08:07, 31/07/2013

Cần làm rõ hành vi của Công ty Hiển Vinh

Sau khi Báo Khánh Hòa khởi đăng loạt bài “Công ty bí ẩn và dự án từ thiện đáng ngờ”, chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin phản hồi từ phía độc giả. Tất cả các ý kiến đều hoan nghênh sự phát hiện và phản ánh kịp thời, của Báo Khánh Hòa.

Sau khi Báo Khánh Hòa khởi đăng loạt bài “Công ty bí ẩn và dự án từ thiện đáng ngờ”, chúng tôi nhận được rất nhiều thông tin phản hồi từ phía độc giả. Tất cả các ý kiến đều hoan nghênh sự phát hiện và phản ánh kịp thời, của Báo Khánh Hòa. Điều này giúp cho các tổ chức, cá nhân trong tỉnh và cả nước nhận ra được bộ mặt thật của Công ty Hiển Vinh. Một số cá nhân cho biết họ sẽ trả lại cổ phần (CP) mà Công ty Hiển Vinh đã cho để tránh những rắc rối về sau. Báo Khánh Hòa trích đăng một số ý kiến phản hồi xung quanh vấn đề này.


Ông Bùi Hồng Thái - Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Khánh Hòa: Các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc

 

“Cách đây không lâu, nhân viên của Công ty Hiển Vinh chủ động đến gặp một đơn vị xã hội của tỉnh để giới thiệu về dự án từ thiện và xã hội với hàng trăm tỷ đồng mà công ty này đang thực hiện. Sau khi nghe đơn vị này trình bày xin 16 tỷ đồng, nhân viên công ty liền đồng ý cho 15,5 tỷ đồng mỗi năm và cho 3 năm liên tiếp với tổng số tiền là 46,5 tỷ đồng. Khi yêu cầu làm hồ sơ, nhân viên Công ty Hiển Vinh yêu cầu phải giữ bí mật và không cho ai biết. Biết được việc làm bất thường và có nhiều mờ ám này, tôi đã báo cáo với lãnh đạo tỉnh và cơ quan Công an. Rất mừng là Báo Khánh Hòa đã thông tin kịp thời đến bạn đọc để họ đề phòng. Tuy nhiên, nếu chỉ có báo chí phản ánh mà cơ quan chức năng không vào cuộc thì sẽ còn nhiều người bị sập bẫy. Đề  nghị UBND tỉnh cùng ngành công an sớm có biện pháp kiểm tra”.


H.V (Ghi)


Tiến sĩ kinh tế Đinh Trung Dũng - Chuyên gia ngành tài chính và địa ốc tại TP. Hồ Chí Minh: Giấy chứng nhận cổ phần Công ty Hiển Vinh cho các tổ chức, cá nhân hoàn toàn không có giá trị


Công ty Hiển Vinh đã phát hành rất nhiều giấy chứng nhận CP cho rất nhiều cá nhân. Mặc nhiên, các cá nhân và tổ chức nhận CP này sẽ trở thành cổ đông góp vốn của công ty. Với số lượng phát hành nhiều như vậy thì Công ty Hiển Vinh đã trở thành công ty đại chúng.


Ở đây sẽ thấy công ty vi phạm quy định về tổ chức hoạt động đối với 1 công ty đại chúng. Bởi công ty đại chúng yêu cầu phải minh bạch tất cả các thông tin đầu tư và báo cáo tài chính, báo cáo thường niên..., phải tổ chức đại hội cổ đông thường niên và bầu hội đồng quản trị (HĐQT)... theo quy định của Luật Doanh nghiệp (DN) và pháp luật. Bên cạnh đó, công ty đại chúng phải thực hiện việc công bố thông tin như các tổ chức phát hành và niêm yết, công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ, công ty đầu tư chứng khoán, sở giao dịch chứng khoán, trung tâm giao dịch chứng khoán theo Thông tư 38/2007/TT-BTC hướng dẫn về việc công bố thông tin trên thị trường chứng khoán mới được Bộ Tài chính ban hành. Theo quy định, trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có báo cáo tài chính năm được kiểm toán, công ty đại chúng phải công bố thông tin định kỳ về báo cáo tài chính năm theo quy định. Nội dung công bố thông tin về báo cáo tài chính năm bao gồm: Bảng cân đối kế toán; báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh; báo cáo lưu chuyển tiền tệ; bản thuyết minh báo cáo tài chính theo quy định của pháp luật về kế toán.

