11:05, 25/05/2016

Kỳ 2: Những bất cập trong quản lý

Tuy khách du lịch Trung Quốc đã đem lại nguồn lợi cho ngành du lịch, nhưng sau một thời gian ngắn đã kéo theo nhiều biểu hiện tiêu cực.

Tuy khách du lịch Trung Quốc đã đem lại nguồn lợi cho ngành du lịch, nhưng sau một thời gian ngắn đã kéo theo nhiều biểu hiện tiêu cực.
 

Từ núp bóng kinh doanh...

 

Hiện nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 27 đơn vị, doanh nghiệp (DN) lữ hành chuyên hoạt động đưa đón khách Trung Quốc. Trong đó, có 7 DN có trụ sở chính đóng tại Nha Trang - Khánh Hòa, còn lại là các văn phòng đại diện, đại lý lữ hành. Tuy nhiên, theo tìm hiểu của chúng tôi, chỉ có một số đơn vị kinh doanh bằng thực lực, còn phần lớn các DN đều dưới dạng người Việt Nam cho người Trung Quốc núp bóng kinh doanh.

 

Khách du lịch Trung Quốc làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh
Khách du lịch Trung Quốc làm thủ tục xuất nhập cảnh tại Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh


Ông Võ Thanh Minh - Giám đốc điều hành Công ty TNHH Paradise Bay tiết lộ: “Công ty chúng tôi mới hoạt động từ đầu tháng 3, cũng đã làm được một vài đoàn khách Trung Quốc. Nhưng sau đó, có DN Trung Quốc đến đặt vấn đề hợp tác. Theo đó, họ bảo chúng tôi cho mượn tư cách pháp nhân để họ đưa khách đến và họ sẽ trả một khoản tiền nhất định. Tuy nhiên, chúng tôi đã từ chối hợp tác vì nhận thấy cách làm này tiềm ẩn nhiều rủi ro”. Còn ông Đào Trọng Tùng - Giám đốc Chi nhánh Vietnamtourism tại Nha Trang thông tin, nếu đầu năm 2015, chỉ có 3 công ty ở Nha Trang đón được lượng khách từ 3.000 đến 4.000 khách/tháng, thì đến nay đã có 10 công ty đạt được năng lực như vậy, nhưng có đến 2/3 trong số này đều là công ty cho người Trung Quốc núp bóng đứng sau để kinh doanh, hoặc do người Trung Quốc cung cấp vốn để thành lập công ty.


Theo ông Bùi Minh Thắng - Chi hội trưởng Chi hội Lữ hành (thuộc Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa), chiêu thức của các DN du lịch Trung Quốc hiện nay là liên hệ với DN ở Nha Trang được cấp phép kinh doanh lữ hành quốc tế để đặt vấn đề hợp tác. Nhưng trong mối hợp tác này, DN Trung Quốc thao túng toàn bộ các hoạt động, từ việc đặt phòng khách sạn, liên hệ nhà hàng, đặt tour, thuê phương tiện vận chuyển… Người Trung Quốc sẽ trực tiếp đứng ra đàm phán, thỏa thuận trên danh nghĩa của DN Việt Nam. “DN Việt Nam chỉ có nhiệm vụ ký vào các bản hợp đồng có lợi cho DN Trung Quốc; mỗi tháng sẽ được DN Trung Quốc trả thù lao. Nhưng nếu xảy ra rủi ro trong kinh doanh hay vướng mắc liên quan đến pháp lý thì DN Việt Nam phải chịu trách nhiệm”, ông Thắng phân tích.

 

Khách du lịch Trung Quốc có mặt tại Bến tàu du lịch Cầu Đá để tham gia tour 4 đảo
Khách du lịch Trung Quốc có mặt tại Bến tàu du lịch Cầu Đá để tham gia tour 4 đảo


Mới đây, trong cuộc gặp gỡ các DN kinh doanh du lịch, bà Phan Thanh Trúc - Phó Giám đốc Sở Du lịch đã kêu gọi các DN không nên vì lợi nhuận trước mắt mà để DN nước ngoài núp bóng kinh doanh ngay trên đất nước mình. Mỗi DN phải tự chủ động được hoạt động kinh doanh của mình.


…đến phá giá


Từ cuối năm 2015 đến nay, ở Nha Trang xuất hiện tình trạng du lịch giá rẻ đối với khách Trung Quốc, thậm chí xuất hiện cả loại hình tour không đồng. Ông Đào Trọng Tùng cho biết: “Năm 2015, công ty chúng tôi đã đưa 38.000 lượt khách đến Nha Trang. Để đạt được điều đó, chúng tôi đã tổ chức 8 sự kiện quảng bá hình ảnh Nha Trang tại các thành phố lớn của Trung Quốc. Vậy nhưng, có nhiều công ty hiện nay đưa ra những tour đến Nha Trang với giá cực rẻ. Họ chỉ cần gom đủ khách cho chuyến bay đã thuê, còn chất lượng tour như thế nào thì không quan tâm”. Chính vì đưa khách đến bằng mọi cách, nên thay vì bố trí khách ở khách sạn 4 sao, 5 sao họ lại đưa khách đến khách sạn 3 sao. Thậm chí họ còn tìm cách ép giá phòng xuống đến mức thấp nhất có thể. Điều này dẫn tới việc các khách sạn cũng không cung cấp cho khách các dịch vụ theo đúng quy chuẩn chất lượng đã đăng ký.


