20 năm sống bờ, sống bụi, nhờ nhóm Bồ Công Anh giờ tôi mới có được chổ ở ổn định, có được công việc lương thiện là chạy xe ôm”. Giữa năm 2015, anh H. được nhóm Bồ Công Anh tiếp cận, tư vấn, giới thiệu điều trị bằng Methadone. Cả nhóm còn góp tiền mua cho anh chiếc xe máy để làm kế sinh nhai. Qua gần 1 năm điều trị Methadone, hiện nay, anh không còn thèm ma túy nữa. Nghề xe ôm tuy bấp bênh nhưng thu nhập cũng đủ nuôi sống anh qua ngày. Anh đang cố gắng thay đổi cuộc sống để không phụ lòng những người đã giúp mình. Khi được hỏi về tương lai, anh cười cho biết, trước đây không dám nghĩ tới nhưng giờ anh đang nuôi hy vọng sau này mình cũng sẽ có được một mái ấm gia đình để đi về. Nhìn đôi mắt tràn đầy niềm tin trên khuôn mặt sạm đen của anh, chúng tôi tin những tia hy vọng ấy sẽ sớm thành sự thật.

 

Người nghiện uống thuốc Methandone tại cơ sở 2 Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa
Người nghiện uống thuốc Methandone tại cơ sở 2 Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa


Được gia đình động viên, khuyên nhủ và nhất là nghĩ tới 2 đứa con nhỏ, anh C.M.T. đã quyết tâm cai nghiện. Ban đầu, gia đình đưa anh vào TP. Nha Trang cai nghiện. Sau một thời gian vượt qua những cơn vật vã, nóng lạnh vì thèm thuốc, khi trở về nhà, anh lại lên cơn nhớ thuốc và vẫn ngựa quen đường cũ. Không để người thân trượt dài trên con đường nghiện ngập, mẹ và vợ anh C.M.T. tìm hiểu và đăng ký cho anh tham gia điều trị bằng Methadone. Quãng đường từ nhà đến cơ sở 2 Trung tâm Y tế thị xã Ninh Hòa gần chục cây số, nhưng anh C.M.T. đã duy trì uống Methadone thường xuyên trong một năm qua không bỏ ngày nào. Do vậy, sức khỏe của anh khá tốt, thoạt nhìn không ai nghĩ rằng anh có “thâm niên” nghiện hơn chục năm. Hiện tại, anh canh đìa nuôi tôm và ốc hương cho người thân ở gần nhà và buôn bán dầu cho các đìa tôm khác. Thu nhập cũng được hơn 7 triệu đồng/tháng. Anh C.M.T. đang ấp ủ dự định tự đứng ra cung ứng một số dịch vụ phục vụ cho việc nuôi hải sản tại địa phương. Vì vậy, trong thời gian này, vợ chồng anh đang tích lũy vốn để thực hiện dự định đó trong thời gian sớm nhất.


Anh N.T.C (phường Cam Thuận, TP. Cam Ranh) tham gia điều trị Methadone được 5 tháng. Anh C. kể, anh nghiện ma túy hơn 5 năm. Khi được nhóm CBO Bạn và Tôi (phụ trách địa bàn huyện Cam Lâm và TP. Cam Ranh) tiếp cận, tư vấn, hướng dẫn đi xét nghiệm, anh mới biết mình bị nhiễm HIV. Anh C. chia sẻ: “Tôi vừa mới lập gia đình, cũng may nhờ phát hiện, được điều trị dự phòng sớm nên vợ tôi chưa bị lây nhiễm HIV, hiện vợ tôi đang mang thai. Sau khi TP. Cam Ranh triển khai điều trị Methadone, tôi đã tham gia điều trị với quyết tâm dứt bỏ được ma túy. Tôi đang đi học lại nghề hàn để sau này kiếm việc làm ổn định nuôi vợ con”.


Rộng mở tấm lòng


Phần lớn các bệnh nhân sau một thời gian điều trị cai nghiện bằng Methadone tại cơ sở đều chuyển biến tích cực. Tất cả những bệnh nhân khi được hỏi đều khẳng định ăn ngon, ngủ tốt và tăng cân, đồng thời không còn cảm giác thèm nhớ, lên cơn vật vã như trước. Nhiều người đã hòa nhập tốt và tìm lại được giá trị đích thực của cuộc sống.

