12:07, 29/07/2013

Kỳ 2: Lai lịch một công ty

Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Hiển Vinh (gọi tắt Công ty Hiển Vinh) đang thực hiện liên doanh, liên kết với nhiều công ty và có chi nhánh ở 10 tỉnh, thành phố trong cả nước. Số vốn đăng ký kinh doanh lên đến trên 3.427 tỷ đồng, nhưng từ năm 2010 đến nay, .....

Kỳ 2: Lai lịch một công ty


Công ty Cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Hiển Vinh (gọi tắt Công ty Hiển Vinh) đang thực hiện liên doanh, liên kết với nhiều công ty và có chi nhánh ở 10 tỉnh, thành phố trong cả nước. Số vốn đăng ký kinh doanh lên đến trên 3.427 tỷ đồng, nhưng từ năm 2010 đến nay, mỗi năm công ty này chỉ đóng 3 triệu đồng tiền thuế môn bài. Thực chất công ty này đang kinh doanh gì?

 

Trụ sở “tập đoàn” Công ty Hiển Vinh tại 68 Phan Đình Phùng, TP. Nha Trang.
Trụ sở “tập đoàn” Công ty Hiển Vinh tại 68 Phan Đình Phùng, TP. Nha Trang.


Có hay không hành vi trốn thuế, lừa đảo?


Công ty Hiển Vinh có địa chỉ tại 68 Phan Đình Phùng, phường Xương Huân, TP. Nha Trang do ông Cao Văn Xứng làm Chủ tịch Hội đồng quản trị được Sở Kế hoạch và Đầu tư Khánh Hòa cấp giấy đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 18-9-2007, với tổng vốn điều lệ trên 3.427 tỷ đồng. Ngành nghề kinh doanh chính của công ty có tới 43 hạng mục như: Sản xuất các sản phẩm khác từ giấy và bìa chưa được phân vào đâu; nhân và chăm sóc cây giống nông nghiệp; xử lý hạt giống để nhân giống; cưa, xẻ, bào gỗ; khai thác xử lý cung cấp nước; thu gom rác thải không độc hại; sản xuất dầu mỡ thực vật...


Công ty Hiển Vinh lập tới 10 chi nhánh tại các tỉnh: Thanh Hóa, Quảng Bình, Ninh Bình, Bình Phước, Đắk Nông, Hòa Bình, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Lâm Đồng và Lạng Sơn. Thế nhưng, qua điều tra của chúng tôi, từ năm 2010 đến nay, hàng năm Công ty Hiển Vinh chỉ đóng 3 triệu đồng tiền thuế môn bài (loại thuế bắt buộc) tại Cục Thuế Khánh Hòa. Từ tháng 9-2012, thời điểm công ty bắt đầu “Dự án từ thiện và xã hội” mới bắt đầu phát sinh thuế giá trị gia tăng đầu vào gồm: Văn phòng phẩm, điện thoại; số dư đến tháng 6-2013 là trên 25,8 triệu đồng. Trong khi đó, công ty này đã bị phạt 4 lần về các vi phạm: Nộp chậm quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 2,75 triệu đồng; nộp chậm hồ sơ quyết toán thuế thu nhập doanh nghiệp số tiền 880.000 đồng; phạt 6 triệu đồng do vi phạm về kế toán; phạt 660.000 đồng do nộp chậm hồ sơ kê khai thuế. Hiện nay, có nhiều đơn tố cáo Công ty Hiển Vinh có hành vi lừa đảo, Cục Thuế Khánh Hòa đang chuyển hồ sơ sang cơ quan Công an.


Sự thật về “công ty gia đình”


Theo điều tra của chúng tôi, trước năm 1996, ông Cao Văn Xứng và vợ là bà Lê Thị Cẩn đã đứng ra thành lập Công ty Cổ phần Hưng Phát, địa chỉ 137 Hoàng Văn Thụ, TP. Nha Trang (nhà riêng). Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, công ty này có hành vi trốn thuế, bị cơ quan Thuế cưỡng chế thuế và phá sản. Đến tháng 3-1997, ông Xứng và bà Cẩn vào tỉnh Bình Phước thành lập Công ty TNHH Chế biến, trồng trọt, chăn nuôi Thịnh An Khương (viết tắt Công ty Thịnh An Khương) do bà Cẩn làm giám đốc. Ngành nghề kinh doanh của Công ty Thịnh An Khương là: Thương mại, dịch vụ trồng rừng, trồng cây công nghiệp, cây nông nghiệp, chế biến nông sản và chăn nuôi gia súc, gia cầm... và hàng chục ngành nghề khác với tổng vốn điều lệ trên 12 tỷ đồng. Các ngành nghề mà công ty này đăng ký kinh doanh không khớp với mã hệ thống ngành kinh tế Việt Nam.

