09:03, 01/03/2016

Những tấm gương vượt khó

Tuy có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tật nguyền, nhưng những nghịch cảnh đó không xua tan được ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn của những sinh viên (SV) nghèo nuôi dưỡng ước mơ vươn tới chân trời trí thức. Họ như những bông hoa dung dị, mộc mạc giữa đời thường đang khoe sắc thắm…

Tuy có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, tật nguyền, nhưng những nghịch cảnh đó không xua tan được ý chí, nghị lực vượt qua khó khăn của những sinh viên (SV) nghèo nuôi dưỡng ước mơ vươn tới chân trời trí thức. Họ như những bông hoa dung dị, mộc mạc giữa đời thường đang khoe sắc thắm…


Cô gái nghèo trở thành “Sao tháng Giêng”


Huỳnh Đặng Phương Trang, SV năm thứ 3 chuyên ngành giáo dục đặc biệt, Khoa Giáo dục mầm non - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang là con thứ ba trong gia đình thuộc diện hộ nghèo ở một vùng quê khó khăn của tỉnh Đắk Lắk. Tuổi thơ Trang trôi qua trong nhiều mối bận tâm khi mẹ em không thể đi lại bình thường sau một cơn tai biến. Thu nhập ít ỏi từ đồng lương của ba không đủ để trang trải cuộc sống, với đủ thứ chi phí ăn, học, thuốc men… của cả gia đình.

 

1
Huỳnh Đặng Phương Trang (thứ 5 từ phải sang) tại lễ nhận Giải thưởng Sao tháng Giêng do Trung ương Đoàn trao tặng.


Trang đến với ngành giáo dục đặc biệt bắt đầu từ tình yêu dành cho những em nhỏ khuyết tật ở gần nhà. Lựa chọn một ngành mà theo nhiều người là vừa khó, vừa khổ, nhưng với Trang, đó lại là mơ ước mà em theo đuổi từ khi còn là học sinh phổ thông. Mong ước của em sau khi ra trường là tìm được công việc đúng với chuyên ngành của mình, để có thể mang những kiến thức mình đã được trau dồi giúp đỡ cho những trẻ em khuyết tật. Nhìn Trang, ít người nghĩ rằng cô bạn nhỏ nhắn lại có thể “ôm đồm” nhiều công việc và có một bảng thành tích thật đáng nể. Là Ủy viên Ban Chấp hành Hội SV trường, Trang chứng tỏ năng lực của mình khi từng đạt danh hiệu “SV 5 tốt” cấp tỉnh, giải 3 cuộc thi “Đi tìm người dẫn chương trình”, giải 3 cuộc thi “Olympic chính trị về chủ nghĩa Mác - Lê nin”, giải nhất cuộc thi hùng biện về biển đảo do trường tổ chức. Cô bạn còn là SV giỏi, điểm rèn luyện luôn đạt loại xuất sắc, hàng năm đều được nhận học bổng của nhà trường. Trang cũng rất tích cực tham gia và hoàn thành xuất sắc chiến dịch mùa hè xanh, tiếp sức mùa thi, tham gia hiến máu nhân đạo 5 lần, chung sức với các nhóm tình nguyện trẻ thực hiện các hoạt động thiện nguyện tại chùa Long Sơn, các cơ sở, trung tâm khuyết tật trên địa bàn tỉnh. Em còn nhận hỗ trợ và dạy học hàng ngày cho một em nhỏ bị khó khăn về ngôn ngữ. Mới đây, Trang là đại diện duy nhất của Khánh Hòa vinh dự được ra Thủ đô để nhận Giải thưởng Sao tháng Giêng 2015, do Trung ương Đoàn trao tặng, một danh hiệu cao quý mà những SV ngồi trên ghế giảng đường đều mơ ước.


Tôi hỏi Trang, làm thế nào vừa học tốt, vừa tham gia nhiều hoạt động trong trường và ngoài xã hội, nhất là trong giai đoạn năm học cuối nhiều bận rộn như vậy? Cô bạn cười hồn nhiên, bảo rằng chỉ cần lên kế hoạch, sắp xếp công việc hợp lý thì mọi việc đều có thể hoàn thành. Với Trang, tham gia các hoạt động Đoàn và hoạt động xã hội còn giúp em thỏa mong ước cống hiến sức trẻ, mang đến nhiều trải nghiệm đáng nhớ và trang bị cho em vốn sống làm hành trang bước vào đời. “Làm thế nào để khi nhìn lại quãng thời SV, em sẽ không phải hối tiếc điều gì”, Trang tâm sự.


