12:07, 27/07/2016

Đi tìm đồng đội

Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm của nó vẫn còn ở lại trong trái tim những người cựu chiến binh. Vì thế, họ tiếp tục đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước để tìm kiếm thông tin, đưa hài cốt đồng đội về yên nghỉ nơi quê nhà.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng dư âm của nó vẫn còn ở lại trong trái tim những người cựu chiến binh (CCB). Vì thế, họ tiếp tục đến nhiều nghĩa trang liệt sĩ trong cả nước để tìm kiếm thông tin, đưa hài cốt đồng đội về yên nghỉ nơi quê nhà.

 

Đưa hài cốt liệt sĩ do các cựu chiến binh quy tập về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung
Đưa hài cốt liệt sĩ do các cựu chiến binh quy tập về an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung


Công việc thầm lặng


Với những người CCB thuộc Ban liên lạc Trung đoàn 93 Khánh Hòa, thời gian chẳng thể xoa dịu nỗi đau thương, mất mát khi nghĩ về đồng đội đã hy sinh, nay vẫn còn nằm lại nơi đất khách, quê người. Ông Võ Quốc Việt - Trưởng Ban liên lạc Trung đoàn 93 Khánh Hòa chia sẻ, ngày đó, các thanh niên lên đường nhập ngũ đều tuổi 18, 20. Nhận nhiệm vụ chốt giữ biên giới Tây Nam, nơi chiến trường ác liệt, chúng tôi từng chia nhau điếu thuốc, ngụm nước, lại phải chứng kiến cảnh đồng đội hy sinh ngay trước mặt. Được lành lặn trở về, chúng tôi xem việc đưa hài cốt đồng đội về với gia đình, quê hương là nghĩa vụ phải làm.

 
Năm 2003, Ban liên lạc Trung đoàn 93 Khánh Hòa được thành lập, tình nguyện đi tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ. Các thành viên đã liên lạc với đồng đội ở miền Nam và kết hợp với Ban liên lạc CCB Sư đoàn 307, Sư đoàn 309… để nắm thông tin về nơi chôn cất đồng đội. Sau đó, họ tìm đến từng gia đình đồng đội để báo tin, rồi làm thủ tục xin phép các ngành chức năng đưa hài cốt liệt sĩ về quê hương. Kinh phí những chuyến đi ấy đều lấy từ tiền lương, trợ cấp của các CCB. Những lần quy tập, họ tự tay bốc hài cốt của đồng đội, thuê xe đưa về nghĩa trang liệt sĩ để an táng và đến nay đã quy tập được hàng chục hài cốt liệt sĩ.


CCB Đào Thiện Sính (ở huyện Khánh Vĩnh) đã có hơn 40 năm âm thầm, lặng lẽ đến hơn 200 nghĩa trang liệt sĩ từ tỉnh Quảng Trị trở vào nam để ghi đầy đủ thông tin, viết thư báo tin cho gia đình liệt sĩ. Ông Sính kể, trong những lần đi tìm mộ phần anh trai là liệt sĩ Đào Chí Nguyện, ông thấy ở các nghĩa trang có hàng nghìn liệt sĩ sinh bắc, tử nam, có tên tuổi, quê quán, nhưng người thân không hề hay biết con em mình đang nằm ở đâu. “Tôi cũng là người lính, 2 lần khoác ba lô đi chiến đấu và thấu hiểu nỗi đau của các gia đình khi mất đi người thân. Bởi thế, mỗi lần đến nghĩa trang, tôi đều trăn trở tại sao mình không báo tin cho người thân của các liệt sĩ”, ông Sính chia sẻ.

