11:10, 15/10/2013

Theo cơn sốt đất cát vôi

Hiệu quả kinh tế cao đã khiến cho diện tích trồng tỏi, hành, nuôi ốc hương tại xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) tăng lên, kéo theo cơn sốt đất cát vôi để cải tạo đất trồng, lót đìa.

Hiệu quả kinh tế cao đã khiến cho diện tích trồng tỏi, hành, nuôi ốc hương tại xã Ninh Phước (thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) tăng lên, kéo theo cơn sốt đất cát vôi để cải tạo đất trồng, lót đìa. Vì vậy, một số người dân ở xã Ninh Phước đã mua và khai thác đất cát vôi trái phép tại đảo Mỹ Giang (xã Ninh Phước), khiến cho một vùng đất rộng lớn bị cày xới.

 

 Một góc đảo Mỹ Giang bị cày xới.
Một góc đảo Mỹ Giang bị cày xới.


Đổ xô tìm mua đất cát vôi

 

Do cây tỏi, hành cho hiệu quả kinh tế cao nên diện tích không ngừng được mở rộng.
Do cây tỏi, hành cho hiệu quả kinh tế cao nên diện tích không ngừng được mở rộng.


Về xã Ninh Phước, chúng tôi bắt gặp không khí hối hả trên những cánh đồng tỏi. Người chuẩn bị đất, người chạy đôn chạy đáo tìm mua đất cát vôi để cải tạo ruộng tỏi chuẩn bị xuống giống. Ông Lê Tân - người có hơn 15 năm trồng tỏi ở thôn Ninh Tịnh cho hay: “Để cho năng suất cao, củ tỏi có hương vị cay, thơm nồng, cứ vài vụ tỏi, người dân địa phương buộc phải cải tạo đất, cào hết lớp đất cũ và thay vào đó một lớp đất cát vôi mới”. Với diện tích trồng tỏi 5.000m2, vụ này, gia đình ông Tân phải mua 50m3 đất cát vôi để bồi cho ruộng tỏi. Thế nhưng, hiện nay, ông chỉ mới cải tạo được một nửa diện tích; phần còn lại, ông chưa biết phải mua đất cát vôi ở đâu.

 

Do cây tỏi, hành cho hiệu quả kinh tế cao nên diện tích không ngừng được mở rộng.
Vợ chồng ông Lê Tân đưa đất cát vôi vừa mua được từ đảo Mỹ Giang vào bồi đắp thêm cho ruộng tỏi.


Hỏi chuyện, nông dân Võ Kim Thái (thôn Ninh Yển) cho biết, trước đây, đất cát vôi để trồng tỏi thường được lấy ngay dưới ruộng. Nông dân chỉ cần đào sâu 2 - 3m là có thể lấy được cát. Tuy nhiên, do canh tác đã nhiều năm nên lượng cát này đã cạn kiệt. Ở thôn Ninh Yển không mấy hộ còn đất cát vôi để lấy, nên đành phải đi mua từ những người khai thác ở đảo Mỹ Giang. “Nhu cầu thì nhiều, trong khi người bán đất cát vôi ít nên phải chấp nhận mua với giá cao. Phải nhờ cậy các nhà xe, tôi mới mua được đất cát vôi để kịp chuẩn bị cho vụ trồng tỏi mới”, ông Thái chia sẻ. Được biết, cứ khoảng 4 năm, người trồng tỏi lại thay đất cát vôi một lần, còn 2 năm thì chỉ cần bồi thêm đất cát vôi lên trên lớp đất cũ. Với những lần cải tạo lớn, trung bình, mỗi sào đất trồng tỏi ngốn khoảng 6 - 7 xe đất thịt (25 - 30m3), 10 - 12 xe cát (50 - 60m3). Cũng chính vì nhu cầu như vậy nên nguồn đất cát vôi tại địa phương đang dần khan hiếm.


Hiện nay, diện tích đất trồng tỏi ở xã Ninh Phước chủ yếu tập trung tại 2 thôn Ninh Yển và Ninh Tịnh. Do lợi nhuận từ việc trồng tỏi tăng cao trong mấy năm qua nên không ít nông dân trong xã đã mở rộng diện tích. Nếu năm 2012, diện tích trồng tỏi của xã chỉ khoảng 80ha thì đến nay, diện tích này đã tăng lên khoảng 170ha. Điều này càng tạo thêm áp lực đối với nhu cầu đất cát vôi. Với 170ha đất trồng tỏi hiện có, mỗi lần cải tạo lớn, nông dân cần hàng chục nghìn khối đất cát vôi.


