11:08, 02/08/2013

Xóm chài… lại vỡ hụi

Chỉ trong vòng 2 tháng, người dân xóm Cồn (Hà Ra, phường Vĩnh Phước TP. Nha Trang) phải hứng chịu 2 vụ vỡ hụi. Hơn 20 tỷ đồng của hàng trăm người dân “bốc hơi” trong nháy mắt, khiến cuộc sống xóm chài rơi vào cảnh nợ nần, khó khăn.

Chỉ trong vòng 2 tháng, người dân xóm Cồn (Hà Ra, phường Vĩnh Phước TP. Nha Trang) phải hứng chịu 2 vụ vỡ hụi. Hơn 20 tỷ đồng của hàng trăm người dân “bốc hơi” trong nháy mắt, khiến cuộc sống xóm chài rơi vào cảnh nợ nần, khó khăn.

 

Chủ huê Phan Thị Thu (bên trái) đang kình cãi với con hụi.
Chủ huê Phan Thị Thu (bên trái) đang kình cãi với con hụi.

 

Hàng trăm triệu đồng của gia đình bà Thạnh nay chỉ còn là tờ giấy.
Hàng trăm triệu đồng của gia đình bà Thạnh nay chỉ còn là tờ giấy.


Kiệt quệ vì huê hụi

Những ngày này không khí ở xóm Cồn trở nên ảm đạm, đi đến đâu cũng bắt gặp ánh mắt thờ thẫn, tiếng thở dài nghe đến não lòng. Chợ Hiền Nhi (tổ 6, Hà Ra, phường Vĩnh Phước, TP. Nha Trang) vốn tấp nập nhưng giờ cũng vắng hẳn. Chị em tiểu thương nhao nhác tụ tập đến nhà chủ hụi Phan Thị Thu đòi nợ, bỏ mặc các sạp hàng không người trông coi.

 

Những giọt nước mắt tức tưởi của những giật huê.
Những giọt nước mắt tức tưởi của những người bị giật huê.


Nhìn những giọt nước mắt rơi lã chã, tiếng nấc nghẹn nơi cổ họng khiến những người chứng kiến phải mủi lòng. Không nén nổi tủi khổ mà mình phải gánh chịu vì “cơn lốc” hụi khiến gia đình, vợ chồng lâm vào cảnh tan tác, chị Phạm Thị Lập (tổ 6 Hà Ra) tâm sự: “Tui dự định chơi hụi để trả nợ, sửa lại căn nhà... ai ngờ! Giờ vẫn nghèo như xưa, lại thêm chuyện vợ chồng hục hặc vì xót của. Cả đời chồng đi biển, vợ buôn bán mới tích góp được gần 500 triệu đồng và 10 cây vàng, nay 2 đợt vỡ hụi bà Thanh và bà Thu đã lấy đi hết không còn một đồng”.

 

Con hụi đến nhà chủ huê đòi nợ.
 


Nạn nhân của chủ hụi Phan Thị Thu phần lớn là phụ nữ và người già. Tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng và hàng trăm cây vàng chính là sự tích góp của người dân xóm Cồn trong suốt mấy chục năm qua. Vì khu vực này nằm trong diện giải tỏa nên từ lâu người dân đã dành dụm, chắt chiu, đợi ngày về vùng đất mới xây nhà, kiếm kế sinh nhai. Trong tiếng nấc nghẹn, chị Hồ Thị Nhanh chua xót: “Cả đời người gom góp được 500 triệu đồng để xây lại căn nhà dột nát và sửa chiếc ghe cho chồng đi biển. Tin tưởng bà Thu nên mới chơi hụi hòng kiếm chút lời. Vậy mà có ai ngờ, chủ hụi đã lừa tôi giựt đi toàn bộ số tiền lớn. Không chỉ có vậy, tiền của con, cháu tôi chơi hụi cũng bị giật luôn. Cả gia đình với hơn 1,3 tỷ đồng cùng hơn chục cây vàng nay trở thành mây khói”. Cùng cảnh với chị Nhanh, hơn 90 người khác có liên quan đến đường dây hụi của bà Thu cũng bị điêu đứng, gần như cả xóm Cồn nhà nào cũng bị giật hụi. Người may mắn thì gia đình không xào xáo, nhưng cũng lâm vào cảnh nợ nần chồng chất. Tính đến ngày 1-8, theo danh sách của những người tham gia chơi hụi trình báo, bà Phan Thị Thu đã giật hụi tổng cộng gần 11 tỷ đồng và hơn 1.000 chỉ vàng (vàng 96). Ngoài vụ giật hụi này, cách đây vài tháng, người dân nơi đây cũng bị bà Nguyễn Thị Thanh (người cùng địa phương) “xù hụi” mất hơn 4 tỷ đồng và 279 chỉ vàng. Trong số những nạn nhân của bà Thanh, có rất nhiều người bây giờ lại tiếp tục là nạn nhân của chủ hụi Phan Thị Thu.