Đối với việc đặt tour cho khách cũng rơi vào tình trạng tương tự. Ông Trương Thiết Vũ - Giám đốc Công ty TNHH Du lịch Tứ Hải cho biết: “Công ty chúng tôi vừa nhận được đề nghị hợp tác làm tour của một công ty lữ hành chuyên đón khách Trung Quốc. Họ yêu cầu chúng tôi làm 1 suất ăn có 8 món mà giá chỉ có 55.000 đồng. Trong khi đó, mức thấp nhất mà chúng tôi có thể thực hiện được cũng phải 120.000 đồng. Họ có nói với chúng tôi là thích chế biến món ăn như thế nào cũng được, miễn là đủ 8 món và khách ăn no. Nhưng làm thế thì mất uy tín nên chúng tôi từ chối”.


Khách du lịch Trung Quốc vốn có khả năng chi tiêu rất cao. Họ sẵn sàng bỏ ra hàng trăm triệu đồng để mua trầm hương, yến sào về làm quà. Tuy nhiên, vì lợi ích trước mắt, các DN đua nhau hạ giá, cạnh tranh không lành mạnh và đó là cơ hội tốt cho những DN Trung Quốc tìm cách trục lợi. Tuy chưa có thống kê cụ thể, nhưng xem ra nguồn lợi từ việc đón khách Trung Quốc của các DN du lịch trong nước cũng không đáng là bao, so với số tiền mà DN Trung Quốc thu lợi được. Các DN du lịch Việt Nam chỉ đóng vai như một người làm thuê và hoàn toàn thất thế trên sân nhà.  


Câu chuyện quản lý


Trong một số cuộc họp về vấn đề du lịch, đồng chí Trần Sơn Hải - Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chia sẻ: “Khách Nga, khách Trung Quốc đến với chúng ta nhiều là điều đáng mừng. Nhưng nếu thẳng thắn nhìn nhận thì nguồn khách từ các thị trường này là hoàn toàn bất ngờ chứ không phải là kết quả của một sự chuẩn bị bài bản trong việc xúc tiến, quảng bá du lịch”. Vì quá bị động, nên chúng ta chưa có sự chuẩn bị tốt về đội ngũ nhân lực ngành du lịch.


Hiện tại, toàn tỉnh chỉ có 11 người được cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch quốc tế biết nói tiếng Trung. Điều này đã buộc các DN du lịch phải đưa hướng dẫn viên từ những địa phương khác như: Hà Nội, Quảng Ninh, TP. Hồ Chí Minh về Nha Trang dẫn khách. Một số DN lợi dụng điều này đã đưa luôn những người biết nói tiếng Trung mà chưa được cấp thẻ hướng dẫn viên quốc tế đi dẫn khách. Bà Phan Thanh Trúc thừa nhận: “Về đội ngũ hướng dẫn viên, chúng ta chỉ quản lý được những người có hồ sơ xin cấp thẻ thông qua sở, chứ không thể quản lý được người từ các địa phương khác”. Không chỉ vậy, theo ông Đào Trọng Tùng, đội ngũ hướng dẫn viên biết nói tiếng Trung không chỉ ít mà cũng chưa đáp ứng được yêu cầu.  

 

Mới đây, một số công ty du lịch chuyên đón khách Trung Quốc đã đề xuất ý tưởng thành lập Câu lạc bộ các công ty du lịch chuyên đón khách Trung Quốc với mục đích đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các công ty; hỗ trợ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch Trung Quốc; đảm bảo các công ty phải làm việc, kinh doanh theo đúng quy định; hỗ trợ lẫn nhau trong việc hợp tác kinh doanh với DN Trung Quốc; nâng cao vị thế của DN du lịch Khánh Hòa… Nếu được ra đời, câu lạc bộ này sẽ là một tổ chức thành viên của Hiệp hội Du lịch Nha Trang - Khánh Hòa.

Một vấn đề nổi cộm hiện nay là việc ngày càng có nhiều người Trung Quốc mượn danh đi du lịch để lao động trái phép ở Nha Trang. “Các đối tượng này thường sử dụng thị thực du lịch có thời hạn 3 tháng, nhưng thực chất là sang làm việc ở các vị trí như trưởng đoàn, thậm chí hướng dẫn viên”, Thượng tá Nguyễn Xuân Hải - Phó Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh (Công an tỉnh) cho biết. Tuy biết có những hành vi trái phép như thế, nhưng để bắt quả tang và xử lý được những đối tượng này là việc không dễ. Bởi họ thường trà trộn vào các đoàn khách, nếu gặp lực lượng chức năng thì họ sẽ đóng vai khách du lịch bình thường, nhưng khi ngồi trên xe thì họ làm việc theo đúng vai trò của một nhân viên công ty du lịch.


Liên quan đến vấn đề xuất nhập cảnh, một vướng mắc khác cũng nảy sinh, chính là tình trạng quá tải khi làm thủ tục xuất nhập cảnh ở các sân bay. Bởi với lưu lượng 20 chuyến bay/ngày từ Trung Quốc đến, mỗi chuyến từ 150 đến 170 khách, có thời điểm lượng khách cả xuất và nhập lên đến cả nghìn người. Lượng khách quá đông khiến cho việc giải quyết thủ tục không theo kịp, đành phải hẹn đến ngày hôm sau mới trả được hộ chiếu. Có DN lợi dụng điều này để móc ngoặc với khách sạn trong việc đăng ký phòng cho khách nhằm trốn thuế.


Từ những biểu hiện tiêu cực trên, có thể thấy, chúng ta chưa theo kịp diễn biến để có những biện pháp quản lý chặt chẽ và hiệu quả.


Giang Đình
 

 

Kỳ 1: Giữ đà tăng trưởng du lịch