09:02, 19/02/2016

Tất bật lo chống hạn

Năm nay, ở Khánh Sơn, mùa khô lại đến sớm, hạn hán được nhận định sẽ rất khốc liệt. Rút kinh nghiệm từ thiệt hại của đợt hạn hán năm trước, ngay từ trước Tết Bính Thân 2016, chính quyền và nông dân Khánh Sơn đã tất bật lo chống hạn.

Năm nay, ở Khánh Sơn, mùa khô lại đến sớm, hạn hán được nhận định sẽ rất khốc liệt. Rút kinh nghiệm từ thiệt hại của đợt hạn hán năm trước, ngay từ trước Tết Bính Thân 2016, chính quyền và nông dân Khánh Sơn đã tất bật lo chống hạn.


Đối mặt với mùa khô khốc liệt


Về Khánh Sơn những ngày này, chúng tôi cảm nhận được cái khắc nghiệt của thời tiết hanh khô. Những vườn cà phê, sầu riêng... đang độ ra hoa như muốn lả đi, cây lá đã bắt đầu rũ rượi. Đang kéo nước tưới cho 2ha cà phê  của gia đình, ông Nguyễn Văn Viên (thôn Cam Khánh, xã Sơn Lâm) cho biết: Tết nay, nhiều hộ nông dân trồng cà phê ở Sơn Lâm không dám đi đâu xa mà phải túc trực ở nhà để lo kéo nước, tưới cây, bởi nếu không tưới kịp thời thì khả năng cà phê đậu quả sẽ rất thấp, nguy cơ cây chết cũng lớn. Cà phê ở Sơn Lâm phần lớn được trồng ở đồi dốc cao, lại xa nguồn nước nên để có nước tưới, phải bơm chuyền 2 - 3 chặng mới lên được rẫy. Trong khi đó, càng về giữa và cuối mùa khô thì nước sông Tô Hạp cứ cạn dần, các suối nhỏ thì trơ đáy, chẳng biết có đủ nước để duy trì tưới cho cây trồng qua mùa khô năm nay hay không?!.

 

Anh Bo Bo Liên (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) tưới nước cho ruộng mía tím
Anh Bo Bo Liên (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) tưới nước cho ruộng mía tím


Gặp chúng tôi khi đang nối ống, đưa nước lên đồi cao, ông Nguyễn Văn Tứ (ở thôn Ma O, xã Sơn Trung) chia sẻ, gia đình ông có 2ha cà phê và sầu riêng trồng xen canh trên đồi cao, cách nguồn nước hơn 600m. Đầu mùa khô, ông và mấy người thân trong gia đình chung nhau 1 máy bơm để tưới luân phiên. Thế nhưng, càng vào mùa khô cây càng vàng, héo lá nên ông phải đầu tư hơn chục triệu đồng để mua đường ống dẫn nước, máy bơm nước loại 3 ngựa mới đủ sức bơm nước từ dưới suối lên trên đồi cao.


Đi dọc theo triền sông Tô Hạp, đoạn từ xã Sơn Hiệp lên đến cầu Sơn Bình, chúng tôi bắt gặp hàng trăm chiếc máy bơm nước lớn nhỏ đang chạy hết công suất để đưa nước lên tưới cho những ruộng mía tím, những vườn cà phê, cây ăn quả ven sông. Giữa trưa nắng, thay vì ở nhà nghỉ trưa thì ông Bo Bo Liên (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp) lại tất bật lo bơm nước từ sông Tô Hạp lên tưới cho ruộng mía tím lưu gốc hơn 1ha đang phát triển của gia đình. Đưa tay quệt những giọt mồ hôi lăn dài trên má, ông tâm sự: “Từ trước Tết đến nay nắng quá, đến người ở trong nhà còn khó chịu huống chi là cây trồng ngoài ruộng. Ruộng mía của gia đình mình mới tưới đẫm cách đây 1 hôm nhưng giờ đã khô khốc, thấy lá hơi rủ xuống mình biết là đang thiếu nước nên dù trời đang nắng mình cũng phải bơm nước tưới cho cây”.