 

1
Người chơi hụi đến nhà chủ hụi đòi nợ.


Vòng xoáy của tiền


Có mặt tại nhà chủ hụi Phan Thị Thu trưa 31-7, nhìn những giọt nước mắt của các cụ già mà không khỏi chạnh lòng. Người dân xứ biển vốn hiền hòa, nhưng khi chứng kiến cảnh họ đến vây quanh nhà bà Thu để đòi nợ mới thấy hết họ đã bức xúc như thế nào khi bị đẩy vào thế cùng quẫn. Theo người dân nơi đây, bà Phan Thị Thu vốn là chủ cái hụi lâu năm ở Hà Ra. Trước đây, bà ta chỉ tổ chức vài dây hụi với khoảng 12 đầu (số người tham gia). Nhưng thời gian gần đây bà Thu tổ chức tới 29 dây, mỗi dây 24 người. Số tiền đóng hụi từ 2 đến 5 triệu đồng mỗi tháng. Trước ngày bị bể hụi đã có hơn nửa số đầu hụi được hốt, song trong số đó không có bất kỳ một người nào của xóm Cồn. Chính sự bất thường này khiến người dân nghi ngờ bà Thu lập các đầu hụi khống để chiếm đoạt tiền của người dân sau đó tuyên bố bể hụi. Khi được hỏi, bà Phan Thị Thu lạnh lùng: “Muốn lấy tiền thì lên Công an mà đòi. Tôi khai báo với Công an hết rồi, giờ danh sách tôi cũng chẳng nhớ ai cả. Tôi cũng bị người ta giật nên mới ra thế này”.

 

Anh Nguyễn Thỉnh bên người cha bệnh tật khi không tiền chữa trị.IMG_9471:
Anh Nguyễn Thỉnh bên người cha bệnh tật khi không tiền chữa trị.

 

* Đại tá Trần Ngọc Khánh - Giám đốc Công an tỉnh Khánh Hòa: Vụ vỡ huê ở Hà Ra, phường Vĩnh Phước hiện đang được Công an tỉnh xử lý. Quá trình điều tra do Phòng PC 44 thực hiện. Đây là vụ vỡ huê có số tài sản lớn với nhiều người liên quan nên khá phức tạp. Trước mắt Công an tỉnh sẽ xác định vụ việc này thuộc phạm vi dân sự hay hình sự để có hướng xử lý tiếp theo.

Chị Trần Thị Kim Quyên (tổ 6 Hà Ra), mếu máo: “Hơn 900 triệu đồng tiền hàng, dồn hết vào hụi vì thấy bà ta là người đàng hoàng, tiền huê lâu nay đều chung rất sòng phẳng nên ai cũng tin. Vậy mà giờ này bà ta nhơn nhơn tuyên bố bể hụi, làm gia đình tôi trở nên khốn khổ. Tôi còn nợ chủ hàng ở chợ Cồn, nay bị giựt hụi tui cũng muốn chết quách cho rồi”. Đã nhiều ngày nay, chị Quyên cùng hơn 90 người dân xóm Cồn túc trực trước nhà bà Thu trong nỗi bức xúc tột cùng. Song, bà Thu vẫn không chịu trả tiền. Bà Trần Thị Mùa (tổ 6 Hà Ra) kể: “Mấy tháng trước, nó còn leo lẻo, nhà em có mấy căn, ghe tàu 2 chiếc, chạy đi đâu mà sợ. Nghĩ nó đang kinh doanh khó khăn, để thư thả, ai ngờ...”.