 

Ông Đào Thiện Sính ghi chép thông tin liệt sĩ để viết thư báo tin
Ông Đào Thiện Sính ghi chép thông tin liệt sĩ để viết thư báo tin

 

Thế là, từ năm 1976, ông khăn gói đến từng nghĩa trang, cẩn thận ghi chép đầy đủ thông tin liệt sĩ được ghi trên bia mộ rồi gửi thư đến tận gia đình, chính quyền địa phương để báo tin. Từ năm 1976 đến 2006, mỗi năm ông đi từ 3 đến 5 lần, nhưng từ năm 2007 đến nay, ông đi thường xuyên hơn, mỗi chuyến kéo dài cả tháng. Chi phí cho mỗi chuyến đi và những lá thư ông gửi đều lấy từ đồng lương ít ỏi của mình. Thấy việc làm ý nghĩa của ông, vợ con ông cũng tích cực hỗ trợ, sau này ngành bưu điện cũng miễn phí cho những lá thư ông gửi.


Nghẹn ngào ngày đoàn tụ


Những ngày đầu tháng 7, 3 liệt sĩ quê TP. Nha Trang đã hy sinh năm 1978, 1979 ở mặt trận biên giới Tây Nam: Lê Hồ Tú (phường Phước Tiến), Nguyễn Hữu Đức (phường Xương Huân), Nguyễn Tiến Dũng (phường Lộc Thọ) đã được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ Hòn Dung. Bà Trương Thị Cẩm (77 tuổi, mẹ liệt sĩ Đức) cứ ôm lấy quách hài cốt con trai khóc nấc: “Đức ơi, con đã về với mẹ rồi hả con! Con nói chỉ đi chiến đấu một vài năm rồi về, vậy mà đến nay đã hơn 30 năm con mới về với mẹ”.

 

Các cựu chiến binh bên hài cốt đồng đội trong một lần tìm kiếm, quy tập
Các cựu chiến binh bên hài cốt đồng đội trong một lần tìm kiếm, quy tập

 

Những năm qua, công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ luôn được Đảng, Nhà nước, địa phương xem là nhiệm vụ cấp bách, thường xuyên. Đến nay, các cấp, ngành đã quy tập được hơn 6.000 hài cốt liệt sĩ về an táng tại 6 nghĩa trang liệt sĩ trong tỉnh. Hiện vẫn còn hơn 3.000 mộ liệt sĩ chưa biết được thông tin và chưa tìm thấy mộ phần. Do đó, việc tìm kiếm, quy tập sẽ được các ngành chức năng đẩy mạnh trong thời gian tới.

Được biết, liệt sĩ Nguyễn Hữu Đức sinh năm 1959, tình nguyện nhập ngũ năm 1977 khi đang học lớp 11, vào chiến trường được 1 năm thì hy sinh. Gia đình đã nhiều năm đi tìm nhưng không thấy. Đến đầu năm 2016, các thành viên Ban liên lạc Trung đoàn 93 Khánh Hòa phối hợp Ban liên lạc CCB Sư đoàn 307 tại Khánh Hòa và Chi hội 5 nghĩa tình đồng đội thuộc Sư đoàn 309 (TP. Hồ Chí Minh) đã tìm thấy phần mộ liệt sĩ Đức ở Nghĩa trang Tây Ninh. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn nên các CCB đã tình nguyện làm thủ tục, cất bốc mộ đưa anh về với gia đình. “Nếu không có những đồng đội của Đức thì không biết đến bao giờ gia đình tôi mới tìm và đưa được con về quê hương, đoàn tụ với tổ tiên”, bà Cẩm nghẹn ngào nói.  


Hôm chúng tôi đến nhà ông Sính cũng là ngày thân nhân liệt sĩ Nguyễn Văn Bẩy (quê huyện Thường Tín, Hà Nội) vào thăm. Qua trò chuyện, được biết, liệt sĩ Nguyễn Văn Bẩy hy sinh năm 1969. Sau ngày đất nước thống nhất, gia đình đã tìm kiếm khắp nơi nhưng không thấy mộ phần của anh. Đầu năm 2015, gia đình nhận được lá thư ông Sính gửi báo tin ngôi mộ nằm ở Nghĩa trang xã Phổ Thạnh (huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi). Ông Nguyễn Chiến Hạm (cháu ruột liệt sĩ Bẩy) chia sẻ: “Khi nhận được thư báo tin của ông Sính, gia đình đã vào tận nơi để tìm kiếm. Nhưng do thiếu thông tin ghi trên bia mộ nên gia đình phải xin phép các ngành chức năng làm giám định ADN và kết quả chính xác bằng khoa học đã cho thấy đó chính là chú tôi. Hôm bốc mộ chú Bẩy, mọi người chỉ biết nghẹn ngào thương nhớ sau 47 năm xa cách”.  