Nói về Trang, anh Thái Văn Tài, Chủ tịch Hội SV Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Nha Trang cho biết: “Trang là một SV giỏi và rất nhiệt tình, năng nổ trong các phong trào, công tác Đoàn, Hội. Đặc biệt, ở em có một ý chí phấn đấu đáng để các SV khác học tập, noi theo”.


Nghị lực của chàng sinh viên khuyết tật


Gặp lại Phạm Hữu Luân, SV lớp công nghệ thông tin K8 - Trường Cao đẳng Nghề Nha Trang kể từ sau lần em được nhận học bổng dành cho SV nghèo hiếu học vào đầu năm học 2015 - 2016, tôi vẫn chưa hết nể phục chàng trai 20 tuổi với đôi chân yếu ớt nhưng có một nghị lực sống mạnh mẽ này.

 

Phạm Hữu Luân bên “người bạn” thân thiết là chiếc máy tính xách tay
Phạm Hữu Luân bên “người bạn” thân thiết là chiếc máy tính xách tay


Là con út trong một gia đình có 3 anh chị em, Luân sinh ra với cơ thể khỏe mạnh như bao đứa trẻ bình thường khác. Bà Dương Thị Nụ, mẹ Luân không thể ngờ rằng, cậu con trai út của mình lại không may mắn có được cơ thể lành lặn đến suốt đời như hai người chị gái và bao người bình thường khác. Chưa đầy 1 tuổi, khi Luân chập chững những bước đi đầu đời cũng là lúc bà Nụ nhận thấy những dấu hiệu sức khỏe bất thường của cậu con trai. Vay tiền, chạy chữa khắp nơi, bà cũng không biết con trai mình bị bệnh gì, chỉ biết rằng chân tay Luân cứ co quắp và teo dần, sức khỏe ngày càng sa sút, chỉ có tinh thần ham học là cứ lớn dần lên. Bà Nụ kể, dù ngày nắng hay mưa, dù khỏe hay đang bệnh, Luân cũng nhất quyết đòi ba mẹ hay chị đưa đến trường. Trong cuộc sống hàng ngày, em cũng luôn cố gắng tự phục vụ mình, giúp đỡ việc nhà cho ba mẹ.


Trò chuyện với cô Nguyễn Thị Tường Vy, giáo viên chủ nhiệm của Luân, tôi được biết, em nằm trong top những SV có kết quả học tập đứng đầu lớp, là một trong những SV vượt khó tiêu biểu của nhà trường. Điều đáng quý là ở chàng trai quê gốc Hải Dương với đôi chân yếu ớt, chiều cao chỉ 90cm ấy là tinh thần vui vẻ, lạc quan, hòa đồng với bạn bè và là một tấm gương về ý chí cầu tiến trong học tập cũng như trong cuộc sống. Được biết, hoàn cảnh gia đình Luân cũng rất khó khăn khi cả cha và mẹ đều không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập chỉ trông chờ từ công việc làm thuê. Nhưng Luân luôn tâm niệm rằng: “Mình không được lựa chọn gia cảnh, nhưng mình hoàn toàn có thể lựa chọn cách sống như thế nào. Em không được trời cho cơ thể lành lặn, em càng phải cố gắng gấp 2, gấp 3 lần người bình thường”.


Trở thành SV ngành công nghệ thông tin là điều mà Luân đã mơ ước từ lâu. Luân chia sẻ, một trong những thần tượng của em chính là “hiệp sĩ” công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng, một trong những biểu tượng về ý chí và nghị lực của thế hệ thanh niên Việt Nam. Lang thang các diễn đàn IT, tìm hiểu cuộc đời của người thanh niên khuyết tật này, Luân càng tự nhắc nhở mình không bao giờ lùi bước trước khó khăn. Luân cho rằng: “Công nghệ thông tin là lĩnh vực phù hợp với những người không có khả năng đi lại nhiều như em. Em cũng rất yêu thích ngành này và tự tin với những kiến thức mà mình đã được học. Em mong muốn sau này có thể tìm được một công việc ổn định, nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. Đồng thời, trau dồi thêm nhiều kiến thức về thiết kế website để có thể thiết kế được những trang web giúp đỡ nhiều người, trong đó có những người khuyết tật”.


Có thể nói, với Huỳnh Đặng Phương Trang và Phạm Hữu Luân, khó khăn không là vật cản, ngược lại, đó là động lực để các em nỗ lực hơn để thay đổi cuộc sống của chính mình và trở thành người có ích cho xã hội.


HOÀNG NGÂN