 

Chương trình điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone được triển khai ở tỉnh từ tháng 8-2014, cơ sở điều trị đặt tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS. Cuối năm 2015, có thêm 2 cơ sở đặt tại thị xã Ninh Hòa và TP. Cam Ranh. Từ 50 người đăng ký tham gia điều trị ban đầu, đến nay tăng lên hơn 500 người. Trong thời gian tới, Sở Y tế sẽ mở rộng thêm các điểm cấp phát thuốc tại huyện Vạn Ninh và Cam Lâm.

Tuy nhiên, một số người tâm sự với chúng tôi, sau khi tham gia điều trị, họ không còn nghiện heroin nhưng vẫn bị kỳ thị. Tuy không nặng nề, gay gắt như trước nhưng nhiều người vẫn tỏ ra e dè khi tiếp xúc với họ, nhiều người không xin được việc làm hoặc làm được vài tháng bị cho nghỉ việc khi chủ cơ sở biết được trước kia họ là “con nghiện”. Mong muốn lớn nhất của họ là có được việc làm ổn định, vừa giúp họ kiếm được đồng tiền lương thiện làm lại cuộc đời, vừa tránh xa những cám dỗ của ma túy. N.V.T. chia sẻ, mặc dù hiện giờ anh đã cai nghiện thành công, có việc làm ổn định tại một tiệm cắt tóc nhưng khi quen bạn gái và có ý định tiến tới hôn nhân thì vẫn bị gia đình bạn gái ngăn cấm, phản đối. “Chắc ông trời muốn thử thách, nhưng tôi sẽ không từ bỏ. Tôi mong sẽ có tổ chức nào đó cho những người như chúng tôi vay vốn để tôi tự mở một tiệm cắt tóc, gây dựng sự nghiệp và xây dựng lòng tin đối với mọi người”, N.V.T. nói.


Bác sĩ Trần Văn Tin - Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh cho biết, sau hơn 2 năm triển khai điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone, khoảng 90% bệnh nhân tham gia tuân thủ tốt điều trị. Sau 3 tháng liên tục tham gia, sức khỏe của bệnh nhân ngày càng cải thiện, ăn uống sinh hoạt dần trở lại bình thường. Một số người đã tìm được việc làm; nhiều người đã có ý thức trách nhiệm với cuộc sống hiện tại; biết quan tâm, chăm sóc gia đình tốt hơn, có người còn có ý định lập gia đình. Trong quá trình điều trị, chưa có bệnh nhân dừng điều trị do tác dụng phụ của Methadone. Những bệnh nhân nhiễm HIV kèm nghiện heroin đều được điều trị đồng thời thuốc kháng HIV và Methadone; một số bệnh nhân khi đang điều trị bị mắc kèm bệnh khác hoặc phải phẫu thuật do tai nạn giao thông, sinh hoạt… thì cơ sở đều chuyển thuốc Methadone đến nơi người bệnh đang điều trị. Tuy nhiên, trong quá trình tham gia điều trị vẫn có một số bệnh nhân có nhận thức kém, không tuân thủ quy định, vẫn tiếp tục tiêm chích ma túy; có hành vi trộm cắp, gây án hình sự… gây khó khăn trong công tác tiếp nhận và điều trị.


“Hiện nay, sự kỳ thị của cộng đồng với người nghiện vẫn còn, hệ quả là nhiều người nghiện ma túy chưa được tiếp cận điều trị. Năm 2016, phần lớn nguồn kinh phí dự án tài trợ kết thúc, kinh phí Trung ương chưa cấp… đã tác động đến tính bền vững của chương trình. Các địa phương, các cấp, ngành cần làm tốt công tác phối hợp, đẩy mạnh việc tuyên truyền, có giải pháp hiệu quả để người nghiện đến với chương trình nhiều hơn”, bác sĩ Tin nói.



THẢO LY - HOÀNG DUNG