Không chỉ những hộ trồng tỏi mà những hộ trồng rau, hành, nuôi ốc hương đều cần đất cát vôi. Với những hộ trồng rau, hành, đất cát vôi cũng dùng để cải tạo như trồng tỏi; còn những hộ nuôi ốc hương cần đất cát vôi để lót đáy ao nuôi. Để có đất cát vôi phục vụ sản xuất nông nghiệp, ngoài việc khai thác trên ruộng của gia đình, nhiều nông dân đã khai thác dọc theo bờ biển hoặc mua lại từ những người khai thác tại thôn Mỹ Giang. Ông Lê Tân cho biết: “Những năm trước, khi việc khai thác đất cát vôi ở thôn Mỹ Giang còn dễ dàng, nông dân cần bao nhiêu cũng có. Bây giờ, chính quyền địa phương đã siết lại nên đất cát vôi đang lên cơn sốt, giá tăng đột biến. Nếu như năm trước, nông dân thôn Ninh Tịnh mua 1 xe cát khoảng 300.000 đồng, thì nay đã hơn 500.000 đồng”.

    
Cày xới đảo Mỹ Giang

 

Một điểm khai thác đất cát vôi trái phép trên đảo Mỹ Giang.
Một điểm khai thác đất cát vôi trái phép trên đảo Mỹ Giang.


Rẽ vào con đường đất ở thôn Mỹ Giang, trong vai những người tìm mua đất cát vôi về nuôi ốc hương, chúng tôi đến bãi khai thác nằm cạnh con đường vào Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong. Tiếp chúng tôi, một người phụ nữ trung niên cho biết: “Đây là mỏ đất cát vôi của cháu tôi ở bên làng. Nhà nó có xe múc, xe ben, muốn mua bao nhiêu và chở đi đâu cũng được. Nhưng bây giờ khan hiếm cát nên giá hơi cao…”. Nói rồi, bà chỉ cho chúng tôi nhà của chủ mỏ khai thác cát tên Huyền để liên hệ. Quan sát tại điểm khai thác đất cát vôi trái phép này, chúng tôi thấy ngổn ngang hầm, hố sâu 2 - 3m; những đống san hô hàng chục khối đã qua sàng lọc để lấy cát nằm khắp nơi; trên bãi còn có một xe múc và chiếc sàng lớn để sàng cát; những bụi cây đã bị múc bật gốc, thậm chí việc khai thác chỉ cách cột điện khoảng 0,6m…


Theo con đường in dấu ô tô chạy ra phía bờ biển, dọc 2 bên đường có hàng chục điểm khai thác đất cát vôi trái phép, cũ có, mới có. Đất cát vôi bị khai thác ở bất cứ nơi đâu, ra tận mép biển, những cây me già bị đào trơ gốc, một vài ngôi mộ nằm chênh vênh trên vùng khai thác. Một người dân đang đào phi, cạy hàu trên bãi triều cho biết, việc khai thác ở bãi đất cát vôi này đã mấy năm qua, xe chạy suốt ngày nên chẳng mấy chốc khu vực này đã tan hoang. Bây giờ không còn đất cát vôi nữa nên họ chuyển sang khai thác ở khu Mũi Nhọn, nằm cuối đảo Mỹ Giang từ đất liền nhìn ra.

 

Một cây me bị đào trơ gốc.
Một cây me bị đào trơ gốc.


