11:08, 30/08/2016

Chưa an cư, sao lạc nghiệp?

Một ngày cuối năm 2014, những cơn sóng dữ đã đánh sập nhiều ngôi nhà tạm ở cồn Nhất Trí, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang. Từ đó đến nay, hàng chục hộ với gần 100 nhân khẩu phải sống nhờ nhà người quen, thuê nhà trọ, thậm chí có hộ bất chấp hiểm nguy, sống ngay trên phần còn lại của ngôi nhà đã bị sóng đánh sập.

Một ngày cuối năm 2014, những cơn sóng dữ đã đánh sập nhiều ngôi nhà tạm ở cồn Nhất Trí, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang. Từ đó đến nay, hàng chục hộ với gần 100 nhân khẩu phải sống nhờ nhà người quen, thuê nhà trọ, thậm chí có hộ bất chấp hiểm nguy, sống ngay trên phần còn lại của ngôi nhà đã bị sóng đánh sập.


Khó khăn chồng chất


Đến bây giờ, nhớ lại những ngày cuối tháng 12-2014, gia đình chị Trần Thị Thành ở tổ 7 Hà Ra vẫn chưa hết bàng hoàng: “Con sóng lớn đánh sầm vào nhà. Ngôi nhà nhỏ dần sụp xuống. Tôi với ông xã chỉ kịp ôm các con bỏ chạy. Thật may là 4 người con, đứa nhỏ nhất chưa đầy 2 tuổi cùng vợ chồng tôi thoát thân an toàn. Nhưng toàn bộ nhà cửa, tiền bạc, tài sản, giấy tờ… đều trôi theo con nước”. Sau một thời gian ngắn ở tạm tại nhà văn hóa khu vực Hà Ra, gia đình có 6 thành viên ấy phải đi mướn nhà trọ ở cho đến hôm nay. Người chồng đêm đêm mượn thúng chai đi câu mực, vợ ở nhà vá lưới thuê; thu nhập bấp bênh lại phải chi thêm mỗi tháng 1 triệu đồng tiền thuê nhà nên cuộc sống của gia đình chị Thành khá vất vả. “May là các con tôi đều ngoan ngoãn, học giỏi; được Nhà nước, xã hội san sẻ phần nào gánh nặng chi phí học hành nên vợ chồng tôi nhìn vào đó mà nỗ lực hơn. Tuy nhiên, cái nghèo, cái đói vẫn cứ bám riết”, chị Thành chia sẻ.

 

Xóm nhà chồ như đối lập với bên ngoài
Xóm nhà chồ như đối lập với bên ngoài


Từ ngày mất nhà, chị Cao Thị Lệ ở tổ 7 Hà Ra dường như vất vả hơn với gánh hàng rong ở Chợ Đầm. Mùa nóng, chị bán nước sâm nam, mùa mưa bán đậu hũ. Chồng chị làm mướn nghề lưới trũ, bữa đực bữa cái, hôm nào “trời thương” thì được dăm chục nghìn đồng. Trước đây gia đình chị ở nhờ nhà bà cô, nhưng ở nhờ mãi cũng không ổn, nên chị phải đi thuê nhà. “Mong Nhà nước sớm giải quyết chỗ ở cho chúng tôi, để bớt phần nào vất vả”, chị Lệ bày tỏ.


Cuộc sống của chị Lê Thị Hạnh, ở tổ 7 Hà Ra còn khó khăn hơn. Sau đêm con sóng dữ đánh sập nhà, chồng chị bỏ đi mất dạng. 3 mẹ con vì quá khó khăn nên đành liều ở ngay trên một phần ít ỏi còn lại của ngôi nhà. Sau gần 1 năm sống chung với những cơn rung lắc từ các đợt thủy triều lên, được chính quyền, xóm giềng khuyên nhủ, chị đành bấm bụng ra ngoài thuê nhà. Chiếc thuyền nhỏ giúp chị buôn bán mấy thứ lặt vặt cho những người đi ghe, tàu ở Hòn Rớ rồi cũng đến lúc hư hỏng, chị chuyển qua làm thuê, rửa chén trong quán ăn. Thấy mẹ quá cơ cực, các con chị cũng dần bỏ dở đèn sách để cùng mẹ kiếm bữa qua ngày.

 

Nhiều căn nhà đã bị sóng đánh sập chỉ còn lại những khoảng trống
Nhiều căn nhà đã bị sóng đánh sập chỉ còn lại những khoảng trống


Ở tổ 6 Hà Ra, có gia đình bà Thái Thị Vĩnh Thạnh sống trong căn nhà diện tích chừng 12m2 nằm chênh vênh bên con nước nổi. Ông Phú - chồng bà Thạnh nay đã bước qua tuổi 70 nhưng vẫn phải bươn chải kiếm sống, còn bà làm nghề thui lưới cho các chủ ghe. “Ở đây, hễ cứ trời mưa là chúng tôi lo sốt vó, sợ sập nhà. Biết là không an toàn nhưng phải làm sao? Chúng tôi đều đã già rồi, chỉ thương con trẻ…”, bà Thạnh bỏ dở câu nói.


