11:07, 29/07/2016

"Khát" bên chân đập

Công trình thủy lợi Đầu Bò (xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) được kỳ vọng sẽ đảm bảo nước sản xuất cho hàng chục héc-ta đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, từ khi bàn giao đưa vào sử dụng đến nay, công trình này vẫn chưa phát huy hiệu quả.

Công trình thủy lợi Đầu Bò (xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa) được kỳ vọng sẽ đảm bảo nước sản xuất cho hàng chục héc-ta đất sản xuất nông nghiệp tại địa phương. Tuy nhiên, từ khi bàn giao đưa vào sử dụng đến nay, công trình này vẫn chưa phát huy hiệu quả.


Chưa phát huy hiệu quả


Đập Đầu Bò mùa này nguồn nước dồi dào, thế nhưng chỉ một vài ruộng mía tím ven đập là có nước tưới, vươn lên xanh tốt, còn về phía hạ du, nhiều diện tích đất không sản xuất được đã trở nên hoang hóa. Gặp chúng tôi tại đập Đầu Bò khi vừa đi trỉa bắp về, ông Bo Bo Bay (thôn Hòn Gầm) cho hay: “Năm 2014, gia đình tôi được nhà nước giao 3 thửa đất, với tổng diện tích hơn 1ha ở khu sản xuất Đầu Bò. Đất ngay cạnh hệ thống thủy lợi nhưng từ ngày nhận đất đến nay, do không có nước nên gia đình tôi chỉ tận dụng nước trời để trồng bắp, mì, thu được bao nhiêu thì thu. Tôi cũng muốn trồng mía tím nhưng không dám vì nếu không có nước tưới thì nắm chắc phần thua lỗ. Nước trên đập nhiều nhưng do hệ thống thủy lợi này thiết kế không phù hợp nên không thể đưa nước đến chân ruộng. Tuy có nước nhưng ruộng rẫy vẫn cứ khô khát”.

 

Đập Đầu Bò tích được nước nhưng người dân vẫn không có nước để tưới.
Đập Đầu Bò tích được nước nhưng người dân vẫn không có nước để tưới.


 Bà Cao Thị Nội (thôn Hòn Gầm) cũng cho biết: “Đất ở đây rất màu mỡ mà chỉ trồng bắp thôi thì tiếc lắm!. Đã mấy năm nay, thửa đất của gia đình tôi nằm cạnh mương thủy lợi mà vẫn “khát” nước sản xuất, không trồng được mía tím hay cây ăn quả”. Nói rồi bà thở dài kể, trước khi đập và hệ thống thủy lợi Đầu Bò được xây dựng, một số khu rẫy của gia đình bà vẫn có nước để tưới, thậm chí có thể trồng lúa nước. Nhưng từ khi hệ thống này xây dựng xong thì không còn nước để sản xuất. Đây là điều khiến người dân địa phương hết sức bức xúc.


Trao đổi với ông Võ Thành Toản - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Ba Cụm Nam, chúng tôi được biết, vấn đề nước tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp tại địa phương hết sức khó khăn. Xã Ba Cụm Nam có hơn 270ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng diện tích đất có nước tưới ven các con suối chỉ khoảng 20%; phần còn lại hoàn toàn phụ thuộc vào nước trời. “Riêng khu vực sản xuất Đầu Bò có diện tích hơn 20ha, rất thuận lợi để phát triển mía tím, cây ăn quả… Khi nghe nhà nước đầu tư hệ thống thủy lợi đập Đầu Bò, người dân địa phương rất phấn khởi. Nhưng ai ngờ, đập đầu tư xong từ năm 2014 đến nay mà chưa thấy hiệu quả, bởi phần lớn diện tích đất sản xuất dự kiến sử dụng nguồn nước tưới từ đập Đầu Bò vẫn chưa được một giọt nước tưới từ hệ thống thủy lợi này”, ông Toản nói. Hiện nay, trong số hơn 20ha đất sản xuất nông nghiệp tại khu vực này, người dân mới chỉ sản xuất được khoảng 50%, đa số trồng bắp, mì, rất ít diện tích trồng mía tím, còn lại là hoang hóa, hoặc được tận dụng để trồng keo.

 

Bên dưới mương đất này là hệ thống kênh hữu được xây dựng  bằng bê tông rất kiên cố, sâu hơn mặt ruộng 2m
Bên dưới mương đất này là hệ thống kênh hữu được xây dựng bằng bê tông rất kiên cố, sâu hơn mặt ruộng 2m


Ông Bo Bo Cao Tiến Danh - Bí thư Đảng ủy xã Ba Cụm Nam lý giải: “Nguyên nhân chính là do phần lớn diện tích đất sản xuất hiện nay cao hơn hệ thống kênh dẫn nước, có đoạn cao hơn 2m, trong khi đây lại là kênh tự chảy nên nước không lên mặt ruộng được”.  Được biết, người dân địa phương đã nhiều lần kiến nghị lên cấp trên tìm hướng giải quyết, thậm chí có người còn đề nghị trả lại mặt bằng để người dân sản xuất như trước đây.