Theo chỉ dẫn, chúng tôi đi khoảng 100m thì bắt gặp con đường mới dài khoảng 2km, trong đó có một đoạn chạy sát mép biển, ngay cạnh bức tường bao phía Đông của Kho Xăng dầu ngoại quan Vân Phong. Tại khu vực Mũi Nhọn, những người khai thác trái phép đã bắt đầu cho xe múc, xe ben vào lấy đất cát vôi. Trò chuyện với chúng tôi khi đang đo lại phần đất của gia đình mình tại khu vực Mũi Nhọn, ông Nguyễn Văn Ngao (thôn Mỹ Giang) bức xúc: “Không chỉ khai thác ở bãi cũ, họ còn mở đường sang đây khai thác đất cát vôi trái phép. Nếu tôi không đo và rào lại phần diện tích của gia đình thì chắc họ cũng đào mất. Họ lấy cát ngay sát mép biển sẽ hủy hoại môi trường, nguy cơ nước biển xâm thực cũng rất lớn”.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay, 2 chủ khai thác đất cát vôi trái phép đều ở thôn Mỹ Giang là ông Trần Văn Phong và Nguyễn Văn Huyền. Các chủ khai thác đều có xe múc, xe ben. Họ mua lại phần đất của người dân với giá khoảng 8 - 10 triệu đồng/1.000m2, khai thác sâu 2 - 3m tùy vào vị trí, sau đó lại bán cho những người trồng tỏi, hành, nuôi ốc hương với giá 400.000 - 500.000 đồng/xe 5m3. Do điều kiện kinh tế khó khăn hoặc không có nhu cầu canh tác trên những diện tích này nên nhiều hộ dân đã bán cho người khai thác trái phép. Ông Cao Văn Trọng - người dân địa phương nói: “Họ chỉ lấy đất cát vôi thôi chứ diện tích đất của mình vẫn còn nguyên. Sau khi khai thác, họ lại chở đất chỗ khác vào bồi lấp thì dại gì mình không bán”. Thực tế quan sát tại các khu vực đã bị khai thác, chúng tôi không thấy bất cứ phần đất nào được đưa vào bồi lấp cho những hố sâu đã khai thác, có chăng chỉ là những đống san hô nhỏ, không bán được nên mới còn lại.


Nan giải


Trước hiệu quả kinh tế mà các loại cây trồng, vật nuôi ở địa phương mang lại, nhu cầu đất cát vôi sẽ ngày một tăng cao, trong khi nguồn tài nguyên ngày càng cạn kiệt. Bà Đỗ Thị Dù - Chủ tịch UBND xã Ninh Phước cho biết: “Trước nhu cầu sử dụng đất cát vôi, 46 hộ dân các thôn Ninh Tịnh, Ninh Yển đã gửi đơn kiến nghị lên xã, xin cho phép khai thác đất cát vôi tại đảo Mỹ Giang để phục vụ trồng trọt và nuôi thủy sản. UBND xã và Hội Nông dân xã đã có tờ trình gửi UBND thị xã Ninh Hòa về vấn đề này. Nếu không cho các chủ phương tiện khai thác đất cát vôi để phục vụ sản xuất thì hàng chục héc-ta ốc hương, hàng trăm héc-ta trồng hành, tỏi tại địa phương sẽ bị bỏ hoang, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân địa phương. Để phục vụ nhu cầu phát triển sản xuất của người dân, cấp trên nên có khảo sát, quy hoạch và cấp phép một số điểm khai thác đất cát vôi tại đảo Mỹ Giang”.


Theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010, đất cát là khoáng sản làm vật liệu thông thường, UBND tỉnh là cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác. Tuy nhiên, nếu UBND tỉnh đồng ý cho khai thác khoáng sản tại đây, chắc chắn sẽ gặp phải tình trạng khai thác tràn lan, gây hủy hoại môi trường, làm mất hiện trạng đất ban đầu. Ngoài ra, công tác quản lý khai thác, vận chuyển sẽ hết sức khó khăn. Trong khi đó, khu vực đảo Mỹ Giang đã được quy hoạch để phát triển công nghiệp. Do vậy, việc thăm dò, quy hoạch lại các điểm khai thác đất cát vôi sẽ rất khó thực hiện.


BÍCH LA - GIANG ĐÌNH


Ông Tống Trân - Phó Chủ tịch UBND thị xã Ninh Hòa: UBND thị xã không đồng ý cho phép khai thác đất cát vôi tại đảo Mỹ Giang. Để chấm dứt tình trạng này, UBND thị xã yêu cầu UBND xã Ninh Phước tăng cường công tác kiểm tra, xử lý nghiêm đối với các chủ sử dụng đất, chủ phương tiện khai thác, vận chuyển đất cát vôi trái phép. Nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo UBND thị xã xử lý. 


Mới đây, làm việc với Công ty Liên doanh TNHH Kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong, đồng chí Trần Sơn Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh chỉ đạo: Bên cạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân, UBND thị xã Ninh Hòa phải có biện pháp xử lý dứt điểm tình trạng khai thác đất cát vôi trái phép tại đảo Mỹ Giang. Nếu cần thiết, UBND thị xã chỉ đạo UBND xã Ninh Phước lập chốt kiểm soát để ngăn chặn.