 

Mẹ liệt sĩ bên mộ phần con trai sau bao năm xa cách
Mẹ liệt sĩ bên mộ phần con trai sau bao năm xa cách

 

Ông Lê Hữu Thọ - Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Việc làm thầm lặng của những CCB thuộc Ban liên lạc Trung đoàn 93 Khánh Hòa, Ban liên lạc CCB Sư đoàn 307, 309 và cá nhân ông Đào Thiện Sính là việc làm vô cùng ý nghĩa. Đến nay, họ đã tìm kiếm, quy tập được hàng trăm hài cốt liệt sĩ hy sinh tại Campuchia đưa về quê hương an táng. Việc làm đó đã thể hiện tấm lòng thành kính và biết ơn của những người đang sống đối với các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh vì Tổ quốc.

Theo ông Sính, đến nay, ông đã viết và gửi hơn 35.000 lá thư báo tin liệt sĩ. Đồng thời, có hơn 4.000 gia đình đã tìm được mộ phần của chồng, cha, con mình trong niềm vui mừng khôn xiết sau hàng chục năm trời mong đợi, tìm kiếm. Những nén nhang đầu thắp cho người thân dẫu có muộn màng nhưng lan tỏa niềm hạnh phúc, ấm áp tình người. Nhờ những lá thư ông Sính gửi, gần 200 gia đình liệt sĩ ở Khánh Hòa cũng đã tìm được mộ phần người thân. Có thể kể đến những liệt sĩ như: Lương Thanh (Vĩnh Trường, Nha Trang), Đặng Văn Tưởng (Vĩnh Hiệp, Nha Trang), Hoàng Văn Thìn (Khánh Vĩnh), Bùi Văn Phước (Ninh Tân, thị xã Ninh Hòa)...


Còn sống còn đi tìm đồng đội


Hành trình đi tìm đồng đội của những CCB là sự ghi tạc công ơn của mỗi người đối với anh linh liệt sĩ. Những chuyến đi của Ban liên lạc Trung đoàn 93 Khánh Hòa, của ông Sính đều nhận được sự giúp đỡ tích cực của người dân địa phương. Bởi họ biết việc làm của các CCB là nghĩa cử cao cả, đầy trách nhiệm với đồng đội, người thân liệt sĩ. Ông Việt cho biết: “Hiện nay, còn nhiều gia đình vẫn mỏi mòn chờ người thân về. Cảm thông với những nỗi niềm ấy, chúng tôi nguyện còn sống ngày nào còn tiếp tục đi tìm kiếm, đưa đồng đội về an nghỉ nơi quê nhà, để người thân nhang khói mỗi ngày”.  


Ông Sính tâm sự: “Sau mỗi lá thư gửi đi, nhận được hồi âm của gia đình rằng đã tìm được mộ phần, tôi cảm thấy vô cùng hạnh phúc. Có nhiều người thấy việc làm của tôi đã tình nguyện chu cấp bì thư miễn phí. Những việc làm đó là sự động viên, an ủi để tôi cố gắng đi thật nhiều và gửi được nhiều lá thư báo tin. Thấy các đồng đội lạnh lẽo, cô quạnh, gia đình không biết để hương khói, tôi rất đau xót. Giờ đây, tôi chỉ mong có sức khỏe để tiếp tục công việc của mình. Ngày nào còn sống, còn đi được, tôi còn tiếp tục lên đường làm tròn tâm nguyện của mình”.


VĂN GIANG