12:05, 28/05/2016

Mỏ nước khoáng để hoang

Hàng chục năm qua, nguồn nước khoáng nóng tại 2 xã Vạn Phú và Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) được khoan thăm dò xong rồi bỏ hoang, ngày đêm phun trào gây lãng phí nguồn tài nguyên.

Hàng chục năm qua, nguồn nước khoáng nóng tại 2 xã Vạn Phú và Vạn Thọ (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) được khoan thăm dò xong rồi bỏ hoang, ngày đêm phun trào gây lãng phí nguồn tài nguyên.


Bỏ phí nhiều năm


Con đường dẫn vào khu vực có nguồn nước khoáng nóng tại thôn Tân Phú (xã Vạn Phú) đã được bê tông hóa, rộng thênh thang, cách trung tâm xã khoảng 4km. Sát bên bờ suối Hốc Chim, một ống khoan bằng sắt đã hoen gỉ, đen kịt được cắm sâu vào lòng đất phun trào ra nguồn nước khoáng nóng, rồi chảy tự do ra suối, đổ về sông Hiền Lương. Ông Lê Đức Chung, nhà gần nguồn nước khoáng nóng này cho biết, cách đây khoảng 20 năm, có một công ty đưa thợ về khoan đường ống tại đây. Khi khoan sâu được khoảng 100m, nguồn nước khoáng nóng từ trong lòng đất phun lên rất mạnh, trong vắt, có độ nóng khoảng 60oC. Cũng từ ngày đó đến nay, nguồn nước khoáng nóng này không được khai thác, bỏ hoang, chảy lãng phí suốt ngày đêm. Hàng ngày, người dân trong làng thường ra đây lấy nước tắm giặt. Bên cạnh đó, vì nguồn nước khoáng khá nóng nên người dân còn đem gà, vịt ra đây để nhổ lông, làm thịt.    

 

1
Mỏ nước khoáng xã Vạn Thọ để hoang nhiều năm nay


Còn tại thôn Cổ Mã (xã Vạn Thọ) cũng có một mũi khoan nước khoáng nóng bị bỏ hoang nhiều năm nay, ngày đêm chảy lãng phí. Theo quan sát của chúng tôi, nguồn nước khoáng ở đây chảy rất mạnh và khá nóng, phải trên 700C. Toàn bộ khu vực nước khoáng chảy ra, hơi nóng bốc khói nghi ngút. Ngay tại chân đường ống đã được đổ bê tông và kè đá xung quanh kiên cố. Bà Lê Thị Thoa, nhà gần khu vực này cho biết, gia đình bà từ tỉnh Phú Yên chuyển về đây sinh sống đến nay đã hơn 10 năm. Từ ngày đó, bà đã thấy nguồn nước khoáng nóng bị bỏ hoang và không biết ai là chủ sở hữu. “Nước ở đây rất trong và nóng, có thể gây bỏng. Vào mùa đông hay ngày trời mưa, người dân trong làng đều ra đây lấy nước về tắm giặt cho ấm. Do nước khá nóng nên người dân còn đem gia súc, gia cầm ra đây làm thịt. Chính vì vậy, toàn bộ khu vực này tràn ngập lông gà, lông vịt, bốc mùi hôi thối”, bà Thoa nói.


Ai được cấp phép khai thác?


Quá trình tìm hiểu, lãnh đạo 2 xã Vạn Phú, Vạn Thọ và huyện Vạn Ninh đều cho biết, người được cấp phép khai thác nguồn nước khoáng ở địa phương là ông Nguyễn Thanh Tùng (nhạc sĩ Thanh Tùng) - Tổng Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Nước khoáng Tu Bông (gọi tắt là Công ty Nước khoáng Tu Bông). Vào khoảng năm 1990, ông Nguyễn Thanh Tùng đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất nước khoáng trên diện tích rộng hơn 19.000m2 tại thôn Cổ Mã (nằm sát bên Quốc lộ 1A, cách UBND xã Vạn Thọ khoảng 1km). Đồng thời, được cấp phép khai thác nguồn nước khoáng tại đây để sản xuất nước khoáng đóng chai. Tuy nhiên, nhà máy hoạt động được hơn 6 năm thì dừng sản xuất; đồng thời, nguồn nước khoáng tại 2 địa phương này cũng bị bỏ hoang, chảy lãng phí đến nay.

 

Nguồn nước khoáng nóng tại xã Vạn Thọ chưa được khai thác, gây lãng phí
Nguồn nước khoáng nóng tại xã Vạn Thọ chưa được khai thác, gây lãng phí

 

Theo Hội đồng đánh giá trữ lượng khoáng sản Quốc gia, trữ lượng nước khoáng tại thôn Cổ Mã (xã Vạn Thọ) là nguồn nước khoáng thiên nhiên khoáng hóa vừa, có giá trị trung bình, nhiệt độ đạt 760C; trữ lượng ở cấp độ B (trữ lượng thăm dò) đạt 864m3/ngày, trữ lượng cấp độ C1 (tài nguyên dự tính) đạt 1.010m3/ngày.