 

Để tương xứng với số “vốn khủng” Công ty Hiển Vinh đăng ký tới 43 ngành nghề kinh doanh.
Để tương xứng với số “vốn khủng” Công ty Hiển Vinh đăng ký tới 43 ngành nghề kinh doanh.


Từ năm 1997, trên danh nghĩa liên doanh liên kết (chủ các công ty liên doanh là con và người nhà ông Xứng, bà Cẩn), Công ty Thịnh An Khương đã lập rất nhiều dự án “ảo” đầu tư trồng rừng kết hợp với sản xuất lâm nghiệp ở nhiều địa phương. Với các dự án trên, công ty này vay vốn của rất nhiều cá nhân và ngân hàng. Chính quyền địa phương một số tỉnh phát hiện có sự mập mờ, đã chỉ ra nhiều sai phạm trong quá trình đầu tư, hoạt động của Công ty Thịnh An Khương nhưng vẫn chưa xử lý triệt để.  


Điển hình như năm 2003, Lâm trường Đắk R'măng (huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Lắk cũ), huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông ngày nay đã liên tiếp ký các hợp đồng liên doanh liên kết trồng rừng kết hợp sản xuất với Công ty Thịnh An Khương, Công ty Cổ phần Bình Nguyên (con gái bà Cẩn) và Công ty TNHH Tân Phú với diện tích 7.100ha rừng phòng hộ đầu nguồn xung yếu. Liên doanh trên chưa được thực hiện thì đến tháng 2-2004, Thịnh An Khương tiếp tục được UBND tỉnh Đắk Nông ra quyết định cho thuê hơn 2.600ha đất rừng thu hồi từ Lâm trường Đắk R'măng để thực hiện các dự án trồng rừng, cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc, gia cầm và chế biến gỗ, thức ăn gia súc với tổng số vốn đầu tư hơn 132 tỷ đồng.


Khi có dư luận không hay về Thịnh An Khương, tỉnh Đắk Nông đã thành lập Đoàn thanh tra và có kết luận việc trồng rừng của Công ty Thịnh An Khương là không có thật. Qua kiểm tra tại một số điểm, không phát hiện số diện tích rừng trồng tập trung mà chỉ có một số điểm rải rác có cây trồng phân tán nhỏ lẻ, tỷ lệ sống sót không cao, cũng như cây cao su chưa hề được trồng ở đây. Còn các dự án trồng rừng, cây công nghiệp, Nhà máy Chế biến thức ăn gia súc, nuôi gia súc được Thịnh An Khương vẽ ra với vốn đầu tư trên 132 tỷ đồng, nhưng khi Đoàn kiểm tra tiến hành kiểm tra thì chỉ có một lán trại khoảng 40m2 lợp tôn, thưng xung quanh bằng tre, 22 con bò chăn thả rông và cũng chẳng có nhà máy nào được xây dựng như dự án đã vẽ ra.

 

Một người dân từ tỉnh phía Bắc (trái) vừa đón xe vào Nha Trang và đang trao đổi với người dắt mối (phải) trước khi vào xin tiền từ thiện của Công ty Hiển Vinh.
Một người dân từ tỉnh phía Bắc (trái) vừa đón xe vào Nha Trang và đang trao đổi với người dắt mối (phải) trước khi vào xin tiền từ thiện của Công ty Hiển Vinh.


