11:10, 11/10/2013

Quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời

Tôi và một người bạn hùn tiền để kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh, do không còn tin tưởng nhau nên 2 bên tự thỏa thuận chia tài sản để chấm dứt việc hợp tác. Theo thỏa thuận, đến nay người bạn còn thiếu tôi số tiền 600 triệu đồng nhưng cố tình không trả nên tôi định kiện ra Tòa. Trong quá trình làm thủ tục khởi kiện, tôi phát hiện người này đang âm thầm sang tên nhà cửa, tài sản......


Phạm Thị Ba (Vĩnh Trường, Nha Trang)

- Hỏi: Tôi và một người bạn hùn tiền để kinh doanh. Trong quá trình kinh doanh, do không còn tin tưởng nhau nên 2 bên tự thỏa thuận chia tài sản để chấm dứt việc hợp tác. Theo thỏa thuận, đến nay người bạn còn thiếu tôi số tiền 600 triệu đồng nhưng cố tình không trả nên tôi định kiện ra Tòa. Trong quá trình làm thủ tục khởi kiện, tôi phát hiện người này đang âm thầm sang tên nhà cửa, tài sản. Tôi có quyền yêu cầu các cơ quan chức năng ngưng việc sang tên nhà, chuyển quyền sở hữu tài sản của người này được không?


Phạm Thị Ba (Vĩnh Trường, Nha Trang)


- Trả lời: Việc bà muốn các cơ quan không thực hiện việc chuyển dịch quyền sở hữu tài sản được gọi là một trong những biện pháp khẩn cấp tạm thời, quy định tại điểm 7 Điều 102 Bộ Luật Tố tụng dân sự.


Theo quy định, bà có quyền yêu cầu Tòa án áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời chứ tự mình không thể trực tiếp yêu cầu các cơ quan liên quan không thực hiện việc chuyển dịch tài sản. Theo Điều 99 Bộ Luật Tố tụng dân sự, trong quá trình giải quyết vụ án, đương sự, người đại diện hợp pháp của đương sự hoặc cơ quan, tổ chức khởi kiện vụ án để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác có quyền yêu cầu Tòa án đang giải quyết vụ án đó áp dụng một hoặc nhiều biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật này để tạm thời giải quyết yêu cầu cấp bách của đương sự, bảo vệ chứng cứ, bảo toàn tình trạng hiện có, tránh gây thiệt hại không thể khắc phục được hoặc bảo đảm việc thi hành án.
Trong trường hợp do tình thế khẩn cấp, cần phải bảo vệ ngay bằng chứng, ngăn chặn hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra thì cá nhân, cơ quan, tổ chức có quyền nộp đơn yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại Điều 102 của Bộ luật này đồng thời với việc nộp đơn khởi kiện cho Tòa án đó.


Luật gia MINH HƯƠNG