11:09, 06/09/2016

Giấc mơ đồ handmade Nha Trang

Các sản phẩm handmade (được chế tác bằng phương pháp thủ công) không còn xa lạ với người tiêu dùng. Mỗi sản phẩm là sự kết tinh từ sự tỉ mẩn và đầy sáng tạo của người thợ. Song, phía sau những món đồ handmade có xuất xứ từ phố biển Nha Trang là rất nhiều câu chuyện đầy trăn trở...

Các sản phẩm handmade (được chế tác bằng phương pháp thủ công) không còn xa lạ với người tiêu dùng. Mỗi sản phẩm là sự kết tinh từ sự tỉ mẩn và đầy sáng tạo của người thợ. Song, phía sau những món đồ handmade có xuất xứ từ phố biển Nha Trang là rất nhiều câu chuyện đầy trăn trở...


Từ niềm đam mê cháy bỏng


Trong căn nhà rộng khoảng 70m2 trên đường Phó Đức Chính (phường Vĩnh Hòa, TP. Nha Trang), đồ handmade bày biện khắp nơi. Từ nàng tiên cá đầy màu sắc tới những mặt nạ thạch cao với họa tiết phức tạp, sản phẩm nào cũng cuốn hút người xem. Những viên sỏi, hòn đá cuội vô tri, nhưng qua bàn tay tài hoa của người thợ đã trở thành một tác phẩm nghệ thuật có hồn. Trong không gian yên ả, trầm lắng, những người thợ cần mẫn thực hiện các công đoạn một cách tỉ mỉ. Chủ cơ sở sản xuất là một chàng trai còn khá trẻ. Ngồi phác thảo những mẫu hàng mới, anh Hoàng Anh Đức tếu táo: “Làm đồ handmade như chăm con mọn, tất cả công đoạn phải được trau chuốt, cẩn thận, thả hết hồn mình vào những đứa con tinh thần. Mỗi sản phẩm làm ra phải là một tác phẩm nghệ thuật in đậm phong cách của chính người làm ra nó. Đây cũng chính là lý do mà đồ handmade được khách du lịch, đặc biệt là khách nước ngoài ưa chuộng”.

 

Anh Đức vẽ phác thảo những mẫu mã mới
Anh Đức vẽ phác thảo những mẫu mã mới


Nhớ lại con đường đến với đồ handmade, anh Đức bỗng trầm tư: “Những ai đã từng làm đồ thủ công sẽ thấu hiểu, handmade không đơn thuần là cuộc dạo chơi trong thế giới mỹ thuật. Để thành công, ở đó còn phải cần tới sự đam mê thực thụ, làm sản phẩm bằng cả con tim lẫn khối óc. Đã không ít người thành công nhưng cũng lắm người thất bại khi đến với loại hình này”.


Qua lời kể của chàng trai trẻ, ngay từ khi còn nhỏ, máu mỹ thuật đã ngấm vào anh. Năm 15 tuổi, Đức đã xin vào làm tại một cơ sở điêu khắc cho đến khi thi đậu vào Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đồng Nai. Sau khi ra trường, anh đến Nha Trang lập nghiệp bằng nghề thiết kế các mô hình mỹ thuật. Nhưng với niềm đam mê đồ handmade, những lúc rảnh rỗi, anh lại mày mò làm những món đồ lưu niệm từ các loại vật liệu như: gỗ, đá sỏi, cây cỏ khô có tô điểm thêm những họa tiết mang chủ đề biển, đảo để trang trí trong nhà và tặng cho bạn bè. Thấy nhiều người rất thích và qua thời gian tìm hiểu, anh thấy thị trường đồ handmade ở Nha Trang rất có tiềm năng nên đã quyết định mở xưởng chế tác này từ năm ngoái. Chính từ niềm đam mê của mình, anh đã đến với handmade và đang sống khỏe với nghề, thỏa sức đam mê nghệ thuật.

 

Những người thợ chế tác tại cơ sở của anh Đức
Những người thợ chế tác tại cơ sở của anh Đức


Trong thời gian tìm hiểu về handmade, chúng tôi còn bắt gặp rất nhiều người có niềm đam mê cháy bỏng khác. Trong số đó, Nguyễn Văn Châu (sinh năm 1992, 40 Lê Đại Hành, TP. Nha Trang) là gương mặt ấn tượng hơn cả. Tốt nghiệp Đại học Mỹ thuật công nghiệp TP. Hồ Chí Minh với chuyên ngành thiết kế nội thất, nhưng chỉ một lần bén duyên với handmade, Châu đã quyết định theo đuổi đam mê. Sản phẩm mà Châu làm hoàn toàn bằng chất liệu da. Từ những chiếc vòng đeo tay xinh xắn cho đến bóp, túi xách, tất cả các công đoạn đều phải thực hiện bằng tay. Châu cho biết: “Làm sản phẩm thủ công bằng da khá khó khăn, vì chất liệu đắt, nếu sơ ý là bỏ luôn cả miếng da. Đã vậy, giá thành cao nên cũng kén người tiêu dùng. Nếu chỉ vì kiếm tiền chắc tôi đã an phận với công việc của một nhà thiết kế nội thất. Nhưng bởi đam mê cứ thôi thúc nên tôi đã quyết định mở một shop chuyên đồ handmade bằng da. Phía trước sẽ còn nhiều khó khăn nhưng với quyết tâm của mình, hy vọng mỗi du khách khi đến Nha Trang sẽ có một món quà ý nghĩa và chất lượng”.