 

  Giấy chứng nhận sở hữu CP của Công ty Hiển Vinh hoàn toàn không có giá trị (kèm theo phần ông Đinh Trung Dũng).
Giấy chứng nhận sở hữu CP của Công ty Hiển Vinh hoàn toàn không có giá trị


Có thể thấy, Công ty Hiển Vinh cấp giấy chứng nhận CP cho các tổ chức, cá nhân hoàn toàn không có giá trị, bởi công ty này chưa từng tổ chức đại hội đồng cổ đông. Hành vi này có thể là công ty muốn đánh bóng tên tuổi để biến thành một đại gia như một công ty lớn, mục đích để xin các dự án đầu tư để vay ngân hàng và trục lợi. Ngoài ra, theo các thông tin như báo nêu, chúng ta sẽ thấy các dự án từ thiện từ công ty này đều nhằm vào các chùa chiền, tổ chức tôn giáo, các dự án trồng rừng phủ xanh đồi núi, lâm sản... Vậy mục đích chính của công ty này là xin tài trợ và đầu tư từ các tổ chức phi chính phủ; bao gồm các tổ chức tài trợ cho phát triển tôn giáo và môi trường, xóa đói giảm nghèo... Hoặc có thể thông qua dự án từ thiện, công ty muốn tạo uy tín để tiếp cận với các tỉnh, huyện miền núi, vùng sâu vùng xa để xin dự án rồi trục lợi, vì các địa phương này thiếu thông tin và đang kêu gọi đầu tư.


P.V (Ghi)



Ông Trần Minh Hải - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư: Sẽ kiểm tra toàn bộ nội dung đăng ký kinh doanh của Công ty Hiển Vinh

 


Theo quy định của Luật DN, việc kê khai vốn điều lệ, các thông tin thành lập DN để đăng ký kinh doanh thì DN đó phải chịu trách nhiệm tính chính xác và tính trung thực trước pháp luật. CP là do công ty phát hành để huy động vốn điều lệ. Người mua CP phải thanh toán đầy đủ số tiền mua CP mới trở thành cổ đông của công ty và sở hữu số CP đã thanh toán. Cổ đông công ty có quyền cho, tặng, chuyển nhượng số CP của mình cho người khác nhưng phải thông qua hợp đồng cho, tặng, chuyển nhượng CP. Chủ tịch HĐQT công ty chỉ là người quản lý chung, không có quyền cho người khác CP của công ty. Như vậy, có thể khẳng định việc ông Cao Văn Xứng, Chủ tịch HĐQT công ty đứng ra ký giấy chứng nhận cho CP của công ty là không đúng với quy định của pháp luật. Điều đó có nghĩa là các giấy chứng nhận sở hữu CP của các tổ chức, cá nhân được Công ty Hiển Vinh cấp không có giá trị.


Sau khi Báo Khánh Hòa thông tin về Công ty Hiển Vinh, Sở sẽ chỉ đạo thành lập đoàn thanh tra để tiến hành kiểm tra toàn bộ nội dung đăng ký kinh doanh của Công ty Hiển Vinh gồm vốn điều lệ, các thông tin về cổ đông và quá trình góp vốn. Nếu phát hiện sai phạm, không đúng với thông tin đăng ký kinh doanh ban đầu thì Sở sẽ xử lý; nếu vượt quá thẩm quyền thì phối hợp với cơ quan chức năng để xử lý vi phạm của Công ty Hiển Vinh theo quy định của pháp luật.


V.A (Ghi)


Luật sư Nguyễn Hồng Hà - Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa: Phải làm rõ những điều bất thường mà báo nêu

 