Ngày 23-1-2006, UBND tỉnh Đắk Nông cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD-033171 cho Thịnh An Khương, lập tức ngay ngày hôm sau, công ty đã mang thế chấp cho Công ty Tài chính cao su TP. Hồ Chí Minh để vay 10 tỷ đồng và sau đó vay thêm trên 12 tỷ đồng nữa, số tiền này không được phản ánh trong sổ sách tài chính của công ty. Tiền được vay về, nhưng các dự án không được triển khai, vậy hàng chục tỷ đồng của Nhà nước đi đâu?


Tháng 9-2006, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Đắk Nông tiến hành thanh tra Công ty Thịnh An Khương. Kết quả cho thấy, việc thực hiện dự án trồng rừng, trồng cây công nghiệp, chăn nuôi gia súc... của Công ty Thịnh An Khương vi phạm Điều 15, 38 Luật Đất đai năm 2003 và không hiệu quả. Ngoài ra, tại Bình Phước, Công ty Thịnh An Khương đã 3 lần thay đổi tên, địa chỉ công ty và hiện nay không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh. Riêng Công ty Cổ phần Bình Nguyên do con gái bà Cẩn làm giám đốc không hoạt động từ khi đăng ký kinh doanh. Kiểm tra hoạt động tài chính của Thịnh An Khương, công ty chỉ có báo cáo tài chính tổng hợp và sổ kế toán ghi chép không đúng quy định, còn lại đa số không có chứng từ, hóa đơn, hồ sơ sổ sách...


Không những thế, một thời gian dài, Công ty Thịnh An Khương với chiêu bài có một tổ chức phi chính phủ đang triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ vốn đầu tư trồng rừng cho những hộ gia đình nông dân đã được giao khoán khoanh nuôi bảo vệ, trồng rừng. Mức tài trợ mỗi héc-ta là 15 triệu đồng, hồ sơ xin tài trợ phải được tập trung qua đầu mối đại diện là Công ty Thịnh An Khương để tiến hành thu gom hàng ngàn sổ lâm bạ của hàng ngàn hộ dân như: Đắk Lắk, Đắk Nông, Phú Yên, Sơn La, Hòa Bình, Thái Nguyên... Sau khi bị cơ quan chức năng cảnh báo, chính quyền các địa phương phát hiện, Công ty Thịnh An Khương đã trả lại giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sổ lâm bạ cho các tổ chức, cá nhân liên quan.


Về việc này, ngày 8-7-2009 Bộ Công an đã có công văn nêu rõ: “Từ tháng 3-2009 đến nay, tại một số địa phương có tình trạng cá nhân, tổ chức tự xưng là tìm được nguồn vốn từ các tổ chức phi chính phủ nước ngoài để thu gom sổ đỏ của người dân, gây mất trật tự an ninh và phát sinh khiếu nại tại địa phương. Tuy nhiên, kết quả xác minh cho thấy không có nguồn vốn nào ở cả trong nước và nước ngoài thuộc loại các đối tượng thu gom sổ đỏ đã tự xưng”.


Ngày 20-4-2011, Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) đã có công văn  gửi Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố yêu cầu ngăn chặn lừa đảo thu gom sổ đỏ lập dự án xin vốn hỗ trợ trồng rừng của một số cá nhân và công ty TNHH đang có hoạt động biểu hiện lừa đảo. Bộ NN-PTNT khẳng định, không thẩm định bất cứ dự án trồng rừng nào của Công ty Thịnh An Khương. Đồng thời, yêu cầu các địa phương chỉ đạo quản lý chặt chẽ các dự án trồng rừng; tăng cường kiểm tra để phát hiện, tham mưu với cấp thẩm quyền có biện pháp xử lý, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật của các cá nhân, đơn vị nói trên.


Theo tìm hiểu của chúng tôi, có một thời gian dài Công ty Thịnh An Khương liên tiếp di chuyển địa điểm trụ sở hoạt động, thậm chí còn thuê và đặt văn phòng tại Nhà khách Bộ Tư lệnh Cảnh vệ tại Thủ đô Hà Nội. Tuy nhiên, do có hoạt động mờ ám nên Công ty Thịnh An Khương phải chuyển chỗ khác, và hiện giờ công ty này hoạt động không cố định ở bất cứ địa phương nào.


Tổ P.V

Kỳ 1: Dự án từ thiện trên giấy?


Kỳ 3: Trục lợi gì từ “dự án từ thiện” hào phóng?