 

Khi được hỏi bà Thu kinh doanh gì thì hầu như không ai hay biết. Trong cùng một lúc có thể lôi kéo được nhiều người chơi hụi và cho vay tiền, bà Thu đã luôn đưa ra lãi suất cao hơn nhiều so với các chủ hụi khác. Điều này khiến cho người dân không hề đề phòng. Bà Lương Thị Hoa (đã đóng 133 triệu đồng, 18 chỉ vàng), hối hận: “Tiền lãi làm mờ mắt vì khi gửi tiền bà Thu luôn xổ hụi giá cao, mượn vàng, mượn tiền đều chung lời sòng phẳng và cao hơn nhiều so với ngân hàng. Xưa nay tôi đâu có chơi huê hụi, thấy lời hấp dẫn nên có bao nhiêu tiền để dành được đem ra chơi hụi và cho bà Thu vay hết. Xóm chài xưa nay vốn yên tĩnh, được xem là khu văn hóa, giờ ngày nào cũng ầm ào, cãi lộn, quậy phá bởi tiền bạc”.


Mong sự vào cuộc của cơ quan chức năng

 

* Ông Nguyễn Văn Cường - Chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước: Sau khi sự việc xảy ra, UBND phường đã tiến hành hòa giải. Tuy nhiên, gia đình bà Phan Thị Thu không chấp nhận trả tiền cho người dân. Trước tình hình đó, chúng tôi hướng dẫn người dân làm đơn kiến nghị lên các cơ quan cao hơn, đặc biệt là Tòa án để được giải quyết. Hiện nay, tình hình kinh tế của bà con ở khu vực Hà Ra vô cùng khó khăn. Đây vốn là khu vực nghèo, người dân chuyên sống bằng nghề chài lưới. Hầu như tất cả vốn liếng đã bị bà Thu chiếm dụng hết nên đến nay người dân không còn tiền trang trải cuộc sống và đầu tư ngư cụ phục vụ cho đánh bắt hải sản.

Đang từ những người có của ăn, của để, nay không ít gia đình ở xóm Cồn trở nên tán gia, bại sản. Người đi biển thì hết sạch vốn liếng để tu sửa ghe, tàu, nhiều ngư dân có tàu bị hư đành bất lực nhìn phương tiện đánh bắt hải sản phơi nắng. Trong số những người mà chúng tôi gặp, có trường hợp chơi hụi để dành tiền cưới vợ cho con như gia đình bà Huỳnh Thị Khâm. Nhưng nay bị giật hụi nên đám cưới con đành phải gác lại mà chưa biết khi nào mới có tiền để tổ chức. Gia đình ông Phạm Văn Nồm, bà Nguyễn Thị Nga cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Hạnh phúc của con cái trở nên dang dở khi “cơn bão” huê hụi đi qua. Trước đây, phụ nữ ở xóm Cồn chỉ biết ở nhà lo cơm nước và vá lưới cho chồng, nay cả xóm đành ly tán khắp nơi làm thuê, làm mướn để kiếm từng đồng về lo cơm rau cho cả gia đình. Tuy đã bắt đầu vào năm học mới nhưng nhiều gia đình đành phải để cho con nghỉ học vì quá túng quẫn. Dù họ vẫn biết thất học sẽ khiến tương lai của con cái mù mịt.


Tiếp chúng tôi trong căn nhà chồ xiêu vẹo, dột nát rộng khoảng 30m2, chị Nguyễn Thị Gái thút thít khóc: “Cả nhà giờ còn chiếc xe đạp và cái ti-vi là đáng giá. 112 triệu đồng bị bà Thu giật mất làm cho gia đình vô cùng túng quẫn. Đời làm thuê, làm mướn chỉ mong con cái học hành đàng hoàng rồi thoát khỏi cái xóm nhà chồ, thoát khỏi cuộc sống nghèo khổ của xứ biển. Giờ không còn tiền ăn nói chi đến chuyện học hành, giấc mơ đổi đời của con cái đành phó thác cho số phận. Có lẽ, bọn nhỏ lớn lên rồi lại theo người ta ra khơi đánh cá thuê kiếm sống qua ngày”.


Trong số những người bị giật hụi còn có những người bị tàn tật, mù lòa, phải dùng hết sức lao động trong nhiều năm trời để có một số vốn nho nhỏ. Cuộc sống của họ giờ vô cùng khó khăn. Những người dân này hiện đang rất mong chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng.

Đình Lâm