Tuy Giấy chứng nhận đăng ký DN của Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Hiển Vinh (gọi tắt là Công ty Hiển Vinh) được Phòng Đăng ký kinh doanh Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp lần đầu vào năm 2007, thay đổi lần thứ 6 (ngày 16-12-2012) thể hiện vốn điều lệ công ty này trên 3.427 tỷ đồng, nhưng vốn đăng ký  rất lớn này chỉ là hình thức trên... giấy. Về nội dung, chưa có căn cứ xác thực rằng các cổ đông sáng lập công ty này đã góp đủ số vốn như đăng ký. Lý do đơn giản là Luật DN 2006 không yêu cầu các cổ đông sáng lập phải chứng minh phần vốn góp thực tế nên họ lợi dụng vào đó để đăng ký số vốn lớn, vượt xa với thực lực tài chính của công ty. Bên cạnh đó, việc góp vốn vào Công ty Hiển Vinh đã được các cổ đông sáng lập thực hiện hay chưa lại là việc hậu kiểm, là “chuyện dài nhiều tập” chưa có hồi kết. Sự thật đó chỉ xác định được khi phát sinh tranh chấp giữa các bên liên quan hoặc được các cơ quan có thẩm quyền thanh tra, kiểm tra trước những dấu hiệu bất thường (phải qua việc kiểm chứng các tài liệu chứng cứ xác thực) mới có thể kết luận việc góp vốn hàng ngàn tỷ đồng đó là thực hay ảo. Tuy nhiên, với thông tin ban đầu báo phản ánh, hiện Công ty Hiển Vinh đã cấp chứng nhận CP cho nhiều đối tượng có trị giá hàng chục tỷ đồng, với nội dung không thật đã thể hiện có những dấu hiệu bất minh ở đây.

 

Theo thông tin Báo Khánh Hòa điều tra được, ngoài các tổ chức, cơ sở tôn giáo và các cá nhân được trao từ thiện “trên giấy”, hiện có rất nhiều công ty ký kết với Công ty Hiển Vinh những hợp đồng góp vốn với trị giá hàng trăm tỉ đồng. Đặc biệt, những “hợp đồng ảo” này đã được cơ quan công chứng nhà nước tỉnh chứng thực. Từ một nguồn tiền ảo với cổ đông ảo, nhưng nếu sự thỏa thuận này được biến thành cơ sở để Công ty Hiển Vinh vay vốn của ngân hàng; hoặc biến nó thành công cụ để thực hiện những mục đích không minh bạch thì hậu quả thật khó lường. Sự thật này sẽ được chúng tôi phản ánh trong thời gian tới.

Như đã nói trên, Công ty Hiển Vinh thật sự có số vốn trên 3.427 tỷ đồng để có đủ năng lực tài chính làm từ thiện theo đúng nghĩa thì chưa có gì chứng minh. Hơn nữa, các nhà chùa, những người được chứng nhận sở hữu CP nhưng không có giao dịch nào với công ty này thì đương nhiên không có căn cứ nào để  được sở hữu CP hàng chục tỷ đồng đó. Vì vậy, việc nhà chùa hay các cá nhân trả lại giấy chứng nhận sở hữu CP trị giá “tiền tỷ” cho Công ty Hiển Vinh để khỏi vướng víu với những khoản tiền “từ thiện” bất thường là điều dễ hiểu. Các cơ quan có thẩm quyền cần làm  rõ những bất thường trong Dự án từ thiện và xã hội của  “khối liên doanh” mà Công ty này đang triển khai thực hiện. Theo tôi, nếu quả thật doanh nghiệp có khả năng tài chính, phát triển bền vững, thu được nhiều lợi nhuận từ  kết quả kinh doanh hợp pháp và có tâm, có đức làm từ thiện thì việc làm đó đáng trân trọng và sẽ được cộng đồng xã  hội tôn vinh, đó là quy luật cuộc sống. Ngược lại, nếu ai đó lợi dụng kẽ hở của Luật Doanh nghiệp, lợi dụng lòng tốt và thiếu hiểu biết pháp luật của những người tu hành, lợi dụng sự “khát vốn” của các đối tượng đang gặp khó khăn trong cuộc sống; không có vốn mà quảng bá là có vốn “khủng” chứng tỏ có đủ năng lực tài chính để thực hiện dự án trị giá hàng trăm tỷ đồng, làm cho các đối tác tin tưởng tiến hành các giao dịch góp vốn, chiếm dụng tài sản của cá nhân, tổ chức khác; hoặc có hành vi sử dụng các giấy tờ giao dịch không có thật biến hóa nó thành thật để thế chấp, vay vốn của ngân hàng hoặc cá nhân khác thì đó là hành vi gian dối. Về đạo là vi phạm giới luật, về đời có dấu  hiệu của hành vi lừa đảo. Vì vậy, qua thông tin báo chí, các cơ quan chức năng cần phải nhanh chóng thanh tra, kiểm tra để có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời, đừng để đến khi “mất bò mới lo làm chuồng”.


Tổ P.V