Trong số hàng chục hộ mà chúng tôi có dịp tiếp xúc, điều dễ nhận thấy là mọi người đều rất chăm chỉ làm việc nhưng cuộc sống khó khăn vẫn đeo bám. Chị Võ Thị Loan ở tổ 6 Hà Ra ngày ngày đi dọc sông Cái để lượm ve chai, chồng chị đi biển đánh bắt xa bờ cả tháng mới về. Trước đây, mỗi chuyến đi biển anh còn được chia 4 - 6 triệu đồng, nhưng vài tháng gần đây, “biển đói” nên tiền kiếm được chẳng đáng là bao. Chị  Phạm Thị Phượng và Phạm Thị Bé tổ 6 Hà Ra cùng thuê một căn nhà. Chị Phượng buôn bán quần áo cũ, chị Bé ngày ngày đi mua cá ở các bến tàu đem về một số chợ nhỏ buôn bán. Chị La Thị Dũng ở cùng tổ thì buổi sáng bán sữa đậu nành, chiều giúp việc nhà. Chồng chị cứ chập tối lại đi mành tới sáng mới về. Nhiều lúc 2 vợ chồng mấy ngày không gặp mặt do chênh lệch giờ lao động. Tuy nhiên, niềm an ủi lớn nhất của gia đình chị là đứa con gái út đang học lớp 11 luôn là học sinh giỏi.

 

Một người dân ở Cồn Nhất Trí gia cố lại nhà cửa
Một người dân ở Cồn Nhất Trí gia cố lại nhà cửa


Mong sớm giải quyết


Từ bản đồ vệ tinh, cồn Nhất Trí nằm ngay trung tâm TP. Nha Trang, bao quanh là dòng sông Cái thơ mộng, trông thật quyến rũ và đang ngày một sầm uất. Nhưng khác với vẻ đẹp khi nhìn từ xa, người ta không ngại ngần đặt cho nơi đây những biệt danh như “xóm nước đen”, “khu ổ chuột”. Từ cồn Nhất Trí, nhìn qua bên kia là con đường vừa mới đầu tư rộng rãi, người ta gọi đó là bờ kè Nam Xương Huân. Đập vào mắt chúng tôi là một tổ hợp căn hộ - khách sạn 5 sao sang trọng đang đến hồi hoàn thiện. Vậy mà phía bên này, những ước mong về một nơi ở yên ổn vẫn chỉ là mơ ước.

 

Ông Lê Huy Toàn, Phó Chủ tịch UBND TP. Nha Trang: Khu vực nhà chồ xây dựng trên mặt nước ở cồn Nhất Trí, phường Vĩnh Phước bị sóng đánh sập nay không còn hiện trạng để đo đạc trích lập địa chính thửa đất. Do vậy, UBND TP. Nha Trang kiến nghị UBND tỉnh cho phép bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho các hộ trên cơ sở giấy xác nhận về nguồn gốc, diện tích, thời điểm sử dụng nhà, đất do UBND phường Vĩnh Phước xác lập. Mới đây, UBND TP. Nha Trang đã đề xuất UBND tỉnh thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 18 hộ ở đây về khu tái định cư Đất Lành, xã Vĩnh Thái. Hiện nay, UBND tỉnh đang xem xét, giải quyết.

Ông Ngũ Quốc Việt - Phó Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước cho biết, trong các năm từ 2011 - 2014, khu vực cồn Nhất Trí có 18 căn nhà bị đánh sập, riêng năm 2014 là 14 nhà. Ngay sau đợt sóng đánh sập nhiều ngôi nhà vào cuối năm 2014, UBND TP. Nha Trang đã có công văn khẩn yêu cầu Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Nha Trang chủ trì phối hợp với UBND phường Vĩnh Phước và các cơ quan liên quan khẩn trương lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư để di dời gấp các trường hợp bị sập nhà do nước thủy triều dâng và sóng lớn gây ra, đảm bảo an toàn tính mạng và sớm bàn giao đất tái định cư giúp người dân ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay sau gần 2 năm, mọi việc vẫn chưa tiến triển. Văn bản đi - đến về vấn đề này ngày một dày thêm, trong khi người dân ở đây vẫn phải từng giờ đối diện với những khó khăn không biết bao giờ mới được giải quyết.


Theo lãnh đạo UBND phường Vĩnh Phước, khu vực cồn Nhất Trí có khoảng 1.500 hộ, hiện còn 184 căn nhà chồ được xây dựng trên sông Cái. Hàng năm, cứ đến mùa mưa bão lại có nhà bị sóng đánh sập, người dân tốn rất nhiều công sức để gia cố nhà cửa. Riêng các nhà đã bị sóng đánh sập, UBND phường kiên quyết không cho người dân dựng lại nhà tại vị trí cũ. Đồng thời, kiến nghị UBND TP. Nha Trang có phương án di dời, bố trí tái định cư cho các hộ này.


Được biết, đầu tháng 8, UBND TP. Nha Trang đã đề xuất UBND tỉnh thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho 18 hộ ở đây về khu tái định cư Đất Lành, xã Vĩnh Thái. Hiện nay, UBND tỉnh đã giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu báo cáo UBND tỉnh giải quyết đối với 18 hộ này, hoàn thành trước ngày 15-9. Hy vọng, các cơ quan có thẩm quyền sẽ sớm xem xét giải quyết vấn đề này nhằm giúp người dân ổn định cuộc sống, nhất là trong thời điểm mùa mưa bão đang cận kề.



HỒNG ĐĂNG