10:10, 03/10/2013

Đưa tàu đi đánh cá ở vùng biển của nước ngoài bị xử lý nặng

Con trai tôi làm việc trên tàu đánh bắt cá xa bờ của một người quen. Đợt vừa rồi, cháu đi 3 tháng. Khi về, cháu kể chủ tàu đã chạy vào vùng biển của Philippines để đánh bắt cá. Tôi rất lo lắng vì nếu không may bị nước ngoài bắt được thì hậu quả rất khó lường.

- Hỏi: Con trai tôi làm việc trên tàu đánh bắt cá xa bờ của một người quen. Đợt vừa rồi, cháu đi 3 tháng. Khi về, cháu kể chủ tàu đã chạy vào vùng biển của Philippines để đánh bắt cá. Tôi rất lo lắng vì nếu không may bị nước ngoài bắt được thì hậu quả rất khó lường. Không biết pháp luật Việt Nam có quy định gì về vấn đề này hay không? Nếu bị bắt giữ thì con tôi có chịu trách nhiệm gì không vì cháu chỉ là người làm thuê trên tàu?


Nguyễn Bảy (Hòn Rớ, Phước Đồng, Nha Trang)


- Trả lời: Pháp luật không cho phép khai thác thủy sản trên vùng biển của quốc gia hoặc vùng lãnh thổ khác. Tùy vào mức độ vi phạm mà pháp luật có những hình thức xử lý khác nhau. Căn cứ vào Điều 12 Nghị định 103/2013/NĐ-CP ngày 12-9-2013 quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thủy sản, nếu chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng có hành vi cố ý đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác thì sẽ bị phạt tiền từ 50 - 70 triệu đồng.


Ngoài việc bị xử phạt, thuyền trưởng và chủ tàu còn bị tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng và giấy phép khai thác thủy sản từ 3 đến 6 tháng. Đồng thời, buộc họ phải có trách nhiệm chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ về nước.


Trong trường hợp phát hiện có hành vi môi giới, tổ chức đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác thì người có thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực này sẽ phải chuyển hồ sơ vụ việc sang cơ quan điều tra để xử lý theo quy định của pháp luật hình sự.


Luật gia MINH HƯƠNG