Lo thiếu nước


Mang câu chuyện nhà nông tất bật lo chống hạn hỏi thăm lãnh đạo các địa phương ở huyện Khánh Sơn, đến đâu chúng tôi cũng bắt gặp những ánh mắt lo âu. Ông Nguyễn Ngọc Nguyên - Chủ tịch UBND xã cho hay, Sơn Lâm là một trong những vùng trồng cây công nghiệp, cây ăn quả chủ lực của huyện Khánh Sơn. Trên địa bàn hiện có 200ha cà phê, 100ha sầu riêng, 80ha cây ăn quả khác…, đây đều là những loại cây rất cần nước. Trong khi hầu hết các diện tích đều ở đồi cao, xa nguồn nước mà trên địa bàn thì không có bất cứ công trình thủy lợi nào, nguồn nước phụ thuộc hoàn toàn vào các suối nhỏ; nguồn nước từ sông Tô Hạp chỉ đảm bảo tưới cho một phần nhỏ diện tích cây trồng ven sông. “Năm 2015, do hạn hán mà hàng trăm héc-ta cây ăn quả và cây công nghiệp của địa phương bị giảm năng suất, gây thiệt hại lớn cho nông dân. Năm nay, mùa khô lại đến sớm, hiện các suối nhỏ trên địa bàn xã đã cạn khô, chắc chắn hầu hết diện tích cà phê, sầu riêng của xã Sơn Lâm sẽ bị ảnh hưởng, trong đó các thôn Cam Khánh, Du Oai sẽ nặng nề hơn cả”, ông Nguyên cho hay.

 

Một cách tưới tiết kiệm nước ở xã Sơn Bình
Một cách tưới tiết kiệm nước ở xã Sơn Bình

 

 
Đến xã Ba Cụm Nam, chúng tôi được ông Võ Thành Toản - cán bộ khuyến nông, quản lý công trình của xã cho biết: “Hiện đập Đầu Bò đã xuống mực nước chết, hàng trăm héc-ta đất sản xuất các loại cây lương thực như bắp, lúa không tổ chức sản xuất được. Ngoài ra, 1/3 diện tích mía tím tại địa phương đã không còn nước tưới; phần lớn trong hơn 400ha đất sản xuất của xã đã đối diện với tình trạng thiếu nước”. Điều khiến chính quyền địa phương hết sức lo lắng là việc đảm bảo nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô năm nay. “Hiện nay, hệ thống nước tự chảy của địa phương nước còn chưa đến 1/3 ống, tình trạng này tiếp tục kéo dài thì nguy cơ thiếu nước sinh hoạt là điều đã được thấy trước”, ông Toản nói.


Vừa kết thúc cuộc họp với các địa phương để nắm bắt việc triển khai công tác sản xuất và chống hạn cho vụ đông xuân 2015 - 2016, ông Nguyễn Ngọc Hiếu - Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Khánh Sơn cung cấp thêm thông tin: “Qua đánh giá sơ bộ, trên địa bàn huyện, diện tích đảm bảo nước tưới chỉ có khoảng 146ha lúa và 59ha mía tím. Còn 500ha các loại cây công nghiệp, cây ăn quả như: mía, tiêu, cà phê, sầu riêng… phải thực hiện bơm chống hạn; có khoảng 10ha không có nguồn nước để tưới phải chuyển đổi cây trồng khác”.

 

Người dân đưa nước từ sông Tô Hạp lên tưới cho cây trồng
Người dân đưa nước từ sông Tô Hạp lên tưới cho cây trồng


Cũng theo chia sẻ của ông Hiếu, trên địa bàn có nhiều khu vực thường xuyên bị thiếu nước do nắng hạn, nắng nóng như: Suối Cối, Suối Ngựa, Suối Mã (xã Sơn Lâm); các thôn: Ka Tơ, Suối Me (xã Ba Cụm Nam), Tha Mang, A Thi (xã Ba Cụm Bắc), Tà Nĩa, Chi Chay, Ma O (xã Sơn Trung), Ko Lăk (xã Sơn Bình)… “Vụ đông xuân 2015 - 2016 đã được dự báo sẽ khó khăn về nguồn nước; đến vụ hè thu 2016 chắc chắn sẽ còn khó khăn hơn. Vì vậy, cùng với những nỗ lực của chính quyền, cơ quan chức năng, nông dân cũng cần phải tích cực, chủ động trong chống hạn cho cây trồng của gia đình mình”, ông Hiếu nói.