Ông Nguyễn Công Khai, nhân viên bảo vệ Công ty Nước khoáng Tu Bông cho biết, năm 2008, Công ty Nước khoáng Tu Bông đã sang nhượng nhà máy lại cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vneco 9. Sau 1 năm tiếp quản, xảy ra một vụ hỏa hoạn do chập điện làm toàn bộ thiết bị, máy móc bị cháy rụi. Đến năm 2014, công ty đã thanh lý tài sản, thiết bị máy móc theo giá sắt vụn. Tưởng rằng, sau khi Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vneco 9 tiếp quản sẽ đầu tư phục hồi lại nhà máy để khai thác, sản xuất nước khoáng, nhưng kể từ đó đến nay, đơn vị này cũng bỏ lãng phí nguồn nước khoáng và nhà máy để cho cỏ dại mọc.  


Hiện nay, giấy phép khai thác nước khoáng do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp cho Công ty Nước khoáng Tu Bông đã hết hạn từ khá lâu. Đồng thời, năm 2012, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do vi phạm ngừng hoạt động kinh doanh liên tục mà không thông báo với cơ quan chức năng.  


Làm sao cho khỏi lãng phí


Bà Dương Thị Kim Thanh - Phó Chủ tịch UBND xã Vạn Phú cho biết: “Nguồn nước khoáng nóng tại địa phương đã và đang bị bỏ lãng phí. Trong khi đó, khu vực này có địa thế, địa hình, khung cảnh thiên nhiên khá đẹp. Phía trên mũi khoan nguồn nước khoáng nóng có suối Hốc Chim quanh năm nước trong xanh, chảy quanh núi Hòn Chảo. Trên tắm suối, dưới tắm khoáng rất lý tưởng để phát triển thành một khu du lịch sinh thái. Do đó, tỉnh và huyện cần có giải pháp khai thác nguồn tài nguyên tại địa phương, tránh gây lãng phí”.

 

Mũi khoan nguồn nước khoáng nóng tại xã Vạn Phú bị bỏ lãng phí nhiều năm
Mũi khoan nguồn nước khoáng nóng tại xã Vạn Phú bị bỏ lãng phí nhiều năm


Còn theo lãnh đạo xã Vạn Thọ, địa phương đã nhiều lần kiến nghị với tỉnh, huyện nên có hướng khai thác nguồn nước khoáng nóng ở đây. Nếu cứ để lâu không chỉ gây lãng phí nguồn tài nguyên mà còn gây ô nhiễm môi trường ở khu vực này do hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm của người dân.

 

Lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, hiện đơn vị đang tiến hành khảo sát nguồn nước khoáng nóng tại xã Vạn Phú và Vạn Thọ. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh hướng xử lý, đầu tư khai thác nguồn tài nguyên nước khoáng nóng ở 2 khu vực này.

Ông Trần Kim Bảo - Chủ tịch UBND huyện Vạn Ninh cho biết, địa phương được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho nguồn nước khoáng nóng quý giá. Thế nhưng, hiện nguồn nước khoáng này lại không được khai thác. Do đó, đơn vị được cấp phép cần sớm thực hiện các bước để đi vào khai thác trở lại. Còn nếu không còn năng lực đầu tư thì nên chuyển giao hoặc bán cho doanh nghiệp khác để khai thác. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần tiến hành đánh giá, xem xét có hướng xử lý, đầu tư khai thác tránh sự lãng phí nguồn tài nguyên khoáng sản trên địa bàn của huyện.


Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Văn Sang - Phó Giám đốc Công ty Nước khoáng Tu Bông cho biết, hiện nay, đơn vị đã hoàn thành các bước quan trắc, lấy nước phân tích các mẫu, chất trong nước. Đồng thời, đơn vị đang hoàn thiện các thủ tục, lập hồ sơ đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép khai thác. Dự kiến cuối tháng 12-2016 sẽ hoàn thành và trong năm 2017 đơn vị sẽ đầu tư xây dựng lại nhà máy để khai thác, sản xuất nước khoáng đóng chai.


Còn ông Nguyễn Thanh Bách (con trai nhạc sĩ Thanh Tùng) - Giám đốc Công ty Nước khoáng Tu Bông cho biết: “Sau khi xin được giấy phép khai thác, ngoài đưa vào sản xuất nước khoáng đóng chai, chúng tôi còn có dự định sẽ chuyển nhượng công ty cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Vneco 9 (hiện tại đã chuyển nhượng nhưng chưa hợp thức) đầu tư khai thác địa nhiệt tại khu vực này. Tuy nhiên, để thực hiện dự định này, hiện chúng tôi đang gấp rút hoàn thiện các bước để sớm khôi phục lại nhà máy”.


Văn Giang





 


 

Ông Nguyễn Thướng - Chủ tịch Hội Đông y tỉnh cho biết, nước khoáng có 3 tác dụng trị liệu là: thủy trị liệu, nhiệt trị liệu và khoáng trị liệu. Đối với thủy trị liệu, nước khoáng giúp phục hồi chức năng vận động của các khớp, tăng lưu thông máu, phục hồi chức năng hô hấp và tim mạch. Đối với nhiệt trị liệu, nhiệt nóng của nước khoáng sẽ làm tăng quá trình chuyển hóa, tăng tuần hoàn, dinh dưỡng, kích thích tái sinh tổ chức, tăng khả năng chống viêm. Đối với khoáng trị liệu, nước khoáng làm thức uống vừa giải khát, vừa bổ sung các nguyên tố vi lượng và các chất điện giải cho cơ thể. Ngoài ra, nước khoáng còn dùng để tắm khoáng, điều dưỡng phục hồi chức năng, chữa bệnh và tăng cường sức khỏe…