Thị trường lớn nhưng thiếu ý tưởng


Sản phẩm handmade là kết quả của rất nhiều công sức lựa chọn vật liệu, thiết kế và đặc biệt là nhiều giờ lao động tỉ mẩn với đôi bàn tay. Bởi vậy, mỗi món đồ handmade thực thụ là một tác phẩm mang trong nó tất cả tấm lòng, những yêu thương, nâng niu của người sáng tạo. Cũng chính bởi vậy mà tự thiết kế hay đặt hàng các món quà từ đồ handmade đang ngày càng được ưa chuộng. Khi trò chuyện với những người làm đồ handmade ở Nha Trang, tất cả đều khẳng định, Nha Trang là nơi có thị trường tiêu thụ rộng lớn, nhu cầu của khách du lịch rất cao. Tuy nhiên, nếu dạo một vòng quanh các cửa hàng lưu niệm hoặc các khu chợ đêm, số lượng đồ handmade có xuất xứ từ Nha Trang vô cùng khiêm tốn. Bên cạnh tràn lan đồ Trung Quốc, sản phẩm thủ công của Nha Trang lèo tèo vài sản phẩm, quanh đi quẩn lại cũng chỉ có vỏ ốc, vỏ sò... Nhà thiết kế trẻ Nguyễn Văn Châu cho rằng: “Hiện nay, ý tưởng cho các dòng sản phẩm thủ công rất nghèo nàn. Người làm đồ handmade không ít nhưng phần lớn đều làm theo lối mòn, bắt chước kiểu dáng các nơi khác. Sản phẩm làm ra không theo kịp thị hiếu của người tiêu dùng”.

 

Nguyễn Văn Châu đang hoàn thiện một sản phẩm
Nguyễn Văn Châu đang hoàn thiện một sản phẩm


Cùng quan điểm với anh Châu, anh Đức chia sẻ: “Ở Nha Trang, những người làm đồ handmade hầu như không mấy ai quan tâm đến mẫu thiết kế. Các nhà sản xuất không đầu tư vào ý tưởng cho sản phẩm. Chính vì vậy mà đồ handmade do Nha Trang sản xuất ít có mẫu mã đẹp, làm ảnh hưởng trực tiếp đến sự lớn mạnh của ngành thủ công mỹ nghệ của địa phương”.


Theo anh Đức, sản xuất hàng handmade đang dần trở thành một hình thức kinh doanh phổ biến ngày nay. Quá trình lao động thủ công đặc thù của sản phẩm này đã khởi nguồn cho một điểm cuốn hút vô cùng đặc biệt khi tạo điều kiện cho khách đặt hàng có thể đề xuất kiểu thiết kế, lựa chọn hay đưa ra các vật liệu mình mong muốn, tức là có thể đem dấu ấn riêng của mình vào trong sản phẩm. Chính tính linh hoạt đã thúc đẩy sự sáng tạo lớn trong ngành sản xuất handmade. Nhưng do ý tưởng quá nghèo nàn của các cơ sở sản xuất đã khiến thương hiệu handmade Nha Trang cứ chìm dần giữa vô vàn mặt hàng lưu niệm Trung Quốc và các địa phương khác.

   
Những trăn trở


Với những người đến với handmade bằng sự đam mê như Hoàng Anh Đức và Nguyễn Văn Châu thì sự manh mún của đồ thủ công mỹ nghệ ở Nha Trang đang là điều làm họ trăn trở. Bên cạnh việc kiếm tiền từ việc sản xuất, họ còn mong muốn tạo nên sự lớn mạnh cho ngành thủ công mỹ nghệ ở thành phố biển. Anh Châu mong muốn sẽ tạo ra nhiều shop handmade bằng da để các bạn trẻ chưa có điệu kiện kinh doanh độc lập tham gia. Anh sẵn sàng giao lưu và chia sẻ những kỹ thuật cũng như kinh nghiệm với mọi người về việc làm ra những sản phẩm bằng da để chất liệu da thực sự là món quà đầy tính thẩm mỹ cho du khách. “Mỗi người thợ khi làm một sản phẩm handmade phải đặt cả tâm huyết và sự sáng tạo của mình vào đó như sự sáng tạo nghệ thuật thực thụ thì mới mong có được những sản phẩm chất lượng cao. Sự lớn mạnh của mỗi cơ sở sản xuất hàng thủ công sẽ góp phần đưa nghề này ở Nha Trang lớn mạnh”, anh Châu nói.


Thực sự tiềm năng về ngành sản xuất thủ công mỹ nghệ ở Nha Trang là vô cùng lớn. Song để nó lớn mạnh và có những nét đặc trưng vùng miền như những mong ước của anh Đức, anh Châu lại cần phải có một quá trình. Nói như Hoàng Anh Đức: “Để đưa đồ handmade Nha Trang vươn lên một tầm cao và có những đặc trưng riêng như những nghệ nhân ở Singapore, Malaysia, Campuchia... từng làm thì cần phải có những con người có tâm với nghề. Đặc biệt, phải có sự am hiểu văn hóa truyền thống đủ dày và những kiến thức mỹ thuật nhất định mới có thể đưa nghề thủ công lên một tầm cao mới, chứ không dừng lại là sự dạo chơi đơn thuần”.


ĐÌNH LÂM - THẾ ANH