“Không thể chủ quan”

 

Trong năm 2015, chỉ tính riêng các loại cây lương thực, có 56,4ha lúa và 479,75ha bắp trên địa bàn huyện Khánh Sơn bị thiệt hại hơn 70%, nhiều loại cây công nghiệp, cây ăn quả khác cũng bị giảm năng suất do nắng hạn. Vụ đông xuân 2015 - 2016, những diện tích lúa, bắp bị thiệt hại hơn 70% đã được hỗ trợ kinh phí để khôi phục sản xuất.

Đó là khẳng định của ông Phan Văn Sửu - Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn khi trò chuyện với chúng tôi xung quanh câu chuyện chống hạn của địa phương. Trước nhận định hạn hán trong mùa khô năm nay sẽ khốc liệt không thua kém đợt hạn hán kéo dài trong năm 2015, ngay từ trước Tết, khi bắt tay vào triển khai vụ đông xuân 2015 - 2016, UBND huyện Khánh Sơn đã chỉ đạo các địa phương không thể chủ quan mà phải bắt tay ngay vào việc chống hạn, chủ động trong tích trữ nước để phục vụ sinh hoạt và sản xuất của người dân. “Tới đây, UBND huyện sẽ tiến hành kiểm tra, chỉ đạo công tác chống hạn ở các địa phương. Trước mắt, sẽ tiến hành kiểm tra ở xã Ba Cụm Nam, bởi ở đây đầu nguồn nước nhưng đã xuất hiện hạn hán, tiếp đến là các xã Sơn Bình, Sơn Lâm nơi tập trung nhiều diện tích cây công nghiệp, cây ăn quả. Chúng tôi chỉ đạo các địa phương phải ưu tiên cấp nước sinh hoạt cho người dân; bên cạnh đó, tiến hành tổ chức nạo vét, làm đập tạm để tích nước…”, ông Sửu chia sẻ.  


Qua thực tế tìm hiểu tại một số địa phương của huyện Khánh Sơn, việc triển khai công tác sản xuất và chống hạn đã được các xã chú trọng. Tuy nhiên, với đặc thù là huyện miền núi, địa hình phức tạp, trong khi trên địa bàn không có hồ chứa để tích trữ nguồn nước trong mùa khô hạn (chỉ có 32 đập dâng nhỏ, lưu vực không lớn, khả năng tích nước kém) nên sản xuất nông nghiệp chủ yếu phụ thuộc vào nguồn nước của 20 nhánh sông, suối trên địa bàn. “Về lâu dài, để chủ động nguồn nước tưới, đảm bảo sinh hoạt và sản xuất của người dân, UBND huyện Khánh Sơn kiến nghị UBND tỉnh xây dựng các công trình hồ chứa nước ở các địa phương: Sơn Trung, Sơn Lâm, Sơn Bình, Ba Cụm Bắc…”, ông Sửu nói.



HẢI LĂNG





 



Ông Nguyễn Khoa Trưởng - Trưởng Ban quản lý các công trình công cộng và môi trường huyện Khánh Sơn: Hiện Nhà máy nước Tô Hạp đang cung cấp nước sinh hoạt cho gần 1.000 hộ dân trên địa bàn thị trấn Tô Hạp, một phần các xã Ba Cụm Bắc và Sơn Trung. Trước khó khăn về nguồn nước trong mùa khô năm nay, đơn vị xin chủ trương của UBND huyện tiến hành làm đập tích nước tạm thời ở đầu nguồn, đồng thời sẽ nạo vét, mở rộng dung tích chứa của đập dâng đầu nguồn nước Nhà máy nước Tô Hạp. Bước vào cao điểm mùa khô, khi nguồn nước hạn chế thì nhà máy sẽ có kế hoạch cung cấp nước phân luồng theo từng khu vực.