07:10, 30/10/2013

“Văn phòng xã” di động ở Bình Hưng

Tháng nào cũng vậy, không ngại khó khăn, vất vả, cán bộ, công chức xã Cam Bình (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đều đến tận đảo Bình Hưng để giúp người dân giải quyết thủ tục hành chính. Người dân thôn đảo rất hoan nghênh cách làm này.

Tháng nào cũng vậy, không ngại khó khăn, vất vả, cán bộ, công chức xã Cam Bình (TP. Cam Ranh, Khánh Hòa) đều đến tận đảo Bình Hưng để giúp người dân giải quyết thủ tục hành chính. Người dân thôn đảo rất hoan nghênh cách làm này.

 

Cán bộ xã Cam Bình vận chuyển phương tiện xuống ghe chuẩn bị cho chuyến công tác.
Cán bộ xã Cam Bình vận chuyển phương tiện xuống ghe chuẩn bị cho chuyến công tác.


Vượt sóng đến với dân


6 giờ sáng, bến cảng thôn đảo Bình Ba (xã Cam Bình) tấp nập hoạt động mua bán hải sản của ngư dân. Tuy đang rất bận rộn với công việc làm ăn của mình, nhưng dường như người dân nào cũng nở nụ cười tươi khi thấy đoàn cán bộ, công chức xã (gần 10 người) tay xách, nách mang đủ loại giấy tờ, máy móc đi về phía chiếc ghe đợi sẵn để sang đảo Bình Hưng. Vừa phụ giúp các đồng nghiệp khiêng chiếc máy photocopy và 2 bao giấy tờ xuống ghe, anh Nguyễn Văn Sang - Chánh Văn phòng UBND xã Cam Bình cho biết: “Tháng nào cũng vậy, cán bộ xã đều có từ 1 - 2 chuyến công tác đến đảo Bình Hưng. Tuy vất vả khi phải mang theo nhiều vật dụng cho mỗi chuyến công tác, nhưng chúng tôi rất vui vì được phục vụ người dân”. Trong lịch làm việc của UBND xã, mỗi tháng đều có 2 ngày cán bộ, công chức các bộ phận đến tận đảo Bình Hưng để giúp người dân giải quyết thủ tục hành chính.

 

Trong đợt tổng kết 2 năm (2011 - 2012) việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh của Thành ủy Cam Ranh, mô hình “Giải quyết thủ tục hành chính lưu động” tại thôn đảo Bình Hưng, xã Cam Bình được đánh giá là một trong những mô hình tiêu biểu, giải quyết kịp thời những ý kiến, kiến nghị cũng như tâm tư nguyện vọng chính đáng của người dân địa phương.


6 giờ 30, chiếc ghe chở chúng tôi và đoàn cán bộ xã Cam Bình khởi hành đến thôn đảo Bình Hưng. Xã Cam Bình hiện có hơn 40.000 người dân sinh sống, chủ yếu trên 2 đảo Bình Ba, Bình Hưng (cách nhau 4 hải lý). Đơn vị hành chính của xã nằm ở đảo Bình Ba. Trước đây, khi chưa có những chuyến công tác của cán bộ xã, người dân thôn đảo Bình Hưng muốn liên hệ với chính quyền địa phương phải tốn rất nhiều thời gian và chi phí đi lại. Phương tiện duy nhất để di chuyển từ Bình Hưng đến Bình Ba là các loại ghe, thuyền của ngư dân và mỗi chuyến đi như vậy người dân phải mất gần 3 tiếng đồng hồ. Những người không có ghe, thuyền riêng phải đi nhờ, thuê ghe hoặc có khi phải đi đường vòng khá xa, từ xã Cam Lập đến cảng Đá Bạc, Cam Ranh rồi đón ghe, thuyền đến đảo Bình Ba.


Ngồi trên chiếc ghe nhỏ do UBND xã thuê từ các ngư dân, sau hơn 1 tiếng đồng hồ lênh đênh trên biển với những con sóng cao mùa gió bão, những người không quen đi ghe, thuyền như chúng tôi cảm thấy mệt nhoài vì sóng. “Đi trong mùa biển động, sóng to gió lớn thế này, vừa phải đảm bảo đúng thời gian lịch trình, vừa phải đảm bảo an toàn cho các dụng cụ, thiết bị mang theo nên rất vất vả”, anh Sang chia sẻ. Đến 7 giờ 45 phút, đoàn công tác có mặt tại bến đậu cảng thôn Bình Hưng.  Và  như mọi cơ quan khác, đúng 8 giờ Văn phòng UBND xã Cam Bình di động bắt đầu mở cửa đón người dân thôn đảo Bình Hưng đến làm việc.


Thỏa lòng người dân thôn đảo

 

1
Người dân thôn đảo Bình Hưng đến làm thủ tục hành chính tại trụ sở di động của UBND xã Cam Bình.


Trong căn phòng cũ của Trường Mẫu giáo Bình Hưng được tận dụng làm nơi làm việc của cán bộ xã Cam Bình, hàng chục người dân thôn đảo đã chờ sẵn. Từ sáng sớm, bà Lê Thị Tài đã thu xếp việc nhà, đem theo các loại giấy tờ cần thiết ngồi đợi ở cầu tàu. Vừa thấy chiếc ghe chở cán bộ và các vật dụng làm việc cập bến, bà đã dẫn đứa cháu ngoại vào ngồi ngay ngắn, đợi nộp hồ sơ khai sinh cho cháu. Cháu ngoại của bà là Nguyễn Hoài Nam đã đến tuổi đi mẫu giáo nhưng chưa có giấy khai sinh. Phần do còn thiếu một vài giấy tờ liên quan, phần vì chặng đường qua UBND xã khá xa và vất vả nên bà Tài cứ lần lữa chưa làm. Bây giờ, bà không còn phải tốn công sức và thời gian để qua đảo Bình Ba làm các thủ tục hành chính mà có thể đợi đến ngày cán bộ qua thôn để làm.