Bài toán khó giải


Theo ông Trần Hữu Tuấn - Giám đốc Ban quản lý dự án các công trình xây dựng Khánh Sơn (chủ đầu tư công trình thủy lợi Đầu Bò): Trước khó khăn về nước sản xuất của xã Ba Cụm Nam, UBND huyện đã ưu tiên đầu tư công trình đập và kênh mương Đầu Bò để tích nước, phục vụ sản xuất. Công trình có 2 giai đoạn, giai đoạn đầu là xây dựng đập và kênh mương Đầu Bò, giai đoạn sau sẽ tập trung san ủi, cải tạo khu vực sản xuất; đầu tư tiếp kênh tả của đập Đầu Bò, hệ thống kênh nhánh dẫn nước vào các đồng ruộng. “Thiết kế hệ thống kênh mương dẫn nước thấp là thiết kế tưới tự chảy. Vì thế, nếu chưa thực hiện được hạng mục san lấp cải tạo đồng ruộng thì hệ thống đập và kênh mương Đầu Bò chưa phát huy hiệu quả”, ông Tuấn khẳng định.

 

Tuy đất màu mỡ nhưng gia đình bà Cao Thị Nội chỉ có thể  trỉa bắp thay vì trồng mía tím, cây ăn quả
Tuy đất màu mỡ nhưng gia đình bà Cao Thị Nội chỉ có thể trỉa bắp thay vì trồng mía tím, cây ăn quả


Được biết, ý tưởng trước đây của huyện Khánh Sơn là khi xây dựng xong đập Đầu Bò sẽ tiếp tục xin kinh phí để cải tạo đồng ruộng và trong báo cáo kinh tế kỹ thuật của công trình này có đề cập đến. Thế nhưng khi nào sẽ tiến hành san ủi, cải tạo khu vực sản xuất Đầu Bò thì ông Tuấn nói rằng không biết chính xác, bởi nguồn vốn đầu tư các công trình hiện nay rất khó khăn.


Mang câu chuyện san ủi, cải tạo khu vực sản xuất Đầu Bò để khai thác hiệu quả công trình đập và kênh mương Đầu Bò tham khảo ý kiến chính quyền và người dân xã Ba Cụm Nam, chúng tôi nhận được cái lắc đầu của nhiều người. Ông Võ Thành Toản cho rằng: “Giải pháp san ủi mặt bằng, hạ độ cao đồng ruộng rất khó thực hiện bởi tầng đất màu ở đây chỉ chừng 0,5m, nếu san ủi thì sẽ mất đi lớp đất màu này, khi đó sẽ rất khó để người dân sản xuất. Đó là chưa kể, sau khi hạ độ cao, phần đất thừa sẽ mang đi đâu?”. Trong khi đó, ông Bo Bo Cao Tiến Danh lại cho rằng: “Kinh phí để tiến hành san ủi, cải tạo đồng ruộng rất lớn, biện pháp hiệu quả nhất là nâng đập, nâng hệ thống thủy lợi lên hoặc dành nguồn kinh phí đó xây dựng đập thủy lợi khác hiệu quả hơn”.


Qua thông tin chúng tôi nắm được, đã có không ít đại biểu HĐND huyện Khánh Sơn chất vấn UBND huyện về vấn đề này nhưng giải pháp nào để khai thác hiệu quả công trình đập và kênh mương Đầu Bò vẫn là bài toán khó giải.



HẢI LĂNG
 

 




Dự án Hệ thống đập và kênh mương Đầu Bò được UBND huyện Khánh Sơn xây dựng tại thôn Hòn Gầm, với kinh phí gần 7 tỷ đồng. Đây là công trình thủy lợi cấp IV, có các hạng mục chính gồm: đập dâng; hệ thống kênh tả dài 10m chờ sẵn sau khi có kế hoạch xây dựng đồng ruộng sẽ tiếp tục đầu tư thêm khoảng 600m kênh dẫn nước; hệ thống kênh hữu dài 820m phục vụ tưới tự chảy một phần diện tích ven suối ở hạ lưu...

 

_________________________________________



Ông Nguyễn Quốc Thịnh - Phó Trưởng ban Dân tộc HĐND tỉnh: Những năm qua, đa số các công trình đầu tư cho khu vực miền núi đều cho thấy hiệu quả, nhất là các công trình đường vào các khu sản xuất, nhưng bên cạnh đó vẫn còn một số công trình chưa phát huy được hiệu quả, gây lãng phí, tạo bức xúc trong nhân dân. Trong đó có công trình đập và kênh mương Đầu Bò. Trong điều kiện nguồn kinh phí đầu tư cho các công trình khó khăn như hiện nay, cần lựa chọn những công trình nào bức thiết nhất, mang lại hiệu quả cao thì mới đầu tư, tránh lãng phí nguồn lực.

 

_________________________________________



Ông Đinh Ngọc Bình - Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn: UBND huyện sẽ tiến hành rà soát, đánh giá lại hiệu quả đầu tư của công trình này. Đồng thời, sẽ họp bàn tìm biện pháp khai thác hiệu quả nhất, không để lãng phí tiền đầu tư của nhà nước.