 

2513
Cán bộ xã Cam Bình tận tình hướng dẫn người dân làm thủ tục trong ngày làm việc tại thôn đảo.


Nhớ lại quãng đường phải đi trước đây, bà Tài chia sẻ: “Những năm trước, mỗi khi muốn làm một giấy tờ gì đó, tôi phải di chuyển rất vất vả. Chặng đường từ đảo Bình Hưng đến Bình Ba chỉ 4 hải lý nhưng không có tàu đi qua đó nên tôi phải đi đường vòng từ Bình Hưng qua xã Cam Lập (chủ yếu đi xe ôm khoảng 120.000 đồng/chuyến) đến cảng Đá Bạc, Cam Ranh đón ghe đi Bình Ba. Những hôm trời yên biển lặng không sao, chứ gặp sóng to gió lớn, phải di chuyển qua nhiều chặng đường vất vả lắm”. Vợ chồng con gái bà Tài đi làm ăn xa, để đứa cháu ngoại cho bà chăm sóc. Nhiều lần đưa cháu đến trường, cô giáo hỏi giấy khai sinh nhưng bà không có. Hôm nay, chỉ trong buổi sáng, thủ tục xin cấp giấy khai sinh cho cháu đã hoàn thành, bà Tài rất phấn khởi.


 Còn anh Phan Châu Tuấn vẫn tiếc số tiền cho một lần qua đảo Bình Ba làm thủ tục xuất khẩu lao động vào năm trước. Anh Tuấn cho biết; “Lần đó, vì cần gấp giấy tờ để hoàn tất thủ tục xuất khẩu lao động nên tôi phải thuê ghe qua đảo Bình Ba hết 800.000 đồng. Số tiền đó quá lớn đối với những người lao động nghèo như chúng tôi”. Ở Bình Hưng, những gia đình có ghe tương đối nhiều, nhưng sử dụng ghe của gia đình thì tiền đổ dầu cho mỗi chuyến đi từ Bình Hưng qua Bình Ba cũng mất hơn 300.000 đồng.

 

Trụ sở của xã Cam Bình di động tại thôn đảo Bình Hưng.
Trụ sở của xã Cam Bình di động tại thôn đảo Bình Hưng.


Chỉ trong một buổi làm việc (từ 8 giờ đến 11 giờ 30), các cán bộ, công chức xã Cam Bình đã nhận và giải quyết hơn 150 hồ sơ, thủ tục các loại như: Giấy khai sinh, chứng thực chứng minh nhân dân, hộ khẩu, sổ đỏ, giải quyết chế độ trợ cấp cho người có công... Đối với các loại giấy tờ phức tạp, cần có chữ ký và con dấu của lãnh đạo xã, cán bộ chuyên trách xã chuyển ngay cho đồng chí Phó Chủ tịch xã (đi cùng với đoàn) để xin ý kiến và giải quyết nhanh cho người dân theo cơ chế một cửa. Ông Trần Văn Vinh - Bí thư thôn Bình Hưng cho biết: “Khi nhận được văn bản của UBND xã về việc tổ chức đoàn cán bộ qua thôn Bình Hưng để giải quyết thủ tục hành chính, chúng tôi đã tuyên truyền rộng rãi cho người dân biết. Hầu hết người dân đều rất vui mừng, phấn khởi với chủ trương này”.


Xã dễ dàng, dân thuận tiện

 

Ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch UBND TP. Cam Ranh: Việc UBND xã Cam Bình đưa cán bộ, công chức xuống thôn Bình Hưng để giải quyết thủ tục hành chính là mô hình hay, cần tiếp tục phát huy vì lợi ích của người dân thôn đảo.

Hiện nay, thôn Bình Hưng có 350 hộ với 1.800 nhân khẩu, đa số sống bằng nghề đi biển, nuôi trồng thủy sản. Trước đây, mỗi lần chứng thực giấy tờ, người dân phải bỏ dở công việc từ 1 - 2 ngày, vì thế họ rất ngại làm các loại giấy tờ vì sợ ảnh hưởng đến công việc, thu nhập. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người dân mà còn gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý, tiến độ triển khai, giải quyết công việc của chính quyền địa phương. Ông Nguyễn Hữu Thông, Phó Chủ tịch UBND xã Cam Bình cho biết: “Để giảm phiền hà trong việc đi lại của người dân thôn đảo Bình Hưng,  từ đầu năm 2013 xã đã chủ động đưa cán bộ, con dấu đến tận nơi để phục vụ nhu cầu làm giấy tờ hành chính cho người dân thôn đảo”.


Nhờ cách làm này, người dân không phải đi xa, tốn thời gian, chi phí mà việc quản lý của xã cũng dễ dàng hơn. Đối với cán bộ, công chức xã, thời gian và công việc ở thôn Bình Hưng cũng giống như tại trụ sở UBND xã, riêng chi phí cho chuyến đi (thuê ghe, ăn trưa khoảng hơn 2 triệu đồng) cho ngày làm việc ở thôn đảo được trích từ nguồn ngân sách xã. “Tất cả nhằm mang đến sự thuận tiện, giảm phiền hà cho người dân trong giải quyết các thủ tục hành chính”, ông Thông chia sẻ.


  Phúc Hiếu - Hoàng Dung